Có lẽ bây giờ nhiều bạn đã không còn xa lạ gì với cái tên Nguyên Phong nữa rồi. Ông chính là tác giả của 2 quyển sách rất nổi tiếng trong cộng đồng những người đam mê sách ở Việt Nam là “Hành trình về phương Đông” và bộ 2 quyển “Muôn kiếp nhân sinh”. Bất chấp việc có rất nhiều những tranh cãi xoay quanh về nhân vật này, thế nhưng không thể phủ nhận Nguyên Phong đã thổi một làn gió mới vào cộng đồng sách Việt Nam qua những tác phẩm của mình.
Phóng tác – biến cũ thành mới
Đa số các tác phẩm của Nguyên Phong được phát hành trên thị trường ngày nay đều là các tác phẩm phóng tác. Hiểu một cách đơn giản nhất thì phóng tác có nghĩa là viết lại một tác phẩm có sẵn thành một tác phẩm mới có nội dung và bút pháp nghệ thuật được thay đổi hoàn toàn so với tác phẩm gốc, mà trong đó Nguyên Phong – bút danh của John Vũ là một ví dụ điển hình cho thể loại này ở văn học Việt Nam.
Nếu theo dõi và tìm hiểu các tác phẩm của Nguyên Phong một thời gian chúng ta sẽ nhận ra được ở ngay bìa sách hoặc trang đầu của mỗi quyển sách đều có ghi chú “Nguyên Phong phóng tác”. Đây là điều mà các độc giả phải hết sức lưu ý bởi nếu tiếp cận với sách của Nguyên Phong lần đầu tiên mà chưa nắm rõ được khái niệm viết phóng tác chúng ta sẽ rất dễ nhầm tưởng rằng Nguyên Phong đã thực sự viết nên những cuốn sách này và tin vào những câu chuyện mà ông viết trong tác phẩm của mình đều là những câu chuyện có thật, điều thực tế đã xảy ra với rất nhiều người.
Tâm linh – chủ đề hay nhưng nhiều tranh cãi
Có lẽ để nói về chủ đề tâm linh thì rõ ràng không ai có thể vượt qua Nguyên Phong về chủ đề này trong cộng đồng sách ở Việt Nam. Kể cả bộ sách “Hạt giống tâm hồn” cũng đã từng làm mưa làm gió trong cộng đồng sách Việt Nam khoảng thời gian những năm 2000 đến 2010 nhưng về sức hút và sự ảnh hưởng thì khó có thể so với những đầu sách mà Nguyên Phong đã làm được trong thời đại ngày nay, dẫu cho những yếu tố thời đại luôn khiến cho mọi so sánh đều trở nên khập khiễng. Ngày nay nếu dạo qua các danh sách những cuốn sách tâm linh đáng đọc nhất thì bao giờ chúng ta cũng sẽ thấy ít nhất 2-3 đầu sách do Nguyên Phong chắp bút. Bất chấp những tranh cãi nổ ra xung quanh các tác phẩm do Nguyên Phong viết và với cả lí lịch của ông thì không thể phủ nhận những gì Nguyên Phong đóng góp cho cộng đồng sách Việt Nam là không phải bàn cãi. Rất nhiều người khi đọc sách của Nguyên Phong đã thực sự cảm thấy góc nhìn của mình về cuộc sống thay đổi một cách đầy mạnh mẽ bởi văn phong của ông có cách nhìn rất lạ và rất độc đáo.
Các câu chuyện và bài học được đưa ra trong các cuốn sách của Nguyên Phong tuy đã cũ nhưng những giá trị và bài học nó đem lại đều có giá trị rất cao, phản ánh đúng hiện thực chung ngày nay. Chưa hết, thay vì cố gắng tập trung sâu vào các giáo lí của phương Đông, rất nhiều câu chuyện chúng ta còn thấy được sự liên hệ với các giáo lí trong Kinh thánh – tôn giáo được tôn sùng nhất văn hóa phương Tây. Đa phần các đầu sách của Nguyên Phong đều được kể dưới góc nhìn của những người được cho là tài giỏi và có địa vị cao trong xã hội phương Tây đến với các nước phương Đông để nghiên cứu và khám phá các bài học của những tu sĩ đến từ thế giới phương Đông.
Sự giao thoa giữa 2 nền minh triết Đông-Tây là đặc sản mà các cuốn sách của Nguyên Phong hướng đến nhằm tạo cho người đọc cảm giác tuy xa lạ nhưng lại rất gần gũi. Thông qua các đầu sách tâm linh của mình, tác giả muốn người đọc hướng vào bên trong để quan sát mình nhiều hơn, sống đúng với con người thật của mình, với những giá trị mà mỗi người đang sẵn có ở bên trong. Đây rõ ràng là thông điệp tích cực dành cho mọi người trong một thời đại mà ai ai cũng hối hả chạy theo kế mưu sinh và những thú vui tạm bợ của thế giới vật chất bên ngoài.
Thế nhưng, chính những ngôn từ đầy sức nặng và có tính giáo lí cao trong các cuốn sách của Nguyên Phong đã nổ ra một cuộc tranh cãi lớn. Rất nhiều người cho rằng Nguyên Phong đã đạo văn. Điều này cũng là hoàn toàn dễ hiểu bởi rất nhiều độc giả đã không tìm hiểu kĩ về thể loại viết phóng tác, dẫn đến hiểu nhầm về việc Nguyên Phong thực sự viết những cuốn sách này. Một số khác lại nghi ngờ về sơ yếu lí lịch của ông và những lí thuyết ông đưa ra trong các cuốn sách của mình. Họ cho rằng những giáo lí mà ông nói rất mơ hồ, không rõ ràng.
Thế nhưng nguyên nhân cho tất cả những điều này đa phần đến từ việc hầu hết các độc giả không hiểu rõ về thể loại cũng như các cuốn sách viết về chủ đề tâm linh. Nếu thực sự tìm hiểu sâu và kĩ thì những hiểu lầm đáng tiếc về các cuốn sách của ông đã không xảy ra. Bởi rõ ràng với một người thừa hưởng môi trường giáo dục ở bên Mỹ, học chuyên ngành liên quan đến khoa học mà lại có thể viết một cuốn sách tâm linh với những lời lẽ có sức thuyết phục cao như vậy thì rõ ràng cũng là một thành công đáng ghi nhận.
Kết luận
Vậy cuối cùng thì bộ sách tâm linh của Nguyên Phong có đáng để đọc hay không? Câu trả lời phụ thuộc vào từng quan điểm của mỗi người. Từng người sẽ có những sở thích đọc sách khác nhau, không ai giống ai cả. Vì vậy mà thói quen lựa chọn sách để đọc của mỗi người là rất khác nhau. Quan trọng là chúng ta phải tìm hiểu thật kĩ trước khi đưa ra lựa chọn đọc một cuốn sách nào đó, để từ đó lựa chọn được cuốn sách phù hợp để đọc.
Các bạn có thể theo dõi phần 1 của cuốn sách Muôn kiếp nhân sinh tại đây:
Mình rất cần sự đóng góp từ các bạn để có thể cải thiện và phát triển hơn trong những bài viết tiếp theo.