Có phải bạn không còn thấy mọi người xếp hàng dài để mua những chiếc iPhone mới ra mắt như trước đây nữa? Vậy điều gì đã xảy ra với chiếc điện thoại đã cách mạng hóa ngành công nghiệp này?
- 1. iPhone không còn là biểu tượng thể hiện đẳng cấp
- 2. Apple đã bão hòa ở thị trường Mỹ
- 3. Steve Jobs có nhiều fan, Tim Cook thì không
- 4. Các thế hệ iPhone gần đây ít đổi mới
- 5. Apple không tiết lộ kế hoạch của mình cho mọi người biết
- 6. Các nhà sản xuất Android đổi mới nhanh hơn
- 7. Hệ sinh thái khép kín của Apple gâ bất tiện cho người dùng
- 8. Các đối thủ đang tìm cách thay thế iMessage của iPhone
- 9. Apple vẫn chưa có iPhone màn hình gập giống như điện thoại Android
- Tóm lại
iPhone không phải là sản phẩm điện thoại thông minh đầu tiên được tạo ra trên thế giới, nhưng nó chắc chắn đã khởi đầu kỷ nguyên smartphone hiện đại. Kể từ khi ra mắt năm 2007, dòng sản phẩm này vẫn là tiêu chuẩn vàng cho điện thoại thông minh. Trên thực tế, cho đến nay Apple đã chiếm hơn một nửa lợi nhuận của ngành công nghiệp smartphone.
Rõ ràng iPhone là sản phẩm cao cấp và có giá trị rất lớn. Nhưng bỏ tiền ra mua nó lại là vấn đề khác, ít nhất là ở Mỹ. Mặc dù vẫn giữ được uy tín và lượng người hâm mộ trung thành nhưng việc sở hữu một chiếc iPhone ngày nay không còn hấp dẫn như trước nữa. Dưới đây là một số lý do.
1. iPhone không còn là biểu tượng thể hiện đẳng cấp
Chắc hẳn bạn vẫn còn nhớ vào những năm 2010 mọi người thường xếp hàng dài bên ngoài các cửa hàng Apple, thậm chí dựng lều cắm trại qua đêm, chỉ để mua chiếc iPhone mới nhất ngay khi cửa mở. Ngày nay chúng ta không còn thấy điều đó nữa, một phần là do mọi người mua hàng trực tuyến nhiều hơn, ngoài ra cũng do iPhone không còn là điện thoại cao cấp duy nhất trên thị trường. Ngày nay các thương hiệu Android như Samsung và Xiaomi cũng sản xuất những chiếc flagship trong tầm giá 1.000 USD với phần cứng vượt trội hơn iPhone.
2. Apple đã bão hòa ở thị trường Mỹ
Thị trường Mỹ là sân nhà của Apple, vì vậy không có gì lạ khi hơn một nửa số điện thoại thông minh được bán ở nước này là iPhone. Trên thực tế điều đó cũng đúng ở khắp Bắc Mỹ.
Chiếm hơn một nửa thị trường của cả một lục địa là thành tích rất ấn tượng, nhưng điều đó cũng có nghĩa là iPhone hiện đã trở nên phổ biến đến mức không còn là hàng hiếm được nhiều người khao khát sở hữu. Nói cách khác, số lượng tăng thì giá trị giảm.
3. Steve Jobs có nhiều fan, Tim Cook thì không
Tạo ra sản phẩm tốt chưa đảm bảo cho thành công mà quan trọng là biết cách bán hàng. Steve Jobs hiểu rõ điều này hơn bất kỳ ai trong ngành vào thời điểm đó. Ông đã biến iPhone thành một cái tên quen thuộc với mọi người mọi nhà, đồng thời cũng tự biến mình trở thành tượng đài của công chúng.
Giám đốc điều hành hiện tại của Apple là Tim Cook không được nhiều người hâm mộ như vậy, một phần vì các sự kiện trực tiếp của Apple từng mang tính tương tác nhiều hơn giờ đã được thay thế bằng các sự kiện được ghi hình trước giống như quảng cáo bình thường.
4. Các thế hệ iPhone gần đây ít đổi mới
Mọi người thường chỉ trích rằng hầu hết các điện thoại thông minh ngày nay không có gì khác biệt nhau, và điều đó đúng với iPhone hơn là điện thoại Android vì Apple hiếm khi thay đổi thiết kế cũng như thông số kỹ thuật và tính năng của điện thoại.
Thay đổi hình ảnh lớn duy nhất được thực hiện đối với iPhone kể từ năm 2019 là phần cắt trên màn hình có tên Dynamic Island xuất hiện ở iPhone 14 Pro thay thế phần notch trước đây. Các camera cũng lớn hơn, nhưng thiết kế và chức năng tổng thể vẫn như cũ.
5. Apple không tiết lộ kế hoạch của mình cho mọi người biết
Các hãng điện thoại Android thường giới thiệu những công nghệ mới mà họ đang nghiên cứu tại các sự kiện công nghệ lớn như CES, MWC và IFA. Ngược lại, Apple luôn giữ im lặng về kế hoạch phát triển sản phẩm của mình. Điều này làm cho mọi người cảm thấy nhàm chán khi bàn luận về Apple vì không có thông tin gì để mong đợi và không thể dự đoán những điều sắp xảy ra trong tương lai.
6. Các nhà sản xuất Android đổi mới nhanh hơn
Một trong những điểm mạnh lớn nhất của Apple cũng là một trong những điểm yếu lớn nhất của họ: tập trung rất nhiều vào tính nhất quán của sản phẩm. Điều này khiến iPhone chậm nhận được các tính năng mới và nâng cấp phần cứng. Mục đích của Apple là đảm bảo những thứ được thêm vào sản phẩm phải hoạt động tối ưu, nhưng điều đó cũng có nghĩa là mất nhiều thời gian hơn để thử nghiệm và áp dụng.
Trong khi đó các hãng điện thoại Android đổi mới nhanh hơn nhiều và thường tiếp thu ý kiến phản hồi của người dùng một cách cởi mở hơn. Apple vẫn đang cố gắng đi theo phương châm của Steve Jobs là “tìm ra những gì khách hàng muốn trước cả khi họ biết điều đó”, nhưng không phải lúc nào cũng thành công.
7. Hệ sinh thái khép kín của Apple gâ bất tiện cho người dùng
Thật kỳ lạ khi các tác vụ cơ bản như gửi tin nhắn, chia sẻ file và video call giữa iPhone và các thiết bị Android vẫn khó thực hiện trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay. Việc chuyển file từ iPhone sang máy tính Windows cũng là một vấn đề lớn. Lý do là vì Apple luôn tìm cách đảm bảo hệ sinh thái khép kín của họ vẫn mang tính độc quyền đến mức tối đa, và việc thoát ra khỏi hệ sinh thái này ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Trong khi Google và Microsoft đang tìm cách kết nối giữa Android và Windows thì Apple lại tiếp tục xây thêm tường rào bao quanh iOS và cô lập nó với các hệ điều hành khác.
8. Các đối thủ đang tìm cách thay thế iMessage của iPhone
Ứng dụng nhắn tin iMessage là lý do chính khiến nhiều người ở Mỹ, đặc biệt là Gen Z, thích dùng iPhone. Apple biết rằng khi mọi người càng gặp khó khăn trong việc nhắn tin giữa các thiết bị khác nhau thì họ sẽ muốn mua một chiếc iPhone để giải quyết vấn đề đó. Nhưng có vẻ như các công ty khác đang tìm cách thay thế iMessage của iPhone.
Cách đây không lâu, Google đã cập nhật ứng dụng Tin nhắn để cho phép người dùng xem các phản ứng trong iMessage dưới dạng emoji thay vì nhận các tin nhắn SMS riêng biệt. Ngoài ra theo báo cáo của Bloomberg, Microsoft cũng đang tìm cách đưa iMessage lên PC Windows (ở mức độ hạn chế) thông qua ứng dụng Phone Link.
Những giải pháp thay thế này sẽ giảm bớt khó khăn cho người dùng khi nhắn tin giữa các thiết bị iOS và Android, đồng thời cũng giúp giảm bớt sự phân biệt khi hiển thị bong bóng chat màu xanh lá cây của Android và khiến iPhone mất đi một phần tính độc quyền của mình.
9. Apple vẫn chưa có iPhone màn hình gập giống như điện thoại Android
Một trong những điều thú vị nhất đang xảy ra trên thị trường điện thoại thông minh hiện nay là sự gia tăng điện thoại gập. Có nhiều lý do khiến điện thoại màn hình gập vẫn chưa trở thành xu hướng phổ biến, nhưng thực tế là ngày càng nhiều người sở hữu loại thiết bị này bất chấp những nhược điểm của chúng.
Gần như tất cả các nhà sản xuất Android đang tìm cách làm cho điện thoại gập trở thành trào lưu mới của thế giới, trong khi đó Apple vẫn im lặng một cách kỳ lạ như thể điều đó không đáng để theo đuổi.
Các dự đoán cũng không thống nhất về thời điểm iPhone màn hình gập có thể ra mắt, có người nói rằng năm 2023, người khác dự đoán năm 2025. Điều này rất quan trọng vì một chiếc iPhone màn hình gập sẽ ngay lập tức làm cho dòng sản phẩm này siêu hot trở lại và thúc đẩy cả ngành công nghiệp smartphone phát triển theo hướng đó nhanh hơn và mạnh hơn.
Tóm lại
Đối với iPhone, phương châm của Apple là “nếu nó không hư thì đừng sửa”. Nhưng điều đó dường như đã trở nên lỗi thời và khiến cho việc sở hữu một chiếc iPhone đã trở nên bình thường với người dùng. Một mặt đó là điều tốt vì cho thấy sự phổ biến của sản phẩm, nhưng đồng thời khẩu hiệu “Think Different” của Apple có vẻ không còn được quan tâm nữa.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Thương hiệu Pebble sẽ tái xuất trên thị trường với điện thoại Android mới?
- Tại sao Samsung được hưởng lợi từ iPhone của Apple?
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!