Bạo lực học đường từ lâu đã là một trong những vấn đề rắc rối tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, vấn nạn xã hội này dường như đang dần trở thành vấn đề báo động đỏ tại Hàn Quốc. Các bộ phim lấy bối cảnh bạo lực học đường dần trở nên có sức ảnh hưởng mạnh hơn bao giờ hết. Vậy vì đâu mà chủ đề bạo lực học đường lại có thể hot đến như vậy?

Sức nóng của đề tài bạo lực học đường qua phim ảnh Hàn Quốc

The Glory – Vinh Quang Trong Thù Hận

Bạo lực học đường luôn là vấn đề được nhiều nhà làm phim Hàn Quốc khai thác. Nổi bật trong thời gian gần đây có thể kể đến The Glory (2022) – Vinh Quang Trong Thù Hận – do nữ diễn viên Song Hye Kyo đóng chính.

The Glory
The Glory là bộ phim đề tài bạo lực học đường nổi tiếng thời gian gần đây (Ảnh: Internet)

Trong phim, Moon Dong Eun – nạn nhân bị bạo lực học đường – đã tốn hơn 20 năm để có thể lên kế hoạch và thực hiện việc trả thù những kẻ đã bắt nạt mình thời còn đi học.

Một lần nữa, thông qua nhân vật Moon Dong Eun, người xem có thể hình dung rõ ràng nỗi đau đớn và ám ảnh của một học sinh khi phải chật vật, gồng mình chống trả với “bè lũ linh cẩu học đường”.

Vinh Quang Trong Thù Hận
Vinh Quang Trong Thù Hận khắc họa nỗi đau của các nạn nhân bạo lực học đường (Ảnh: Internet)

Bộ phim đan xen những chi tiết ghê rợn về sự tàn ác của bọn bắt nạt như bạo lực thể xác, quấy rối tình dục hay thậm chí là tra tấn nạn nhân bằng hình thức dí máy làm tóc vào cơ thể.

Đáng buồn thay, những hình thức tra tấn dã man ấy lại là một câu chuyện có thật ở một trường cấp II nữ sinh ở Cheongju, tỉnh Chungcheong Bắc, vào năm 2006. Không ai có thể tưởng tượng rằng sự tàn ác có thể được gây ra bởi chính những người nhỏ tuổi được gọi là “mầm non tương lai của đất nước” như thế.

Chi tiết phụ đan xen trong các phim khác

Trước The Glory, hiện trạng bạo lực học đường cũng được khắc họa qua nhiều bộ phim khác. Có thể thấy, phần lớn các bộ phim Hàn Quốc với đề tài học đường đều luôn có đan xen các tình tiết về vấn đề này.

Trong bộ phim 18 Again (Trở Lại Tuổi 18) do diễn viên Lee Do hyun đóng vai chính, tuy phần lớn nội dung phim đều là tình cảm tâm lý gia đình song đâu đó vẫn xen lẫn chi tiết về nạn bạo lực học đường.

18 Again
Dù là phim đề tài gia đình, 18 Again vẫn cài cấm nhiều chi tiết về vấn nạn bạo lực học đường (Ảnh: Internet)

Trong một bộ phim kinh điển khác của nền giải trí xứ kim chi là Vườn Sao Băng, vấn nạn bạo lực học đường cũng được thể hiện rất rõ nét. Dù là một một bộ phim thần tượng với motif hoàng tử – lọ lem điển hình, tuy nhiên, nội dung phim cũng không quên nhấn mạnh việc nhân vật nữ chính Jan Di đã gặp khó khăn như thế nào khi trở thành nạn nhân của các vụ tấn công bởi bạn học.

Vườn Sao Băng
Nữ chính Vườn Sao Băng cũng bị các bạn học bắt nạt tập thể (Ảnh: Internet)

Vì phần lớn kịch bản phim thuộc thể loại tình cảm nên bạo lực học đường chỉ được xem là yếu tố phụ tác động xây dựng cốt truyện. Thế nên, phần lớn người xem vẫn chưa thể có cái nhìn sâu sắc trực diện đồng cảm cho nỗi đau của những nạn nhân như cách mà phim The Glory đã thể hiện.

Tình trạng bạo lực học đường thực tế

Theo số liệu thống kê của tác giả Hayoung Kim Donnelly và cộng sự, nạn bắt nạt học đường tương đối “ổn định” từ đầu năm 2013 đến giữa năm 2016 nhưng đã tăng mạnh từ giữa năm 2016 đến cuối năm 2017. Đỉnh điểm được ghi nhận vào tháng 12 năm 2016, tháng 6 và tháng 7 năm 2017, tháng 9 năm 2017 và tháng 12 năm 2017. Hình thức bắt nạt học đường này liên tục được đề cập như “bắt nạt trên mạng”, “tấn công tình dục” và “quấy rối tình dục”.

Theo The Korea Times, trong năm 2022, Hàn Quốc chứng kiến 62.052 trường hợp bạo lực học đường trên cả nước, tăng 68,8% so với con số 42.706 của năm 2019.

Những số liệu thống kê “ấn tượng” như trên càng góp nhấn mạnh tính nghiêm trọng của vấn nạn bạo lực học đường tại Hàn Quốc.

Những trường hợp đau lòng có thật

Ngoài đời thực, vấn nạn đầu gấu được nhận xét là vô cùng tồi tệ hơn so với trên phim. Một vài trường hợp đau lòng đã thực sự xảy ra.

bạo lực học đường
Vấn nạn bạo lực học đường ngoài thực tế còn tồi tệ hơn so với trên phim (Ảnh: Internet)

Cụ thể, năm 2020, vụ án bạo hành ký túc xá Cheonghak-dong cũng tạo nên làn sóng phẫn nộ trong xã hội Hàn Quốc. Nạn nhân bị một nhóm nữ sinh ép uống nước tiểu sau khi họ nhét vật lạ vào cơ thể cô.

Một trường hợp khác trong năm 2021, hình ảnh về vụ hành hung ở trường trung học nữ sinh Yangsan bị phát tán trên mạng xã hội. Hình ảnh một học sinh nước ngoài bị cả nhóm học sinh cấp 2 hành hung không khiến người xem khỏi đau xót. Thậm chí, thủ phạm còn trơ trẽn quay video và đăng lên các diễn đàn internet nhằm nhục nhã nạn nhân.

Đây chỉ là số ít các trường hợp được công khai rộng rãi. Với những hình thức bắt nạt vô nhân tính như trên, hậu quả để lại cho nạn nhân là những ám ảnh, nỗi đau không thể nào diễn tả.

Hậu quả của bạo lực học đường

Đối với người bị bắt nạt

Bạo lực học đường là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh. Người bị bắt nạt có thể trải qua cảm giác sợ hãi, mất tự tin, thậm chí là trầm cảm hoặc rối loạn lo âu. Trong trường hợp tồi tệ hơn, nạn nhân có thể bị mất mạng bởi những hành động man rợ từ kẻ bắt nạt.

Hậu quả không chỉ dừng lại ở việc giảm khả năng tập trung và thành tích học tập mà còn có thể kéo dài đến tương lai của họ, ảnh hưởng đến khả năng hòa nhập xã hội và phát triển nghề nghiệp.

bạo lực học đường
Bạo lực học đường gây tổn thương nghiêm trọng về tâm lý lẫn sức khỏe của nạn nhân (Ảnh: Internet)

Đối với kẻ bạo lực

Không chỉ nạn nhân, ngay cả những kẻ bạo lực học đường cũng sẽ không nhận được những cái kết đẹp khi bị phát giác hoặc bị dính líu đến sự việc này.

Dẫn chứng điển hình cho thái độ bài trừ nạn bạo lực học đường của xã hội Hàn Quốc phải kể đến trường hợp của cựu thành viên LE SSERAFIM – Kim Garam.

Nữ thần tượng sau khi ra mắt đã bị cáo buộc là kẻ đầu gấu chuyên bắt nạt bạn bè khi còn đi học. Tuy nhiên, phía công ty chủ quản Source Music đã lên tiếng phủ nhận và bên vực cho cô nàng. Song, cư dân mạng đã nhanh chóng “đào bới” được những thông tin không đúng như Source Music đã đính chính.

Cụ thể, Garam bị phát hiện từng tham gia vào phiên họp của Ủy ban Ứng phó Bạo lực Học đường trong năm đầu tiên của trường trung học cơ sở. Cô nhận hình phạt mức 5 – hoàn thành 6 giờ giáo dục đặc biệt về bạo lực học đường cùng với nhiều hình ảnh và bằng chứng khác. Chính những thông tin trên khiến công chúng không thể nào chấp nhận được về vấn đề liên quan đến đạo đức của các thần tượng. Hậu quả chỉ sau một khoản thời gian rất ngắn hậu ra mắt, Kim Garam phải rời nhóm.

Kim Garam.
Kim Garam phải rời nhóm vì có hành vi bạo lực học đường (Ảnh: Internet)

Tuy rằng tại thời điểm Scandal diễn ra, vẫn chưa thể khẳng định được liệu nữ idol có thực sự là kẻ đầu gấu trong lời đồn hay không. Thế nhưng, có thể nhìn thấy trước mắt, những tin đồn như sự việc trên của Garam ảnh hưởng vô cùng nặng nề đối với sự nghiệp và hình ảnh của cô. Công chúng Hàn Quốc vốn cực kỳ khắt khe với người nổi tiếng trong vấn đề liên quan đến bạo lực học đường.

Những hình phạt của giáo dục Hàn Quốc

Hiện nay, trước tình trạng báo động của vấn nạn xã hội này, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã tiến hành thực hiện các biện pháp can thiệp.

Theo The Korea Herald, Chính phủ cho biết những học sinh có tiền sử bắt nạt hoặc bạo lực học đường sẽ được phản ánh trong quá trình tuyển sinh đại học thông thường bắt đầu từ năm 2024 và thời gian lưu giữ hồ sơ bắt nạt hiện tại là hai năm sẽ được kéo dài đến bốn năm sau khi tốt nghiệp.

Bộ Giáo Dục Hàn Quốc giải thích rằng quyết định này được đưa ra để dạy học sinh rằng thủ phạm bắt nạt phải thừa nhận lựa chọn của mình và chịu trách nhiệm về hành động của mình, đồng thời nhấn mạnh rằng học sinh ở mọi lứa tuổi nên nhận thức được rằng hành vi xấu sẽ dẫn đến hậu quả trong thế giới thực.

Hiện nay, bắt nạt học đường được phân loại theo thang chín bậc, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Mức độ thứ chín là sự phân loại nghiêm trọng nhất, có thể dẫn đến việc bị đuổi học.

Tuy nhiên, thủ phạm bắt nạt ở trường cấp hai chỉ có thể nhận được mức phân loại tối đa là lớp 8 vì giáo dục cấp hai là bắt buộc ở Hàn Quốc.

Kết luận

Bạo lực học đường không chỉ là một vấn đề nhức nhối mà còn là một thách thức lớn đối với cả hệ thống giáo dục và xã hội. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan chức năng, tổ chức giáo dục và cả cộng đồng nhưng việc tìm ra giải pháp triệt để vẫn còn nhiều khó khăn. Để giải quyết tận gốc vấn đề này, cần có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía, từ việc nâng cao nhận thức, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đến việc thực thi pháp luật một cách nghiêm minh.

Tất cả mọi người cần nhìn nhận rằng, mỗi hành động bạo lực đều để lại hậu quả lâu dài không chỉ đối với nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến môi trường giáo dục và xã hội. Vì vậy, mỗi cá nhân, mỗi gia đình, và toàn xã hội đều cần chung tay, góp sức để xây dựng một môi trường học đường an toàn, lành mạnh, nơi mỗi học sinh đều có thể phát triển toàn diện, không chỉ về kiến thức mà còn về nhân cách, đạo đức và cách ứng xử đúng đắn.

Bạn có thể quan tâm:

Xem thêm

GMMTV Remake Bộ Bộ Kinh Tâm bản Thái với tên gọi Scarlet Heart Thailand, quy tụ dàn diễn viên siêu khủng

Sau thành công vang dội tại Trung Quốc, Hàn Quốc, mới đây, Bộ Bộ Kinh Tâm đã được công ty sản xuất phim GMMTV Thái Lan mua bản quyền và remake với tên gọi Scarlet Heart Thailand đồng thời công bố dàn cast siêu hot.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận