Các thương hiệu điện thoại thông minh luôn nhắm tới khách hàng phổ thông và tạo ra sản phẩm dễ sử dụng cho mọi người. Nhưng trên thực tế, Gen Z ở Mỹ dường như đặc biệt ưa chuộng iPhone và các sản phẩm của Apple nói chung thay vì thiết bị Android. Lý do đằng sau hiện tượng này là gì? Hãy cùng khám phá nhé.

Làm cách nào Apple thu hút được khách hàng Gen Z một cách mạnh mẽ như vậy? Tại sao Gen Z lại được coi là đối tượng quan trọng, và điều này có ý nghĩa gì đối với Apple nói chung?

Gen Z chiếm khoảng 1/3 số người dùng iPhone ở Mỹ

Một báo cáo mới của Financial Times cho thấy Gen Z hiện chiếm 34% tổng số người dùng iPhone tại Mỹ. Đó là một phần lớn dân số, vì Apple chiếm khoảng một nửa toàn bộ thị trường điện thoại thông minh trong nước.

Gen Z là đối tượng khách hàng quan trọng của iPhone và Apple (Ảnh: Internet)
Gen Z là đối tượng khách hàng quan trọng của iPhone và Apple (Ảnh: Internet)

Người dùng ngày nay không thường xuyên thay điện thoại mới nên doanh số smartphone toàn cầu đang giảm qua từng năm. Vì lý do đó, việc thu hút mọi người trở thành người dùng đăng ký dịch vụ trả phí thường xuyên trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với các hãng công nghệ.

Apple coi Gen Z là đối tượng khách hàng lý tưởng vì lứa tuổi này dành nhiều thời gian xem nội dung trên mạng hơn bất kỳ thế hệ nào khác. Nếu Apple có thể khiến Gen Z mua iPhone thì sau đó họ cũng có thể bán các dịch vụ như Apple TV+, Apple Arcade và Apple Fitness+ để kiếm được doanh thu ổn định thường xuyên.

Apple kích thích áp lực đồng trang lứa của Gen Z để khiến họ mua hàng

Một lý do lớn khiến Gen Z thích iPhone hơn điện thoại Android là ứng dụng nhắn tin iMessage. Giống như SMS, iMessage là ứng dụng nhắn tin tiêu chuẩn được Apple giới thiệu cùng với hệ điều hành iOS 5 vào năm 2011, cho phép giao tiếp liền mạch giữa các thiết bị iPhone, iPad và Mac.

iMessage là ứng dụng nhắn tin mặc định của iPhone (Ảnh: Internet)
iMessage là ứng dụng nhắn tin mặc định của iPhone (Ảnh: Internet)

iMessage hỗ trợ nội dung dạng văn bản, emoji, memoji, phản ứng cảm xúc, chỉ mục, hình ảnh, video, tài liệu, xác nhận đã đọc, trả lời nội tuyến, ký tự không giới hạn, mã hóa đầu cuối và mọi tính năng khác mà chúng ta muốn có ở một dịch vụ nhắn tin hiện đại.

Vấn đề là Apple giới hạn iMessage độc quyền cho iPhone, vì vậy không thể dùng nó trên điện thoại Android. Khi người dùng iPhone nhắn tin cho người dùng Android, tin nhắn sẽ mặc định sử dụng tiêu chuẩn SMS chứ không phải iMessage. Trên iPhone của người gửi sẽ thấy những tin nhắn này nằm trong bong bóng chat màu xanh lục thay vì màu xanh lam.

SMS là tiêu chuẩn nhắn tin từ những năm 90 và chỉ hỗ trợ các tin nhắn văn bản ngắn mà không gửi được cảm xúc, xác nhận đã đọc hay chỉ mục. Vì vậy, nếu người dùng iPhone thả cảm xúc với một tin nhắn thì người dùng Android ở phía bên kia sẽ nhận được một tin nhắn bổ sung có nội dung là “Đã thích [nội dung tin nhắn]”, điều này khá kỳ cục.

Và nếu bạn muốn gửi ảnh hoặc video có độ phân giải cao, iPhone sẽ mặc định sử dụng MMS (cũng là một tiêu chuẩn nhắn tin cũ), làm giảm độ phân giải và khiến nó không thể chia sẻ được – đây là điều không thể chấp nhận đối với Gen Z.

So sánh một số tính năng của iMessage và SMS (Ảnh: Internet)
So sánh một số tính năng của iMessage và SMS (Ảnh: Internet)

Đó chỉ là một vài ví dụ cho thấy iMessage tốt hơn SMS và MMS như thế nào, và việc giao tiếp giữa iPhone với điện thoại Android bất tiện ra sao. Vấn đề này càng lớn hơn nữa khi có khoảng 70% người trong độ tuổi 18-24 ở Mỹ đã sở hữu iPhone.

Như vậy, nếu bạn ở độ tuổi thanh thiếu niên hay học sinh sinh viên và thấy hầu hết bạn bè xung quanh đang dùng iMessage để nhắn tin với nhau, thảo luận và tạo nhóm chat để lên kế hoạch cho các sự kiện thú vị, thì tất nhiên bạn cũng muốn tham gia để không cảm thấy bị bỏ lại phía sau. Nhưng điều này không thể thực hiện được với điện thoại Android. Nỗi sợ bị bỏ rơi này chính là nguyên nhân khiến Gen Z ở Mỹ không chọn các thiết bị Android mà thay bằng iPhone. Và càng nhiều người mua iPhone thì áp lực đồng trang lứa lại càng lớn.

Vấn đề này không quá lớn với thế hệ người trưởng thành vì họ đã đi làm và hầu hết các công ty ngày nay sử dụng Slack hoặc Gmail để trao đổi công việc. Nhưng đối với tuổi teen và người trẻ có tâm lý thích kết bạn mới và giữ liên lạc với bạn cũ thì sự công nhận của xã hội có ý nghĩa quan trọng hơn rất nhiều.

Hệ sinh thái Apple khiến người dùng khó thoát ra

Hệ sinh thái Apple được ví như “khu vườn có tường bao quanh”, rất thơ mộng và hấp dẫn khi bước vào nhưng gần như không thể thoát ra. Đối với Gen Z, các tính năng của hệ sinh thái Apple như iMessage, FaceTime, AirDrop, iCloud, v.v. đóng vai trò như chiếc thang dẫn vào khu vườn này.

Apple tạo ra một hệ sinh thái khiến người dùng bị phụ thuộc (Ảnh: Internet)
Apple tạo ra một hệ sinh thái khiến người dùng bị phụ thuộc (Ảnh: Internet)

Sau khi mua iPhone, bạn có thể sẽ cảm thấy cần phải mua các sản phẩm khác của Apple như tai nghe AirPods, đồng hồ Apple Watch, laptop MacBook, máy tính bảng iPad, định vị AirTags, v.v. vì chúng kết nối và hoạt động cùng nhau một cách liền mạch. Càng dùng nhiều thiết bị của Apple, bạn càng bị khóa chặt vào hệ sinh thái.

Hiện nay Google muốn Apple chuyển sang RCS, một giao thức nhắn tin mới có thể làm được hầu hết mọi việc giống như iMessage. Tuy nhiên triển khai RCS trên iPhone đồng nghĩa rằng Apple sẽ mất quyền kiểm soát đối với người dùng của mình, và họ sẽ không bao giờ để điều đó xảy ra.

Để giải quyết vấn đề này, Google đã thêm một tính năng mới vào ứng dụng tin nhắn của Android cho phép hiển thị phản ứng của người dùng iPhone dưới dạng emoji thay vì gửi thêm một đoạn SMS riêng.

Tóm lại: Gen Z là “mỏ vàng” của Apple trong thời đại mới?

Rõ ràng Apple đang sử dụng áp lực đồng trang lứa để khiến Gen Z chọn iPhone thay vì các thiết bị Android. Nhưng iMessage không phải là lý do duy nhất khiến mọi người cân nhắc mua iPhone, còn có những ưu điểm khác mà các công ty Android vẫn chưa tìm ra cách sao chép. Do đó iPhone vẫn là lựa chọn được nhiều người ưa thích hơn.

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Mở khóa Bootloader Xiaomi ngày càng khó khăn: Chỉ được thực hiện 2 ngày/tuần, 6 tiếng/ngày

Từ khi ra mắt phiên bản HyperOS, việc mở khoá Bootloader trên các điện thoại Xiaomi xách tay đã trở nên khó khăn hơn đáng kể. Mới đây, hãng tiếp tục ban hành chính sách mới nhằm siết chặt các thiết bị đến từ thị trường nội địa. Dường như Xiaomi đang muốn làm mọi cách để ngăn chặn ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận