Sữa mẹ là loại sữa có thành phần và tỷ lệ các chất dinh dưỡng phù hợp nhất với hệ tiêu hóa của trẻ. Chất đạm và chất béo trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn trong sữa bò và phù hợp với nhu cầu của trẻ. Vậy sữa non và sữa vĩnh viễn là gì nhỉ? Cùng BlogAnChoi tìm hiểu ngay thôi nào!
Sữa non là gì?
Các mẹ sẽ bắt đầu có sữa non vào khoảng tháng thứ tư của thai kỳ và kéo dài đến một tuần lễ sau sinh. Sữa non có màu vàng nhạt, đặc, pH = 7.7. Sữa non rất giàu năng lượng nên có thể cung cấp đầy đủ nhu cầu về năng lượng cho trẻ với một thể tích ít nên phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh.
Sữa non giàu lactose và ít protein hơn sữa bò nên rất thích hợp cho nhu cầu phát triển não của trẻ sơ sinh. Đặc biệt, trong vòng một giờ đầu sau sinh, sữa non của các mẹ rất giàu chất diệt khuẩn như: Lactoferrin, kháng thể IgA, lysozyme, tế bào bạch cầu > 4000/mm³, yếu tố bifidus.
Sữa non giàu vitamin A gấp 10 lần sữa vĩnh viễn. Đây được xem là loại vitamin tăng trưởng cần số lượng gấp 100 lần nhu cầu cho dự trữ ở gan, giúp phòng bệnh khô mắt. Sữa non chứa ít calci, phosphor hơn so với sữa vĩnh viễn, phù hợp với chức năng thận còn chưa tốt của trẻ trong những ngày đầu sau sinh.
Sữa non có tác dụng xổ, làm tống phân xu nhanh hơn và làm giảm vàng da sau sinh ở trẻ. Sữa non còn có chứa các yếu tố phát triển giúp ruột trưởng thành nhanh hơn, phòng chống dị ứng và hỗ trợ dung nạp các thức ăn khác.
Sữa vĩnh viễn là gì?
Bắt đầu từ khoảng ngày thứ 7 sau sinh, sữa mẹ sẽ tăng dần về số lượng, tính chất cũng thay đổi dần, lượng protein trong sữa giảm dần trong khi lượng chất béo và lactose tăng dần để phù hợp với nhu cầu và tình trạng cơ thể trẻ. Và sữa này được gọi là sữa chuyển tiếp.
Sữa vĩnh viễn là sữa có từ tuần thứ 3 trở đi, có chứa thành phần các chất dinh dưỡng ổn định và số lượng của sữa vĩnh viễn phụ thuộc vào nhu cầu của trẻ (tức là vào số lần mà mẹ cho trẻ bú trong ngày). Có một sự thật là trẻ càng bú nhiều lần thì sữa càng tiết ra nhiều.
Trong thành phần sữa mẹ có chứa gần 200 chất, bao gồm đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ:
- Chất đạm
- Hợp chất nitơ
- Glucid: Chủ yếu là lactose
- Acid béo: Chuỗi ngắn và chuỗi dài
- Tế bào bạch cầu và biểu bì
- Tất cả các loại vitamin
- Tất cả các loại chất khoáng và các vi chất khác
Các chất đường, đạm, béo,… có thể lấy từ dự trữ của cơ thể mẹ nên thường ít bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn. Thế nhưng, do các vitamin và khoáng chất không được sản xuất từ tuyến vú nên rất dễ thiếu hụt nếu các mẹ ăn uống quá kiêng khem và không đủ chất.
Trong sữa mẹ có chứa sẵn men lipase giúp chuyển hóa chất béo. Sữa mẹ chứa đường lactose nhiều hơn so với sữa của các động vật khác. Các vitamin và khoáng chất như sắt, canxi, phosphate,… trong sữa mẹ dồi dào và dễ hấp thu hơn trong sữa bò.
Các bạn có thể đọc thêm các bài viết khác về dinh dưỡng:
- Những thực phẩm cần hạn chế trong thai kỳ để tránh tổn hại cho mẹ và bé
- Nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ và chế độ ăn như thế nào cho phù hợp?
- Biện pháp quản lý đái tháo đường thai kỳ giúp bảo vệ mẹ và bé khỏe mạnh
Hãy tiếp tục theo dõi BlogAnChoi để có thêm thông tin hữu ích về sức khỏe và dinh dưỡng nha!
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Y tế – Viện Dinh dưỡng (2016) – Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam.
- Bộ môn Dinh dưỡng – An toàn Thực phẩm Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM (2019) – Dinh dưỡng học – Nhà xuất bản Y học.