Giao dịch chuyển tiền qua mạng di động ngày càng phổ biến trong cuộc sống và đang dần thay thế việc sử dụng tiền mặt. Nhưng chuyển tiền giữa các quốc gia khác nhau lại là vấn đề không đơn giản và khiến nhiều người cảm thấy e ngại. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu những ứng dụng di động giúp bạn thực hiện công việc này một cách thuận tiện và ít tốn phí nhé!
Chuyển tiền quốc tế là giao dịch phức tạp và có nhiều trở ngại
Nếu bạn hoặc người thân của bạn đang sống ở nước ngoài thì có lẽ đã từng phải đối mặt với một vấn đề khá phiền toái: gửi tiền về nước. Chẳng hạn như khi gia đình bạn cần thanh toán các khoản vay, trả hóa đơn hoặc gửi tiền để giúp đỡ nhau, bạn sẽ thấy các thủ tục chuyển tiền qua ngân hàng phức tạp đến thế nào.
Hiện nay chưa có mạng lưới thống nhất để kết nối các ngân hàng trên toàn thế giới. Một số ngân hàng đã hợp tác với nhau để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dùng, nhưng nhìn chung thì việc chuyển tiền đến các quốc gia khác – đặc biệt là những nước có hệ thống tài chính chưa phát triển cao – sẽ rất khó khăn và tốn kém.
Trong mạng lưới chuyển khoản quốc tế phức tạp hiện nay, các ngân hàng sử dụng tỷ giá hối đoái thường rất bất tiện cho người gửi. Cơ chế này làm cho tiền của bạn bị giảm giá trị đi một chút, và phí chuyển tiền ở các nước nhận có thể từ 10 đến 20% giá trị số tiền đã gửi.
Nhưng thật may mắn là sự phát triển của công nghệ đã tìm ra giải pháp cho vấn đề này, đó chính là các ứng dụng giúp chuyển tiền quốc tế một cách nhanh chóng và ít tốn kém. Hãy khám phá ngay nào!
Remitly
Được thành lập vào năm 2011, Remitly hỗ trợ chuyển tiền từ Mỹ và 16 quốc gia khác – chủ yếu là các nước phát triển – đến hơn 100 nước khác trên thế giới.
Nhà đồng sáng lập của ứng dụng này, Matt Oppenheimer, đã từng gặp khó khăn trong việc chuyển tiền quốc tế khi còn làm việc cho ngân hàng Barclays ở Kenya, vì vậy ứng dụng mà ông tạo ra đặc biệt chú trọng đến các nước nhỏ ở châu Phi như Bờ Biển Ngà và Liberia.
Remitly cung cấp dịch vụ chuyển tiền tới tài khoản ngân hàng và ví điện tử di động – thường có chi phí thấp hơn so với chuyển khoản tới ngân hàng. Nó cũng cho phép bạn nhận tiền mặt và giao tiền mặt, tùy thuộc vào điều kiện sẵn có của quốc gia nhận tiền. Nền tảng này hỗ trợ hầu hết các ngân hàng lớn và có phạm vi bao phủ rộng rãi đối với các ví điện tử.
Khi thử giao dịch một số loại tiền tệ khác nhau với Remitly, kết quả cho thấy tỷ giá hối đoái của app này đối với đồng đô la Mỹ trung bình thấp hơn 2% so với tỷ giá thực tế cùng thời điểm trên trang web của CNBC. Điều đó có nghĩa là giá trị của mỗi đô la sẽ ít hơn một chút so với thị trường ngoài đời thực. Ví dụ: nếu 1 USD quy đổi 743 peso Chile ngoài đời, thì Remitly sẽ chỉ cho bạn 729,30 peso mà thôi.
Phí chuyển tiền của Remitly thường dưới 5% số tiền đã chuyển, nhưng sẽ thay đổi tùy thuộc vào tiền tệ và việc bạn thanh toán bằng tài khoản ngân hàng (Economy) hay thẻ (Express). Ví dụ: với đồng peso của Chile, chuyển 1.000 USD có thể tốn 2,49 USD theo chế độ Economy và 20 USD với Express. Chế độ chuyển tiền cũng sẽ quyết định thời gian để tiền của bạn đến được người nhận, có thể chỉ vài phút hoặc lên đến một ngày làm việc.
- Bạn có thể tải Remitly cho iOS tại đây hoặc tải Remitly cho Android tại đây.
- Bạn cũng có thể sử dụng Remitly online tại trang web remitly.com
Wise
Ban đầu được ra mắt với tên gọi TransferWise, ứng dụng này đã xuất hiện từ năm 2010 và thu hút khoảng 10 triệu người dùng trên toàn thế giới. Nền tảng này cho phép bạn gửi tiền từ Mỹ, Vương quốc Anh và châu Âu đến hơn 80 quốc gia khác, trong đó có rất nhiều nước ở Đông Âu.
Nếu thường xuyên theo dõi thị trường tiền tệ thì có thể bạn sẽ quan tâm đến một yếu tố quan trọng là giữ các loại tiền tệ khác nhau trong ví điện tử của ứng dụng Wise, nhờ đó bạn có thể chuyển đổi chúng sang USD hoặc chuyển ngược lại bất cứ khi nào cảm thấy thuận tiện nhất cho mình.
Wise cũng tạo số tài khoản nội bộ để bạn có thể gửi và nhận các khoản thanh toán như thể chúng là giao dịch nội bộ với 10 loại tiền tệ khác nhau. Ứng dụng này có phạm vi phủ sóng rộng rãi và cho phép bạn gửi tiền đến hầu như bất kỳ ngân hàng nào, mặc dù bạn không thể nhận tiền mặt hoặc thanh toán hóa đơn điện nước hay ví điện tử.
Nhưng bù lại cho sự thiếu dịch vụ đó, Wise lại có ưu điểm về tỷ giá hối đoái. Khi so sánh một số loại tiền tệ khác nhau, ứng dụng này đều cung cấp cho người dùng giá trị tốt nhất với đồng đô la Mỹ. Ví dụ: nếu 1 USD quy đổi được 5,26 đô la Brazil trên trang web của CNBC, thì Wise sẽ cho bạn cùng một mức giá như vậy.
Phí giao dịch của Wise thường dưới 5%, và số tiền bạn chuyển càng lớn thì phí sẽ càng thấp. Ví dụ: nếu bạn gửi 100 USD đến Peru, phí sẽ là 4,37 USD (4,4%), trong khi chuyển 1.000 USD đến Philippines sẽ chỉ tốn 6,60 USD (0,7%).
Tốc độ chuyển tiền đi khắp nơi trên thế giới khi sử dụng Wise sẽ thay đổi từ vài phút đến 3 ngày làm việc, tùy thuộc vào quốc gia nhận tiền.
- Bạn có thể tải Wise cho iOS tại đây hoặc tải Wise cho Android tại đây.
WorldRemit
WorldRemit cho phép bạn gửi tiền từ Mỹ và 49 quốc gia khác đến hơn 130 nước. Tương tự như Remitly, ứng dụng này có khá nhiều người dùng ở châu Phi và cho phép bạn gửi tiền từ 6 quốc gia thuộc châu lục này.
Ứng dụng cung cấp dịch vụ chuyển khoản đến ngân hàng và ví điện tử, nạp tiền điện thoại và thanh toán hóa đơn tiêu dùng. Bạn cũng có thể nhận tiền mặt, nhưng WorldRemit không hỗ trợ nhiều ngân hàng lớn như các ứng dụng khác trong bài này.
Tỷ giá hối đoái của WorldRemit trung bình thấp hơn 1,6% so với tỷ giá ngoài đời thực được hiển thị trên trang web của CNBC. Do đó, nếu 1 USD quy ra 20 peso Mexico thì ứng dụng sẽ báo chỉ có 19,70 peso. Như vậy đây là ứng dụng tốt thứ hai trong số 4 cái tên trong bài này, nếu tính theo tỷ giá.
Tương tự như Wise, mức phí của WorldRemit chỉ dưới 5% cho mỗi giao dịch và giảm xuống chỉ còn dưới 1% nếu số tiền từ 1.000 USD trở lên, tùy thuộc vào từng loại tiền tệ.
Về tốc độ, nền tảng này có thể mất từ vài phút đến nhiều giờ để gửi tiền của bạn đến các nơi trên toàn thế giới. Thường thì chỉ mất thời gian trong ngày, nhưng cũng giống như các ứng dụng khác, điều đó còn phụ thuộc vào quốc gia nhận tiền.
- Bạn có thể tải WorldRemit cho iOS tại đây hoặc tải WorldRemit cho Android tại đây.
- Bạn cũng có thể sử dụng WorldRemit online tại trang web worldremit.com
Xoom (thuộc PayPal)
Xoom ra mắt thị trường vào năm 2001 và được PayPal mua lại vào năm 2015, tại thời điểm đó nó đã có hơn 1 triệu người dùng trên toàn cầu. Hiện nay ứng dụng này là bộ phận của một nền tảng lớn phục vụ hơn 250 triệu người dùng, vì vậy nếu bạn đang sử dụng PayPal thì đây có thể sẽ là sự lựa chọn lý tưởng.
Xoom cho phép gửi tiền từ Mỹ, Vương quốc Anh và 32 nước ở châu Âu đến 160 quốc gia khác, bao gồm cả các quốc đảo nhỏ như Seychelles và Dominica.
Với ứng dụng này, bạn có thể chuyển khoản ngân hàng, nhận tiền mặt, thanh toán hóa đơn điện nước, nạp tiền điện thoại và chuyển tiền vào ví điện tử. Phạm vi ngân hàng được hỗ trợ sẽ thay đổi tùy vào quốc gia nhận tiền, vì vậy bạn nên kiểm tra kỹ trước khi chuyển.
Lợi nhuận của Xoom đến từ các giao dịch tiền tệ, vì vậy tỷ giá của nó là kém hấp dẫn nhất so với các ứng dụng khác trong bài này. Ví dụ, nếu 1 USD tương đương 50,24 peso Philippines trên trang web của CNBC, thì tỷ giá của Xoom sẽ là 48,16 peso, tức là bị lỗ mất 4%.
Tỷ giá có thể không phải là thế mạnh của Xoom, nhưng nó lại ghi điểm ở các khoản phí – thường dao động khoảng từ 1 đến 5 USD nếu chuyển 100 USD và thường được giữ cố định bất kể số tiền bạn gửi là bao nhiêu. Trên thực tế, chuyển khoản trên 100 USD bằng các loại tiền tệ như peso Mexico hoặc peso Philippines có thể không mất phí.
Tuy nhiên nếu bạn cần chuyển tiền gấp thì Xoom không phải là lựa chọn tốt nhất. Tùy thuộc vào phương thức chuyển giao, nền tảng này có thể mất đến hai ngày làm việc để đưa tiền đến cho người nhận.
- Bạn có thể tải Xoom cho iOS tại đây hoặc tải Xoom cho Android tại đây.
- Bạn cũng có thể sử dụng Xoom online tại trang web xoom.com
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- Tự bói bài Tarot mọi lúc mọi nơi với 5 ứng dụng cực hay trên Android này
- 10 app vẽ tranh hàng đầu dành cho Android để bạn tha hồ sáng tạo nghệ thuật!
- 7 ứng dụng miễn phí cực hay để biến ảnh selfie thành emoji, sticker và hơn thế nữa!
- Tự học tiếng Trung Quốc không khó với 8 app di động cực hay này!
- File PDF bị khóa bằng mật khẩu? Hãy dùng ngay 6 công cụ mở khóa hữu ích này!
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!