Không chỉ giúp diệt muỗi và côn trùng, mô hình dựng chòi thu hút dơi về làm tổ đang phát triển mạnh tại một xã nghèo ở Đồng Nai vì mang lại lợi nhuận cao từ việc thu gom phân dơi.

10 năm trước, nghe nhiều người truyền tai rằng ở miền Tây có loại phân dơi rất tốt nên ông Phan Văn Minh (ngụ ấp 4 xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) mua về thử áp dụng cho vườn dưa hấu nhà mình và bất ngờ với hiệu quả thu được. Sau này, do mở rộng quy mô vườn cây với việc trồng thêm nhiều loại cam, quýt, bưởi… nên ông không đủ lượng phân bón vì giá cao. Từ đó, ông Minh nảy sinh ý tưởng nuôi dơi ngay tại vườn nhà để tận dụng nguồn phân bón cho khu vườn gần 6ha của mình.

nuôi dơi
Chòi dơi nhà ông Minh (Ảnh: Internet)

Chia sẻ ý tưởng với người bạn làm nông là ông Nguyễn Văn Sáu và Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu là ông Hồ Văn Hoài, người đã gắn bó với công tác chống dịch muỗi từ nhiều năm nay của huyện, ông Minh nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình. Được biết, lâu nay việc muỗi hoành hành kéo theo nhiều căn bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, sốt rét… là nỗi ám ảnh to lớn đối với người dân ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Cho nên, mô hình dựng chòi để thu hút dơi về làm tổ thực sự là một mô hình kinh tế hữu hiệu, vừa giúp người dân có thêm thu nhập lại vừa tận dụng được đặc tính ăn muỗi và côn trùng ở dơi để khắc phục nỗi ám ảnh về muỗi.

Ông Minh cho biết, với đặc tính sau khi đi săn mồi, dơi lại bay về tổ và bắt đầu nhả phân khiến cho mảnh lưới bên dưới chòi dơi luôn đầy ắp phân vào mỗi buổi sáng. Bên cạnh đó, mỗi ngày một con dơi có thể ăn 5.000 con muỗi và côn trùng nên có thể tận dụng lợi thế này để diệt muỗi mà không phải tốn công sức hay dùng đến bất cứ một loại hóa chất độc hại nào.

nuôi dơi
Mắc lưới bên dưới giúp thu hoạch phân dơi dễ dàng hơn (Ảnh: Internet)

Ông Minh tiết lộ: “Các chòi dơi này phải cao, xây dựng cách ly ở chỗ không người rồi treo hàng nghìn tấm lá thốt nốt lên cho loại động vật hoang dã này tự bay về làm tổ chứ không cần cho ăn hay chăm sóc gì”.

nuôi dơi
Dơi về làm tổ trên chòi treo đầy lá thốt nốt (Ảnh: Internet)

Mặt khác, trước nguy cơ thực phẩm “bẩn” đang tràn lan ở khắp mọi nơi, nhiều người dân ở thành thị đã tận dụng khoảng sân thượng rộng rãi tại nhà mình để trồng rau sạch, tự cung cấp cho nhu cầu của gia đình. Trước tình hình đó, với tiêu chí là phải “sạch” nên nhiều người chuộng việc dùng các loại phân hữu cơ như phân trùn quế, phân gà, phân dơi… để bón rau. Dù giá phân dơi trên thị trường dù dao động từ 60.000-80.000 đồng/kg, đắt hơn giá gạo nhiều lần, song nhiều người vẫn tranh nhau mua về sử dụng.

nuôi dơi
Thu hoạch phân dơi (Ảnh: Internet)
nuôi dơi
Phân dơi mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân (Ảnh: Internet)

Mỗi năm ông Minh thu được gần 5 tấn phân dơi, trừ đi chi phí phát sinh, ông lãi hơn 200 triệu đồng. Ông cũng cho biết thêm là trước khi có dơi về ở thì vườn cây của ông mỗi tháng phải xịt thuốc ít nhất 4 lần, ban đêm phải mắc mùng mới ngủ yên với muỗi. Tuy nhiên, giờ thì “Hơn cả tháng vườn cây không xịt thuốc cũng không có sâu rầy. Ban đêm không cần ngủ mùng vì muỗi hầu như không còn”.

Xem thêm

Khám phá 5 loài động vật màu hồng tuyệt đẹp

So với thế giới thực vật muôn màu muôn vẻ, màu hồng lại không quá phổ biến trong giới động vật. Tuy nhiên, mẹ thiên nhiên bao dung vẫn mang chút sắc hồng tô điểm cho thế giới của các con vật. Hôm nay, cùng BlogAnChoi điểm qua 5 loài động vật màu hồng tuyệt đẹp nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận