Ai đã từng đặt chân đến Sóc Trăng hẳn đã nếm qua nhiều món ngon nổi tiếng nơi đây. Đặc sản địa phương nhiều vô kể như bún nước lèo Sóc Trăng, bánh cống Đại Tâm, bánh phồng tôm, bánh pía… Tuy nhiên hầu như mọi người đã bỏ quên một món ăn cũng được đánh giá là thơm ngon hấp dẫn không kém có tên gọi rất lạ tai là “bún gỏi dà”.
Ý nghĩa tên gọi bún gỏi dà
Đây là món ăn được biến tấu từ món gỏi cuốn quen thuộc. Người ta cho tất cả nguyên liệu làm gỏi cuốn vào tô rồi chan nước chấm vào ăn. Sau đó, họ lại chan thêm nước dùng nấu từ xương và me có vị hơi chua, ngọt, béo để tạo thành món bún nước và đặt tên “bún gỏi và” nhưng do giọng người miền Nam phát âm “và” thành “dà”. Về sau thành thói quen món bún này chính thức có tên “bún gỏi dà”.
Món bún gỏi dà “tuy quen mà lạ” không chỉ có tên gọi rất thú vị mà nó còn chứa đựng hương vị vô cùng hấp dẫn. Chỉ với một chút biến tấu từ món ăn quen thuộc là gỏi cuốn bạn đã có ngay một món bún gỏi dà mới lạ và đặc biệt rồi.
Giá trị dinh dưỡng của món bún gỏi dà
Món bún gỏi dà được làm từ những nguyên liệu vô cùng bổ dưỡng. Vì thế, món ăn này mang đến cho cơ thể của bạn một nguồn dinh dưỡng dồi dào.
Nguyên liệu nổi bật nhất được kể đến như tôm. Tôm là thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng quan trọng gồm: đạm, canxi, sắt, vitamin B12, omega-3… Tôm rất tốt cho tim mạch, chống rụng tóc…
Thịt heo chứa rất nhiều protein, các axit amin cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, thịt heo còn chứa các loại vitamin và các khoáng chất bổ ích như sắt, kẽm, canxi…
Nguyên liệu nấu bún gỏi dà
Với số lượng nguyên liệu được sử dụng trong công thức bạn có thể làm ra được phần bún dành cho 2-3 người ăn. Tuy nhiên, bạn có thể tăng hoặc giảm theo nhu cầu sử dụng của mình và gia đình.
- 500gram tôm tươi sống (người dân Sóc Trăng hay gọi là tôm đất hay tép đất)
- 500gram thịt heo (chọn loại có tỉ lệ thịt và mỡ cân đối)
- 1.5kg xương heo
- 6 trái me tươi
- 2kg bún
- Xà lách, giá, hẹ, rau thơm, ớt, chanh.
- 1 hộp nhỏ tương xay
- Giấm, đậu phộng rang
Dụng cụ cần thiết để làm bún gỏi dà
- Nồi hầm xương (Bạn có thể đặt mua nồi hầm xương tại đây)
- Nồi nhỏ để nấu tương xay
Cách làm bún gỏi dà
Bước 1: Xương và thịt heo sau khi rửa sạch nên luộc sơ khoảng 10’ để khử mùi tanh và giúp cho nước dùng có màu trắng trong đẹp mắt.
Bước 2: Đổ bỏ nước luộc, cho xương và thịt heo vào nồi mới tiếp tục hầm trên lửa nhỏ. Liên tục vớt bọt để nước hầm không bị đục, nêm 1 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê bột nêm. Tiếp tục ninh cho xương tiết ra chất ngọt.
Khi thịt chín, vớt thịt để nguội và thái sợi. Xếp ra đĩa, bọc kín lại.
Bước 3: Tôm rửa sạch, luộc trên lửa vừa, thêm một ít muối và bột nêm. Luộc khoảng 10 phút, lưu ý không nên luộc tôm quá lâu vì sẽ làm mất vị ngọt và độ giòn của tôm. Tôm luộc xong, vớt ra để nguội và bóc vỏ, giữ lại phần đuôi cho đẹp mắt. Xếp tôm vào dĩa và bọc kín.
Bước 4: Nấu me trong nước sôi đến khi trái me chín mềm, dầm me và lọc lấy nước. Nêm nước me vào nồi xương hầm. Thêm 1 muỗng cà phê muối, bột nêm cho vừa ăn.
Bước 5: Bắt nồi nấu tương xay, để lửa nhỏ, thêm ít nước, nêm đường, giấm để giảm vị mặn của tương và tạo độ ngọt bùi.
Bước 6: Đậu phộng có thể mua loại rang sẵn hoặc tự rang. Xà lách, giá, hẹ, rau thơm xếp ra đĩa. Xà lách và hẹ cắt khúc vừa ăn.
Yêu cầu thành phẩm và cách trang trí bún gỏi dà
Để tạo cho món bún thơm ngon hấp dẫn thì nước dùng phải trong, ngọt thanh, hòa lẫn vị chua dịu của me cùng các loại rau mùi.
Hơn nữa thịt heo luộc phải có độ béo mềm vừa phải để khi ăn không bị ngấy, tép luộc giòn ngọt và giữ được độ dai.
Cho bún vào tô, xếp thịt ba rọi, tôm luộc lên trên, rắc một ít đậu phộng rang vào tô. Sau đó xếp xà lách, giá, hẹ, rau mùi trên cùng. Cho nước tương xay vào chén nhỏ. Nồi nước dùng vẫn để trên lửa đun sôi nhẹ.
Cách thưởng thức bún gỏi dà
Chan nước dùng nóng vào tô bún đã chuẩn bị, chan một muỗng nước tương vào bún thêm một ít ớt bằm, vắt chanh tùy ý và bạn nên ăn lúc nóng để cảm nhận hương vị thanh ngọt, hòa quyện của món bún gỏi dà này.
Lưu ý
- Cần chọn tôm tươi sống và luộc vừa chín tới, không luộc quá lâu tránh làm mất độ giòn ngọt của thịt tôm.
- Bạn không nên cho quá nhiều me vào nước dùng, chỉ nêm vị chua vừa phải mới giữ được vị ngọt béo của nước xương hầm.
Thật không khó để nấu được một món ăn mang hương vị dân dã này, bún gỏi dà chính là lựa chọn cho bữa ăn cuối tuần để gia đình quây quần cùng nhau. Vì vậy mọi người hãy tranh thủ bỏ túi công thức nấu món bún này nhé!
Bạn có thể tham khảo thêm một số món bún khác để làm phong phú sổ tay học nấu ăn của mình hơn qua bài viết:
- Cách nấu bún hến trộn ngon và lạ miệng cho bữa ăn nhẹ giàu dinh dưỡng
- Cách làm bún tươi tại nhà chuẩn ngon, bổ, rẻ
Và cũng đừng quên ghé thăm BlogAnChoi thường xuyên để cập nhật thêm nhiều công thức nấu các món ăn hấp dẫn khác các bạn nhé!