Đã 25 năm kể từ khi Samsung ra mắt SCH-V200 – được tuyên bố là mẫu điện thoại đầu tiên có camera. Nó chỉ có một camera nhỏ phía sau 0,35MP với bộ nhớ hạn chế lưu trữ được 20 ảnh cùng một lúc. So sánh với những chiếc điện thoại có camera tốt nhất hiện nay với 200 megapixel, cảm biến 1 inch và hệ thống 4 ống kính, có thể thấy camera của điện thoại đã phát triển nhanh đến mức không tưởng.
Đã có rất nhiều mẫu điện thoại được trang bị camera tuyệt vời ra mắt thị trường trong nhiều năm qua, vì vậy để đánh dấu 25 năm kể từ khi SCH-V200 ra đời, hãy cùng điểm qua một vài mẫu điện thoại có camera ấn tượng được nhiều người yêu thích.
Sony Ericsson K750i (2005)
Trước khi Android xuất hiện, đã có điện thoại Sony Ericsson K750i với mức giá rất đắt. Năm 2005, mẫu điện thoại K750i là một thành công vang dội của hãng Sony, phần lớn là nhờ camera đột phá. Nó được trang bị camera 2MP với đèn flash LED kép – cực kỳ ấn tượng ở thời điểm đó khi hầu hết các điện thoại khác đều có cảm biến VGA 0,3MP.

Theo tiêu chuẩn ngày nay thì thông số kỹ thuật khá khiêm tốn, nhưng Sony và người dùng lúc đó coi đây là một sản phẩm đột phá. Nắp ống kính có thể thu vào với tiếng tách vui tai, có một nút chụp ảnh chuyên dụng và một nút chỉnh âm lượng kiêm luôn chức năng điều khiển zoom. Chiếc điện thoại này được thiết kế để mang lại cảm giác như một chiếc máy ảnh cỡ nhỏ mà bạn có thể bỏ gọn vào túi.
K750i thường bị lãng quên khi nói về camera điện thoại thông minh, nhưng nó đã đặt nền tảng cho mẫu K850i được nâng cấp với cảm biến 5MP, đèn flash Xenon và giao diện giống máy ảnh chuyên dụng nhiều hơn. Nó cũng mở đường cho điện thoại Cyber-shot của Sony Ericsson, nhằm mục đích kết hợp các tính năng chụp ảnh của Sony với công nghệ di động. Điện thoại Xperia của Sony hiện nay đang tiếp tục xu hướng đó.
K750i không phải là điện thoại đầu tiên có camera nhưng là lần đầu tiên một chiếc điện thoại được thiết kế tập trung vào camera, khiến nhiều người ấn tượng đến tận ngày nay.
iPhone 4 (2010)
Mặc dù nhiều mẫu iPhone cao cấp từ trước đến nay không có camera thực sự xuất sắc nhưng Apple là thương hiệu đóng vai trò to lớn trong việc định hình phong cách camera trên điện thoại, không phải bằng đột phá công nghệ mà bằng cách đưa nhiếp ảnh di động trở thành xu hướng phổ biến, nhất là trong thời đạimxh bùng nổ.

iPhone 4 là điểm khởi đầu cho sự chuyển đổi đó. Với cảm biến BSI 5MP khá tốt, quay video 720p, đèn flash LED và camera trước, iPhone 4 có hệ thống phần cứng ấn tượng. Nhưng chính phần mềm và hệ sinh thái mới là yếu tố nâng cao trải nghiệm, cho phép người dùng chia sẻ hình ảnh và video dễ dàng hơn.
Tính năng FaceTime đã giúp hàng triệu người biết đến gọi video – có thể nói là mở đường cho văn hóa vlog. Instagram ra mắt cùng năm đó, mang đến một nền tảng để mọi người chia sẻ hình ảnh được chụp bằng iPhone của mình. Hệ điều hành iOS 4 được tích hợp trong album ảnh, gắn thẻ địa lý, sao lưu iCloud và thậm chí là iMovie để chỉnh sửa video ngay trên điện thoại.
Xét về góc độ nhiếp ảnh thuần túy, iPhone 4 không phải là đột phá nhưng là tiên phong về trải nghiệm chụp ảnh di động hiện đại.
Nokia Pureview 808 và Lumia 1020 (2012-2013)
Ở thời kỳ hoàng kim, Nokia là thương hiệu điện thoại di động hàng đầu trên thị trường về khả năng chụp ảnh, phá vỡ mọi ranh giới công nghệ cho đến mẫu Nokia N95 năm 2007.
Điện thoại PureView 808 ra mắt năm 2012 đã để lại ấn tượng sâu sắc cho nhiều người, lần đầu tiên giới thiệu công nghệ lấy mẫu điểm ảnh PureView của Nokia cho phép thu nhỏ hình ảnh lớn 41MP thành dạng zoom không mất dữ liệu hoặc phiên bản độ phân giải thấp chi tiết – kết hợp những ưu điểm tốt nhất của cả hai dạng hình ảnh. Các cảm biến pixel-binning có độ phân giải cao ngày nay chịu ảnh hưởng rất nhiều từ ý tưởng này, mặc dù được xử lý bởi phần cứng.

Cảm biến 1/1,2 inch có kích thước rất lớn – kể cả theo tiêu chuẩn ngày nay – và kết hợp với ống kính f/2.4 ấn tượng. Đáng tiếc là hệ điều hành Symbian của PureView 808 đã bị lu mờ bởi hệ sinh thái ứng dụng phát triển mạnh mẽ trên iOS và Android. Nokia đã lựa chọn hệ điều hành Windows Phone của Microsoft và mẫu điện thoại Nokia Lumia 920 ra mắt năm 2012 vẫn tiếp tục được đánh giá khá tốt.
Đến năm 2013, Nokia đã chuyển hướng sang Lumia 1020. Điện thoại này vẫn sử dụng cảm biến 41MP, thêm ống kính f/2.2 nhanh hơn được phát triển chung với thương hiệu ZEISS và kèm theo phụ kiện tay cầm chụp ảnh tùy chọn. Thậm chí Lumia 1020 còn hỗ trợ chụp ảnh RAW thông qua bản cập nhật được phát hành sau đó – đây là tính năng mà điện thoại Android và iPhone của Apple phải mất nhiều năm sau mới có.
HUAWEI P20 Pro (2018)
Thật khó để xác định rõ ràng thời điểm điện thoại thông minh trở thành thiết bị thay thế máy ảnh thực sự, nhưng khoảng thời gian 2017–2019 có vẻ là hợp lý. Đối với nhiều người, HUAWEI P20 Pro là mẫu điện thoại nổi bật đại diện cho giai đoạn thú vị nhất trong lĩnh vực nhiếp ảnh di động.

Đây là điện thoại đầu tiên có hệ thống camera 3 ống kính: ống kính chính 40MP, ống kính tele 3x 8MP và cảm biến đơn sắc 20MP dùng để ghép ảnh. Kết quả cho ra những bức ảnh thật ngoạn mục ở thời điểm đó. Mặc dù quá trình xử lý có vẻ nặng nề nhưng P20 Pro đã mở ra kỷ nguyên vàng của thương hiệu HUAWEI. Thế hệ sau đó là P30 Pro còn tốt hơn nữa và dòng Mate cũng được đánh giá cao, nhưng chính P20 Pro đã khởi đầu tạo nên điều kỳ diệu.
P20 Pro cũng ra mắt chế độ chụp ảnh ban đêm, HDR đa khung hình, hiệu ứng bokeh khẩu độ được điều khiển bằng phần mềm, zoom kết hợp và đặc biệt là quay video chuyển động chậm 960fps, mang đến trải nghiệm linh hoạt mà người dùng chưa từng thấy trước đó. Các hãng khác cũng phát triển các tính năng tương tự, nhưng HUAWEI là hãng đầu tiên tích hợp tất cả chúng vào một chiếc điện thoại cao cấp với thiết kế cũng rất đẹp mắt.
Google Pixel 6 Pro (2021)
Google đã tiên phong về HDR+ và thuật toán xử lý hình ảnh từ rất lâu trước năm 2021, nhưng chủ yếu là các tính năng phần mềm thông minh bù đắp cho phần cứng lỗi thời. Điều đó đã thay đổi với mẫu điện thoại Pixel 6 Pro.

Google đã trang bị cảm biến 50MP 1/1,31 inch, ống kính tele 4x 48MP và ống kính góc siêu rộng 12MP cho Pixel 6 Pro. Các tính năng khác như HDR+, Super Res Zoom và Night Sight đều đã được thử nghiệm trước đó, nhưng giờ đây mới có phần cứng mạnh mẽ để hỗ trợ chúng. Đặc biệt ấn tượng là ống kính tele chụp được những bức ảnh đẹp giống như ống kính chính – một điều hiếm thấy ngay cả hiện tại.
Pixel 6 Pro cũng đánh dấu bước ngoặt cho tham vọng của Google về camera, đó là khi Pixel thực sự trở thành điện thoại có camera hàng đầu và ra mắt thiết kế thanh camera mang tính biểu tượng cho đến ngày nay. Với phần cứng mới, các công cụ xử lý hình ảnh như Magic Eraser, Face Unblur và Real Tone đã được mở rộng thành bộ tính năng AI bao gồm Magic Editor, Add Me, Video Boost và hàng loạt tính năng bổ sung khác. Các tính năng từng là độc quyền của Pixel giờ đây đang được các nhà sản xuất khác sao chép liên tục.
Mời bạn xem thêm các bài liên quan:
- Nhìn lại 15 năm dòng điện thoại Galaxy S của Samsung: Cuộc cách mạng smartphone của thế giới
- Dòng điện thoại Pixel 10 của Google sẽ có phiên bản màu vàng mới siêu đẹp?
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
Mình mong muốn nhận được sự đóng góp của các bạn về bài viết này, hãy để lại ý kiến của mình để mình có thể cải thiện hơn.