Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI khiến nhiều người đặt câu hỏi: liệu AI có thể thay thế hoàn toàn con người trong việc viết content? Các chatbot như ChatGPT liệu có thiếu sót gì, và tại sao con người vẫn vượt trội về độ sáng tạo khi viết nội dung? Hãy cùng khám phá nhé.
- 1. AI không biết kiểm chứng thông tin
- 2. Các mô hình ngôn ngữ AI được xây dựng theo khuôn mẫu
- 3. Lệ thuộc vào AI khiến người viết trở nên lười biếng
- 4. AI thu thập những thông tin được phổ biến rộng rãi
- 5. AI đưa ra kết quả giống nhau cho các câu hỏi tương tự nhau
- 6. AI không thể tạo ra phong cách riêng khi viết
- 7. Các công cụ AI không kết hợp kỹ thuật SEO vào văn bản
- 8. Nhiều công cụ kiểm tra đạo văn có thể phát hiện nội dung do AI tạo ra
- Tóm lại: Sử dụng chatbot AI một cách có trách nhiệm
Những tiến bộ gần đây về chatbot AI có khả năng viết lách đã tạo nên cơn sốt trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Không chỉ là những đoạn văn rời rạc, giờ đây trí tuệ nhân tạo đã thông minh đến mức ngay cả các nền tảng miễn phí cũng có thể tạo ra bài viết 1.000 từ có ý nghĩa và đúng ngữ pháp về bất kỳ chủ đề nào chỉ trong vài giây.
Mặc dù rất tiện lợi nhưng chatbot AI vẫn chưa hoàn hảo. Dưới đây là những lý do bạn không nên dựa vào chúng một cách mù quáng khi viết nội dung, vì có thể ảnh hưởng đến chất lượng bài viết và giảm uy tín của bạn.
1. AI không biết kiểm chứng thông tin
Các hệ thống AI được xây dựng dựa trên một loạt những câu hỏi khái quát. Chúng sẽ dò tìm hàng tỷ nguồn dữ liệu trực tuyến để đưa ra câu trả lời cô đọng gồm các thông tin được phổ biến rộng rãi. Những câu trả lời đáng tin cậy thường là về khoa học, toán học và lịch sử.
Mặc dù các chatbot AI luôn cố gắng trả lời một cách chính xác, nhưng chúng không có khả năng kiểm tra tính xác thực của thông tin. AI chỉ đơn thuần truyền đạt lại những gì nó tìm thấy từ kho dữ liệu. Ngay cả các hệ thống AI phức tạp cũng trả lời không chính xác những câu hỏi về các nghiên cứu khoa học gần đây, phương trình toán cao cấp, y học, các chủ đề gây tranh cãi và sự kiện đương đại.
Do đó bạn vẫn có thể sử dụng ChatGPT như một công cụ tìm kiếm, nhưng hãy thận trọng với câu trả lời của nó để tránh thông tin sai lệch. Nguyên tắc chung là hãy luôn so sánh câu trả lời của AI với các nguồn tin chính thống.
2. Các mô hình ngôn ngữ AI được xây dựng theo khuôn mẫu
Các nền tảng AI hiện đại sử dụng các mô hình ngôn ngữ phức tạp như GPT-3. Chúng được xây dựng bằng các phương pháp máy học và học sâu để tạo ra văn bản giống người thật.
Phải thừa nhận rằng không dễ phân biệt nội dung của GPT-3 và nội dung do con người tạo ra. Dựa trên yêu cầu của người dùng, nó có thể viết đoạn văn dài 1.000 từ đảm bảo đúng ngữ pháp và văn phong tự nhiên chỉ trong vài giây. Hầu hết mọi người sẽ không nhận thấy điều gì bất thường nếu chỉ lướt nhanh qua.
Tuy vậy, mặc dù đã tiến bộ vượt bậc nhưng các mô hình ngôn ngữ AI vẫn tuân theo các khuôn mẫu nhất định. AI trả lời theo công thức và lặp đi lặp lại – khác xa những người có kinh nghiệm viết lách thực sự. Nói cách khác, nội dung mà AI tạo ra thường dễ đoán trước.
Ví dụ như đoạn văn về mèo dưới đây: bạn sẽ không phát hiện ra bất kỳ lỗi cơ bản nào như lỗi đánh máy, thiếu dấu chấm câu hay sai chính tả. Có vẻ đây là nội dung tương đối tốt.
Bây giờ hãy so sánh đoạn văn trên với đoạn dưới đây, bạn sẽ thấy câu trả lời của ChatGPT tuân theo khuôn mẫu cố định, mặc dù đối tượng đã thay đổi thành chó.
3. Lệ thuộc vào AI khiến người viết trở nên lười biếng
AI giúp đơn giản hóa việc nghiên cứu thông tin khi viết. Thay vì đọc rất nhiều kết quả tìm kiếm của Google, bạn chỉ cần hỏi chatbot và nó sẽ đưa ra câu trả lời ngắn gọn, súc tích một cách nhanh chóng.
Mặc dù rất tiện lợi nhưng công nghệ này khiến mọi người trở nên lười biếng. Nếu bạn luôn muốn có kết quả ngay lập tức thì cuối cùng bạn sẽ lơ là những công việc khó nhưng quan trọng như kiểm tra tính xác thực, phân tích dữ liệu và nghiên cứu đề tài.
Do vậy trước khi viết, hãy đảm bảo rằng bạn đã nghiên cứu chủ đề một cách cẩn thận. Nghiên cứu sâu rộng là cốt lõi làm nên bài viết hay, bạn nên dành ít nhất 30 đến 60 phút để đọc các nguồn thông tin và dữ liệu đáng tin cậy. Có thể tăng thêm giá trị hơn nữa cho bài viết bằng cách so sánh các nguồn tham khảo, đưa ra sự thật đã được kiểm chứng và kết luận một cách có cơ sở. Ngược lại, nếu bạn chỉ sao chép nguyên vẹn câu trả lời của chatbot thì bài viết không có giá trị.
4. AI thu thập những thông tin được phổ biến rộng rãi
AI biết né tránh thông tin không chính xác bằng cách tạo ra câu trả lời chung chung. Ví dụ như đoạn dưới đây: khi được yêu cầu viết về việc chăm sóc chó, công cụ AI này đưa ra những điều quá quen thuộc mà hầu như ai cũng biết.
Hơn nữa, hình dưới đây cho thấy thông tin của AI được lấy từ một nguồn không đáng tin cậy.
Các nội dung khái quát chung chung rất khó thu hút được nhiều người quan tâm. Để hấp dẫn độc giả và đạt thứ hạng cao trên các công cụ tìm kiếm, bạn phải viết nội dung mới và không trùng lặp, dành riêng cho trang web của mình. Đừng viết lại những thứ mà mọi người đã biết.
Tất nhiên bạn vẫn có thể nói về các chủ đề chung, nhưng hãy đi sâu vào một khía cạnh nào đó mang tính độc đáo và phù hợp với mục đích của mình.
5. AI đưa ra kết quả giống nhau cho các câu hỏi tương tự nhau
Mặc dù AI có khả năng quét hàng tỷ nguồn thông tin tham khảo nhưng câu trả lời của nó thường chứa nội dung giống nhau. Chatbot AI tạo văn bản theo công thức bao gồm dữ liệu lặp lại, bất kể bạn đặt câu hỏi thế nào. Nếu bạn thay đổi cách hỏi, AI sẽ trả lời lại theo cách khác mà thôi.
Để có thông tin chi tiết chính xác hơn, hãy kiểm tra kỹ câu trả lời của AI bằng cách tham khảo các nguồn có uy tín và đáng tin cậy. Ngoài ra hãy so sánh các ý kiến khác nhau, vì luôn có nhiều góc độ để phân tích một vấn đề nào đó và không nhất thiết phải bắt chước AI.
6. AI không thể tạo ra phong cách riêng khi viết
Các công cụ chatbot AI có thể xây dựng câu trả lời theo những cách nhất định. Ví dụ như hình dưới đây cho thấy ChatGPT có thể trả lời theo kiểu “chuyên nghiệp” và “thông thường” với cùng một câu hỏi. Có thể thấy rằng nếu người dùng thêm các từ khóa cụ thể vào yêu cầu sẽ khiến AI làm theo như ý muốn.
Mặc dù có tiến bộ trong việc bắt chước ngôn ngữ giống con người nhưng chatbot AI vẫn có hạn chế: chúng không thể bắt chước hoàn toàn giọng điệu của người thật. AI tuân theo công thức khuôn mẫu được quy định trước, kể cả khi được yêu cầu bắt chước một giọng điệu cụ thể.
Do đó tốt nhất là bạn nên tự kiểm soát các bài viết của mình. Hãy nhớ rằng thương hiệu nhất quán đóng vai trò quan trọng giúp giữ chân khách hàng. Nội dung trong bài, bố cục của bài và kết luận mà bạn đưa ra phải phù hợp với đối tượng mục tiêu của bạn, khi đó mới có thể thu hút họ trở lại nhiều lần.
7. Các công cụ AI không kết hợp kỹ thuật SEO vào văn bản
Những người viết content thường sử dụng nền tảng AI để tăng tốc quá trình viết. Hầu hết các công cụ AI có thể viết ra hàng nghìn từ chỉ trong vài giây, vì vậy về lý thuyết bạn có thể chỉnh sửa và đăng bài mới trong vòng chưa tới 10 phút.
Tốc độ rất nhanh nhưng bù lại chất lượng không phải lúc nào cũng tốt. Các đoạn văn do AI tạo ra hiếm khi đáp ứng các tiêu chí xếp hạng của công cụ tìm kiếm, trong khỉ những nội dung chất lượng cao có thể đạt được điều đó và giúp tăng mức độ hiển thị của trang web trên mạng. Đăng hàng trăm bài viết cũng không có ý nghĩa gì nếu không ai đọc chúng.
Nếu bạn muốn trang web của mình được xếp hạng cao, hãy tập trung làm tăng giá trị cho bài viết thay vì yêu cầu chatbot nhồi nhét từ khóa để tạo ra những đoạn chung chung, dài dòng, thậm chí có thể bị các công cụ tìm kiếm đánh giá là spam.
8. Nhiều công cụ kiểm tra đạo văn có thể phát hiện nội dung do AI tạo ra
AI thu thập thông tin không phải chỉ từ một trang web mà quét hàng tỷ nguồn khác nhau và đưa ra câu trả lời theo mô hình ngôn ngữ của nó. Dù vậy nội dung do AI tạo ra vẫn không mang tính độc đáo, chúng chỉ thoát được các công cụ phát hiện đạo văn đơn giản dựa theo công thức mà thôi.
Có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề nội dung do AI tạo ra có phải là đạo văn hay không. Nhưng đối với những người viết content chuyên nghiệp, tốt nhất là tự nghiên cứu thông tin cho bài viết và không bao giờ mạo hiểm với việc đạo văn. Hãy nghiên cứu đề tài của riêng mình, rút ra kết luận hợp lý, sau đó diễn đạt bằng từ ngữ của riêng bạn.
Tóm lại: Sử dụng chatbot AI một cách có trách nhiệm
Hãy xem AI như một công cụ hỗ trợ chứ không phải người viết nội dung thay mình. Hãy nhớ rằng AI không tự kiểm tra đạo văn cũng như tính xác thực của thông tin. Sao chép nội dung do AI tạo ra sẽ làm giảm thứ hạng của bài viết trên công cụ tìm kiếm, làm tổn hại đến uy tín của bạn và giảm chất lượng trang web, chưa kể bị mang tiếng là lười biếng, phụ thuộc vào AI.
Như đã nói, bạn không nhất thiết phải ngưng sử dụng AI hoàn toàn. Mặc dù còn nhiều thiêu sót nhưng AI có nhiều tính năng sáng tạo hỗ trợ con người làm việc và tự động hóa các công việc nhàm chán. Hãy sử dụng nó một cách có trách nhiệm, ví dụ như dùng AI để hỗ trợ các hoạt động ngoài viết lách như phát hiện đạo văn, chỉnh sửa cơ bản, nghiên cứu từ khóa và xây dựng trang web.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- 7 cách sử dụng ChatGPT phục vụ cho công việc thực tế và hữu ích
- 7 ngành nghề có nguy cơ bị mất việc bởi trí tuệ nhân tạo
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!