Điện ảnh thế giới xuất hiện nhiều bộ phim tâm lý, ly kỳ dành cho phái mạnh với những cảnh bạo lực giết người hay những màn đấu trí căng thẳng. Nhưng liệu có bao giờ bạn nghĩ, phái yếu hoàn toàn có thể nhập vai chính trong những bộ phim như vậy? Dưới đây là 5 bộ phim khai thác mặt trái trong tâm lý phụ nữ khiến bạn sẽ phải rùng mình sợ hãi.
1. Orphan (2009)
Orphan (Tội ác tiềm ẩn) là bộ phim thuộc thể loại tâm lý – kinh dị Mỹ. Ngay từ khi ra mắt, bộ phim đã gây ấn tượng với khán giả bởi những màn bạo lực hết sức máu me với tâm lý méo mó đến biến thái của một cô bé … 9 tuổi.
Nội dung phim xoay quanh gia đình Kate (Vera Farmiga) và John Coleman (Peter Sarsgaard). Sau cái chết của đứa con thứ ba, hai người nhận nuôi một cô bé 9 tuổi tên Esther (Isabella Fuhrman). Sự xuất hiện của Esther gây nên những điều bất thường với gia đình Kate. Những người thân quen của gia đình họ đều chết một cách bí ẩn khiến họ phải sống trong lo sợ. Sau khi điều tra, Kate phát hiện mọi chuyện bất thường đến từ cô con gái nuôi của mình – Esther.
Điều khiến cho khán giả không thể tin nổi là Esther thực chất là một người phụ nữ 33 tuổi, mắc chứng rối loạn hormone tăng trưởng nên sống như một đứa bé. Esther có khuynh hướng bạo lực cao và từng giết chết một gia đình nhận nuôi cô. Orphan là những cảnh máu me, giết người đặc thù của một tên sát nhân máu lạnh dưới hình hài một cô bé 9 tuổi non nớt.
Orphan được nhận xét rằng có nội dung bình thường nhưng chính diễn xuất của ngôi sao nhí Isabella Fuhrman trong vai Esther đã khiến khán giả phải rùng mình sợ hãi. Cô bé rất tự tin thể hiện hành động bạo lực và tâm lí bất thường của một người phụ nữ đã 33 tuổi.
2. Confessions (2010)
Confessions (Thú tội) được chuyển thể từ tiểu thuyết trinh thám cùng tên của nhà văn người Nhật Kanae Minato. Bộ phim lấy đề tài học đường nhưng lựa chọn khai thác những góc khuất đen tối nên cả bộ phim nhuốm màu u ám đến nghẹt thở.
Cô giáo Yuko Moriguchi (Takako Matsu) có một đứa con gái 4 tuổi bị chết đuối tại hồ bơi tại ngôi trường mà cô đang dạy. Thế nhưng cô Yuko phát hiện ra, đứa con bé bỏng của cô thực chất đã bị giết bởi hai học sinh trong lớp mà cô chủ nhiệm. Vì luật pháp Nhật Bản bảo vệ quyền lợi cho những trẻ em vị thành niên nên hai sát nhân 13 tuổi kia sẽ không phải đền mạng. Cô Yuko đành tự mình lên kế hoạch trả thù cho người con vô tội và bắt hung thủ phải nhận hình phạt thích đáng.
Confessions là một bộ phim đầy bạo lực nhưng phản ánh được phần nào những thực trạng đen tối diễn ra trong môi trường giáo dục. Bộ phim nhận được sự yêu thích của công chúng và đứng đầu phòng vé Nhật Bản 4 tuần liên tiếp. Confessions đã từng là ứng cử viên cho giải Oscar 2011.
3. Gone Girl (2014)
Năm 2014 là một năm thành công của điện ảnh quốc tế khi chứng kiến nhiều cái tên xuất sắc như The Fault in Our Stars (Khi lỗi lầm thuộc về những vì sao), X-men: Day of Future Past (Dị nhân: Ngày cũ của tương lai)… Trong số đó, khán giả ấn tượng nhất với bộ phim Gone Girl (Cô gái mất tích). Bộ phim phơi bày những sự thật trần trụi về hôn nhân dưới lớp vỏ hạnh phúc hào nhoáng. Chính vì sự mới mẻ trong cách khai thác, Gone Girl nhanh chóng nổi tiếng và tạo nên tiếng vang lớn.
Nhân vật chính của Gone Girl là Amy Dunne (Rosamund Pike) – một người phụ nữ xinh đẹp đang sống cùng chồng thì đột nhiên mất tích. Cảnh sát vào cuộc và tìm thấy mọi đầu mối đều dẫn đến nghi án người chồng đã giết Amy – Nick Dunne (Ben Affleck). Amy có viết một cuốn nhật ký, từ những ngày hai người yêu nhau hạnh phúc đến khi lấy nhau, rồi Nick Dunne ngoại tình. Amy đã phải bật khóc: “Tôi sợ một ngày nào đó Nick sẽ giết tôi”. Khán giả những tưởng Nick Dunne sẽ là tên đàn ông vũ phu nhất thế giới này nhưng tình huống đột nhiên đảo lộn, xoay chuyển khán giả từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác.
Rất nhiều nghi vấn được đặt ra để khán giả suy đoán nhưng kết thúc cuối cùng của Gone Girl vẫn khiến mọi người bất ngờ tột cùng. Điểm đặc biệt của Gone Girl chính là ở vai diễn người vợ – Amy Dunne. Cô nàng được miêu tả là người phụ nữ có tâm lý xáo trộn, vẻ bề ngoài xinh đẹp hiền dịu nhưng bên trong lại thâm sâu khó lường, vừa bí ẩn vừa quyến rũ. Và Rosamund Pike đã thực hiện tốt vai diễn đó nhờ từng cử chỉ và ánh mắt vô cùng sinh động và tinh tế. Nhờ đó, Rosamund Pike từng được đề cử giải “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” của Oscar 2015.
Gone Girl được đạo diễn David Fincher chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nữ nhà văn Grillian Flynn. Vậy nhưng bộ phim được đánh giá vượt trội hơn hẳn bản gốc.
4. The girl on train (2016)
Cùng được chuyển thể từ tiểu thuyết viết về phụ nữ, The girl on train (Cô gái trên tàu) khai thác những góc khuất trong cuộc sống hôn nhân. The girl on train thường được mang ra so sánh với Gone Girl vì đề tài nhưng The girl on train mang đến màu sắc hoàn toàn khác.
Rachel (Emily Blunt) là một người phụ nữ đã ly dị, nghiện rượu, hàng ngày vờ bắt tàu lên London đi làm. Trên con đường tiến vào thành phố, con tàu luôn đi lướt qua ngôi nhà của chồng cũ Rachel cùng bồ nhí nên Rachel đặc biệt chú ý đến họ. Ngoài ra, bên cạnh nhà chồng cũ của cô là gia đình cặp vợ chồng trẻ Megan (Haley Bennett) và Scott (Luke Evans)
Một buổi sáng nọ, Megan mất tích. Tình cờ thay, Rachel đã vô tình có mặt ở thời điểm đó trong tình trạng u mê bởi rượu. Vì muốn trở thành một người có đóng góp quan trọng cho vụ án, Rachel tìm cách tiếp cận với những người liên quan đồng thời cố gắng chắp nối lại những mảnh kí ức rời rạc. Thế nhưng cô không hay biết rằng, sự dấn thân vì nghĩa của mình lại khiến cho cuộc đời sau này thay đổi mãi mãi.
Trong The girl on train, cuộc sống hôn nhân được khai thác từ ba người phụ nữ với hoàn cảnh khác nhau: kẻ ly hôn, người vừa được chuyển từ bồ nhí lên vợ cả và người có cuộc sống hạnh phúc. Bằng cách lia góc quay vào cuộc sống của ba người phụ nữ có tình trạng hôn nhân khác nhau, The girl on train đã cho thấy cái nhìn đa chiều về hôn nhân và những mặt trái của nó. Điểm giống nhau là họ đều đủ yếu đuối để chiếm được cảm tình của chồng nhưng cũng đủ mạnh mẽ để có vẻ bảo vệ hạnh phúc cho bản thân.
So với Gone Girl, The girl on train chưa phải là tác phẩm chuyển thể vượt trội, thậm chí đôi chỗ tình tiết còn thiếu logic. Vậy nhưng phim vẫn thu hút độc giả bởi những thước phim tối tăm gợi sự tò mò, môt vụ án bí ẩn chưa có lời giải cùng những câu chuyện thực tế về hôn nhân.
5. A Simple Favor (2018)
A Simple Favor (Lời thỉnh cầu bí ẩn) là bộ phim gắn mác hài hước, giật gân, tâm lý là hiện tượng trong thời gian gần đây tại các rạp phim toàn cầu. Bộ phim gây ấn tượng bởi cặp đôi tài nữ xinh đẹp khó cưỡng là Blake Lively và Anna Kendrick.
Stephanie Smothers (Anna Kendrick) là một bà mẹ đơn thân đang làm vlogger chia sẻ những bí kíp nấu ăn và chăm sóc gia đình. Con trai cô kết bạn với con trai của Emily (Blake Lively) – người phụ nữ xinh đẹp và quyến rũ như bất kì một người mẫu thời trang nào. Emily là người vô cùng bận rộn. Vì thế Stephanie thường đảm nhận việc đón con mỗi ngày hộ cô.
Cả hai nhanh chóng trở nên thân thiết và thường chia sẻ những điều thầm kín với nhau. Emily hiện đang sống cùng chồng là Sean (Henry Golding) nhưng anh ta chỉ là tên nhà văn lỗi thời. Vợ chồng họ đang đứng trước khó khăn về tài chính. Biến cố xảy ra khi Emily đột nhiên mất tích. Sẵn bản tính năng nổ, Stephanie bước vào con đường tìm kiếm cô bạn thân.
A Simple Favor không đi sâu vào hôn nhân của những người phụ nữ mà khai thác tính cách riêng biệt của họ. Emily là người phụ nữ xinh đẹp, thành đạt. Ngược lại, Stephanie ngây thơ, đáng yêu. Nhưng đó đều chỉ là vỏ bọc bên ngoài nhằm che đậy quá khứ đầy tội lỗi và bản tính xấu xa của họ.
Cả Blake Lively và Anna Kendrick đều diễn tròn vai khi thể hiện xuất sắc cá tính riêng của nhân vật, sự đối lập của cả hai nhằm cân bằng bộ phim. Nếu Blake Lively đã tạo nên những tình tiết giật gân ly kỳ thì Anna Kendrick lại khéo léo gài gắm những màn gây cười hài hước. Ngoài ra cả hai đều có gu thời trang cực đẹp và tinh tế khiến khán giả không khỏi thích thú.
Bộ phim hiện đang được công chiếu tại tất cả các rạp trên toàn quốc. Hãy cùng ra rạp mua vé ủng hộ cho hai người đẹp này nhé!