Ông bà ta có câu “Anh đi anh nhớ quê nhà – Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”. Đặc sản quê nhà luôn là thứ làm cho mỗi người con xa quê phải nhớ da nhớ diết. Dù có đi đâu, ở đâu thì những mùi vị thân thương vẫn như phảng phất quanh đầu mũi, bởi lẽ, không món nào ngon bằng món nhà.
Tôi lớn lên ở Bình Phước – viên ngọc nhỏ vùng cao của Đông Nam Bộ, nơi mà tiếng chày giã gạo nuôi quân cắc cùm cum từng ngân vang ở Sóc Bom Bo, nơi mà đỉnh Bà Rá hiên ngang đã trở thành chứng nhân lịch sử oai hùng. Đó còn là nơi tuổi thơ tôi đã được thưởng thức không ít những đặc sản độc đáo, có một không hai, trong đó không thể không nhắc đến “bộ đôi” cơm lam, canh thụt.
Người đồng bào S’tiêng là dân bản địa của Bình Phước, cơm lam, canh thụt cũng là đặc sản do họ sáng tạo ra. Do địa hình chủ yếu là đồi núi, quanh năm phải đi nương, đi rẫy, không tiện mang theo đồ đạc cồng kềnh nên cơm lam, canh thụt là lựa chọn số một, vừa gọn nhẹ, dễ làm, vừa thơm ngon và đảm bảo vệ sinh.
Cơm lam là loại cơm được nấu trong ống tre hoặc ống lồ ô non nên còn được gọi là cơm ống. Ống non có nhiều nước nên khi nấu, nước sẽ ngấm vào cơm tạo ra mùi thơm đặc trưng. Gạo nấu cơm là loại gạo dẻo, thơm, nước nấu là nước ở khe suối hoặc nước mưa mát ngọt, trong lành. Quy trình tạo ra món cơm lam cũng vô cùng đơn giản, cho gạo và nước vào ống tre, dùng lá chuối sạch bịt kín đầu ống còn lại rồi cho lên bếp lửa. Khi thấy hơi nước thoát ra đầu lá là lúc đó cơm đang sôi. Chỉ cần chờ ngửi thấy mùi thơm tỏa ra, ống tre chuyển màu vàng thì cơm đã chín. Lớp cơm bên ngoài hơi vàng, giòn như cơm cháy, bên trong dẻo dẻo, thơm thơm. Ăn kèm với muối vừng mặn mặn, ngọt ngọt hay miếng thịt rừng nướng thì quả là… ngon không cưỡng lại được.
Đi rẫy mang cơm mà không có canh thì hơi thiếu thiếu. Món canh thụt sẽ là mảnh ghép làm đầy chỗ thiếu đó. Cũng được nấu trong ống tre giống cơm lam, canh thụt là một loại súp hỗn hợp của nhiều nguyên liệu như đọt mây, cà pháo, cá trắng, cua, ốc đá,… Cho tất cả mọi thứ vào ống, đặt lên bếp lửa, chờ cho nước sôi, dùng đũa cả (loại đũa lớn) thụt cho nguyên liệu nhuyễn ra, hòa vào nhau, tạo thành hỗn hợp như súp. Món canh thụt đặc biệt vừa có rau, vừa có cá, nguyên liệu dân dã, tươi ngon sẽ xua tan cái nóng bức, mệt nhọc buổi nghỉ trưa.
Buổi sáng thức dậy, cho mấy ống cơm lam, canh thụt, một gói muối vừng và một miếng thịt rừng nướng vào giỏ, mang đi là không cần phải lo đói nữa. Thức ăn vừa ngon, vừa sạch lại vô cùng gọn nhẹ, quả là một lựa chọn thông minh cho những người đi rừng, làm rẫy. Có lẽ vì cái ngon, cái sạch, cái gọn đó mà món ăn dân dã này đã trở nên phổ biến, không riêng gì đối với đồng bào S’tiêng, dân Bình Phước ai cũng thích ăn.
Cái đặc sắc của ẩm thực quê hương là thứ mà chúng ta không bao giờ quên được. Không phải cao lương mỹ vị trong khách sạn, nhà hàng, một bữa cơm quây quần nơi nương rẫy cũng sẽ làm ta nhớ mãi không quên. Dù có “đi ngược về xuôi” thì hương vị đó vẫn luôn thoang thoảng, réo gọi ta hãy mau chóng quay về. Nếu có dịp đến vùng cao đất đỏ Bình Phước, bạn đừng quên thưởng thức cơm lam, canh thụt nhé. Không tốn tiền đâu, bạn sẽ được chủ nhà khoản đãi miễn phí đấy, người dân quê nồng hậu, nhiệt tình, hiếu khách lắm!
Xa quê đã lâu, tôi vẫn nghe mùi thơm của món ăn quê nhà đang hòa trong gió, như lời gọi thiết tha hãy mau chóng quay về. Hẹn một ngày không xa, tôi về Bình Phước ăn cơm lam, canh thụt.
Hồi xưa không biết cách mở cơm lam còn bị xước tay chảy máu :v