Tòa Án Vị Thành Niên (Juvenile Justice) là bộ phim Hàn Quốc khai thác vấn nạn tội phạm trẻ em hiện nay. Và ở những phiên toàn ấy, thẩm phán Shim Eun Seok đã nói: Sự trừng phạt là dành cho các em, nhưng gia đình cũng phải cảm nhận sức nặng của hình phạt đó.”
Tội phạm vị thành niên: Bản chất hay do giáo dục?
Shim Eun Seok và Cha Tae Joo là 2 thẩm phán của toàn án vị thành niên, cũng là đại diện cho 2 hệ tư tưởng khi đối mặt với những tội phạm nhỏ tuổi này.
Shim Eun Seok là người “căm ghét tội phạm vị thành niên” vì ở độ tuổi nhỏ như vậy mà chúng đã cả gan phạm tội trong khi luật pháp thì bất lực không thể xử phạt. Còn Cha Tae Joo là người đào sâu vào luật nhân quả, và lý do vì sao trẻ em phạm tội để đồng cảm và định hướng cho các em sửa sai.
Chính từ 2 vị thẩm phán này, khán giả nhận ra một câu hỏi bất cứ ai cũng từng thắc mắc khi nhắc đến tội phạm vị thành niên: Chúng phạm tội là do bản chất, hay do giáo dục, môi trường sống thúc đẩy?
Tòa Án Vị Thành Niên đã đưa ra sự so sánh rất rõ ràng cho câu hỏi này ở câu chuyện về trung tâm cải tạo Pruem – nơi nuôi dưỡng 8 tội phạm vị thành niên, tất cả đều là nữ. Trong 8 đứa trẻ này, khán giả có thể thấy được hai luồng tư tưởng hoàn toàn khác biệt.
Yu-Gyeong cảm thấy mình hạnh phúc và biết ơn khi được nhận nuôi và chăm sóc tại Pruem. Cô bé mong muốn được làm lại cuộc đời, sống tốt hơn và hạnh phúc hơn sau khi cải tạo kết thúc.
Nhưng cũng dưới mái nhà đó, lại có những đứa trẻ mang theo nỗi oán hận, phản xã hội, muốn phạm tội hơn là thay đổi bản thân, thay đổi cuộc sống của mình. Đó là Choi Yeong Na, cầm đầu cả nhóm con gái hành hung tập thể tại chính trung tâm cải tạo, sau đó bỏ trốn, đánh đập, cướp tiền của bạn, ép người khác bán dâm để kiếm tiền… Một đứa trẻ như vậy, bất cứ ai cũng cảm thấy “hết thuốc chữa rồi”.
Cùng lại tội phạm vị thành niên, cùng vào một môi trường giáo dục, cùng nhận được sự chăm sóc, định hướng như nhau, tại sao có người muốn thay đổi, có người lại cố chấp với con đường tội lỗi của mình? Chẳng lẽ tội phạm là từ bản chất, sinh ra đã có “máu ác” trong người?
Nhưng rồi cũng chính thẩm phán tàn nhẫn Shim Eun Seok lại nỗ lực hết mìnhđể có thể giúp đỡ những đứa trẻ đó, lo lắng đến an nguy của chúng và thậm chí không màng nguy hiểm, bất kể ngày đêm để có thể giải quyết các vấn đề của những tội phạm nhỏ tuổi này với cách hợp lý và tốt nhất cho các em ấy.
Shim Eun Seok luôn khoanh tay đầy ngạo nghễ và lạnh lùng, cũng rất tàn nhẫn với đám trẻ phạm lỗi sai. Nhưng cô ấy cũng đưa ra những lời khuyên ấm áp, cái xoa đầu dịu dàng và sự mong muốn chân thành cho những đứa trẻ ấy có được cuộc sống tốt hơn.
Làm vậy bởi vì thẩm phán Shim Eun Seok tin rằng đám trẻ đó vẫn có cơ hội làm lại cuộc đời, vẫn có phần bản chất ngây thơ và tốt đẹp hiện hữu, chỉ là bị sự bồng bột, nổi loạn và những yếu tố tiêu cực bên ngoài che lấp đi thôi.
Tòa Án Vị Thành Niên: Bản án cho các bậc cha mẹ
“Trẻ em không lớn lên một mình, cũng không tự nhiên phạm tội” – Shim Eun Seok
Trong những phiên tòa của Tòa Án Vị Thành Niên, khán giả không chỉ được thấy những tội phạm nhỏ tuổi đứng đó với các tâm trạng khác nhau, mà còn thấy được ở hàng ghế phía sau là những người lớn, người giám hộ, cha mẹ, ông bà hay gia đình của các em. Có những phiên tòa rất đông người, cũng có những phiên tòa chẳng có bóng dáng một ai. Nhìn vào những phiên tòa đó, chúng ta có thể biết được chính xác “lý do vì sao trẻ em phạm tội”.
Trong vụ án đứa trẻ 13 tuổi phạm tội giết người, còn chặt xác phi tang, thế nhưng người mẹ lại không hề xuất hiện ở phiên tòa với lý do “bận công việc”. Một lý do khiến thẩm phán Shim Eun Seok bật cười. Nụ cười đó vừa chế nhạo, vừa cay đắng cho sự thất bại của một người mẹ. Sau đó cô ấy còn hỏi người mẹ: Cô đã làm gì được cho con mình?
Hay như một cô bé 16 tuổi lại bị rối loạn tâm lý nặng, trầm cảm, ám ảnh bị hại, bạo lực không kiểm soát, tức giận phản xã hội đến mức gây ra tội ác khủng khiếp với đứa bé 8 tuổi? Chẳng lẽ đó là do bệnh bẩm sinh, là do bản chất đứa bé đã thích đánh nhau, muốn giết người?
Hình ảnh này thật sự rất quen thuộc và khiến nhiều người phải giật mình nhìn lại bản thân. Các bậc cha mẹ luôn quá bận rộn với công việc, lấy lý do kiếm tiền để bỏ bê, xao nhãng con cái, không quan tâm chăm sóc chứ đừng nói là giáo dục chúng, để rồi khi có chuyện xảy ra, lại đổ tội cho đứa bé “gây rắc rối cho tôi”.
Hoặc cũng có những người bố, người mẹ “giáo dục” con cái bằng đòn roi, bằng bạo lực, bằng sự tra tấn cả thể xác lẫn tinh thần. Và họ dựa vào lý lẽ rằng “tôi là cha là mẹ chúng nó, tôi có quyền dạy bảo chúng”.
Các bậc cha mẹ có những ai đã từng nghĩ thế và vẫn luôn nghĩ thế? Làm cha làm mẹ thì có mọi quyền hành với con cái? Có quyền sai bảo, có quyền ép buộc, áp đặt thậm chí bạo hành, đánh đập nhân danh “giáo dục”? Làm cha mẹ thì có quyền bắt con cái phải “trả nợ” ơn sinh thành của mình? Người xưa có câu “Con cái là của trời cho” chứ có ai nói con cái là khoản đầu tư tuổi già, là bảo hiểm nhân thọ của bố mẹ đâu?
Và Tòa Án Vị Thành Niên cũng có lời giải thích cho lý do vì sao trẻ em lại phạm tội. Chúng biết điều đó là sai, là nguy hiểm, là vi phạm pháp luật và có thể phải chịu sự trừng phạt. Nhưng chúng vẫn làm, vẫn ăn cắp, hút thuốc, đánh nhau, giao du bạn xấu hay thậm chí đi bán dâm để kiếm tiền… Lý do vì sao?
Luật pháp chắc chắn luôn bảo vệ trẻ em, nhưng bảo vệ đã đúng cách chưa thì không chắc. Khi có bạo hành gia đình, đứa trẻ lại là người phải rời khỏi gia đình, phải đến mái ấm tình thương, phải chạy trốn khỏi chính cha mẹ của mình? Và những đứa trẻ bởi vì môi trường sống tệ hại, vì sự giáo dục khủng khiếp của gia đình mà trở thành kẻ xấu, trở thành tội phạm, thì người chịu phạt chỉ là bản thân các em. Còn những người khiến các em trở nên như vậy thì sao? Pháp luật có thể trừng phạt họ không?
Tòa Án Vị Thành Niên đã trả lời:
Bản án dành cho những cha mẹ có con phạm tội chính là sự hối hận, là nỗi đau tuyệt vọng và sự tự trách bản thân. “Bố mẹ sinh con, trời sinh tính” là đúng, nhưng “nhân chi sơ tính bản thiện” cũng là thật.
Một đứa trẻ không tự nhiên trở thành kẻ ác, không đột nhiên muốn phạm tội, không phải bẩm sinh nhân tính xấu xa. Nếu đã là cha là mẹ, sinh con ra thì hãy cố gắng nuôi dưỡng chúng nên người. Và nếu con cái mình làm điều sai trái, phạm phải tội lỗi, đừng chỉ trách mắng chúng, mà hãy tự vấn lại xem bản thân mình có “góp phần” vào tội lỗi đó không.