Sữa mẹ chính là món quà quý giá nhất đối với trẻ nhỏ. Do đó, các mẹ cần tìm hiểu về sữa mẹ một cách đầy đủ và chính xác để có kiến thức giải quyết những vấn đề về sữa khi cho con bú, cung cấp được số lượng và chất lượng sữa tốt nhất cho bé yêu. Vậy, sữa mẹ gồm mấy phần và các mẹ cần làm gì để bảo vệ nguồn sữa?
Sữa mẹ gồm mấy phần?
Nếu trẻ không tăng cân đủ khi bú mẹ thì các mẹ cần kiểm tra cách cho trẻ bú và lượng sữa mẹ mỗi lần bú. Nếu mẹ ít sữa thì các mẹ nên tăng cường cho bé bú nhiều lần hơn trong ngày. Ngược lại, nếu mẹ quá nhiều sữa thì các mẹ nên vắt bỏ sữa đầu dòng trước khi cho trẻ bú.
Sự thật là sữa mẹ thường gồm 2 phần: Phần 1 là phần đầu dòng chứa nhiều nước, vitamin tan trong nước, kháng thể. Phần 2 là phần cuối dòng thì đặc và đục hơn phần 1, chứa nhiều chất béo, vitamin tan trong béo, đạm và xơ.
Các yếu tố làm giảm sự bài tiết sữa mẹ
- Mẹ cho trẻ bú quá trễ sau sinh.
- Khoảng cách giữa hai lần bú của trẻ quá xa.
- Mẹ bị bệnh như suy dinh dưỡng, lao, thiếu máu, suy tim,…
- Mẹ tăng cân không đủ trong thời gian mang thai (trung bình phải tăng từ 8 – 12 kg).
- Mẹ làm việc nặng hoặc ăn uống thiếu thốn.
- Mẹ quá trẻ (< 18 tuổi) thì tuyến vú chưa phát triển đầy đủ.
- Mẹ buồn phiền, lo âu, suy nghĩ.
- Mẹ uống thuốc khiến cho vú hạn chế tiết sữa.
Chính vì vậy, các mẹ cần tránh những điều trên để bảo vệ nguồn sữa mẹ. Điều này giúp trẻ phát triển một cách tối ưu nhất.
Các mẹ nên làm gì để bảo vệ nguồn sữa cho con bú?
Mẹ cần chuẩn bị cho việc nuôi con bằng sữa mẹ bắt đầu từ giai đoạn mang thai, chẳng hạn như: điều trị bệnh, phục hồi sức khỏe, dinh dưỡng lành mạnh, chăm sóc vú,… Mẹ nên nghỉ ngơi thoải mái sau khi sinh, không nên làm việc quá nặng và độc hại trong vòng ít nhất 4 tháng đầu sau sinh. Các mẹ cần ổn định tâm lý, tránh lo âu, buồn phiền và giận dữ,…
Mẹ nên cho trẻ bú sớm sau sinh, bú nhiều lần trong ngày, thậm chí là cả ban đêm. Khi trẻ không bú được sữa mẹ vì bất cứ lý do gì, các mẹ nên vắt sữa nhiều lần trong ngày để tránh ứ đọng sữa trong vú. Nếu mẹ quá nhiều sữa và trẻ bú không hết thì các mẹ cũng cần vắt bỏ sữa thừa sau mỗi lần bú.
Bên cạnh đó, gia đình cũng nên chăm sóc đến chế độ ăn của các bà mẹ khi trong giai đoạn cho con bú. Ngoài ra, các mẹ cũng nên dùng những thức ăn mà mẹ tin tưởng có tác dụng lợi sữa. Các mẹ cũng tránh không nên ăn các loại gia vị có mùi nặng như hành tỏi, thức uống có cồn, thuốc lá,… trong thời gian cho con bú.
Các mẹ nên hỏi ý kiến bác sỹ trước khi dùng bất kỳ một loại thuốc nào.
Các bạn có thể đọc thêm các bài viết khác về dinh dưỡng:
- Tư thế cho trẻ bú mẹ đúng cách và một số vấn đề thường gặp khi cho trẻ bú sữa mẹ
- Sữa non và sữa vĩnh viễn là gì? Tại sao sữa mẹ là tốt nhất cho bé?
- Vì sao nên nuôi con bằng sữa mẹ để giúp trẻ phát triển khỏe mạnh toàn diện?
Hãy tiếp tục theo dõi BlogAnChoi để có thêm thông tin hữu ích về sức khỏe và dinh dưỡng nha! Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết sau .
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Y tế – Viện Dinh dưỡng (2016) – Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam.
- Bộ môn Dinh dưỡng – An toàn Thực phẩm Đại học Y khoa Hà Nội (2016) – Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm – Nhà xuất bản Y học.