Nhiều người khi giảm cân có thể gặp các tác dụng phụ khó chịu, trong đó có rụng tóc. Nguyên nhân gây rụng tóc khi giảm cân là gì? Do cơ thể thiếu chất dinh dưỡng, do stress hay thay đổi nội tiết tố? Hãy cùng BlogAnChoi khám phá nhé!
Rụng tóc là hiện tượng không hiếm gặp khi cố gắng giảm cân nhanh chóng, ăn kiêng nghiêm ngặt hoặc phẫu thuật giảm béo. Nếu bạn cũng đang gặp phải vấn đề này thì chắc chắn đang tự hỏi lý do tại sao và cách khắc phục như thế nào?
Tại sao khi giảm cân lại có thể bị rụng tóc?
Rụng tóc trong quá trình giảm cân thường do thiếu hụt chất dinh dưỡng cũng như các tác động khác mà cơ thể phải chịu đựng khi giảm cân đột ngột và nhanh chóng.
Ví dụ, giảm cân đột ngột và ăn kiêng nghiêm ngặt có liên quan đến một tình trạng được gọi là telogen effluvium cấp tính (TE), một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây rụng tóc lan rộng trên đầu. Thông thường TE xảy ra khoảng 3 tháng sau khi xuất hiện yếu tố khởi phát như giảm cân nhanh, và hiện tượng này kéo dài khoảng 6 tháng.
Giảm cân và thiếu dinh dưỡng do ăn kiêng cũng có liên quan đến các kiểu rụng tóc khác như TE mãn tính – tức là kéo dài hơn 6 tháng – và rụng tóc do hormone androgen, hay còn gọi là hói đầu “kiểu nam” hoặc “kiểu nữ”. Dưới đây là một số nguyên nhân gây rụng tóc liên quan đến chế độ ăn và giảm cân.
Ăn kiêng quá nghiêm ngặt
Mối liên quan giữa ăn kiêng và rụng tóc đã được ghi nhận trong các nghiên cứu từ những năm 1970. Tóc của chúng ta cần được cung cấp đủ calo và chất dinh dưỡng để phát triển bình thường, vì vậy khi cơ thể không nạp đủ dinh dưỡng cần thiết thì tác dụng phụ như rụng tóc có thể xảy ra.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa rụng tóc với giảm cân nhanh chóng, hạn chế calo, thiếu hụt dinh dưỡng và căng thẳng tâm lý – tất cả những yếu tố này thường xảy ra ở những người đang áp dụng chế độ ăn kiêng. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2015 khảo sát 180 phụ nữ bị rụng tóc lan rộng cho thấy nguyên nhân phổ biến nhất là do thiếu sắt và stress tâm lý, trong đó có 8 trường hợp là do chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt.
Chế độ ăn kiêng không hợp lý, chẳng hạn như loại bỏ hoàn toàn một nhóm thực phẩm nào đó có thể dẫn đến rụng tóc do thiếu dinh dưỡng hoặc stress. Thiếu sắt, kẽm, protein, selen và các axit béo thiết yếu đều có liên quan đến rụng tóc, hay chế độ ăn kiêng rất ít calo cũng được chứng minh là một nguyên nhân. Ăn kiêng khổ sở đôi khi gây cảm giác stress nghiêm trọng, cũng là yếu tố có liên quan đến rụng tóc.
Chế độ ăn quá ít protein
Axit amin là thành phần cấu tạo nên protein, rất cần thiết cho sự phát triển của tóc vì chúng được dùng để sản xuất keratin – loại protein chiếm phần lớn cấu trúc của tóc. Do đó nếu bạn duy trì chế độ ăn kiêng ít calo nhưng không cung cấp đủ protein thì có thể sẽ bị rụng tóc.
Khi nhu cầu protein không được đáp ứng, cơ thể sẽ ưu tiên các chức năng quan trọng cần dùng protein như chữa lành các mô, hoạt động tiêu hóa, điều chỉnh cân bằng độ pH và cân bằng nước cũng như sản xuất hormone. Sự phát triển của tóc không phải là yếu tố cấp thiết để duy trì sự sống nên có thể bị “bỏ lơ” và dẫn đến rụng tóc.
Ngoài ra có một số axit amin cụ thể nếu bị thiếu sẽ dễ gây rụng tóc hơn, chẳng hạn như histidine, leucine, valine và cysteine. Trong một nghiên cứu gồm 100 người bị rụng tóc, kết quả cho thấy có sự thiếu hụt histidine và leucine ở phần lớn trong số họ và xuất hiện các kiểu rụng tóc khác nhau bao gồm rụng tóc do androgen và TE. Nghiên cứu cũng cho thấy sự thiếu hụt valine và cysteine là rất phổ biến ở những người này.
Phẫu thuật giảm béo
Phẫu thuật cắt dạ dày giúp giảm cân cực kỳ nhanh chóng và thường khiến cơ thể bị thiếu protein, vitamin và khoáng chất, từ đó có thể gây rụng tóc. Ví dụ một nghiên cứu năm 2018 bao gồm 50 người đã trải qua phẫu thuật cắt dạ dày kiểu tay áo – phương pháp phẫu thuật cắt bỏ đi một phần lớn dạ dày – đã phát hiện thấy có tình trạng rụng tóc ở 56% trong số họ, đặc biệt phổ biến hơn ở phụ nữ.
Đáng chú ý là những người bị rụng tóc nói trên có lượng kẽm và vitamin B12 trong cơ thể thấp hơn nhiều so với mức bình thường, cả trước và sau khi phẫu thuật.
Trong một nghiên cứu năm 2020 gồm 112 phụ nữ cũng trải qua loại phẫu thuật như trên, có 72% trong số họ bị rụng tóc sau khi phẫu thuật. Trong số những người bị rụng tóc thì có 79% bắt đầu xảy ra từ 3–4 tháng sau khi phẫu thuật và kéo dài trung bình 5,5 tháng.
Ngoài việc làm giảm dung tích dạ dày và giảm lượng thức ăn nạp vào, một số loại phẫu thuật còn làm cho thức ăn không đi qua một phần ruột, dẫn đến giảm hấp thu chất dinh dưỡng để giảm cân nhưng cũng làm tăng nguy cơ thiếu chất.
Tóm lại: Rụng tóc trong hoặc sau khi giảm cân có thể do thiếu chất dinh dưỡng, giảm cân quá nhanh và stress.
Rụng tóc do giảm cân có nguy hiểm không?
Bản thân rụng tóc không nguy hiểm nhưng cần cảnh giác với những nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến rụng tóc khi giảm cân. Ví dụ như thiếu dinh dưỡng và hạn chế calo quá mức có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe như thiếu máu do thiếu sắt, mất cơ bắp, v.v.
Bên cạnh rụng tóc, thiếu máu do thiếu sắt còn có thể dẫn đến suy giảm chức năng não, vô sinh, bệnh tim, trầm cảm và rối loạn chức năng hệ miễn dịch. Cũng có bằng chứng cho thấy hạn chế calo và thiếu protein cũng có thể gây nguy hiểm như giảm chức năng cơ, các vấn đề về tim và đường tiêu hóa, giảm chức năng miễn dịch và tăng nguy cơ trầm cảm.
Các bệnh lý khác như bệnh tự miễn cũng có thể là nguyên nhân gây rụng tóc, do đó tốt nhất là phải đến gặp bác sĩ để được thăm khám tìm nguyên nhân chính xác, có thể không liên quan đến giảm cân.
Làm sao để không bị rụng tóc khi giảm cân?
Như đã nói, hiện tượng này có thể do thiếu dinh dưỡng hoặc do giảm cân quá nhanh, do đó để ngăn nó xảy ra thì quan trọng nhất là phải giảm cân một cách lành mạnh và hợp lý về lâu dài.
Thay vì ăn kiêng nghiêm ngặt nhất thời, hãy chọn một chế độ ăn cân bằng cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để cơ thể hoạt động tối ưu. Đừng chạy theo các trào lưu ăn kiêng kiểu “hành xác” được quảng cáo là giảm cân siêu tốc, bởi chúng có thể gây hại cho sức khỏe thể chất cũng như tinh thần và có nguy cơ gây tác dụng phụ như rụng tóc.
Nếu bạn theo chế độ ăn kiêng hạn chế nhiều loại thực phẩm – chẳng hạn như ăn chay hoặc thuần chay có thể thiếu các chất dinh dưỡng cần cho tóc như sắt và kẽm – thì phải lựa chọn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và bổ sung thêm các chất mà chế độ ăn không cung cấp đủ.
Nếu bạn đã trải qua phẫu thuật giảm béo, phải đảm bảo bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng như kẽm, sắt và vitamin B12 cả trước và sau khi phẫu thuật theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng, như vậy có thể giúp ngăn ngừa rụng tóc liên quan đến phẫu thuật này.
Làm sao để giúp tóc mọc lại?
Quan trọng là phải xác định đúng nguyên nhân rồi mới tìm cách điều trị. Lưu ý rằng rụng tóc có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác chứ không chỉ do giảm cân nhanh hoặc thiếu dinh dưỡng.
Nếu rụng tóc là do cơ thể thiếu chất như kẽm hoặc sắt thì hãy bổ sung các chất đó có thể làm giảm rụng và giúp tóc mọc lại. Nếu nguyên nhân là do chế độ ăn kiêng không cung cấp đủ calo hoặc chất dinh dưỡng thì hãy dừng ngay chế độ ăn kiêng đó và chuyển sang chế độ ăn cân bằng gồm các thực phẩm giàu dinh dưỡng.
Thức ăn có thể không cung cấp đủ lượng dinh dưỡng dự trữ cho cơ thể, khi đó nên cân nhắc dùng thêm các sản phẩm bổ sung. Tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy rằng nếu rụng tóc không phải do thiếu dinh dưỡng thì việc bổ sung quá mức cũng không có lợi cho tóc.
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- Chỉ số BMI có dự đoán chính xác về sức khỏe của mỗi người không?
- Vì sao vẫn cần ăn chất béo khi đang muốn giảm cân?
- 5 tuyệt chiêu giảm cân “lạ tai” nhưng hiệu quả và an toàn, có thể bạn chưa biết!
- Ăn nhiều rau và trái cây tươi tốt cho sức khỏe tinh thần của trẻ em như thế nào?
- 10 loại thực phẩm không nên cho vào tủ đá để tránh bị dở đi và mất chất
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!