Xương là chất liệu đã được con người sử dụng từ rất lâu với đủ loại công dụng khác nhau. Cùng BlogAnChoi tìm hiểu 10 cách sử dụng xương ấn tượng nhất của con người trong lịch sử nào.
1. Hộp đựng thức ăn
Đầu những năm 2000, các công nhân xây dựng ở Israel tình cờ phát hiện ra một hang động đá khổng lồ được gọi là Hang Qesem. Kể từ đó, các nhà khảo cổ học đã khám phá ra những bí mật sâu bên trong nó, thách thức sự hiểu biết của chúng ta về nguồn gốc và sự tiến hóa của loài người.
Trong một nghiên cứu năm 2019 của các nhà nghiên cứu Đại học Tel Aviv, xuất hiện bằng chứng cho thấy con người thời tiền sử sống trong Hang Qesem khoảng 400.000 năm trước có một phương pháp bảo quản thực phẩm rất độc đáo. Họ bọc những mảnh xương hươu bằng da của nó để lưu trữ tủy bên trong. Phát hiện này đã lật ngược giả thuyết người nguyên thủy chỉ là những người săn bắt hái lượm dựa vào nguồn thức ăn sẵn có ngay lập tức. Kỹ thuật bảo quản cho phép họ lưu trữ tủy trong thời gian dài – lên đến hai tháng – và đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm ổn định hơn.
Trước đây không có bằng chứng nào về các phương pháp bảo quản như vậy được tìm thấy. Điều đó khiến các chuyên gia tin rằng con người nguyên thủy đã phải trải qua thời kỳ khan hiếm lương thực. Nhưng hóa ra họ đã bảo quản thực phẩm theo cách riêng của mình. Xác của những con hươu – vốn là con mồi chính của họ – được đưa về hang, nơi thịt, mỡ bị loại bỏ và khiến xương thích hợp để lưu trữ tủy.
2. Thuốc
Trong vài trăm năm qua ở Trung Quốc, xương rồng cổ xưa đã được khai quật và sử dụng như một dạng thuốc. Trên thực tế, “xương rồng” đó là hóa thạch hàng triệu năm tuổi của loài khủng long nhưng người dân không hề biết những bộ xương này có giá trị khảo cổ, thay vào đó họ tin rằng chúng có thể chữa bệnh nên đã nghiền xương ra và dùng chúng để chữa nhiều bệnh khác nhau.
Những bộ xương bí ẩn này được cho là có thể giảm bớt các tình trạng như chóng mặt, chuột rút ở chân, kiết lỵ, sưng tấy bên trong và thậm chí là sốt rét. Trong nhiều thế kỷ, các ngôi làng ở các vùng xa xôi của Trung Quốc đã thề rằng những chiếc xương này là một loại thuốc đặc biệt.
3. Cúc áo
Những đồ vật giống như những chiếc cúc áo hiện đại làm bằng xương đã được phát hiện tại các địa điểm khảo cổ có niên đại từ năm 2000 trước công nguyên. Tuy nhiên, những chiếc cúc cổ qua các thời đại không dùng chỉ như những chiếc cúc ngày nay. Ở Paris thời trung cổ, trong thế kỷ 13, các hội làm cúc chuyên chế tạo cúc áo từ các vật liệu như xương và gỗ.
Có thể phân biệt cúc xương cổ với cúc hiện đại do đặc điểm riêng biệt của chúng. Cúc áo cổ nặng hơn, có kết cấu thô và kích thước khác nhau. Điều này là do chúng thường được làm từ xương ống chân của gia súc.
Ngày nay, cúc áo được làm từ nhiều vật liệu khác nhau như nhựa, kim loại và gỗ. Những thay đổi này phản ánh tiến bộ trong kỹ thuật sản xuất và sự đa dạng của các vật liệu. Và tất nhiên, cúc áo hiện đại có công dụng tiện lợi hơn nhiều so với loại cúc cổ xưa.
4. Vũ khí
Trong tự nhiên, xương có thể dùng làm vũ khí – ví dụ như những con dao từ xương chân hươu vỡ vụn, phù hợp cho công việc đâm xuyên.
Cách đây rất lâu, người Clovis ở Bắc Mỹ thời tiền sử đã chế tạo ra những viên đạn nhọn từ xương hoặc gỗ. Đáng chú ý, người ta phát hiện ra những viên đạn gắn vào xương sườn của một bộ xương voi răng mấu đực. Tuy nhiên, người Clovis không phải là những người duy nhất sử dụng xương như vậy. Người Apache đã chế tạo ra những chiếc gậy từ xương hàm của ngựa, nai sừng tấm, trâu hoặc gấu.
5. Nhà ở
Vào thời kỳ đồ đá cũ ở châu Âu, con người dùng xương và ngà của những con voi ma mút lông xù để tạo nhà – nơi trú ẩn và chắn gió nguyên thủy. Những khúc xương này được buộc lại với nhau hoặc cắm xuống đất một cách đơn giản nhưng lại tạo ra những nơi trú ẩn vững chắc và lâu dài.
Nhìn chung, việc con người sơ khai sử dụng xương voi ma mút xây nhà cho chúng ta biết rất nhiều điều về sự tháo vát và khả năng thích ứng của họ.
6. Món ngon
Tủy xương là một loại thực phẩm phổ biến, giàu chất dinh dưỡng và có hương vị hấp dẫn trong lịch sử ẩm thực của những nơi như Ấn Độ, Iran và Hungary.
Ấn Độ tôn vinh tủy xương như một báu vật ẩm thực. Trên khắp các sa mạc rộng lớn của Iran, tủy xương là trung tâm của các món ăn truyền thống. Hungary nổi tiếng với các món ăn có hương vị đậm đà và nước này cũng sử dụng tủy xương trong ẩm thực truyền thống.
7. Dụng cụ trồng trọt và chế biến thực phẩm
Con người đã lấy xương động vật làm công cụ sinh hoạt từ lâu. Ví dụ, người da đỏ Cherokee ở Mỹ buộc xương động vật lớn và gậy với nhau bằng dây da hoặc dây chằng hươu làm xẻng đào.
Trước đó rất lâu, con người cũng đã làm xẻng bằng xương động vật. Họ sử dụng xương bả vai của động vật như lợn hoặc hươu, thậm chí còn bổ sung thêm tay cầm bằng gạc để đào tốt hơn. Những chiếc xẻng này rất chắc chắn và dễ cầm khi xới đất.
Ở Trung Quốc, họ làm xẻng từ xương lợn hoặc xương bò. Họ thay xương thường xuyên để đảm bảo các công cụ luôn hoạt động tốt.
8. Phân bón
Vào giữa những năm 1800, bột xương nổi lên như một loại phân bón phổ biến. Hồi đó, người dân ở các vùng nông thôn biên giới nước Mỹ đi nhặt xương trâu để làm phân bón. Họ phát hiện ra rằng việc nghiền nát và bón chúng lên vùng đất vốn cằn cối giúp việc trồng trọt trở nên dễ dàng hơn. Vậy nên xương của động vật đã giúp duy trì sự sống quan trọng trên thảo nguyên khi người Mỹ cố gắng di cư về phía tây. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành chăn nuôi gia súc đã dẫn đến sự chuyển đổi từ xương trâu sang xương bò trước năm 1900. Ngày nay, xương được sử dụng làm phân bón hiện nay chủ yếu là xương bò nghiền nhỏ. Ở một số nơi, xương lợn và cừu chết lâu ngày cũng có tác dụng.
Phân xương có hai dạng: xay thô và xay mịn. Xay mịn hơn sẽ giải phóng chất dinh dưỡng vào đất nhanh hơn. Vì bột xương có nhiều canxi và phốt pho nhưng lại thiếu nitơ nên người làm vườn thường bổ sung thêm phân giàu nitơ để cân bằng.
9. Bói toán
Ở Trung Quốc cổ đại, người ta sử dụng xương của rùa, bò và trâu để dự đoán tương lai. Họ làm sạch xương, chà mịn, khoan hoặc đục các lỗ theo hàng vào xương, hơ trên lửa cho đến khi xương nứt ra và đọc các vết nứt như dấu hiệu của một lời tiên tri.
Việc sử dụng xương để dự đoán tương lai cũng có thể được tìm thấy ở những nơi khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, châu Phi và Bắc Mỹ. Nông dân ở những nơi như Hy Lạp và Serbia đã sử dụng xương để xác định thời tiết, bói toán, dự đoán các vấn đề chiêm tinh,…
10. Nhạc cụ
Người ta đã sử dụng xương chim rỗng để tạo ra sáo từ lâu. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra những chiếc sáo xương trong hai hang động Geissenklösterle và Hohle Fels có niên đại hàng thiên niên kỷ ở Đức. Những mảnh sáo được tìm thấy ở Geissenklösterle được ước tính có niên đại khoảng 35.000 năm. Sáo Hohle Fels được làm từ xương cánh của một con kền kền Griffon, có niên đại 4.000 năm. Tại thành phố Isturitz của Pháp, người ta đã tìm thấy những chiếc sáo cổ làm từ xương cánh thiên nga có niên đại khoảng 30.000 năm.
Tính chất rỗng của xương chim khiến chúng trở nên hoàn hảo để chế tạo sáo, cho phép tạo ra những âm thanh tuyệt vời đã vang vọng qua hàng nghìn năm lịch sử loài người.
Bạn có thể đọc thêm:
- 10 sự thật về màu sắc mà tất cả chúng ta đều hiểu sai
- 10 quan niệm sai lầm nổi tiếng nhất về thuật phù thủy Voodoo
- 10 quan niệm sai lầm về tình dục mà chúng ta vẫn tin tưởng
Các bạn có thắc mắc hoặc góp ý gì về bài viết này không? Đừng ngần ngại để lại nhận xét của mình nhé!