Bệnh bạch cầu là một dạng ung thư máu (bao gồm cả tủy xương và hệ bạch huyết) có liên quan đến việc sản xuất quá nhiều bạch cầu chưa trưởng thành hoặc bất thường của tủy xương, từ đó ngăn chặn việc sản sinh ra các tế bào máu bình thường. Dù rất nguy hiểm nhưng việc phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh bạch cầu cũng giúp ích rất nhiều trong việc tiên lượng và điều trị. Dưới đây là 8 dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh bạch cầu mà bạn không được bỏ qua.
Mệt mỏi, chóng mặt
Mệt mỏi, chóng mặt là những dấu hiệu đầu tiên của người mắc bệnh bạch cầu. Nguyên nhân là do quá trình sản xuất tế bào hồng cầu bị cản trở, dẫn đến thiếu máu, thiếu oxy khiến cơ thể trở nên yếu ớt hơn. Tuy nhiên, mệt mỏi, chóng mặt cũng có thể xảy ra vì nhiều nguyên nhân khác ngoài bệnh bạch cầu. Dù vậy, nếu bạn thấy tình trạng này cứ diễn ra thường xuyên, việc gặp bác sĩ để thăm khám là điều rất cần thiết.
Nhiễm trùng thường xuyên
Thường xuyên bị nhiễm trùng là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh bạch cầu. Nguyên nhân là do bệnh bạch cầu khiến hệ thống miễn dịch bị suy yếu, dẫn đến việc cơ thể dễ ốm hơn bình thường. Nếu cơ thể bạn thường xuyên bị cảm, sốt, ho, ớn lạnh,…và thời gian mắc bệnh cũng dài hơn bình thường, tốt nhất là bạn nên đi gặp bác sĩ để được chẩn đoán sớm.
Đau đầu
Đau đầu là có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, ví dụ như mất ngủ, thiếu ngủ, cảm cúm,…. Tuy nhiên, khi tình trạng này kéo dài, người bệnh cần được chăm sóc y tế vì chúng có thể do các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng như khối u não hoặc bệnh bạch cầu gây ra. Đối với những người mắc bệnh bạch cầu, những cơn đau đầu này là do các mạch máu trong não bị tắc nghẽn do dòng bạch cầu tràn vào.
Bầm tím
Nếu bạn liên tục thấy những vết bầm tím trên cơ thể mà không rõ nguyên do thì đó có thể là triệu chứng bệnh bạch cầu. Nguyên nhân là do bệnh bạch cầu khiến các tế bào tiểu cầu bị sụt giảm, dẫn đến quá trình đông máu/cầm máu bị ảnh hưởng. Điều này làm tình trạng xuất huyết dưới da xảy ra thường xuyên, dẫn đến cơ thể hay xuất hiện vết bầm tím.
Chảy máu
Một trong những vai trò chính của tiểu cầu là góp phần vào quá trình đông máu, giúp cầm máu và hỗ trợ làm lành vết thương. Trong khi đó, bệnh bạch cầu lại làm suy giảm tiểu cầu, khiến quá trình đông máu bị cản trở, dẫn đến chảy máu quá nhiều. Các vấn đề về chảy máu có liên quan đến bệnh bạch cầu gồm: Vết thương khó cầm máu, vết thương lâu lành, thường xuyên chảy máu cam, thường chảy máu chân răng, kì kinh nguyệt dài bất thường,…
Hạch bạch huyết sưng
Nếu các hạch bạch huyết ở nách, bẹn hoặc cổ của bạn bị sưng thì đây là dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc bệnh. Căn bệnh này có thể là một căn bệnh ít nghiêm trọng nhưng cũng có thể là một trong những dấu hiệu của bệnh bạch cầu. Nếu hạch bạch huyết của bạn sưng và đau khi chạm vào, tốt nhất bạn nên đi khám.
Đau nhức xương, khớp
Đau nhức xương, khớp là một trong những dấu hiệu đặc trưng của bệnh bạch cầu. Nguyên nhân là do các tế bào bạch cầu tích tụ trong tủy xương, dẫn đến đau khớp. Cơn đau ngắt quãng này thường bùng phát vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày. Những người mắc bệnh bạch cầu thường báo cáo rằng họ cảm thấy đau dữ dội nhất ở xương sườn, chân và cánh tay.
Mất cảm giác thèm ăn
Mất cảm giác thèm ăn có thể xảy ra vì nhiều nguyên nhân và một trong số đó là bệnh bạch cầu. Bệnh bạch cầu khiến lá lách bị to ra, chiếm nhiều không gian không khoang bụng và chèn ép lên dạ dày, khiến bạn cảm thấy no.
Sụt cân không rõ nguyên nhân
Như đã trình bày trước đó, bệnh bạch cầu có thể khiến lá lách to, dẫn đến mất cảm giác thèm ăn. Khi tình trạng này kéo dài, cơ thể sẽ thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng, dẫn đến sụt cân nhanh chóng.
Bạn có thể quan tâm:
- 10 cách giúp hạn chế nguy cơ đột quỵ mà bạn nên biết
- Bị quầng thâm mắt dù không thiếu ngủ, nguyên nhân do đâu?
- Hội chứng mệt mỏi mãn tính là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục
Bài viết này có giúp ích cho các bạn không? Nếu có, hãy cho mình biết nhé! Mình rất vui khi được nghe ý kiến của các bạn.