Tài năng nghệ thuật thường đi kèm với cái giá của nó. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng với các tác phẩm mà chúng ta vô cùng ngưỡng mộ đã bị ám ảnh bởi chứng trầm cảm và những căn bệnh tâm lý khác. Cùng BlogAnChoi tìm hiểu 7 nghệ sĩ mắc bệnh tâm lý và căn bệnh đó đã ảnh hưởng đến những tác phẩm của họ như thế nào.

1. Vincent Van Gogh

Vincent Van Gogh (1853-1890) là họa sĩ thiên tài người Hà Lan nổi tiếng với các bức tranh phong cảnh, tĩnh vật và chân dung tự họa. Ông là ví dụ nổi tiếng nhất về nghệ sĩ mắc bệnh tâm lý từ trước đến nay. Van Gogh đã phải chịu đựng chứng lo âu và trầm cảm trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình, và ông từng viết, “Tôi đặt cả trái tim và tâm hồn mình vào công việc của mình, và mất trí trong quá trình này”.

Chân dung họa sĩ Vincent Van Gogh (Nguồn: Internet).
Chân dung họa sĩ Vincent Van Gogh (Nguồn: Internet).

Cái chết của ông vào năm 1890 thường được chấp nhận là một vụ tự sát. Có nhiều giả thuyết được đặt ra về các bệnh tâm lý mà ông mắc phải như động kinh, rối loạn lưỡng cực, rối loạn nhân cách ranh giới, rối loạn chuyển hóa porphyrin từng đợt cấp tính, nhiễm độc chì, bệnh Ménière, tâm thần phân liệt, rối loạn phân liệt, rối loạn sử dụng chất kích thích, rối loạn tự gây thương tích và rối loạn lo âu.

Sau khi qua đời, Van Gogh được biết đến nhiều hơn và ngày nay được coi là một trong những nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nghệ thuật phương Tây. Tác phẩm của ông với những nét vẽ và màu sắc đậm nét không chỉ cho thấy một trí óc bị hành hạ bởi bệnh tật mà còn cho thấy tài năng kiệt xuất.

Bức tranh Quán cà phê đêm ở quảng trường Place du Forum (1888) (Ảnh: Internet).
Bức tranh Quán cà phê đêm ở quảng trường Place du Forum (1888) (Ảnh: Internet).

Van Gogh đã có một thời gian sống trong bệnh viện tâm thần, tại đó ông đã tạo ra các kiệt tác như bức tranh Đêm đầy sao và nhiều bức chân dung tự họa nổi tiếng của mình. Một số chuyên gia tin rằng Van Gogh cũng bị quá liều xanthophyll và điều đó ảnh hưởng đến nghệ thuật của ông, vì ông có thể nhìn thấy nhiều màu vàng hơn, tăng cường màu vàng trong các bức tranh của mình.

2. Edvard Munch

Danh họa người Na Uy, Edvard Munch (1863-1944), tác giả của bức tranh “Tiếng thét” nổi tiếng, một trong những tượng đài của trường phái biểu hiện, đã từng viết: “Tôi không thể giũ bỏ những bệnh tật của mình, bởi nhiều điều trong tâm hồn nghệ thuật của tôi chỉ nhờ những chứng bệnh ấy mà tồn tại.”

Chân dung của họa sĩ Edvard Munch. (Nguồn: Internet)
Chân dung của họa sĩ Edvard Munch. (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân gây ra các vấn đề về tâm thần của Edvard Munch chính là hoàn cảnh gia đình. Mẹ và một em gái của ông đã mất vì bệnh lao khi ông còn rất trẻ, còn cha bị trầm cảm. Một người chị em gái khác của ông cũng mắc chứng tâm thần phân liệt. Đến năm 1908 Munch đã suy sụp tinh thần và chứng nghiện rượu càng làm bệnh tình của ông nặng hơn. Ông được đưa vào điều trị tại một trung tâm sức khỏe tâm thần tại Đan Mạch.

Bên cạnh những căn bệnh tâm lý, danh họa này còn phải trải qua nhiều khó khăn khác. Năm 1937, các tác phẩm của ông bị chính quyền độc tài chiếm đoạt và kết tội là “Nghệ thuật suy đồi”. Edvard Munch đã viết rằng “Bệnh tật, sự điên rồ, và cái chết là những thiên thần đen tối trông giữ cho cái cũi của tôi.”

Bức ảnh Tiếng thét nổi tiếng của Edvard Munch. (Nguồn: Internet)
Bức ảnh Tiếng thét nổi tiếng của Edvard Munch. (Nguồn: Internet)

Ông đã được chẩn đoán mắc chứng suy nhược thần kinh, một bệnh lý có liên quan đến chứng loạn thần và rối loạn lo âu về sức khỏe. Điểm đặc trưng dễ nhận thấy trong tranh vẽ của ông là cảm giác tuyệt vọng và đau khổ khôn cùng, với các nét vẽ và màu sắc thường thể hiện trạng thái tâm lý của chính tác giả.

3. Louis Waine

Louis Wain (1860-1939) là một họa sĩ người Anh, nổi tiếng với những bức tranh vẽ mèo theo hướng nhân hóa. Mặc dù ngày nay còn ít người nhớ tới nhưng Louis Wain từng rất nổi tiếng hồi đầu thế kỷ 20. Sau này ông thường bị coi là sa sút “thảm hại” do sức khỏe tâm thần, bằng chứng là sự thay đổi rõ rệt về phong cách nghệ thuật.

Chân dung họa sĩ Louis Wain. (Nguồn: Internet)
Chân dung họa sĩ Louis Wain. (Nguồn: Internet)

Những chú mèo trong tranh của Wain có đôi mắt to tròn, thường tham gia các hoạt động xã hội như vui chơi hay hẹn hò. Ban đầu chúng được Wain vẽ ra chỉ để làm vui lòng người vợ, mặc dù lúc đó ông đã gây dựng được tên tuổi đối với công chúng. Bất hạnh thay, chỉ một thời gian ngắn sau khi kết hôn, người vợ mà ông yêu thương đã qua đời vì ung thư.

Sự ra đi của người vợ dẫn đến đau buồn và tuyệt vọng cùng cực trong suốt cuộc đời vị họa sĩ này. Ở tuổi 57, ông được chẩn đoán mắc chứng tâm thần phân liệt, một căn bệnh không những tác động lên tư duy mà còn ảnh hưởng đến hành vi của con người. Wain bắt đầu hành xử hung bạo và phải sống trong các viện tâm thần suốt 15 năm cuối đời.

Louis Wain nổi tiếng với những bức tranh vẽ mèo. (Nguồn: Internet).
Louis Wain nổi tiếng với những bức tranh vẽ mèo. (Nguồn: Internet).

Không chỉ tính cách bị ảnh hưởng bởi bệnh tật, mà các bức tranh của Louis Wain cũng dần dần thay đổi phong cách khác với ban đầu. Những chú mèo tươi cười và hạnh phúc dần chuyển sang phong cách khác: Hình khối và sặc sỡ. Hầu hết các bức tranh mang dấu ấn ảo giác này được vẽ trong thời gian Wain ở Bệnh viện Napsbury, cũng là nơi ông qua đời.

4. Francisco de Goya

Francisco de Goya (1746-1828) được coi là nghệ sĩ Tây Ban Nha quan trọng nhất ở cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Các bức tranh, bản vẽ và điêu khắc của ông phản ánh những biến động lịch sử đương thời và ảnh hưởng đến các họa sĩ tên tuổi trong thế kỷ 19 và 20.

Chân dung họa sĩ Francisco de Goya. (Nguồn: Internet)
Chân dung họa sĩ Francisco de Goya. (Nguồn: Internet)

Vào năm 46 tuổi, Goya bị mất thính giác và bị bệnh nặng chưa được chẩn đoán vào thời đó. Việc ông bị điếc có một số cách lý giải, chẳng hạn như do bệnh giang mai hoặc nhiễm độc chì. Tuy nhiên cũng có dấu hiệu rối loạn tâm thần khiến sự nghiệp nghệ thuật của ông bị ảnh hưởng. Ngày nay nhiều người suy đoán rằng Goya đã mắc phải “Hội chứng Susac”, một tình trạng gây mất thính lực và thị lực, ngoài ra còn ảnh hưởng đến não và thăng bằng.

Bức vẽ Witches in the Air (năm 1797) của Francisco Goya. (Nguồn: Internet)
Bức vẽ Witches in the Air (năm 1797) của Francisco Goya. (Nguồn: Internet)

Ảo giác và mê sảng cũng thường xuyên xảy ra trong giai đoạn bệnh nặng nhất của Francisco de Goya. Các yếu tố bên ngoài như Chiến tranh Napoléon cũng có tác động rất mạnh. Trong các tác phẩm của mình, Goya thường khắc họa nỗi sầu muộn của con người, những bức tranh miêu tả nỗi đau khổ ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

5. Mark Rothko

Mark Rothko (1903-1970), là một họa sĩ tranh trừu tượng người Mỹ. Ông bị trầm cảm từng đợt và nghiện rượu nặng. Tận mắt chiêm ngưỡng những màu sắc rung động trong các bức tranh khổ lớn của Rothko tại bảo tàng là một trải nghiệm mang cảm giác huyền bí mà bạn không nên bỏ qua.

Chân dung họa sĩ Mark Rothko. (Nguồn: Internet)
Chân dung họa sĩ Mark Rothko. (Nguồn: Internet)

Đầu năm 1968, Rothko được chẩn đoán mắc chứng phình động mạch chủ nhẹ. Ông bỏ qua lời khuyên của bác sĩ và tiếp tục uống rượu, hút thuốc và lối sống không lành mạnh. Bạn của ông là nhà phê bình nghệ thuật Dore Ashton lúc đó đã nói rằng Rothko “rất lo lắng, gầy gò, bồn chồn”.

Mark Rothko được xem là bậc thầy về màu sắc. (Nguồn: Internet)
Mark Rothko được xem là bậc thầy về màu sắc. (Nguồn: Internet)

Ngày 25/02/1970, trợ lý của Rothko phát hiện ông nằm chết trên sàn nhà bếp với đầy máu. Ông đã dùng quá liều thuốc an thần và dùng lưỡi dao cạo cắt một động mạch ở tay phải. Không có thư tuyệt mệnh. Đến nay Mark Rothko vẫn được coi là một trong những họa sĩ trừu tượng hiện đại có ảnh hưởng nhất.

6. Yannoulis Chalepas

Yannoulis Chalepas (1851–1938) là nhà điêu khắc và là một nhân vật quan trọng của nghệ thuật Hy Lạp hiện đại. Năm 1878, Chalepas bị suy nhược thần kinh đến nỗi tự phá hủy một số tác phẩm điêu khắc của mình và cố tự sát vài lần. Tình trạng ngày càng tồi tệ hơn và từ ngày 11/7/1888 đến ngày 6/6/1902, ông được đưa vào Bệnh viện Tâm thần Corfu.

Chân dung nhà điêu khắc Yannoulis Chalepas. (Nguồn: Internet)
Chân dung nhà điêu khắc Yannoulis Chalepas. (Nguồn: Internet)

Năm 1901 cha ông qua đời và năm sau đó mẹ ông đến Corfu đưa ông đến Tinos. Sau khi trở về, Chalepas sống dưới sự giám sát nghiêm ngặt của mẹ, người cho rằng điêu khắc chính là nguyên nhân gây nên bệnh tật của con trai mình và do đó ngăn cản ông tạc tượng, phá hủy mọi thứ ông tạo ra.

Chalepas bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật của mình một cách tương đối lặng lẽ và thậm chí còn mở một xưởng may ở Athens sau khi học ở Munich. Tuy nhiên, vào khoảng năm 1878, ông bắt đầu xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của bệnh tâm thần. 10 năm sau ông được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ khi mới 36 tuổi.

Tác phẩm điêu khắc của Yannoulis Chalepas. (Nguồn: Internet)
Tác phẩm điêu khắc của Yannoulis Chalepas. (Nguồn: Internet)

Mẹ của Chalepas tin rằng nghệ thuật thực sự có liên quan tới bệnh của con trai mình, vì vậy bà đã cố gắng không cho ông điêu khắc. Chỉ sau khi bà qua đời năm 1916, ông mới thực sự trở lại làm việc. Các nhà nghiên cứu cho rằng trong giai đoạn này ông bắt đầu tạo ra các tác phẩm điêu khắc tự do hơn và không quá gò bó bởi những lý tưởng tân cổ điển.

Căn bệnh tâm thần mà Chalepas mắc phải không ảnh hưởng trực tiếp đến phong cách của ông, nhưng đã lấy đi của ông vài thập kỷ không có tác phẩm nào được tạo ra hoặc chúng bị phá hủy ngay sau khi ra đời.

7. Michelangelo Buonarroti

Tên đầy đủ của ông là Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni (1475-1564), thường được gọi là Michelangelo, là một họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà thơ và kỹ sư thời kỳ Phục hưng ở nước Ý. Các bức tranh và tác phẩm điêu khắc của Michelangelo nằm trong số những tác phẩm đẹp nhất trên thế giới và hầu như ai cũng muốn một lần đến Ý để xem tác phẩm của ông.

Chân dung của Michelangelo Buonarroti. (Nguồn: Internet)
Chân dung của Michelangelo Buonarroti. (Nguồn: Internet)

Michelangelo đã tạo ra một lượng lớn tác phẩm với các chi tiết vô cùng tỉ mỉ, khiến một số nhà sử học nghệ thuật suy đoán rằng ông mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Ông cũng bị trầm cảm và lo lắng, khép mình với thế giới trong nhiều ngày liền để làm việc, quên cả ăn hoặc thay quần áo.

Trong một bức thư gửi cho cha mình, Michelangelo viết: “Con sống trong một cuộc sống khốn khổ và không nghĩ đến cuộc sống cũng như danh dự – đó là của thế giới này; Con sống mệt mỏi bởi những lao động tuyệt vời và bị bủa vây bởi hàng ngàn nỗi lo lắng. Và như vậy, con đã sống mười lăm năm nay và chưa bao giờ có được hạnh phúc bằng một giờ.”

Bức vẽ The creation of Adam. (Nguồn: Internet)
Bức vẽ The creation of Adam. (Nguồn: Internet)

Những người yêu nghệ thuật đến ngày nay vẫn cảm thấy biết ơn sâu sắc rằng Michelangelo và những nghệ sĩ đại tài khác đã kiên trì bất chấp bệnh tật để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật để đời.

Những chủ đề xoay quanh các bệnh lý tâm thần và nghệ thuật thường được bàn luận rất nhiều, đặc biệt là trong những năm gần đây. Rất nhiều người đã phải sống chung với bệnh tâm thần và ngay cả những nhân vật nổi tiếng cũng vậy.

Hãy để lại suy nghĩ dưới phần bình luận và theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều tin tức thú vị.

Đọc thêm những bài viết khác tại đây:

Xem thêm

5 dấu hiệu cảnh báo bạn đang lão hóa và già trước tuổi, đừng xem thường!

Lão hóa là vấn đề không ai muốn phải đối mặt, nhưng theo thời gian nó vẫn xảy đến và thậm chí một số người có thói quen ăn uống và sinh hoạt không tốt thì lão hóa còn đến sớm hơn bình thường. Cùng xem 5 dấu hiệu cảnh báo bạn đang lão hóa và già trước tuổi ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận