Đừng vội tin vào các kiến thức về vũ trụ trong những bộ phim Hollywood, bởi lẽ các nhà làm phim đôi khi cũng có những lầm tưởng tai hại về không gian ngoài Trái Đất đấy. Hãy cùng điểm qua 5 điều mọi người vẫn thường nhầm lẫn về vũ trụ để bạn không bị “dắt mũi” bởi những bộ phim bom tấn nữa nào!
Trái Đất tròn
Trái Đất hình cầu, nhưng do tác động của lực hấp dẫn, sự di chuyển không ngừng của các mảng kiến tạo, cùng với sự xói mòn tự nhiên nên hành tinh của chúng ta không phải là một vòng tròn hoàn hảo. Trong thực tế, bên cạnh một chỗ phình ra xung quanh đường xích đạo còn có rất nhiều điểm lồi lõm khác trên bề mặt Trái Đất. Trái Đất của chúng ta không hề giống một quả bóng đâu, mà giống một củ khoai tây hơn đấy!
Con người sẽ nổ tung ngoài vũ trụ
Bạn nghĩ rằng khi không có đồ bảo hộ ngoài không gian, mắt chúng ta sẽ nổ tung còn máu thì bay hơi? Không đâu, sự thật ít hấp dẫn nhưng lại đau đớn hơn nhiều. Trong tình trạng thiếu không khí, nếu bạn cố gắng thở, sự chênh lệch áp suất trong và ngoài cơ thể sẽ khiến vỡ phổi và rồi không khí sẽ len lỏi vào hệ tuần hoàn. Bên cạnh đó, nước trong cơ thể bốc hơi sẽ khiến da và các mô bên dưới sưng lên. Chúng ta còn bị cháy nắng thậm tệ do tiếp xúc trực tiếp với bức xạ vũ trụ nữa. Xem ra, sự thật không hề kịch tính như phim ảnh nhỉ!
Phần tối của Mặt Trăng
Khi nói đến phần tối của Mặt Trăng, hầu hết chúng ta đều nghĩ ngay đến phần Mặt Trăng không nhận được ánh sáng Mặt Trời, nhưng thật ra đó là một phía mà chúng ta không nhìn thấy được thôi. Mặt Trăng vốn chỉ hướng một mặt về Trái Đất, còn mặt kia thì không. Nguyên nhân là vì Mặt Trăng có 2 chuyển động tương đối: chuyển động tự quay quanh trục và chuyển động quanh Trái Đất. Thời gian của hai chuyển động quay này đều là 27,3 ngày. Thế nên, khi Mặt Trăng quay quanh Trái Đất một góc thì nó cũng tự quay quanh mình một góc như vậy. Vì vậy, Mặt Trăng chỉ có thể hướng một mặt về phía Trái Đất thôi.
Thủy tinh nóng nhất
Chúng ta vẫn lầm tưởng rằng sao Thủy – ngôi sao gần Mặt Trời nhất – là ngôi sao nóng nhất. Quả thật nhiệt độ trên sao Thủy rất cao: 427°C ở phía hướng về Mặt Trời và -173°C ở phía còn lại. Tuy nhiên, hành tinh nóng nhất hệ Mặt Trời lại là sao Kim – hành tinh xa Mặt Trời hơn sao Thủy. Câu trả lời cho sự khác biệt này là do lớp khí trên các hành tinh. Trên sao Kim có một lớp Carbon Dioxide khá dày, cho phép ánh sáng xuyên qua nhưng đồng thời cũng giữ lại nhiệt trên bề mặt của sao Kim. Do vậy, nhiệt lượng sao Kim nhận được tuy ít hơn sao Thủy nhưng lớp khí quyển dày này đã giúp sao Kim giữ được nhiệt độ nhiều hơn.
Mặt trời có màu vàng
Bạn thấy ánh nắng màu vàng và cho rằng Mặt Trời cũng vậy? Không đâu, Mặt Trời có màu trắng đấy. Bầu khí quyển của Trái Đất khiến ánh sáng Mặt Trời, và hầu hết ánh sáng từ các ngôi sao khác, trở thành màu vàng. Khí quyển bẻ cong ánh sáng, tạo ra hiệu ứng tán xạ Rayleigh. Đây cũng chính là nguyên nhân tạo nên màu xanh cho bầu trời và ánh nắng đỏ rực rỡ khi chiều tà. Thế nên, nếu bạn ở ngoài vũ trụ như các phi hành gia, bạn sẽ thấy rằng Mặt Trời có màu trắng chứ không phải màu vàng như chúng ta thấy hằng ngày đâu. Phim nào lấy bối cảnh ngoài vũ trụ với Mặt Trời màu vàng là sai rồi nhé!
🙂
Bài viết rất bổ ích. Cám ơn bạn !!