Điện thoại thông minh bị nứt hoặc vỡ màn hình là chuyện rất thường gặp, nhưng nhiều người lại chần chừ không muốn thay màn hình điện thoại vì chi phí không hề rẻ. Vậy bạn đã bao giờ thắc mắc vì sao chiếc màn hình “cỏn con” lại đắt đến thế? Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu nhé!

Nếu bạn đã từng làm nứt vỡ màn hình điện thoại và đem đi thay mới thì chắc chắn bạn đã biết rằng dịch vụ này không hề rẻ chút nào. Thay màn hình điện thoại sẽ tốn kha khá chi phí, đến mức nhiều người thậm chí còn không muốn thay, đành chấp nhận những vết nứt vỡ xấu xí trên màn hình và sử dụng tiếp thay vì bỏ tiền ra.

Có phải chính bạn cũng đang dùng một chiếc điện thoại bị nứt màn hình? (Ảnh: Internet).
Có phải chính bạn cũng đang dùng một chiếc điện thoại bị nứt màn hình? (Ảnh: Internet).

Nhưng rốt cuộc thì tại sao thay màn hình điện thoại lại đắt đến vậy? Chi phí đó được dùng vào những việc gì? Hóa ra vấn đề này phức tạp hơn bạn nghĩ đấy, hãy cùng tìm hiểu nào!

1. Tháo bỏ màn hình bị hỏng

Trước khi gắn màn hình mới vào điện thoại, tất nhiên bạn cần phải tháo bỏ chiếc màn hình bị hỏng, và đó không phải là việc đơn giản. Để tháo màn hình điện thoại, bạn cần có cả tuốc nơ vít chính xác và dụng cụ mở đặc biệt, tức là không phải ai cũng mở được bằng tay không hoặc mũi dao bất kỳ nào đó.

Bộ công cụ chuyên dùng để tháo màn hình điện thoại (Ảnh: Internet).
Bộ công cụ chuyên dùng để tháo màn hình điện thoại (Ảnh: Internet).

Và ngay cả khi đã có các công cụ cần thiết để tháo màn hình điện thoại thì đó vẫn là một quá trình khá phức tạp, đòi hỏi bạn phải tháo pin, rút ​​các dây cáp ruy-băng rất tinh vi và nhiều công đoạn khác nữa. Phải là những người thợ có tay nghề vững vàng và hiểu rõ những bước cần làm thì mới thực hiện được công việc này.

Vì hầu hết chúng ta không phải là chuyên gia trong lĩnh vực điện tử nên thường giao việc này cho những người thợ đã qua đào tạo thay vì tự mình táy máy rất “mạo hiểm”. Vậy là một phần chi phí thay thế màn hình điện thoại của bạn được dùng cho công đoạn tháo bỏ màn hình cũ như vậy đấy.

2. Màn hình điện thoại không chỉ là tấm kính thông thường

Thực ra màn hình có cấu tạo nhiều lớp rất phức tạp (Ảnh: Internet).
Thực ra màn hình có cấu tạo nhiều lớp rất phức tạp (Ảnh: Internet).

Nhiều người vẫn cho rằng màn hình chỉ là một tấm kính mỏng được dán lên trên điện thoại. Nhưng thực tế lại không đơn giản như vậy. Mặc dù lớp trên cùng của màn hình đúng là một lớp kính, nhưng đó không phải loại kính thông thường như bạn tưởng đâu.

Lớp “kính” trên cùng thường được làm từ một chất liệu gọi là aluminosilicate, thành phần gồm các nguyên tố nhôm, silicon và oxy. Các nhà sản xuất chọn sử dụng loại thủy tinh đặc biệt này vì nó thường bền hơn, và tính chất đó rất quan trọng đối với màn hình điện thoại, làm cho giá thành càng tăng thêm.

Aluminosilicate có thể được dùng làm kính cường lực bên ngoài (Ảnh: Internet).
Aluminosilicate có thể được dùng làm kính cường lực bên ngoài (Ảnh: Internet).

Lớp tiếp theo chỉ đơn giản là một khoảng trống rất nhỏ chứa khí trơ hoặc không khí, giúp xác định điểm tiếp xúc trên màn hình cảm ứng. Nhưng đến lớp bên dưới nó thì mọi thứ lại phức tạp hơn một chút.

Lớp thứ ba này thực chất là một mạng lưới các dây dẫn rất nhỏ hoạt động cùng nhau để tạo ra một điện trường. Khi ngón tay của bạn tiếp xúc với màn hình, nó sẽ tạo ra sự ngắt quãng hoặc gián đoạn trong điện trường này và điện thoại sẽ “hiểu” đó là một cú chạm. Đây là cơ chế cảm ứng của smartphone hiện đại.

Các điện thoại thông minh cũ hơn lại sử dụng màn hình cảm ứng điện trở, tức là chỉ nhận biết áp lực của cú chạm thay vì sử dụng phương pháp ngắt quãng điện trường như trên. Tuy nhiên cả hai loại màn hình cảm ứng khác nhau này đều cần có một lớp dẫn điện bằng ITO (oxit thiếc indium) và các tính năng công nghệ phức tạp khác rất quan trọng để điện thoại có thể hoạt động được trơn tru.

Lớp cuối cùng lại là một tấm kính, được gắn với chất kết dính ở mặt sau để gắn vào phần còn lại của điện thoại.

Mỗi lớp nêu trên cần được sản xuất riêng lẻ, sau đó được ghép một cách thật cẩn thận để tạo thành màn hình điện thoại hoàn chỉnh. Mỗi quy trình đó đều khá tốn kém, do vậy làm tăng thêm chi phí thay thế màn hình.

3. Người dùng thường thích sản phẩm có thương hiệu

Giống như đối với hầu hết các mặt hàng tiêu dùng hiện nay, mọi người thường có xu hướng lựa chọn các thương hiệu nổi tiếng hơn. Do đó nhiều người không muốn giao chiếc điện thoại yêu quý của mình cho một cửa hàng bình dân với lời đảm bảo thay màn hình với mức giá rẻ hơn nhiều so với sản phẩm thay thế chính thức từ các thương hiệu lớn như Apple và Samsung.

Các dịch vụ ở cửa hàng chính hãng sẽ có giá cao hơn cửa hàng nhỏ (Ảnh: Internet).
Các dịch vụ ở cửa hàng chính hãng sẽ có giá cao hơn cửa hàng nhỏ (Ảnh: Internet).

Tất nhiên một số cửa hàng nhỏ thực sự có thể cung cấp dịch vụ này với giá phải chăng hơn nhiều, nhưng không phải ở đâu cũng làm tốt. Họ có thể gặp một số vấn đề trong quá trình sửa, chẳng hạn như hiệu chỉnh kém, màn hình bị trục trặc, v.v. Vì vậy tất nhiên bạn vẫn có thể tin tưởng những cửa hàng nhỏ gần nhà mình để tiết kiệm được một khoản tiền lớn, nhưng hãy lưu ý những rủi ro có thể xảy ra.

Cũng cần lưu ý rằng các nhà sản xuất chính thức thường sẽ chạy thử điện thoại của bạn qua một số bài kiểm tra sau khi thay thế màn hình để đánh giá xem nó có hoạt động bình thường hay không, trong khi các cửa hàng nhỏ hơn có thể không làm kỹ như vậy.

4. LCD so với OLED

Đã có một thời kỳ khá dài các nhà sản xuất điện thoại sử dụng loại màn hình LCD, tức màn hình tinh thể lỏng, để sản xuất điện thoại thông minh. Tuy nhiên gần đây điều này đã thay đổi.

Màn hình LCD của smartphone (Ảnh: Internet).
Màn hình LCD của smartphone (Ảnh: Internet).

Vài năm trước, Samsung thông báo rằng họ đã phát triển thứ gọi là OLED, hay “màn hình đi-ốt phát quang hữu cơ”. Sự khác biệt cơ bản là màn hình OLED có thể tạo ra ánh sáng riêng trên mỗi pixel đơn lẻ, trong khi màn hình LCD dựa vào ánh sáng nền chiếu qua bộ lọc. Mỗi người có sở thích khác nhau giữa hai loại màn hình này, nhưng nhìn chung thì OLED đắt hơn.

Bạn có thể tìm hiểu thêm về những điểm khác nhau của hai loại mà hình này trong bài viết: Màn hình OLED và QLED là gì? Sự khác biệt ra sao, và nên mua loại nào để có hình ảnh tốt?

Như vậy điện thoại của bạn thuộc loại nào cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí thay màn hình. Nếu bạn có một chiếc smartphone đời cũ, chẳng hạn như iPhone 5, thì có thể sẽ tiết kiệm được một chút khi thay, đơn giản vì đó là màn hình LCD chứ không phải OLED. Hầu hết các điện thoại đời mới trên thị trường hiện nay đều sử dụng màn hình OLED nên có thể bạn sẽ phải chịu mức giá đắt hơn nếu muốn có một thiết bị hiện đại hơn.

So sánh hình ảnh trên màn hình OLED và LCD (Ảnh: Internet).
So sánh hình ảnh trên màn hình OLED và LCD (Ảnh: Internet).

Tổng kết: Đừng chờ đến khi buộc phải thay màn hình điện thoại!

Giải pháp tốt nhất mà bạn có thể làm để tránh phải trả những khoản phí đắt đỏ khi thay màn hình là đảm bảo điện thoại của bạn luôn được an toàn. Trước hết, hãy sắm cho mình một tấm kính cường lực bảo vệ màn hình. Món phụ kiện này giúp tránh các vết xước và vết nứt rất hiệu quả.

Để tránh nứt vỡ, tốt nhất là bạn nên mua một chiếc ốp lưng cao cấp để bảo vệ điện thoại nếu chẳng may nó bị rơi. Thậm chí có những loại ốp được thiết kế đặc biệt để chống sốc nhằm đảm bảo màn hình của bạn không bị vỡ.

Bạn cũng có thể xem xét việc mua bảo hiểm chống rơi vỡ cho điện thoại để đề phòng những tình huống bất ngờ. Nhiều nhà sản xuất có cung cấp dịch vụ bảo hiểm của riêng họ, nhưng bạn cũng có thể tìm đến các công ty bên ngoài để mua loại bảo hiểm này.

Nhìn chung việc làm vỡ màn hình điện thoại là rất thường gặp, và có lẽ chẳng ai có thể dùng điện thoại cả đời mà không làm rơi vài lần. Điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm là bảo vệ thiết bị công nghệ nhỏ bé đắt tiền đó thật kỹ càng và thận trọng khi sử dụng nó mọi lúc mọi nơi nhé!

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

Sạc pin cho iPhone nhanh đầy hơn với vài mẹo đơn giản này – Bạn đã biết chưa?

Bạn cần dùng iPhone ngay nhưng lại hết pin mất rồi? Bạn muốn sạc thật nhanh mà vẫn đảm bảo an toàn cho chiếc điện thoại yêu quý? Dưới đây là vài mẹo giúp sạc pin cho iPhone nhanh hơn – rất đơn giản mà có thể bạn chưa biết. Hãy cùng BlogAnChoi khám phá nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận