Nếu bạn thường xuyên bị khó ngủ và đang tìm cách giải quyết thì có lẽ bạn đã nghe qua “kẹo ngủ ngon”. Những chiếc kẹo này mới xuất hiện trên thị trường chưa lâu nhưng được quảng cáo là có thể giúp dễ ngủ và ngủ sâu giấc hơn. Nhưng tại sao chúng lại có tác dụng như vậy và có an toàn cho sức khỏe hay không? Hãy cùng tìm hiểu về kẹo ngủ ngon nhé!
- Tình trạng thiếu ngủ ngày càng phổ biến với nhiều người hiện nay
- Kẹo ngủ ngon là gì?
- Kẹo ngủ ngon chứa thành phần gì?
- Kẹo ngủ ngon có tác dụng thực sự như quảng cáo hay không?
- Những ai nên dùng kẹo ngủ ngon?
- Kẹo ngủ ngon có tác dụng phụ và nguy cơ cho sức khỏe như thế nào?
- Tác dụng của kẹo ngủ ngon kéo dài trong bao lâu?
- Cách chọn kẹo ngủ ngon như thế nào?
- Tổng kết
Tình trạng thiếu ngủ ngày càng phổ biến với nhiều người hiện nay
Giấc ngủ là một trong những thành phần quan trọng nhất của sức khỏe thể chất và tinh thần. Giấc ngủ ngon giúp ích cho rất nhiều chức năng quan trọng của cơ thể chúng ta, từ cải thiện hệ miễn dịch, tâm trạng tích cực đến giảm nguy cơ mắc một số bệnh như bệnh tim và tiểu đường.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC), cứ 3 người trưởng thành thì có 1 người không thường xuyên ngủ đủ giấc. Các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ không cần kê đơn như thực phẩm chức năng ngày càng được sử dụng phổ biến để điều trị chứng khó ngủ và mất ngủ. Trong đó kẹo ngủ ngon có thể là một phương pháp hiệu quả trong ngắn hạn.
Kẹo ngủ ngon là gì?
Như tên gọi, đây là một sản phẩm bổ sung giúp bạn dễ ngủ, được chế tạo ở dạng giống như kẹo dẻo, còn khá mới trên thị trường. Kẹo này có chứa các thành phần hoạt tính để giúp cơ thể dễ chìm vào giấc ngủ, thường dùng nhất là melatonin, L-theanine và CBD.
Một ưu điểm lớn của kẹo so với các chất bổ sung ở dạng viên nang hoặc viên nén là tất cả mọi người đều có thể dùng được, kể cả những người sợ uống thuốc hoặc không thể nuốt thuốc được.
Kẹo ngủ ngon chứa thành phần gì?
Những loại kẹo hỗ trợ giấc ngủ hiện nay thường sử dụng một hoặc kết hợp 3 thành phần chính để gây ngủ: melatonin, L-theanine và CBD.
Melatonin
Melatonin là một loại hormone mà cơ thể chúng ta sản xuất tự nhiên để đi vào giấc ngủ. Nó chỉ được tạo ra khi trời tối và thường tăng lên khoảng vài giờ trước khi đi ngủ. Melatonin không chỉ có tác dụng tạo ra cảm giác buồn ngủ mà nồng độ của nó duy trì ở mức cao trong cơ thể kéo dài khoảng 12 giờ cho đến khi trời sáng.
Sự sản sinh melatonin sẽ giảm dần khi cơ thể già đi và có thể dao động vì những lý do khác. Các chất bổ sung sử dụng melatonin được tổng hợp nhân tạo để giúp tạo cảm giác buồn ngủ. Theo Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp của Mỹ (NCCIH), các sản phẩm này có thể gây một số tác dụng phụ như:
- Tâm trạng cáu gắt
- Đầu óc mơ màng
- Buồn nôn
- Tiêu chảy
- Đau đầu
Mặc dù melatonin nhìn chung là an toàn cho cả người lớn và trẻ em nhưng các chuyên gia lưu ý rằng liều lượng melatonin hàng ngày không được vượt quá 10 miligam và luôn tuân thủ hướng dẫn sử dụng kèm theo sản phẩm.
L-theanine
L-theanine còn có tên gọi khác là γ-glutamylethylamide, là một axit amin tự nhiên được tìm thấy trong lá trà có tác dụng giảm căng thẳng. Theo các nghiên cứu, chất này có thể làm giảm lo lắng bằng cách ảnh hưởng đến sóng não và tạo ra trạng thái cần thiết cho giấc ngủ chất lượng. Và không giống như các loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ khác, nó không cần thêm chất phụ gia và cũng không có tác dụng phụ, kể cả buồn ngủ vào ban ngày.
Một nghiên cứu quy mô nhỏ được đăng trên tạp chí Nutrients vào tháng 10/2019 cho thấy liều dùng 200 mg L-theanine mỗi đêm giúp cải thiện các vấn đề về giấc ngủ liên quan đến căng thẳng cũng như trầm cảm và lo lắng.
CBD
Cannabidiol (CBD) là một hợp chất có trong cây cần sa nhưng không gây tác hại cho hệ thần kinh. Chất này đã được sử dụng phổ biến trong nhiều sản phẩm không kê đơn ở nhiều nước trên thế giới vì được cho là có tác dụng chống lo âu.
Có một số ít nghiên cứu, ví dụ như một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Permanente tháng 1/2019, cho thấy CBD có thể giúp giảm lo âu và do đó cũng có thể giúp ích cho những người bị mất ngủ liên quan đến lo âu. Tuy nhiên cần có thêm nghiên cứu về tác dụng của chất này.
Kẹo ngủ ngon có tác dụng thực sự như quảng cáo hay không?
Lợi ích rõ nhất của các loại kẹo này là giúp bạn dễ ngủ. Vì chúng mới xuất hiện trên thị trường chưa lâu nên hiện tại chưa có nghiên cứu cụ thể nào để xác nhận tác dụng hiệu quả ra sao, nhưng đối với các thành phần hoạt tính trong kẹo thì đã có bằng chứng ủng hộ như đã nêu ở trên.
Tuy nhiên các chuyên gia đều cho rằng tác dụng của kẹo ngủ ngon nếu có thì cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn, bởi vì chúng không thực sự điều trị tận gốc nguyên nhân gây mất ngủ.
Những ai nên dùng kẹo ngủ ngon?
Theo NCCIH, kẹo ngủ ngon chứa melatonin có thể được khuyên dùng cho những người trưởng thành có vấn đề về giấc ngủ tạm thời hoặc những người bị rối loạn giấc ngủ do chênh lệch múi giờ khi đi máy bay. Ngoài ra còn có một số bằng chứng cho thấy chúng có thể giúp ích cho những người mắc một tình trạng được gọi là rối loạn giai đoạn ngủ-thức muộn (DSWPD).
Chưa có kết luận rõ ràng về hiệu quả của melatonin để điều trị chứng mất ngủ, và Viện Y học Giấc ngủ Mỹ không khuyến khích sử dụng các sản phẩm bổ sung chứa melatonin cho những người mắc chứng mất ngủ mãn tính.
Kẹo này cũng có thể dùng cho trẻ em, đặc biệt là những loại chứa melatonin. Cơ thể chúng ta sản sinh melatonin theo chu kỳ tự nhiên để điều chỉnh hoạt động ngủ-thức, nồng độ melatonin thấp vào ban ngày và tăng cao nhất vào nửa đêm. Một số trẻ em mắc tình trạng rối loạn phát triển thần kinh không sản sinh melatonin như bình thường, vì vậy về lý thuyết có thể bổ sung melatonin để giúp điều chỉnh chu kỳ ngủ-thức của trẻ.
Viện Nhi khoa Mỹ lưu ý rằng melatonin cũng có thể gây ra phản ứng phụ ở trẻ em như đau đầu hoặc đái dầm, ngoài ra sử dụng lâu dài có thể làm chậm quá trình dậy thì.
Kẹo ngủ ngon có tác dụng phụ và nguy cơ cho sức khỏe như thế nào?
Vấn đề lớn nhất của kẹo ngủ ngon là – giống như tất cả các sản phẩm bổ sung khác – chúng không được kiểm soát chặt chẽ giống như thuốc chữa bệnh thật sự. Kể cả ở Mỹ, bất kỳ sản phẩm nào được dán nhãn là thực phẩm chức năng đều không chịu sự quản lý của FDA (Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ), trong khi tất cả các dược phẩm khác, kể cả những loại thuốc không cần kê đơn, đều phải được FDA chấp thuận về tính an toàn và hiệu quả trước khi đưa ra thị trường.
Như vậy khi dùng các sản phẩm thực phẩm chức năng, chúng ta không thể biết chắc thành phần của chúng có gì, ví dụ như thành phần hoạt tính có thể không giống như trên nhãn ghi hoặc có các chất tạp nhiễm hay không.
Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ và phát hiện ra rằng 71% sản phẩm có hàm lượng thành phần thực sự sai số hơn 10% so với trên nhãn, và lượng melatonin trong các lô khác nhau của cùng một sản phẩm và một thương hiệu lại khác nhau rất nhiều, có thể chênh lệch tới hơn 400%. Kết quả nghiên cứu này được đăng trên Tạp chí Y học Giấc ngủ Lâm sàng năm 2017, cho thấy lượng melatonin thực sự có trong sản phẩm dao động từ ít hơn 85% đến cao hơn gần 500% so với thông tin ghi trên nhãn.
Bên cạnh đó melatonin có thể tương tác không tốt với một số loại thuốc, vì vậy nếu bạn đang sử dụng thuốc hoặc đang mắc bất kỳ tình trạng sức khỏe nào thì nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng sản phẩm có chứa melatonin.
Theo Mayo Clinic, các loại thuốc có thể tương tác với melatonin bao gồm thuốc chống đông máu, thuốc chống co giật, thuốc trị huyết áp, thuốc trị tiểu đường, thuốc tránh thai, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc giảm ngưỡng co giật, fluvoxamine, thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương, và diazepam.
Các chuyên gia cũng lưu ý rằng những viên kẹo này có thể chứa nhiều thành phần khác ngoài các chất gây ngủ, ví dụ như đường, hương liệu và các thành phần không cần thiết, dễ khiến cho mọi người dùng quá liều vì hương vị thơm ngon, trong khi các nhà sản xuất thực phẩm bổ sung thường không quan tâm đến liều lượng chính xác của các thành phần.
Ngoài ra kẹo ngủ ngon được làm rất giống kẹo bình thường nên phải cẩn thận để xa tầm tay của trẻ em.
Tác dụng của kẹo ngủ ngon kéo dài trong bao lâu?
Nếu bác sĩ đồng ý để bạn dùng kẹo ngủ ngon thì hãy dùng theo đúng hướng dẫn. Hầu hết các loại kẹo này được dùng ngay trước khi đi ngủ, nếu dùng vào ban ngày có thể gây buồn ngủ ảnh hưởng đến làm việc và sinh hoạt.
Tác dụng của chúng kéo dài bao lâu là tùy theo thành phần. Ví dụ: một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Current Neuropharmacology vào tháng 4/2017 cho thấy sau khi dùng melatonin với liều 1 đến 5 mg, mức melatonin trong cơ thể hầu hết mọi người sẽ tăng đến cao nhất trong vòng 1 giờ, sau đó trở lại bình thường trong khoảng 4 đến 8 giờ.
Cách chọn kẹo ngủ ngon như thế nào?
Vì các sản phẩm này không được quản lý chặt nên tốt nhất hãy chọn thương hiệu có uy tín. Theo nghiên cứu của Tạp chí Y học Giấc ngủ Lâm sàng, trong số 31 sản phẩm bổ sung chứa melatonin được kiểm tra thì có khoảng ¼ trong số đó chứa serotonin – một loại hormone khác – cũng như các thành phần không rõ khác. Do đó các chuyên gia khuyên rằng phải chọn các sản phẩm đã được chứng nhận bởi cơ quan độc lập. Tổ chức Vệ sinh Quốc gia (NSF) và Dược điển Mỹ (USP) là hai nhóm chứng nhận có uy tín trên thế giới.
Ngoài ra chỉ nên dùng melatonin với liều từ 1 đến 3 mg mỗi ngày, giới hạn cao nhất là 10 mg.
Tổng kết
Kẹo ngủ ngon có chứa các chất giúp cơ thể dễ ngủ và thực sự có tác dụng giúp ngủ ngon hơn trong thời gian ngắn. Tuy nhiên chúng không phải là giải pháp lâu dài để điều trị dứt điểm chứng mất ngủ. Nếu bạn đang gặp các vấn đề về giấc ngủ thì hãy đến bác sĩ để tìm nguyên nhân gốc rễ và điều trị chính xác.
Nếu bạn đã quyết định sử dụng kẹo ngủ ngon thì hãy lựa chọn cẩn thận từ các thương hiệu uy tín và luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nhé.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- 8 thói quen xấu về giấc ngủ đang dần “thủ tiêu” cơ thể bạn
- 6 thói quen đơn giản giúp bạn ngủ ngon hơn và giảm cân hiệu quả
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!