Thời gian gần đây, nhiều lĩnh vực như truyền thông, quảng cáo, giải trí,… với đối tượng mục tiêu là khách hàng trẻ đã thúc đẩy các nội dung văn hoá theo hướng hiện đại. Hãy cùng thạc sĩ Nguyễn Trần Hương Thảo, Giảng viên bộ môn Truyền thông Đa phương tiện, Đại học FPT bàn luận về tác động của các lĩnh vực này lên hành vi của khách hàng Gen Z, bạn nhé!
- Sự lên ngôi của những nội dung mang yếu tố văn hoá phản ánh xu hướng gì của thị trường?
- Việc các thương hiệu tăng cường khai thác nội dung văn hoá phản ánh sự thay đổi gì trong hành vi người tiêu dùng Gen Z?
- Vì sao những nội dung sử dụng chất liệu truyền thống lại đặc biệt nở rộ trong thời gian gần đây?
Tôn vinh văn hoá bản địa trong các sản phẩm giải trí, thương mại không phải là một xu hướng mới. Thế nhưng việc khai thác những chất liệu thuộc về “truyền thống” có mối tương quan thế nào đến thị hiếu của khán giả “hiện đại”? Giải đáp cho câu hỏi này, thạc sĩ Nguyễn Trần Hương Thảo đánh giá “Gen Z chính là thế hệ tạo nên những ảnh hưởng nhất định đến văn hoá hiện đại”.
Sự lên ngôi của những nội dung mang yếu tố văn hoá phản ánh xu hướng gì của thị trường?
Từ khoảng giai đoạn 2017 đến nay, xu hướng fusion trong lifestyle (lối sống) và văn hoá của giới trẻ Việt dần trở nên rõ nét và có thể nói, ở một mức độ nào đó khá “đặc trưng” cho những sản phẩm truyền thông nhắm đến thế hệ Millennials giai đoạn sau và thế hệ Z.
Khái niệm fusion xuất phát từ lĩnh vực ẩm thực. Đây là trường phái ẩm thực mới nhằm dung hòa và kết hợp những loại hình ẩm thực đặc trưng của các quốc gia khác nhau, đặc biệt là về mùi vị và cách nấu nướng, chế biến. Mở rộng ra, khái niệm fusion có thể áp dụng để chỉ sự kết hợp giữa những yếu tố truyền thống – hiện đại, Đông – Tây, văn hoá toàn cầu – bản địa vào những lĩnh vực khác như phim ảnh, âm nhạc, thời trang.
Ví dụ, loạt MV gần đây của ca sĩ Hoàng Thuỳ Linh thể hiện rất rõ hai yếu tố cuối (kết hợp giữa Đông và Tây, giữa văn hoá toàn cầu và bản địa). Hay như các chiến dịch marketing và quảng cáo, thương hiệu triển khai các chi tiết từ cách kể chuyện, góc quay, màu sắc rất Tây, rất chuẩn “quốc tế” nhưng thông điệp cài cắm hay bối cảnh lối sống lại điển hình của Việt Nam.
Việc các thương hiệu tăng cường khai thác nội dung văn hoá phản ánh sự thay đổi gì trong hành vi người tiêu dùng Gen Z?
Thứ nhất là về gu thẩm mỹ của các bạn trẻ. Khác với thế hệ những năm 70, 80, thậm chí đầu 90 khi đa phần tiếp xúc với các sản phẩm, chiến dịch truyền thông nội địa, thế hệ trẻ có cơ hội bắt nhịp sớm với các xu hướng quốc tế trong giai đoạn mở cửa đất nước.
Thứ hai là về hành vi tiêu thụ và tạo ra thông tin. Thế hệ Millennial về sau và Gen Z được gọi là “thế hệ công nghệ”, nghĩa là việc sử dụng công nghệ để tiêu thụ và chia sẻ thông tin đối với họ là một việc vô cùng tự nhiên, quen thuộc và gần như trở thành bản năng.
Vì sao những nội dung sử dụng chất liệu truyền thống lại đặc biệt nở rộ trong thời gian gần đây?
Giáo sư Benedict Anderson lý giải, con người về cơ bản là sinh vật có nhu cầu giao tiếp xã hội và kết nối bầy đàn, nên sẽ có xu hướng tìm đến những cộng đồng có đặc điểm chung để cảm giác an tâm và có nơi thuộc về. Tuy nhiên, vì sao lại gắn bó với cộng đồng này mà không phải là cộng đồng kia? Những điểm này được hình thành bởi môi trường một người sinh ra và lớn lên, tiếp xúc và trải nghiệm.
Theo thống kê của We Are Social, Việt Nam có 79,1% dân số là người dùng Internet. Điều này có nghĩa là đa phần dân số Việt có cơ hội mở ra góc nhìn về thế giới bên ngoài, biết được chuyện gì đang xảy ra ở mọi nơi trên thế giới theo thời gian thực. Vì vậy có thể đúc kết rằng, Internet và công nghệ thông tin giúp các bạn trẻ mở rộng thế giới quan. Nhưng đồng thời, bản sắc văn hóa cũng là yếu tố được thế hệ trẻ trân trọng và quan tâm.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Các phương thức xây dựng Emotional Branding hiệu quả cho thương hiệu
- Những chiến dịch truyền thông tích cực tạo giá trị xã hội trong năm 2023
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
Bạn đã có những suy nghĩ gì về bài viết này? Hãy để lại một bình luận để mình và các bạn đọc khác biết bạn nghĩ gì nhé!