Trong thời đại ai ai cũng phải “multitask” – làm việc đa nhiệm, việc quản lý thời gian và sắp xếp những đầu việc là yếu tố vô cùng quan trọng để người dùng có thể quán xuyến hết cả công việc và đời sống cá nhân. Giữa vô vàn ứng dụng ghi chú thông tin trên các cửa hàng ứng dụng, Notion nổi lên như một hiện tượng trên TikTok vào đầu năm 2021. Đến cuối năm 2022, nền tảng này thu hút hơn 20 triệu người dùng, đạt giá trị ước tính khoảng 10 tỷ USD.
Trước khi trở thành nền tảng phổ biến như hiện nay, có lẽ ít ai biết rằng Notion từng trải qua 2 lần suýt phá sản bởi… không ai muốn sử dụng nền tảng. Thậm chí, Founder của Notion còn từng phải sa thải toàn bộ nhân viên và vay tiền của mẹ để lập nghiệp. Vậy, làm thế nào mà nền tảng có thể vươn lên thành một “đế chế” như hiện nay?
Từ nền tảng “không ai muốn dùng”…
Ivan Zhao – một trong hai nhà sáng lập Notion sinh ra ở Trung Quốc và lớn lên tại Canada. Kể từ khi còn nhỏ, ông đã có niềm đam mê to lớn với việc mã hoá và lập trình. Vào năm 2013, khi Ivan là sinh viên Đại học, ông đã học viết code trong thời gian rảnh và nhận ra đây là một “vũ khí” vô cùng lợi hại. Khi ấy, nhiều người bạn của ông không biết viết code, vì thế ông đã giúp họ đăng tải các tác phẩm lên Internet.
Từ việc giúp đỡ bạn bè, ông Ivan nhận thấy mình có thể tận dụng khả năng viết code thành công việc kinh doanh, đặc biệt là khi các trang blog như WordPress và mạng xã hội bắt đầu trở nên thịnh hành vào thời điểm đó. Sau đó, ông gặp một sinh viên khác tên Simon Last – người tốt nghiệp ngành Khoa học Máy tính tại Đại học Maryland và từng là Kỹ sư Phần mềm tại Viện Khoa học Nebula Inc. Cả hai đã nhanh chóng trở thành bạn thân và cùng nỗ lực theo đuổi ước mơ thành lập Notion.
Trong hai năm tiếp theo, ông Ivan và Simon đã làm việc không ngừng nghỉ để xây dựng nền tảng của riêng mình cùng với sự hỗ trợ của bốn nhân viên khác. Tuy nhiên, thời điểm đó không quá lý tưởng để các công ty khởi nghiệp. Nền tảng xuất hiện quá nhiều lỗi, khiến nó liên tục bị sập, gây trở ngại trong quá trình sử dụng. Bên cạnh đó, cũng không có nhiều người dùng tin tưởng hai nhà sáng lập trẻ. Không ai sử dụng, không sinh ra lợi nhuận, số vốn khởi nghiệp của họ cũng dần cạn kiệt. Việc sinh sống và làm việc tại San Francisco trở nên quá đắt đỏ với “công ty 6 thành viên”.
Không thể trụ vững, cả hai nhà sáng lập đành phải sa thải toàn bộ nhân viên và chuyển đến khu vực có chi phí sống rẻ hơn bất kỳ khu vực nào trên toàn thế giới – Kyoto (Nhật Bản). Tại đây, họ càng nỗ lực làm việc hơn, dành hơn 18 tiếng/ngày để làm việc trong bộ đồ ngủ. Thế nhưng để gồng gánh chi phí, ông Ivan đã phải… vay hơn 150 nghìn USD từ mẹ mình. Có nhiều người cho rằng, nếu gia đình của ông không khá giả như thế, có lẽ Notion đã “chết từ trong trứng nước”.
…đến Notion được định giá 10 tỷ USD
May mắn thay, sau bao nỗ lực, cuối cùng cả hai đã ra mắt đứa con tinh thần là Notion 1.0 trên web và Mac vào năm 2016. Với bản thiết kế đơn giản, phù hợp cho nhiều trường hợp sử dụng khác nhau, người dùng có thể ghi chú, quản lý tài liệu, sắp xếp các đầu việc trong ngày một cách chi tiết. Các nhà sáng lập muốn ứng dụng trở nên thú vị như khi chơi LEGO, vì thế họ “đặt tên” cho mỗi hàng, mỗi mục trong ghi chú của người dùng là một “khối” (block). Dù người dùng không am hiểu về công nghệ hay lập trình, họ vẫn có thể tuỳ ý chỉnh sửa, sắp xếp các thông tin một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, Notion cũng không đánh vào một tệp khách hàng cụ thể nào. Bất kỳ ai cũng có thể sử dụng Notion, từ sinh viên, nhà sáng tạo, quản lý hay thậm chí là Giám đốc Điều hành của một công ty.
Đến tháng 3/2018, ông Ivan và Simon ra mắt Notion 2.0. Nhờ tiếng vang từ bản phát hành đầu tiên, phiên bản mới nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dùng. Tờ Wall Street Journal đánh giá đây là ứng dụng duy nhất giúp người dùng đạt năng suất trong cả công việc và cuộc sống. Tiềm năng của Notion đã khiến nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào công ty nhỏ này, tuy nhiên ông Ivan cho rằng quá nhiều nguồn vốn có thể “giết chết” công ty nhỏ của mình. Thay vì gọi vốn, ông tập trung vào việc cải thiện tính năng của Notion nhằm biến nền tảng trở thành không gian làm việc hàng đầu.
Sự phổ biến của nền tảng cũng như văn hóa làm việc trực tuyến lan rộng trong thời gian đại dịch hoành hành đã giúp Notion tiếp tục thu hút các nhà đầu tư. Sau nhiều năm gọi vốn quy mô nhỏ, Notion đã gọi được 275 triệu USD trong vòng vốn mới nhằm phát triển quy mô công ty. Thương vụ này đã nâng giá trị của công ty lên 10 tỷ USD. Năm 2022, Notion đã có hơn 20 triệu người dùng. Tính đến tháng 4/2023, Notion có hơn 30 triệu người dùng – con số chứng minh khả năng phát triển nhanh chóng của nền tảng.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Tìm hiểu về conversion rate và cách tối ưu tỷ lệ chuyển đổi hiệu quả dành cho doanh nghiệp
- Trẻ hoá thương hiệu ở ACB có phải chỉ là chuyện “một ngày một đêm”?
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
Nếu bạn đọc bài viết này và cảm thấy có điều gì cần được thảo luận thêm, hãy viết một bình luận để chúng ta cùng trao đổi nhé.