Nhiều năm qua, các kỹ sư máy tính và các nhà khoa học đã tìm cách làm cho trí tuệ nhân tạo (AI) hoạt động giống như bộ não con người. Điều này đã trở nên khả thi với sự xuất hiện của Google Brain – một nhóm nghiên cứu AI – vào năm 2011. Vậy Google Brain là gì và mang đến những đột phá như thế nào cho AI? Hãy cùng khám phá nhé!

Google Brain ra đời như thế nào?

Bộ não con người được coi là hệ thống phức tạp nhất, một cỗ máy sinh học tinh vi với nhiều khu vực đảm nhận các nhiệm vụ khác nhau nhưng hoạt động đồng thời. Các nhà phát triển AI từ lâu đã đặt mục tiêu làm cho các hệ thống AI thực hiện các hoạt động phức tạp và giải quyết các vấn đề giống như bộ não con người.

Năm 2011, giáo sư đại học Andrew Ng, nhân viên Google Jeff Dean, và nhà nghiên cứu của Google là Greg Corrado đã cùng nhau thành lập Google Brain với tư cách là một nhóm nghiên cứu về AI.

Google Brain là một nhóm nghiên cứu về AI (Ảnh: Internet)
Google Brain là một nhóm nghiên cứu về AI (Ảnh: Internet)

Ban đầu nhóm không có tên chính thức. Sau khi Ng gia nhập Google X, anh bắt đầu cộng tác với Dean và Corrado để tích hợp các quy trình học sâu vào cơ sở hạ tầng hiện có của Google. Cuối cùng họ đã trở thành một phần của Google Research và được gọi là “Google Brain”.

Các thành viên sáng lập Brain đã tìm cách tạo ra trí thông minh nhân tạo có thể học lượng lớn dữ liệu một cách độc lập. Họ cũng đặt mục tiêu giải quyết các thách thức của mạng AI hiện tại như đọc hiểu ngôn ngữ, nhận dạng giọng nói và hình ảnh.

Google Brain muốn tạo ra trí tuệ nhân tạo hoạt động giống như não người (Ảnh: Internet)
Google Brain muốn tạo ra trí tuệ nhân tạo hoạt động giống như não người (Ảnh: Internet)

Năm 2012 Google Brain đã đạt được một bước đột phá. Các nhà nghiên cứu đã đưa hàng triệu hình ảnh thu được từ YouTube vào mạng thần kinh AI để huấn luyện khả năng nhận dạng hình mẫu mà không cần cung cấp thông tin trước. Sau cuộc thử nghiệm, mạng AI đã nhận diện được những con mèo với độ chính xác cao. Thành công này đã mở đường cho sự ra đời của nhiều ứng dụng.

Sự phát triển của Google Brain có tầm ảnh hưởng thế nào đối với AI?

Google Brain đã tạo ra cuộc cách mạng thay đổi cách nhìn của các kỹ sư phần mềm về AI, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của công nghệ này. Nhóm Google Brain đã đạt được nhiều kết quả to lớn trong các hệ thống học máy, từ đó tạo nền tảng cho khả năng nhận dạng giọng nói và hình ảnh cũng như xử lý ngôn ngữ tự nhiên của AI.

Xử lý ngôn ngữ tự nhiên

Một trong những đóng góp quan trọng nhất của Google Brain là sự phát triển kỹ thuật học sâu và sự tiến bộ của công nghệ Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP).

Google Brain muốn tạo ra trí tuệ nhân tạo hoạt động giống như não người (Ảnh: Internet)
Google Brain muốn tạo ra trí tuệ nhân tạo hoạt động giống như não người (Ảnh: Internet)

NLP là quá trình dạy máy tính học ngôn ngữ của con người, giúp máy tính tương tác và ngày càng cải thiện khi học được nhiều hơn. Ví dụ như trợ lý ảo Google sử dụng NLP để hiểu các yêu cầu của người dùng và trả lời phù hợp.

Computer Vision – Nhận diện hình ảnh của máy tính

Google Brain đã đóng góp rất nhiều cho “Thị giác máy tính” – khả năng xác định hình ảnh và các đối tượng từ dữ liệu trực quan. Năm 2012, Google Brain đã giới thiệu một mạng thần kinh có thể phân loại hình ảnh thành 1000 danh mục khác nhau. Hiện tại đã có một số cách ứng dụng ngoài mong đợi của Computer Vision đang hoạt động trong thực tế.

Dịch ngôn ngữ

Google Brain đã giúp phát triển công nghệ Dịch máy thần kinh (Neural Machine Translation – NMT). Trước đây hầu hết các hệ thống dịch thuật đều sử dụng phương pháp thống kê, nhưng NMT của Google được nâng lên tầm cao mới khi dịch toàn bộ câu cùng một lúc, giúp bản dịch chính xác hơn và nghe có vẻ tự nhiên hơn. Google Brain cũng đã phát triển các mô hình mạng thần kinh có thể phiên âm lời nói một cách chính xác.

3 ứng dụng tích hợp Google Brain đang hoạt động hiện nay

Nhóm Brain đã tiên phong trong nhiều ứng dụng của Google kể từ khi thành lập năm 2011, tiêu biểu là các ứng dụng sau đây.

1. Trợ lý Google

Trợ lý Google được phát triển nhờ Google Brain (Ảnh: Internet)
Trợ lý Google được phát triển nhờ Google Brain (Ảnh: Internet)

Trợ lý ảo Google là công cụ được cài sẵn trong nhiều điện thoại thông minh ngày nay, cung cấp thông tin được cá nhân hóa, giúp đặt lời nhắc và báo thức, thực hiện cuộc gọi đến mọi người trong danh bạ, thậm chí có thể điều khiển các thiết bị thông minh trong nhà.

Trợ lý Google dựa vào các thuật toán máy học do Google Brain cung cấp để diễn giải lời nói của người dùng và đưa ra phản hồi chính xác. Với các thuật toán này, Trợ lý Google giúp cuộc sống của bạn trở nên dễ dàng hơn bằng cách tìm hiểu sở thích của bạn và sau thời gian dài sẽ thấu hiểu bạn hơn.

2. Google Dịch

Hệ thống Google Dịch sử dụng Dịch máy thần kinh NMT với các thuật toán học sâu từ Google Brain. Công nghệ này cho phép Google Dịch xác định, hiểu và dịch chính xác văn bản sang ngôn ngữ theo yêu cầu của người dùng.

Google Dịch được phát triển nhờ Google Brain (Ảnh: Internet)
Google Dịch được phát triển nhờ Google Brain (Ảnh: Internet)

NMT cũng sử dụng cách tiếp cận mô hình hóa “sequence-to-sequence”, nghĩa là các cụm từ và toàn bộ câu được dịch cùng lúc thay vì dịch từng chữ lần lượt. Khi bạn càng tương tác nhiều với Google Dịch, nó sẽ thu thập và học hỏi thêm nhiều thông tin để đưa ra bản dịch nghe tự nhiên hơn.

3. Google Photos

Chủ yếu được dùng như một ứng dụng lưu trữ ảnh và video dựa trên đám mây, nhưng Google Photos cũng sử dụng các thuật toán của Google Brain để sắp xếp và phân loại hình ảnh và video một cách tự động. Điều này giúp hệ thống quản lý ảnh dễ dàng và hợp lý hơn, nhờ đó khi bạn chụp ảnh Google Photos sẽ nhận ra bạn cũng như bạn bè của bạn, các đồ vật, thậm chí cả những địa danh và sự kiện có trong ảnh.

Google Photos được phát triển nhờ Google Brain (Ảnh: Internet)
Google Photos được phát triển nhờ Google Brain (Ảnh: Internet)

Ứng dụng này cũng có tính năng gắn thẻ giúp bạn xếp ảnh theo nhóm để tìm lại dễ hơn. Tính năng này đặc biệt hữu ích nếu bạn muốn tìm kiếm và chia sẻ kỷ niệm với bạn bè sau này.

Tóm lại

Kể từ khi thành lập, Google Brain đã giúp phát triển AI mạnh mẽ bằng cách sử dụng các thuật toán mạng thần kinh tối tân. Nhóm Brain đã đóng góp tạo ra bước đột phá về khả năng nhận dạng giọng nói và hình ảnh, máy học và xử lý ngôn ngữ tự nhiên của AI.

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Trí tuệ nhân tạo GPT-5 khi nào sẽ xuất hiện?

Chúng ta mới chỉ bắt đầu làm quen với mô hình trí tuệ nhân tạo GPT-4, nhưng một số người đã nghĩ đến GPT-5 với trí thông minh vượt trội. Liệu GPT-5 có thể thực sự xuất hiện hay không, và nếu có thì khi nào?
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận