Marco Polo sinh ra ở nước cộng hòa Venice vào năm 1254, là một thương nhân, khách du lịch và nhà thám hiểm đã đặt chân đến Trung Á và Trung Quốc trong thời đại mà người châu Âu chưa biết đến những vùng đất rộng lớn này. Cùng BlogAnChoi tìm hiểu thêm về 14 sự thật bất ngờ về Marco Polo nhé.

1. Marco Polo bắt đầu những cuộc phiêu lưu khi còn là một thiếu niên

Tranh vẽ Marco Polo (Ảnh: Internet)
Tranh vẽ Marco Polo (Ảnh: Internet)

Khi Marco Polo bắt đầu cuộc hành trình vĩ đại của mình về phía đông, ông chưa phải là một thương gia hay nhà du hành dày dạn kinh nghiệm mà chỉ mới 17 tuổi. Năm 1271, Polo rời nhà cùng với cha Niccolo và chú Maffeo, họ lên đường đến châu Á với hy vọng tới được triều đình của Hốt Tất Liệt. Đây có thể là lần đầu tiên chàng trai trẻ này rời khỏi nhà cũng như lần đầu tiên anh gặp cha và chú của mình – những người đã đi khắp thế giới kể từ khi Marco chào đời.

2. Ông không phải là thương nhân châu Âu đầu tiên khám phá Trung Quốc

Tranh vẽ Hốt Tất Liệt (Ảnh: Internet)
Tranh vẽ Hốt Tất Liệt (Ảnh: Internet)

Marco Polo không phải là người châu Âu đầu tiên đến Trung Quốc. Trên thực tế, anh ấy thậm chí không phải là người Polo đầu tiên đến thăm Trung Quốc. Trước khi Marco bắt đầu hành trình đến châu Á, Niccolo và Maffeo Polo đã đến Trung Quốc và gặp Hốt Tất Liệt.

Cuộc hành trình của Marco có thể là phần tiếp theo của cuộc phiêu lưu của Niccolo và Maffeo – hai du khách đã kết bạn với hoàng đế Mông Cổ vĩ đại và kể cho ông nghe về Cơ đốc giáo, giáo hoàng và nhà thờ ở Rome. Hốt Tất Liệt rõ ràng đã tò mò về tôn giáo phương Tây nên đã yêu cầu họ đưa tới thêm 100 người đàn ông theo đạo Thiên chúa để tìm hiểu thêm về tôn giáo.

3. Marco Polo đã đi khoảng 24.140 km trong suốt 24 năm

Sau khi rời nhà năm 17 tuổi, Marco Polo đã không trở lại Venice trong 24 năm sau đó. Trong suốt hai thập kỷ, ông đã đi khoảng 24.140 km dọc theo con đường Tơ lụa và qua cả biển, băng qua nhiều vùng của Châu Á. Nhiều thông tin cho rằng Marco Polo đã đến thăm bờ biển Alaska hàng trăm năm trước cuộc thám hiểm của Nga do nhà thám hiểm người Đan Mạch Vitus Bering dẫn đầu.

4. Ông đã kể lại câu chuyện đời mình cho một nhà văn lãng mạn trong thời gian ngồi tù

Khi Marco Polo trở lại châu Âu vào năm 1295, Venice đang ở trong cuộc chiến chống lại cộng hòa Genoa. Ông đã cầm vũ khí chiến đấu cho quê hương và bị quân Genova bắt rồi tống vào tù sau một cuộc giao tranh trên biển.

Tại đây, ông kết bạn với một tù nhân tên Rustichello ở Pisa, một nhà văn nổi tiếng chuyên viết những câu chuyện tình lãng mạn. Ông kể lại câu chuyện của mình cho Rustichello – thứ sau này trở thành cuốn sách “Những chuyến du hành của Marco Polo”.

5. Marco Polo đã mang khái niệm tiền giấy đến Châu Âu

Đế chế Mông Cổ đã lưu hành tiền giấy trước các quốc gia châu Âu từ khá lâu. Trong cuốn sách của mình, Marco Polo đã mô tả một cách hài hước loại tiền tệ kỳ lạ này và Hốt Tất Liệt như một nhà giả kim có thể biến cây dâu tằm thành tiền thay vì biến kim loại thành vàng. Ông bị mê hoặc bởi cách các thần dân của hoàng đế đối xử với tiền giấy như thể nó có giá trị như vàng hoặc bạc, thậm chí còn đề cập đến cả các hệ thống được áp dụng để ngăn chặn việc làm tiền giả nữa.

6. Ông bị ấn tượng bởi bộ lông mềm mượt của bò yak

Loài bò yak mà Marco Polo yêu thích (Ảnh: Internet)
Loài bò yak mà Marco Polo yêu thích (Ảnh: Internet)

Marco Polo đã gặp rất nhiều động vật chưa được biết đến ở châu Âu lúc đó trong chuyến hành trình của mình, chẳng hạn như chó chow chow, hươu xạ và bò yak. Trong số này, bò yak là con vật yêu thích của ông, đến mức đã mang một bộ lông bò yak về Venice và trưng bày nó cho những người hiếu kì tới xem.

7. Marco Polo không giới thiệu mì ống tới Ý

Marco Polo cải tiến gia vị dùng cho món mì ống thì đúng hơn (Ảnh: Internet)
Marco Polo cải tiến gia vị dùng cho món mì ống thì đúng hơn (Ảnh: Internet)

Nhiều người lầm tưởng rằng Marco Polo đã mang mì ống đến Ý. Vào thời điểm đó, mì đã phổ biến ở châu Âu nhưng Polo đã bắt gặp một số món ăn thú vị hơn khi ở châu Á.

Trong chuyến du hành của mình, ông đã tìm thấy vô số loại gia vị quý hiếm mà hầu như có giá cực kì rẻ, chẳng hạn như gừng – loại thảo mộc từng được sử dụng rộng rãi trong thời kỳ La Mã nhưng đã trở nên hiếm hoi trong những thế kỷ tiếp theo. Có thể ông cũng không mang kem đến châu Âu nhưng Marco Polo có mô tả một loại sữa lắc được người Mông Cổ chế biến bằng cách sấy khô sữa và sau đó đổ đầy bột vào bình để mang theo trong các chuyến du hành trên lưng ngựa. Trong khi cưỡi ngựa, họ thêm nước vào sữa và chuyển động này khiến hỗn hợp trong bình đặc lại như siro.

8. Ông tưởng tê giác là kỳ lân

"Kì lân" mà Marco Polo miêu tả (Ảnh: Internet)
“Kì lân” mà Marco Polo miêu tả (Ảnh: Internet)

Vào thế kỷ 13, văn hóa dân gian châu Âu mô tả kỳ lân là loài động vật có sừng, giống ngựa, chỉ có thể thuần hóa và bắt giữ được khi có sự giúp đỡ của một thiếu nữ.

Nhưng lời tường thuật của Marco Polo về loài vật này đã vạch trần sự mê tín đó: kỳ lân không phải là những sinh vật thanh bình và xinh đẹp, thu hút những trái tim thuần khiết. Chúng xấu xí và nguy hiểm, lông như trâu, chân như voi, đầu lợn rừng, giữa trán có một cái sừng đen. Polo cho độc giả biết kỳ lân thích lăn lộn trong bùn đất, tấn công con người bằng chiếc lưỡi gai góc. Các nhà sử học hiện đại cho rằng thứ ông đang mô tả thực ra là những con tê giác.

9. Marco Polo tin vào ma thuật và ma quỷ

Xuyên suốt cuốn sách của mình, Polo đã mô tả các cuộc gặp gỡ với các pháp sư và thầy phù thủy. Tại triều đình của Hốt Tất Liệt, Polo đã gặp các nhà chiêm tinh (được cho là) ​​có thể điều khiển thời tiết từ mái của cung điện, các pháp sư có thể làm các bình rượu bay lên trong bữa tiệc.

Ông không chỉ kể lại những trải nghiệm trực tiếp với phép thuật mà còn đề cập tới những huyền thoại và tin đồn mà ông ấy gặp phải như sự thật. Polo tuyên bố rằng ai cũng biết tới những linh hồn xấu xa ám ảnh sa mạc Gobi, tra tấn du khách bằng ảo ảnh, gọi tên họ để khiến họ quay lưng lại và khiến họ lạc đường – điều này có lẽ ám chỉ đến hiện tượng có thật “cồn cát hát” tại đây.

10. Polo tuyên bố ông là bạn thân của Hốt Tất Liệt

Trong cuốn sách của mình, Polo cho biết ông không chỉ đến được triều đình của Hốt Tất Liệt ở Thượng Đô – tiến xa hơn hầu hết người châu Âu trong thời này – mà còn kết bạn với hoàng đế, trở thành cánh tay phải và cố vấn của Hốt Tất Liệt.

11. Ông được Hốt Tất Liệt ban “kim bài”

Khi Marco Polo quyết định đã đến lúc kết thúc cuộc phiêu lưu của mình và trở về nhà, Hốt Tất Liệt lại trở nên gắn bó với thương gia người Venice đến mức từ chối yêu cầu của ông. Nhưng cuối cùng Marco cũng đã thuyết phục được Hốt Tất Liệt để ông rời đi, đổi lại ông sẽ giúp đỡ cháu trai của hoàng đế trong một chuyến đi biển.

Để đảm bảo Marco được an toàn trong chuyến du hành của mình, hoàng đế đã trao cho ông một tấm “kim bài” có khắc chữ, thứ này giúp ông luôn được cung cấp nhu yếu phẩm trong chuyến hành trình của họ và cho mọi người biết rằng ông đang được hoàng đế bảo vệ.

12. Marco Polo có thể đã phóng đại những cuộc phiêu lưu của mình lên một chút

Các nhà sử học vẫn đang tiếp tục tranh luận về mức độ chính xác của một số câu chuyện về Marco Polo. Một số nhà sử học đã đặt câu hỏi liệu Polo có đến được Trung Quốc hay không hay ông chỉ nhặt nhạnh những câu chuyện đến từ các thương nhân khác trong chuyến du lịch của mình.

13. Một phân loài cừu hoang được đặt theo tên ông

Đây là cừu Marco Polo (Ảnh: Internet)
Đây là cừu Marco Polo (Ảnh: Internet)

Sau khi cung cấp một số mô tả bằng văn bản đầu tiên về bò yak, hươu xạ hương và “kỳ lân”, có một loài động vật móng guốc được đặt theo tên Marco Polo.

Năm 1841, nhà động vật học Edward Blyth đã đặt tên cho một phân loài cừu hoang dã Trung Á là Ovis ammon polii theo tên Marco Polo (con cừu này thường được gọi là cừu Marco Polo).

14. Ông đã truyền cảm hứng cho Christopher Columbus

Tranh vẽ Columbus (Ảnh: Internet)
Tranh vẽ Columbus (Ảnh: Internet)

Những chuyến du hành của Marco Polo đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nhà thám hiểm tiếp tục cuộc phiêu lưu của riêng họ. Christopher Columbus đã mang theo một bản in cuốn sách của Marco Polo trong các chuyến đi xuyên Đại Tây Dương. Vào những năm 1960, một nhóm du khách thậm chí đã quyết định đi theo lộ trình chính xác của Marco Polo – từ Ý đến Trung Quốc – bằng ô tô và xe kéo thay vì cưỡi ngựa.

Bạn có thể đọc thêm:

Xem thêm

Lisa sở hữu loạt thành tích và số tài sản "khủng" ở tuổi 27

Ở tuổi 27, Lisa khiến dân tình choáng váng trước khối tài sản khủng mà ít có idol KPOP nào có thể có được. Nữ idol không chỉ có biệt thự trăm tỷ mà còn cả siêu xe phiên bản giới hạn khiến cho bất cứ người hâm mộ nào cũng phải ao ước.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
2 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Đồng Lâm Hải

tưởng tê giác là kỳ lân?? trời ơi =)))