Spotify là ứng dụng nghe nhạc được yêu thích hàng đầu trên thế giới, hơn nữa còn giúp kết nối mọi người theo một cách đặc biệt thông qua dịch vụ nghe trực tiếp Spotify Live. Tuy nhiên sau nhiều năm hoạt động ổn định, Spotify Live đã chính thức bị khai tử. Tại sao lại thế?
Spotify Live là gì?
Spotify đã tham gia vào thị trường phát âm thanh trực tiếp với dịch vụ Spotify Live nhằm cạnh tranh với ứng dụng Clubhouse. Vụ mua lại Bell Labs vào tháng 3 năm 2021 đã giúp gã khổng lồ phát nhạc trực tuyến Spotify trở thành chủ sở hữu mới của ứng dụng phát âm thanh trực tiếp Locker Room. Ứng dụng này được đổi tên thành Spotify Greenroom vào tháng 6 năm 2021 và sau đó thành Spotify Live vào tháng 4 năm 2022.

Thật không may cho những người yêu thích nền tảng này vì chỉ vài năm sau khi ra mắt, Spotify đã tuyên bố khai tử vĩnh viễn Spotify Live vào năm 2023. Hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao.
Tại sao Spotify Live bị khai tử?
Spotify đã chính thức dừng Spotify Live, theo một tuyên bố được chia sẻ với trang Music Ally qua email. Theo nguồn tin này cho biết, người phát ngôn của Spotify đã nói rằng “sau một thời gian thử nghiệm và tìm hiểu về cách người dùng Spotify tương tác với âm thanh trực tiếp, chúng tôi đã đưa ra quyết định ngừng cung cấp ứng dụng Spotify Live.”

Để nói rõ hơn về quyết định này, Spotify sẽ thông báo cho tất cả người dùng Spotify Live thông qua thông báo trong ứng dụng. Khi mở app, người dùng sẽ nhận được thông báo rằng ứng dụng sẽ ngừng hoạt động vào ngày 30 tháng 4 năm 2023. Tuy nhiên Spotify cũng nói thêm rằng mọi người vẫn có thể tạo và tham gia các phòng trong ứng dụng trước thời điểm chính thức ngừng hoạt động.
Quyết định dừng hoạt động Spotify Live không lâu sau khi chính thức đổi tên thương hiệu vào tháng 4 năm 2022 có vẻ gây bất ngờ, nhưng không phải là vô lý. Trong email nói trên, người phát ngôn của Spotify cho biết: “Chúng tôi tin rằng có một tương lai cho các tương tác trực tiếp giữa người hâm mộ và người sáng tạo trong hệ sinh thái Spotify; tuy nhiên dựa trên hiểu biết của chúng tôi, nó không còn có ý nghĩa như một ứng dụng độc lập nữa.” Cần nhắc lại rằng Spotify đã tích hợp các tính năng của Spotify Live vào ứng dụng chính vào tháng 4 năm 2022.
Một lý do được nhiều người nghi ngờ nhưng có lẽ Spotify sẽ không nói ra, đó là xu hướng nghe audio trực tiếp – vốn nổi lên nhờ ứng dụng Clubhouse từ tháng 3 năm 2020 – đang nguội dần. Kể từ khi ra mắt vào năm 2020, Clubhouse đã trở nên nổi tiếng đến mức khiến nhiều công ty công nghệ đổ xô tung ra các tính năng nghe trực tiếp trên nền tảng của mình, trong đó có các ông lớn như Spotify, Facebook, Twitter và Reddit.

Nhưng khi thói quen nghe trực tiếp của người dùng bắt đầu giảm dần vào năm 2022, được thể hiện qua sự suy giảm nhanh chóng của Clubhouse, thì các công ty đã giảm dần hoặc bỏ hẳn tính năng đó. Ví dụ như Twitter đã ngừng dịch vụ Twitter Spaces, Facebook giảm quy mô đầu tư vào các tính năng âm thanh trực tiếp, và Reddit đã ngừng Reddit Talks. Vì lý do tương tự, Spotify cũng đã ngưng sản xuất một số chương trình âm thanh trực tiếp của riêng họ vào năm 2022. Để thích ứng với tình hình mới, Spotify buộc phải khai tử ứng dụng độc lập của mình do thị trường đã không còn hấp dẫn.
Spotify vẫn không bỏ hẳn dịch vụ nghe trực tiếp
Việc Spotify Live ngừng hoạt động không có nghĩa là Spotify từ bỏ dịch vụ phát âm thanh trực tiếp. Họ vẫn tin rằng có một tương lai đầy triển vọng dành cho hoạt động nghe nhạc trực tiếp, và tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển ý tưởng này như một cách để giúp nghệ sĩ và người hâm mộ đến gần nhau hơn thông qua tương tác trực tiếp.
Người phát ngôn của Spotify nói với Music Ally: “Chúng tôi đã thấy kết quả đầy hứa hẹn trong trường hợp sử dụng ‘các bữa tiệc lắng nghe’ tập trung vào nghệ sĩ, mà chúng tôi sẽ tiếp tục khám phá trong tương lai để tạo điều kiện tương tác trực tiếp giữa nghệ sĩ và người hâm mộ.”
Tin vui là mặc dù Spotify Live sắp ngừng hoạt động nhưng người dùng vẫn có thể nghe các chương trình trực tiếp của nền tảng này dưới dạng podcast trên ứng dụng chính Spotify. Chỉ cần tìm và chọn Live on Spotify trong ứng dụng, bạn sẽ được tiếp cận với nhiều chương trình hấp dẫn dưới dạng podcast được phát trực tiếp.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- 4 lý do khiến nhiều người muốn “nghỉ chơi” mạng xã hội Twitter
- 5 lý do bạn nên dùng Office Online thay cho Microsoft Office để làm việc văn phòng
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!