Thuốc tránh thai hằng ngày là phương pháp phổ biến và hiệu quả, nhưng đôi khi vẫn có trường hợp “vỡ kế hoạch”, mang thai ngoài ý muốn trong thời gian uống thuốc. Nguyên nhân là gì và làm cách nào để phòng tránh? Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu nhé!
- Thuốc tránh thai hằng ngày có tác dụng như thế nào?
- 5 lý do khiến thuốc tránh thai hằng ngày thất bại
- Quên uống thuốc
- Nôn ói sau khi uống thuốc
- Uống thuốc không đúng giờ mỗi ngày
- Không bắt đầu vỉ thuốc mới ngay khi hết vỉ thuốc cũ
- Một số loại thuốc khác làm giảm tác dụng của thuốc tránh thai
- Vài lưu ý để không bị “vỡ kế hoạch” khi dùng thuốc tránh thai hằng ngày
- Phát hiện sớm dấu hiệu đã mang thai như thế nào?
Thuốc tránh thai hằng ngày có tác dụng như thế nào?
Đây là loại thuốc dạng viên uống có chứa các hormone ngăn cản quá trình rụng trứng. Một số loại thuốc có chứa hormone làm cho chất nhầy ở cổ tử cung đặc lại và niêm mạc tử cung mỏng đi, làm giảm khả năng tinh trùng tiếp xúc được với trứng để thụ tinh.
Loại thuốc này rất hiệu quả nếu được dùng đúng cách và không quên thuốc bất kỳ ngày nào. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC), thuốc có hiệu quả 99,7% nếu sử dụng đúng cách “hoàn hảo”, có nghĩa là nếu 100 phụ nữ uống thuốc trong 1 năm thì chưa tới 1 người sẽ mang thai.
Tuy nhiên cần lưu ý là với cách sử dụng “thông thường” thì hiệu quả của viên thuốc chỉ là 91%, tức là có khoảng 9 phụ nữ mang thai trong tổng số 100 người uống thuốc này trong 1 năm.
5 lý do khiến thuốc tránh thai hằng ngày thất bại
Mặc dù thuốc tránh thai nói chung rất hiệu quả nhưng một số trường hợp có thể bị giảm tác dụng và đôi khi dẫn đến mang thai ngoài ý muốn.
Quên uống thuốc
Loại thuốc này được thiết kế để phát huy hiệu quả chỉ khi người phụ nữ uống đều đặn liên tục hằng ngày. Nếu bỏ lỡ dù chỉ 1 ngày thì nồng độ hormone trong cơ thể có nguy cơ không còn duy trì ở mức phù hợp đủ để tránh thai.
Nếu người phụ nữ cảm thấy khó uống thuốc mỗi ngày (chẳng hạn như do thời gian không thuận tiện hoặc sợ tác dụng phụ) thì có thể áp dụng các phương pháp ngừa thai khác phù hợp hơn do bác sĩ tư vấn.
Nôn ói sau khi uống thuốc
Đôi khi người phụ nữ phải uống thuốc trong lúc đang bị bệnh, và nếu lúc đó nôn ói thì viên thuốc có thể bị thải ra ngoài hoặc cơ thể không hấp thụ hết lượng hoạt chất trong thuốc làm giảm tác dụng của nó.
Cách xử lý là gì? Nếu bị nôn ói ngay sau khi uống thuốc thì phải uống một viên khác càng sớm càng tốt và ngày hôm sau uống viên tiếp theo như bình thường.
Uống thuốc không đúng giờ mỗi ngày
Thuốc tránh thai hằng ngày không chỉ bắt buộc phải uống mỗi ngày mà còn phải đúng một khung giờ cố định, vì như vậy mới duy trì nồng độ hormone trong cơ thể người phụ nữ ở mức ổn định để phát huy tác dụng tránh thai.
Các chuyên gia khuyên rằng nên uống thuốc trong cùng một khoảng thời gian mỗi ngày, chênh lệch nhau không quá 3 tiếng đồng hồ. Nhiều người thậm chí còn đặt chuông báo để tự nhắc nhở đúng giờ mỗi ngày. Nếu lỡ quên mất khoảng thời gian an toàn này thì nên sử dụng thêm các phương pháp ngừa thai dự phòng khác trong 2 ngày tiếp theo hoặc tránh quan hệ.
Không bắt đầu vỉ thuốc mới ngay khi hết vỉ thuốc cũ
Hầu hết vỉ thuốc tránh thai hằng ngày hiện nay được thiết kế gồm 28 viên để uống liên tục trong 28 ngày chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ, trong đó có quy định rõ các viên thuốc phải uống theo đúng trình tự. Quan trọng là phải bắt đầu uống vỉ thuốc mới ngay sau khi hết một vỉ trước đó. Có những trường hợp người phụ nữ chưa thể mua thuốc mới ngay và không uống thuốc một vài ngày có nguy cơ bị giảm hiệu quả, dẫn đến có thai.
Theo CDC, nếu quên uống thuốc 2 ngày trở lên liên tục thì nên sử dụng thêm biện pháp tránh thai dự phòng khác hoặc tránh quan hệ cho đến khi đã uống thuốc trở lại trong 7 ngày liên tục.
Một số loại thuốc khác làm giảm tác dụng của thuốc tránh thai
Hiện tượng này được gọi là tương tác thuốc, tức là các loại thuốc khác nhau có thể làm tăng hoặc giảm hiệu quả của nhau. Một số loại thuốc kháng sinh như rifampicin và thuốc trị nấm như griseofulvin có thể làm giảm tác dụng của thuốc tránh thai. Nếu người phụ nữ đang dùng các thuốc này thì nên bổ sung thêm biện pháp tránh thai dự phòng khác và kéo dài tới 48 giờ sau khi kết thúc quá trình trị bệnh với các thuốc đó.
Các loại thuốc khác khi dùng kéo dài cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc tránh thai bao gồm:
- Thuốc động kinh như phenobarbital, phenytoin và carbamazepine
- Thuốc kháng virus dùng để điều trị HIV
Vài lưu ý để không bị “vỡ kế hoạch” khi dùng thuốc tránh thai hằng ngày
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tuân thủ đúng
- Uống thuốc vào đúng giờ mỗi ngày
- Sử dụng các ứng dụng theo dõi chu kỳ kinh nguyệt và lời nhắc hoặc chuông báo để không bị quên thuốc
- Luôn thủ sẵn vỉ thuốc mới ít nhất 1 tuần trước khi dùng hết vỉ thuốc hiện tại
- Nếu lỡ quên uống thuốc thì phải uống bù càng sớm càng tốt
- Kết hợp các phương pháp tránh thai khác như bao cao su nếu quên uống 2 viên thuốc trở lên liên tiếp
- Nếu người phụ nữ lo ngại rằng mình không thể uống thuốc đều đặn vì lý do nào đó thì nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn các phương pháp ngừa thai khác. Có những cách không cần uống thuốc hằng ngày, chẳng hạn như đặt vòng tránh thai.
Phát hiện sớm dấu hiệu đã mang thai như thế nào?
Nếu nghi ngờ biện pháp tránh thai đã thất bại và có khả năng đã mang thai thì nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và xét nghiệm. Tuy nhiên cũng có một số dấu hiệu sớm gợi ý như:
- Chướng bụng hay tức bụng: thường là một dấu hiệu trong thời gian trước kinh nguyệt, nhưng đôi khi cũng có thể là hiện tượng báo hiệu mang thai sớm.
- Ngực căng tức: Nồng độ hormone estrogen và progesterone tăng cao có thể gây căng tức ngực trong thời kỳ đầu mang thai. Một số phụ nữ cũng có thể gặp các triệu chứng khác như ngứa ran hay nặng ngực.
- Ra máu lượng ít: Xuất huyết âm đạo lượng ít dạng đốm có thể xảy ra khi trứng đã thụ tinh phát triển thành phôi bám vào niêm mạc tử cung để làm tổ. Nếu bị ra máu ngoài kỳ kinh thì đó có thể là dấu hiệu sớm của mang thai.
- Mệt mỏi không rõ nguyên nhân: Sự thay đổi nội tiết tố xảy ra trong cơ thể khi mang thai có thể khiến người phụ nữ cảm thấy mệt mỏi, ngay cả trong giai đoạn sớm.
- Đi tiểu thường xuyên hơn: Những thay đổi về nội tiết tố có thể làm cho người phụ nữ muốn đi tiểu nhiều lần trong thời kỳ đầu mang thai.
Nếu nghi ngờ mình đã mang thai thì có thể dùng que thử thai tại nhà. Phương pháp này ngày càng được cải tiến để phát hiện nồng độ hormone nhạy hơn và báo hiệu mang thai sớm hơn. Tuy nhiên que thử thai tại nhà vẫn có thể cho kết quả sai nếu thử quá sớm hoặc không thực hiện đúng hướng dẫn. Theo Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA), để có kết quả đáng tin cậy nhất thì nên dùng que ở thời điểm 1-2 tuần sau khi trễ kinh.
Bạn có thể mua que thử thai tại đây
Trên đây là những lưu ý cần nhớ khi dùng thuốc tránh thai hằng ngày để đạt hiệu quả cao nhất và tránh “vỡ kế hoạch”. Hãy thực hiện đúng cách để chăm sóc sức khỏe của chính mình nhé!
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ có thật là liên quan đến mặt trăng như lời đồn?
- Vì sao vẫn cần ăn chất béo khi đang muốn giảm cân?
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!