Biến đổi khí hậu, tác động của con người lên môi trường và những nguyên nhân khác đã khiến nhiều loài động vật dần ít đi, thậm chí là biến mất trong tự nhiên và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Hôm nay, cùng BlogAnChoi điểm qua 10 loài chim quý hiếm nhất thế giới nhé!
1. Chim Nuthatch Bahama
Chim Nuthatch Bahama là loài đặc hữu của các vườn thông trên đảo Grand Bahama ở Bahamas. Loài chim này được cho là có thể đã tuyệt chủng sau cơn bão Dorian năm 2019. Trước đó, số lượng chim Nuthatch Bahama đã còn rất ít bởi môi trường sống bị phá hủy và suy thoái, thiệt hại do hỏa hoạn, bão và sự có mặt của các loài xâm lấn. Chim Nuthatch Bahama chính thức được coi là cực kỳ nguy cấp và rất có thể đã tuyệt chủng. Dù vậy, Sách đỏ IUCN vẫn cho rằng loài này có khả năng tồn tại nhưng số lượng là rất ít.
2. Quạ Hawaii
Quạ Hawaii là một loài chim trong họ quạ. Trước khi tuyệt chủng trong tự nhiên, chúng chỉ được tìm thấy ở các vùng phía tây và đông nam của Hawaii, trong các khu rừng khô và ẩm ướt trên các sườn núi Mauna Loa và Hualālai. Quạ Hawaii có bộ lông mềm màu đen nâu, chân và mỏ có màu đen. Hiện tại, quạ Hawaii là loài quạ có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới. Không chỉ có số lượng cá thể ít, việc nhân giống quạ Hawaii trong điều kiện nuôi nhốt cũng gặp khó khăn do tình trạng cận huyết của quần thể còn lại và vấn đề đẻ trứng không có phôi thường xảy ra ở loài này.
3. Chim sẻ bụi Antioquia
Chim sẻ bụi Antioquia là loài chim thuộc họ Passerellidae. Đây là một loài chim ít được biết đến và được cho là đã tuyệt chủng từ nhiều năm trước. Năm 2018, chim sẻ bụi Antioquia lần nữa được phát hiện tại San Pedro de los Milagros. Tính đến nay, số lượng chim sẻ bụi Antioquia được thấy lại khoảng trên 20 con.
4. Chim sẻ Stresemann’s Bristlefront
Chim sẻ Stresemann’s Bristlefront là loài chim đặc hữu của Brazil. Chúng là loài chim cỡ trung, đuôi dài, có phần lông trán dài và nhọn đặc trưng. Bộ lông con trống phần lớn là màu xám đen, riêng phần mông có màu nâu hạt dẻ. Con mái có bộ lông màu nâu quế, riêng phần lông đuôi (mặt trên) lại có màu nâu sẫm. Chim Stresemann’s Bristlefront là một trong những loài chim quý hiếm nhất trên trái đất. IUCN đã đánh giá loài này là loài cực kỳ nguy cấp và cho rằng có ít hơn 50 cá thể trưởng thành còn sống sót.
5. Cú mèo New Caledonian
Cú mèo New Caledonian là một loài chim trong họ Aegothelidae, là loài đặc hữu của thảo nguyên Melaleuca và các khu rừng ẩm ướt của New Caledonia. Cú mèo New Caledonian là một loài chim cú mèo lớn với bộ lông màu xám nâu và đen, có đuôi dài, hơi tròn, đôi cánh ngắn, tròn và đôi chân dài, chắc khỏe. Cú mèo New Caledonian còn được gọi là chim cú mèo bí ẩn vì chỉ được biết đến từ hai mẫu vật được chụp vào năm 1880 và 1915. Lần gần đây nhất người ta nhìn thấy chim cú mèo New Caledonian là vào năm 1998 khi nó đang kiếm ăn vào lúc chạng vạng ở Thung lũng Rivière Ni. Người ta ước tính loài này loài vẫn còn tồn tại nhưng với số lượng nhỏ, không đến 50 cá thể. Hiện, vẫn chưa có chương trình bảo tồn nào dành cho cú mèo New Caledonian vì chúng rất hiếm và khó tìm.
6. Vẹt hoàng đế
Vẹt hoàng đế hay vẹt Dominica là là loài đặc hữu của quốc đảo Dominica thuộc vùng Caribe, chủ yếu được tìm thấy ở rừng mưa nhiệt đới trên núi ở độ cao khoảng 600-1.300m so với mực nước biển. Vẹt hoàng đế có kích thước khá lớn so với các loài cùng chi với chiều dài trung bình là 48cm, cân nặng khoảng 650-900g. Chim trống và chim mái có bộ lông giống hệt nhau với phần đầu, ngực và bụng có màu tím sẫm trong khi phần lưng, cánh và đuôi có màu xanh lục nổi bật. Sự tàn phá của các cơn bão, nạn săn bắt và buôn bán trái phép và sự cạnh tranh khắc nghiệt trong môi trường sống tự nhiên,…đã khiến loài này bị sụt giảm nghiêm trọng. Đến năm 2019, người ta ước tính chỉ có khoảng 50 các thể trưởng thành trong tự nhiên.
7. Chim bồ câu đất mắt xanh
Chim bồ câu đất mắt xanh là một loài chim trong họ Columbidae và cũng là loài đặc hữu của vùng Cerrado, Brazil. Chim bồ câu đất mắt xanh dài khoảng 15,5 cm; lông đầu, cổ, ngực và đuôi có màu nâu đỏ trong khi phần lưng và cánh có màu nâu sẫm còn phần lông bụng lại có màu nâu nhạt. Nhìn tổng thể thì chim mái sẽ có màu nhạt hơn chim trống. Như tên gọi, đôi mắt màu xanh biếc chính là đặc điểm nổi bật nhất của loài chim này. Chim bồ câu đất mắt xanh đã “biến mất” từ những năm 1940 và chỉ mới được phát hiện lại vào năm 2015. Với số lượng cá thế ít ỏi, IUCN đã đánh giá chim bồ câu mắt xanh là loài cực kỳ nguy cấp.
8. Chim sâu Cebu
Chim sâu Cebu là một loài chim thuộc chi Dicaeum trong họ Chim sâu và là loài đặc hữu của đảo Cebu ở Philippines. Ở chim sâu Cebu, đặc điểm ngoại hình của chim trống và chim mái có sự khác biệt khá lớn khi chim trống sẽ có màu sắc đa dạng và sặc sỡ hơn còn chim mái thường có màu nâu ở phần thân trên và vàng nhạt ở phần bụng. Chim sâu Cebu được cho là đã tuyệt chủng vào đầu thế kỉ 20 nhưng sau đó lại được phát hiện vào năm 1992. Dù hiện đã có nhiều nỗ lực bảo vệ nhưng người ta ước tính số lượng chim sâu Cebu chỉ có khoảng 85 đến 105 cá thể.
9. Vịt đầu nâu Madagascar/Vịt trời Madagascar
Vịt đầu nâu Madagascar là là một loài vịt lặn cực kỳ hiếm thuộc chi Aythya. Vịt đầu nâu Madagascar non sẽ có màu lông màu nâu nhạt hoặc màu hạt dẻ trong khi vịt trưởng thành có màu sẫm hơn. Loài này chỉ sống ở các vùng đất ngập nước nội địa ở Madagascar, chúng không di cư, thường không tụ thành đàn và chủ yếu được tìm thấy theo cặp hoặc đơn lẻ. Vịt đầu nâu Madagascar được cho là đã tuyệt chủng vào cuối những năm 1990. Tuy nhiên, vào năm 2006, người ta đã phát hiện chúng tại hồ Matsaborimena gần Bemanevika ở Madagascar. Sau những nỗ lực nhân giống và bảo vệ, đã có 90 cá thể vịt đầu nâu Madagascar vào năm 2017. Vào cuối năm 2018, những cá thể này đã được thả về tự nhiên. Dù hiện tại số lượng vịt đầu nâu Madagascar đã tăng lên nhưng con số này vẫn còn là quá ít.
10. Vẹt đuôi dài xanh
Vẹt đuôi dài xanh là loài vẹt đuôi dài đặc hữu của Brazil, thường sống ở các khu rừng rậm nhiệt đới ở Trung và Nam Mỹ. Vẹt đuôi dài xanh dài khoảng 55-57cm, ngoại hình của chim trống và chim mái giống hệt nhau với bộ lông có màu xanh xám ở đầu, phần bụng xanh nhạt trong khi phần lưng, cánh và đuôi có màu xanh lam rực rỡ. Loài chim này đã bị tuyệt chủng hoàn toàn khỏi môi trường sống tự nhiên và sau một cuộc khảo sát kéo dài nhiều năm, IUCN đã chính thức tuyên bố loài chim này đã tuyệt chủng trong tự nhiên vào năm 2019. Sau nhiều nỗ lực bảo tồn, số lượng vẹt đuôi dài xanh hiện đã tăng lên khoảng 200 cá thể, tuy nhiên, số lượng này vẫn là rất ít.
Bạn có thể quan tâm:
- 5 loài hoa xinh đẹp nhưng kỳ lạ mà bạn có thể chưa biết
- Khám phá 5 loài động vật màu hồng tuyệt đẹp
- Top 5 địa điểm lạnh nhất thế giới có thể bạn chưa biết
Mọi ý kiến đóng góp của các bạn đều rất quan trọng đối với mình, hãy để lại comment để mình có thể tiếp thu và cải thiện bài viết hơn nhé.