Dù nền văn hóa nước mình chịu nhiều ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa Trung Hoa nhưng vẫn dễ nhận thấy có nhiều điểm khác biệt giữa Tết Việt Nam và Tết Trung Quốc.
Nguồn gốc Tết Trung Quốc
Tết Cổ Truyền ở Trung Quốc hay còn gọi là Xuân Tiết có xuất xứ từ văn hóa “Tế lễ tháng chạp” thời vua Nghiêu đế Thuấn với lịch sử hơn 4000 năm. Đương truyền khi vua Thuấn trở thành hoàng đế đứng đầu triều đình xưa, ông đã tổ chức cúng tế bày tỏ lòng biết ơn trời đất vào ngày mồng một tháng Giêng âm lịch.
Kể từ đó, dân chúng xem đây là ngày lành, cứ tới ngày này hàng năm là lại ăn mừng một năm mới bình an, hạnh phúc. Dần dần phong tục này càng lúc càng thêm linh đình, thời gian được kéo dài thêm, cuối cùng là hình thành nên những ngày Tết như ngày nay.
Ngoài ra, cũng có giả thuyết dịp Tết của Trung Quốc bắt nguồn từ một cuộc chiến chống lại con Niên trong truyền thuyết.
Niên là tên một con quái vật hay xuất hiện vào đêm giao thừa để phá hoại gia súc, mùa màng và người dân trong làng khiến ai ai cũng khiếp sợ. Vào một hôm nọ, có một bà lão tốt bụng đưa cho một người ăn xin nghèo khổ bát cơm. Trong lúc trò chuyện, bà lão buột miệng than về con quái vật đêm giao thừa kia với người ăn xin. Nghe thế, người này mới mách với bà rằng để xua đuổi con Niên thì hãy mặc đồ đỏ, treo lồng đèn, câu đối đỏ trước nhà và đốt pháo. Bà lão kể với dân làng để Tết năm đó làm theo người ăn xin nói, và đúng là màu đỏ sặc sỡ cùng âm thanh đùng đùng của pháo đã dọa được con Niên bỏ chạy.
Từ đó hàng năm mọi người đều làm những hoạt động đó vào dịp đầu năm mới để con Niên không quay lại nữa. Cuối cùng, con Niên bị Hồng Quân Lão Tổ, thầy của vị thần tối cao Tam Thanh trong thần thoại thu phục làm vật cưỡi. Đó cũng là khởi nguồn của những phong tục truyền thống ngày Tết Cổ Truyền của người Hoa.
Nguồn gốc Tết Việt Nam
Tết Cổ Truyền là dịp lễ hội mừng năm mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng của Việt Nam. Hiện nay có rất nhiều tranh cãi cho rằng Tết ở Việt Nam thực ra có nguồn gốc từ Trung Quốc và đã được du nhập vào nước ta trong thời gian 1000 năm Bắc thuộc, dao động từ 2852 TCN – 2205 TCN khi Tam Hoàng Ngũ Đế còn trị vì. Điều này cũng được cho là có cơ sở do nền văn hóa nước ta từng chịu nhiều ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa Trung Hoa trong thời kì đô hộ.
Tuy nhiên, trong sách sử Việt Nam cũng có dòng ghi nhận hiếm hoi rằng: “Họ Hồng Bàng dựng nước Văn Lang từ năm Nhâm Tuất 2879 TCN, trị vì cả 2622 năm… và từ thời đó, người Việt ta đã ăn Tết”, có nghĩa là Tết xuất hiện trước cả thời Bắc thuộc. Thêm một bằng chứng nữa đó là trong sự tích “Bánh chưng, bánh giầy”, hai loại bánh này được con trai thứ 18 của Vua Hùng VI là Lang Liêu tạo ra để tỏ lòng biết ơn đến vụ mùa thu hoạch và có lịch sử lâu đời trước cả thời kì đô hộ.
Như vậy, có thể thấy rằng Tết Việt Nam vốn không khởi nguồn từ Trung Quốc mà xuất phát từ nền văn minh nông nghiệp lúa nước của dân tộc.
Những điểm tương đồng giữa Tết Việt Nam và Tết Trung Quốc
- Tết ở Việt Nam và Trung Quốc đều được tổ chức theo Âm lịch.
- Tết đối với người Việt và người Hoa đều là lễ hội quan trọng vừa để tạm biệt năm cũ, chào mừng năm mới vừa để gia đình có cơ hội sum vầy và cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp trong tương lai.
- Tết là dịp thờ cúng tổ tiên và bày tỏ lòng biết ơn đến bậc ông bà cha mẹ.
- Tết cũng là dịp sắm sửa quần áo, thực phẩm và trang hoàng cho ngôi nhà thật đầy đủ và sạch sẽ đón một năm mới may mắn và đầy hi vọng.
- Nhắc đến Tết ở hai quốc gia này là sẽ nhớ ngay đến màu đỏ, màu tượng trưng cho sự may mắn và như ý.
- Đốt pháo là một hoạt động không thể thiếu trong những ngày Tết vì người dân tin làm thế có thể xua đuổi tà ma và những điềm gở trong năm mới. Tuy nhiên, hoạt động này đã bị cấm ở Việt Nam từ năm 1995 và hạn chế ở một số khu vực tại Trung Quốc những năm gần đây để giảm thiểu tai nạn đáng tiếc.
- Những màn múa lân điêu luyện là đặc sản của những ngày Tết đến xuân về làm ai cũng háo hức trông đợi được xem.
- Đêm giao thừa là lúc nhà nào cũng sẽ tổ chức bữa cơm tất niên ấm cúng bên gia đình, sau đó sẽ ngắm pháo hoa tuyệt đẹp trên bầu trời đêm, đánh dấu khoảnh khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới.
- Trẻ em sẽ nhận lì xì mừng tuổi đầu năm từ ông bà, cha mẹ cùng những lời chúc tốt đẹp, chỉ có khác ở chỗ bao lì xì ở Trung Quốc sẽ được gọi là “hồng bao”.
Những điểm khác biệt giữa Tết Việt Nam và Tết Trung Quốc
- Đầu tiên là khác biệt về tên gọi, Tết Âm lịch ở Việt Nam được gọi là Tết Nguyên Đán trong khi Tết Nguyên Đán của người Hoa lại là ngày mùng 1 tháng 1 Dương lịch, còn Tết Âm lịch được gọi là Xuân Tiết.
- Dù đều đón Tết theo Âm lịch nhưng thời gian nghỉ Tết của hai nước là khác nhau. Việt Nam bắt đầu hừng hực không khí đón tết từ sau lễ cúng tiễn Táo quân về chầu trời ngày 23 tháng Chạp cho đến hết mùng 7 tháng Giêng trong khi ở Trung Quốc Tết bắt đầu sớm và kết thúc muộn hơn, từ mùng 8 tháng Chạp đến tận 15 tháng Giêng.
- Nguồn gốc ngày Tết của hai nước cũng khác nhau. Dân tộc Việt Nam đón Tết với tâm thế vui mừng sau nhiều vụ mùa vất vả, cực nhọc còn Tết của người Hoa bắt nguồn từ truyền thuyết xua đuổi con quái vật tên Niên xa xưa.
- Về cách trang trí căn nhà, trong khi người Trung Quốc thích dán chữ “Phúc” ngược trước nhà với ngụ ý “Phúc đáo” – “Phúc lại đến” thì người Việt có phong tục dựng cây nêu trước nhà để xua đuổi ma quỷ, cầu bình an.
- Cây quất, cành đào, cành mai là các loại cây được người Việt tin sẽ đem lại thịnh vượng và xua đuổi ma quỷ khi để trưng ngày tết, còn người Trung Quốc thì lại có thú chơi hoa mơ, thủy tiên và cây cà tím.
- Ẩm thực của cả hai quốc gia vào ngày lễ lớn như Tết là vô cùng phong phú: Việt Nam có những món đặc trưng đón Tết như bánh chưng, bánh tét, chả giò, chả lụa, thịt kho hột vịt, canh khổ qua,… thì Trung Quốc cũng không kém cạnh với bánh Niên cao, bánh củ cải, há cảo, gà Kung Pao, vịt quay Bắc Kinh, mì sợi dài,…
Xem video sau để có hình dung rõ hơn về sự giống và khác giữa Tết Việt Nam và Trung Quốc:
Một số bài viết tham khảo thêm:
- 35 câu nói truyền cảm hứng bằng tiếng Anh giúp vượt qua cơn bão COVID-19
- Những truyền thống, phong tục làm nên “hồn” Tết: Dù bận rộn tới đâu cũng đừng quên nhé!
- 5 kiểu áo dài Tết xinh xắn cho những ngày đầu năm