Âm nhạc có thể tác động lớn đến tâm trạng của chúng ta. Nhịp điệu nhanh làm chúng ta phấn chấn và kích thích tập luyện thể dục, những bài hát chậm khiến chúng ta cảm thấy bâng khuâng và u sầu, còn âm nhạc êm dịu giúp chúng ta chìm vào giấc ngủ. Chữa lành bằng âm thanh là một phương pháp có từ xa xưa, sử dụng sức mạnh của rung động âm thanh để thúc đẩy quá trình chữa bệnh và thư giãn.

Âm thanh có những rung động ảnh hưởng đến chúng ta ở cấp độ thần kinh, sinh lý và sinh hóa. Nếu bạn đã nghe đến khái niệm chữa lành bằng âm thanh hoặc bạn muốn thử phương pháp này thì dưới đây là những điều bạn cần biết.

Chữa lành bằng âm thanh là gì?

Đây là một phương pháp chăm sóc sức khỏe đã có từ thời cổ xưa để chữa bệnh, thư giãn và chăm sóc bản thân. Một buổi trị liệu bằng âm thanh sẽ cho bạn nằm trong một khung cảnh ấm cúng và thoải mái, nhắm mắt lại và tập trung vào âm thanh của các nhạc cụ như chuông, chiêng và bát kim loại.

Chữa lành bằng âm thanh (Ảnh: Internet)
Chữa lành bằng âm thanh (Ảnh: Internet)

Sự rung động của âm thanh có tác động mạnh đến tâm trí và cơ thể của chúng ta. Nghiên cứu cho thấy chữa lành bằng âm thanh có thể làm chậm sóng não và đưa cơ thể vào trạng thái rất thư giãn, mơ màng, thậm chí cũng có thể giúp điều trị một số vấn đề sức khỏe về thể chất và tinh thần.

Nhưng chính xác thì một buổi trị liệu bằng âm thanh được thực hiện như thế nàoì?

Các buổi trị liệu bằng âm thanh thường được gọi là “tắm âm thanh” vì mục đích là để cơ thể đắm chìm trong âm thanh và để chúng cuốn trôi bạn.

Để cho cơ thể đắm chìm trong âm thanh (Ảnh: Internet)
Để cho cơ thể đắm chìm trong âm thanh (Ảnh: Internet)

Chuyên gia trị liệu âm thanh Sara Auster cho biết: “Tắm âm thanh là một trải nghiệm lắng nghe toàn thân sâu sắc, sử dụng âm thanh và các kỹ thuật chánh niệm đơn giản để mời gọi các quá trình trị liệu và phục hồi nhẹ nhàng nhưng mạnh mẽ cho tâm trí và cơ thể”.

Các buổi trị liệu bằng âm thanh có thể diễn ra một cách riêng tư hoặc cho cả nhóm. Bạn sẽ ngồi hoặc nằm trên thảm, nhà trị liệu có thể đưa cho bạn tấm bịt mắt, gối cổ, đệm hoặc chăn để giúp bạn thoải mái.

Auster giải thích rằng trong suốt buổi trị liệu, chuyên gia sẽ hướng dẫn bạn tập trung vào các âm thanh như lời nói của họ, hơi thở của bạn và nhiều loại nhạc cụ phát ra âm thanh đặc biệt, chẳng hạn như:

  • Chuông
  • Âm thoa
  • Cồng chiêng (các buổi trị liệu chỉ sử dụng chiêng được gọi là tắm chiêng)
  • Hộp Shruti (nhạc cụ kiểu ống thổi nhỏ)
  • Bát Himalaya (bát kim loại)
  • Bát pha lê hoặc thủy tinh
  • Đàn một dây

Âm thanh sẽ không du dương như âm nhạc bình thường nên bạn sẽ thất vọng nếu mong đợi được nghe một bản giao hưởng hài hòa. Tuy nhiên âm thanh khá mạnh và nếu bạn tập trung thì sẽ cảm nhận được tác động của chúng.

Chén kim loại được dùng để tạo ra âm thanh (Ảnh: Internet)
Chén kim loại được dùng để tạo ra âm thanh (Ảnh: Internet)

Chữa lành bằng âm thanh thường tạo ra cảm giác thư giãn sâu sắc nhưng đôi khi nó có thể trở nên khá căng thẳng. Bạn có thể cảm thấy vui, giận, buồn hoặc khó chịu khi những suy nghĩ và ký ức hiện về trong tâm trí. Khóc trong buổi trị liệu cũng là điều hoàn toàn bình thường.

Chữa bệnh bằng âm thanh đưa bạn vào trạng thái ý thức sâu sắc hơn, tách rời khỏi các kích thích bên ngoài và tập trung vào những gì đang diễn ra bên trong mình. Mỗi buổi trị liệu có thể kéo dài đến một giờ. Sau đó chuyên gia trị liệu sẽ hướng dẫn bạn ngồi dậy trong tư thế thoải mái và uống một ít nước để hồi phục.

Chữa lành bằng âm thanh có cơ sở khoa học hay không?

Âm thanh tác động đến chúng ta một cách sâu sắc. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy rằng âm thanh bao gồm các rung động ảnh hưởng đến chúng ta ở cấp độ tế bào, tác động đến chức năng não, thần kinh, cơ và các cơ quan khác.

Ví dụ, âm thanh của những chiếc đinh rít lên khi cào trên bảng khiến chúng ta nghiến răng và dựng tóc gáy, trong khi những tiếng va chạm lớn làm chúng ta giật mình và sợ hãi. Ngược lại, tiếng sóng biển giúp làm dịu tâm trí và tiếng chuông nhẹ nhàng khiến chúng ta có tâm trạng vui vẻ. Những cảm giác này liên quan đến các phản ứng thần kinh, sinh lý và sinh hóa trong cơ thể, khi tâm trí và cơ thể chúng ta đồng bộ với những rung động của âm thanh. Chữa lành bằng âm thanh nhằm mục đích truyền sức mạnh của những rung động âm thanh này để thư giãn và chữa bệnh.

Âm thanh thực sự có tác động đến cơ thể chúng ta (Ảnh: Internet)
Âm thanh thực sự có tác động đến cơ thể chúng ta (Ảnh: Internet)

Một bản đánh giá nghiên cứu năm 2020 lưu ý rằng liệu pháp âm thanh có thể thay đổi sóng não một cách đáng kể, từ kiểu sóng kích động thành dạng sóng cực kỳ yên tĩnh. Khi sóng não chậm lại, chúng ta chuyển từ trạng thái hoạt động sang trạng thái thư giãn hơn giống như khi ngủ mơ, Auster cho biết.

Ở trạng thái này, nhịp thở, nhịp tim và huyết áp đều giảm, giúp hệ thống miễn dịch của chúng ta hoạt động hiệu quả hơn, giảm hormone căng thẳng và kích hoạt giải phóng các chất tạo cảm giác dễ chịu trong não.

Trị liệu bằng âm thanh có thể chữa được những vấn đề gì?

Nghiên cứu cho thấy phương pháp chữa lành bằng âm thanh có thể giúp ích cho các tình trạng như:

  • Lo âu
  • Trầm cảm
  • Căng thẳng
  • Mệt mỏi
  • Đau mãn tính
  • Cải thiện nhận thức và trí nhớ
  • Sức khỏe tinh thần tổng thể

Chữa lành bằng âm thanh cũng có thể là một hình thức tự chăm sóc bản thân. Auster cho biết rằng tắm âm thanh là một cách tuyệt vời để thư giãn, giải tỏa áp lực và tập trung lắng nghe để cảm nhận thời điểm hiện tại. Tách rời khỏi các màn hình, tin tức, công việc và nghĩa vụ gia đình để đặt bản thân ở chế độ “không làm phiền” và đắm mình trong âm thanh có thể giúp cơ thể và tâm trí bình tĩnh.

Tại sao phương pháp chữa lành bằng âm thanh ngày càng phổ biến?

Chữa lành bằng âm thanh là một hình thức trị liệu đã tồn tại từ lâu ở hầu hết mọi nền văn minh cổ đại. Ngày nay nó đang trở nên phổ biến vì mọi người ngày càng quan tâm đến các phương pháp chăm sóc sức khỏe tự nhiên và toàn diện. Ưu điểm của nó là không xâm lấn, không dùng thuốc nhưng vẫn giúp cơ thể và tinh thần khỏe mạnh hơn.

Trị liệu bằng âm thanh đã có từ xa xưa (Ảnh: Internet)
Trị liệu bằng âm thanh đã có từ xa xưa (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, những nghiên cứu mới cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lợi ích của phương pháp này. Quan trọng nhất, đây là một trải nghiệm êm dịu và nhẹ nhàng. Cuộc sống của chúng ta luôn căng thẳng và hỗn loạn, vì vậy một cơ hội để thư giãn, thiền định, kết nối với chính mình và giải phóng mọi cảm xúc dồn nén sẽ mang lại sự sảng khoái và hạnh phúc.

Những lưu ý để đảm bảo an toàn khi trị liệu bằng âm thanh

Dưới đây là một số hướng dẫn giúp bạn tham gia chữa lành bằng âm thanh một cách an toàn và thoải mái:

Tìm hiểu các lựa chọn khác nhau

Có nhiều hình thức trị liệu bằng âm thanh khác nhau, bạn nên tìm hiểu và xác định phương pháp nào phù hợp với mình. Nếu không có điều kiện đến trực tiếp, bạn cũng có thể tham dự các buổi chữa lành bằng âm thanh trực tuyến hoặc chọn các chương trình được thu sẵn.

Tham khảo ý kiến của bác sĩ

Nếu bạn đang mắc bất kỳ vấn đề sức khỏe nào hoặc lo lắng về sự an toàn thể chất và tinh thần của mình khi tham gia chữa lành bằng âm thanh, thì hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định.

Tìm chuyên gia có trình độ

Đây là điều rất quan trọng, hãy tìm các chuyên gia có trình độ và kinh nghiệm về phương pháp chữa lành phù hợp với bạn. Hãy hỏi họ về quá trình đào tạo, kiến thức nền tảng và các kỹ thuật mà họ thực hiện. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc cụ thể nào, hãy liên hệ với chuyên gia để được tư vấn trước.

Mặc đồ thoải mái

Sự thoải mái là chìa khóa để thư giãn trong suốt buổi trị liệu. Bạn nên mặc đồ rộng rãi hoặc bất cứ thứ gì mà bạn cảm thấy thoải mái, cũng có thể mang theo các vật dụng như chăn, đệm hoặc bịt mắt nếu nơi trị liệu không có sẵn.

Kiểm tra an toàn

Hãy đảm bảo là bạn cảm thấy thoải mái với nhà trị liệu âm thanh và môi trường ở đó. Âm thanh có thể ảnh hưởng sâu sắc đến hệ thần kinh theo cách có lợi cũng như có hại, vì vậy phải chắc chắn môi trường an toàn trong suốt buổi trị liệu.

Mời bạn xem thêm các bài liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Đường có thực sự tốt đối với bạn không?

Rõ ràng đường không phải là thực phẩm tốt nhất để chúng ta ăn vào mỗi ngày, nhưng chắc chắn câu ngạn ngữ cổ “mọi thứ đều có chừng mực” vẫn đúng, phải không? Chà, các chuyên gia sẽ nghĩ khác, vì nghiên cứu ngày càng cho thấy rằng đường có hại cho chúng ta như rượu và nicotine.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận