Thế giới được khắc họa trong tập thơ Tiếng ca bộ lạc là hình ảnh dẫn đường, âm thanh thôi thúc, mùi hương mê đắm, ý thức tâm linh phương Đông huyền diệu. Tất cả đã nối các sắc điệu Anh – Em, nỗi đau, cái chết, hy vọng,… và trộn lẫn các giác quan vào một điệu nhạc của âm thứ nỗi buồn, bóng người lặng lẽ chiêm nghiệm nhân tình, thế thái để cuối cùng dùng âm trưởng ca ngợi tình yêu bất diệt.

Tiếng Ca Bộ Lạc – Đinh Hùng

Giới thiệu về tập thơ Tiếng ca bộ lạc

Tập thơ Tiếng ca bộ lạc gồm 36 bài do nhà xuất bản Văn học công ty Trường Phương phát hành: Nhập mộng, Lời ca đồng thiếp, Khoảng cách làn môi, Nỗi lòng thu nhỏ, Khuôn ngọc pha sương, Tâm sự kinh đô, Hơi thở dạ thần, Ánh mắt giăng mưa, Dấu chân bộ lạc, Hình tượng xuân xưa, Hàng chữ chim xanh, Lăng kính, Những vì sao buồn giữa không trung, Lời thông điệp gửi mai sau, Giọt máu sao trời, Hình em giả tưởng, Hồi chuông Giáng Sinh, Tiết điệu bàn tay, Tiếng sao tiền định, Trái tim hồng ngọc, Nét chữ xuân thu, Cuồng vọng tình nhân, Đàn thu tay ngọc, m giai áo tím, Hơi thở mẫu đơn, Huyền thoại xanh, Vết son phai, Cuồng vọng, Thượng uyển, Kiến trúc, Các anh lớp lớp, Chiến sĩ áo chàm, Nhân duyên cõi Việt, Hương phấn Mê Linh, Phượng lại tìm Hoàng và Những dòng chữ lửa.

Tập thơ Tiếng ca bộ lạc của Đinh Hùng. (Ảnh BlogAnChoi)
Tập thơ Tiếng ca bộ lạc của Đinh Hùng. (Ảnh BlogAnChoi)

Ngay lúc đọc cái tên chung của tập thơ, tôi có cảm tưởng Đinh Hùng đang nhắc đến tiếng hát ban sơ, hồn hậu của con người dành cho thiên nhiên và tình yêu. Quả thật đúng như vậy, tựa đề luôn xuất hiện như một dự báo nghệ thuật, có khi gắn liền với nội dung, có khi gợi hứng để vào lời.

Tình yêu đã ám ảnh Đinh Hùng đến mức hiển hiện trong tiềm thức của ông. Vì vậy ông ngụp lặn trong trạng thái giấc mơ để gọi về kỷ niệm đẹp, nêu ước vọng được chung đôi, sẵn sàng được chết trong thơ u huyền để gần gũi một người yêu đẹp đẽ và khẳng định sức mạnh rực rỡ của tình yêu luôn hiện diện trong lồng ngực, cảnh vật quê hương. Hay một lối yêu phát xuất thành một lối về.

Thông tin chung về tập thơ Tiếng ca bộ lạc

  • Công ty phát hành: Trường Phương
  • Tác giả: Đinh Hùng
  • Ngày xuất bản: 25/02/2022
  • Kích thước: 16 x 24 cm
  • Loại bìa: Bìa cứng
  • Nhà xuất bản: Văn học
  • Tổng số tập: 1 tập
  • Sách bán chạy: Sách chính hãng coupon 5%
  • Đánh giá: 4.6/5 (45 lượt đánh giá)
Bạn đọc Tiki đánh giá. (Ảnh BlogAnChoi)
Bạn đọc Tiki đánh giá. (Ảnh BlogAnChoi)

Đánh giá của độc giả về Tiếng ca bộ lạc

Lang thang trên các trang bán sách online uy tín, tôi tìm được những ý kiến mà bạn đọc dành cho tập thơ Tiếng ca bộ lạc. Tôi đã lựa chọn được năm nhận xét mà tôi thấy có thể dẫn ra ở đây.

  1. Tôi thích quyển này. Nó rất hợp với tôi. Giao hàng nhanh, đóng gói cẩn thận, nội dung hay.
  2. Nhà sách giao nhanh. Bọc hàng cẩn thận. Nội dung cũng ổn. Mua sale thì được chứ mua đúng giá thì tôi thấy không đáng ngần đấy tiền.
  3. Sách đẹp, sạch, shop gói kỹ, giao hàng khá nhanh. Rất thích. Cảm ơn!
  4. Đóng gói rất cẩn thận tập thơ rất mới và tem chính hãng nên rất yên tâm và hài lòng!
  5. Hiện tại thì mình mới đọc được một nửa nhưng đã thấy đây là một tập thơ rất đáng đọc!

Những điều tâm đắc khi đọc tập thơ Tiếng ca bộ lạc

Giấc mộng xuyên suốt ngự trị trong vương quốc thơ diệu kỳ nhưng cũng tối tăm, khổ ải của Đinh Hùng. Lời mời Nhập mộng như biểu thị một cuộc chơi ngữ nghĩa, một cuộc cầu hồn để từ những hoang mang, mê mải kiếm tìm được bóng hình nhà thơ tìm kiếm, xen lẫn trên chặng đường đó bóng dáng quê hương và lịch sử song hành.

Cảm giác không nhất thiết phải được gợi ở mãi nơi xa, tất cả chuẩn bị sẵn cho giấc mộng. Nhờ trí tưởng tượng và những ẩn tàng trong tiềm thức tiếng nói thơ đặc biệt được cất lên. Theo ông lúc môi sát môi, cầm – tấu – khúc vút lên sao. Như vậy tình đã như thơ trong tâm hồn những con người đồng điệu vì yêu nhau đến mức như hòa vào nhau. Tác động của nhục dục, xác thân đã nảy cái hứng khởi của tâm thần. Những bồi hồi đánh nhịp lúc nụ hôn vừa chạm đã chuyển cảm giác đó thành một thứ âm thanh chỉ để cảm nhận nơi hai người.

Nhà thơ Đinh Hùng. (Ảnh BlogAnChoi)
Nhà thơ Đinh Hùng. (Ảnh BlogAnChoi)

Nhưng tình yêu nào cũng đến lúc trở thành dĩ vãng và cũng chính vì mộng không thành nên ngàn năm nhớ nhau Tìm nghe hơi thở những hành tinh. Vẻ đẹp bản thể của kỉ niệm như một vật dẫn để tà áo xanh, bông hoa áo tím, giọt nước mắt nghìn xưa, bàn tay hoa trinh nữ, vành môi kỷ niệm, mái tóc, giọng nói, bộ ngực say, nét mày, ánh mắt, thổi bùng vào dĩ vãng anh những nốt nhạc văng vẳng suốt lộ trình.

Qua bài thơ được xếp ở đầu tập, tác giả như đã cho thấy thông qua tư duy hình tượng kép, đặt hai hình ảnh một của người một của tự nhiên như để gia tăng nét nghĩa tình yêu hay hồn thơ mờ ảo như khói sương vây, tuyệt đẹp như ánh sao thần thoại, hoang dã như hương rừng tuyệt sắc, bay bổng như cánh chim huyền sử. Vì vậy Đinh Hùng nguyện sống cùng suốt lộ trình đến hết đời…

Hình ảnh và âm thanh trong thi giới Đinh Hùng. (Ảnh Internet)
Hình ảnh và âm thanh trong thi giới Đinh Hùng. (Ảnh Internet)

Ngôn ngữ trong bài thơ này để lộ những an yên trong tâm khảm cùa nhân vật trữ tình Anh – Em. Một giấc mộng có âm hưởng đẹp truy tìm được bản thể của hai khía cạnh vũ trụ dựng xây: Anh say đắm, Em yêu kiều, thẹn thùng nhưng đầy ý tình. Như vậy cảm xúc đẹp, còn sót lại đã giúp hồi sinh một tinh thần người vốn lắm đau thương, suốt cuộc đời sống như để tìm tình yêu, lý tưởng. Và như bản chất đi ngược hiện thực của giấc mơ, con người không hài lòng nên phải ước và nỗi niềm đó đi vào trong mơ và trở nên như thơ. Tôi chờ đợi được nghe người nhạc trưởng kể tiếp chuyện tình và chuyện đời mình. Trang thơ tiểu sử vì vậy được chảy trôi.

Sang đến Lời ca đồng thiếp một hình thái hụt hẫng, hoảng sợ được hình thành. Nhân vật trữ tình đóng vai Anh xót xa thức tỉnh hiện thực Hờn oan vào cung bậc Và anh sẽ khóc! Anh sẽ khóc muôn đêm. Nửa đêm giấc mộng từ chối người nằm mộng và để tri thức lên tiếng như để nhấn mạnh nỗi đau. Trạng thái của giấc mơ thiêng đã bị giáng cấp lý tưởng trở thành máu trên bình hoa, hồn xa nhà, bất trắc, đường đi mù tối, phấn hương thổn thức, người chết trong lời ca, ngón tay chỉ dẫn, đèn hồn lênh đênh, thể xác bị sóng dập vùi, đáy mắt hư vô,…

Một thứ ma thuật trong ngôn ngữ đã tạo cảm giác đớn đau, vô vọng và dẫn đến hình ảnh nhân vật trữ tình Anh khóc lóc, giật mình, gào thét như để cầu xin – Hãy cho anh! Hãy cho anh tiếng chim xuân thêu vàng giấc ngủ. Đồng thiếp, một thuật phù thủy làm xuất hồn khỏi xác để đi vào cõi âm tìm người đã mất để cho thỏa nhớ mong, giải quyết khúc mắt. Người dùng thuật nằm trên giường thiếp đi như đang ngủ. Trạng thái nửa mê, nửa tỉnh đó giúp tâm tình thăng hoa và câu chữ phát xuất đầy ám ảnh, lạnh lùng.

Nàng thơ của Đinh Hùng. (Ảnh BlogAnChoi)
Nàng thơ của Đinh Hùng. (Ảnh BlogAnChoi)

Lần nữa tôi thấy, ngay từ trong tiểu sử tác giả, ông đau thương luyến nhớ bóng hình Bích Liên – nàng thơ yểu mệnh của ông và vì có cuộc đời quá đau thương, làm nhiều nghề nên ông có hút thuốc phiện. Từ hai câu chuyện này chúng tôi gợi dẫn đến hình hài thơ và âm thanh thơ ở đây đầy mất mác, vụn vỡ. Và việc Nhập mộng như để phân tích nỗi đau, ẩn ức kiếm tìm cách hóa giải Anh sẽ hồi sinh trong màu nắng nhạt. Và cũng như hình tướng giấc mơ của bi kịch tình yêu, càng dang dở càng đẹp não nùng vậy.

Như vậy hai bài thơ đầu tiên Nhập mộngLời ca đồng thiếp như hai thái cực của hình ảnh và âm thanh. Dĩ nhiên, tất cả những mảnh ghép chứa đựng trong cả hai lấp đầy bản chất hỗn độn, đa mang vì tình yêu, tình đời của ông. Hay nói cách khác, phép đối xứng thông qua ngữ nghĩa này đã mở cánh cửa sóng đôi vào tâm hồn thơ của Đinh Hùng, phong phú và đa diện.

Tiếp tục, dòng chảy nỗi đau của giấc mộng tàn hóa thân thành dự cảm chia xa trong Khoảng cách làn môi, sống hết trong những nỗi nhớ, niềm yêu, lần hò hẹn còn sót trong Nỗi lòng thu nhỏ, dấy lên nghi hoặc Em đã khác xưa trong Khuôn mặt pha sương.

Về đến Tâm sự kinh đô, một dáng hình người hay ưu tư, trăn trở ru ngủ những nét đẹp quên lãng, xưa cũ. Thông qua nhân vật trữ tình Em, một quá khứ vàng son sống dậy Con đường đô thị nằm mơ, mùa thu trong tà áo lụa, đôi lứa như hai vì sao lạc nhau, bó hoa được tặng, chiếc hôn đầy mùi hương, gương mặt người e thẹn, thiên nhiên lặng yên như để soi bóng hai kẻ yêu nhau,…

Điệu thơ phát xuất từ tiếng lòng. (Ảnh BlogAnChoi)
Điệu thơ phát xuất từ tiếng lòng. (Ảnh BlogAnChoi)

Bức tranh rất đẹp, cả bối cảnh, không khí và thanh âm. Bài thơ viết liền, xuống hàng thành hai mảnh đối xứng như hai người đứng trông nhau giữa chốn đô thị ồn ào nhưng lặng yên trong các số phận cá nhân… Nhân vật trữ tình Anh tự nhận người lữ thứ một cảm giác hiện sinh bốc nghi ngút những khói cay mắt, vô định nhưng tạm dừng chân vì Ai cười rung tiếng đàn tranh? Tình yêu vẫn như thanh âm trong trẻo, thi vị hóa mọi nỗi đau, chết chóc.

Sức mạnh vĩ đại ấy chẳng cần phải cố gắng chứng minh cho lớn lao, cho khoa trương mà Đôi lứa nhìn nhau soi ảnh hình tinh tú và cầm tay Ảo tưởng lâu dài để thời gian lắng đọng, cho hương yêu, hương đời, những gì tinh túy, tràn đầy niềm tin còn mãi trên trần đời. Và trời xanh như vị thần minh chứng cho mối liên hệ giữa con người và cuộc đời: mãi nồng nàn chiếc hôn cũ, sống cống hiến hết mình và chẳng tỉnh giấc dù cuộc đời luôn thay đổi, nền kĩ trị chẳng thể xóa bóng “kinh thành của Thơ”.

Hơi thở Dạ thần sóng động như một tấm phông nền cho các “sự tích Thơ” phát xuất, lung linh. Dẫu bóng đêm gợi cảm giác xa vắng, lạc loài, sợ hãi nhưng chính trên và trong nó những tâm hồn đẹp vụt hóa thành những ánh sao cầm lái con thuyền trăng lơ lửng, bàng bạc lạnh lùng một nỗi niềm riêng, soi bóng được mọi khuôn mặt cô đơn.

Con đường thơ độc đáo của Đinh Hùng. (Ảnh Internet)
Con đường thơ độc đáo của Đinh Hùng. (Ảnh Internet)

Ta đã xa nhau, bản thể đã đan kết thành một mối quan hệ khăng khít và cũng tan tành vì những nghịch cảnh, tưởng chừng mâu thuẫn nhưng đồng thuận để ca ngợi khoảnh khắc tình yêu dâng đầy. Em đi, Bài thơ khép lại hay chính nhân vật trữ tình có giọng chủ trên cung đàn mang tên Anh đã tan mất cõi lòng? Cuộc sống có thật thử thách chí khí và tài năng của con người. Vì chuyện sống và yêu nối liền vào thân phận con người nên chúng tôi chẳng thể đem hai sinh mệnh chính yếu trong xác thân người làm vật đối sánh.

Em vẫn đơn ca bài hát sao rơi. Anh ngủ mê khi em thầm khóc. Hình ảnh và âm thanh trong thơ Đinh Hùng như đan cài, dính liền, không thể phân tách. Con đường yêu và sống đã chết mất một nhịp bởi em đã chìm vào hư vô, chẳng thể ước mong được nữa ngoài việc hóa thân thành nỗi nhớ và có khúc hát đơn độc phát xuất trong chính tâm trí người ở lại. Người nhận lãnh nỗi đau, luôn tự trách mình không dũng cảm để bảo vệ người thương nhưng con người chung quy vẫn thua quy luật tạo hóa.

Vì vậy nhân vật trữ tình anh chìm vào giấc mộng dai dẳng, tìm kiếm mãi một bóng hình Em giữa màn sương lạnh cuộc đời, tưởng chừng dửng dưng nhưng nồng nàn nhựa sống. Nó bày các tình huống và qua thời gian thử thách con người. Bản đàn của đêm đủ yên tĩnh khiến con người suy xét mình đã làm được gì trong ngày hôm nay và những ngày đã qua.

Ánh mắt giăng mưa giành để nhắc việc mờ mịt phương hướng cho cuộc sống hiện tại vì những tổn thương nội tâm. Chúng tôi nhận xét như vậy vì đôi mắt có ý nghĩa cho trí tuệ, chức năng quan sát để phân biệt sự vật hiện tượng và ghi nhớ. Và hình ảnh cơn mưa như một nỗi buồn vây kín không gian. Hơi nước lạnh bốc hơi nên trước mắt chỉ như một tấm màn đục. Và mỗi lúc trời mưa, mọi hoạt động ngoài trời của con người bị gián đoạn, họ cần tìm chỗ trú ẩn, trở về nhà vì vậy có vẻ như họ đang tìm về chính mình vậy. Nhưng nước có chức năng hồi sinh vì có thể nuôi dưỡng tự nhiên và con người nên cũng ngụ ý cho một hy vọng để đón nhận mọi nghịch cảnh.

Để chứng minh nhận định ban đầu trên qua bài thơ ở các điểm hình ảnh và âm thanh, chúng tôi nhận thấy mắt và mưa như một cặp bài trùng khơi gợi bóng hình đêm xưa, vòng tay sưởi ấm ngày lạnh, hàng mi đầy nước mắt, nụ cười trong trẻo, gót chân ngọc, dung nhan đẹp tựa hoa nhưng phá nát trong lời ca nước mắt lưu đày, dự cảm chia xa đã thử thách tình yêu đến cùng cực Nhạt hơi em thở, còn gì trong anh? và trao trả nó một cách đầy tính người vì chẳng thể hồi sinh người đã mất nên đành thêu Em vào bức màn nhung trong tiềm thức của Anh. Giấc mơ hiện lên trác tuyệt đầy cánh bướm rừng…

Cảm xúc và trí tuệ chính là hai chiếc chìa khóa để mở cửa thế giới thơ Đinh Hùng. (Ảnh Internet)
Cảm xúc và trí tuệ chính là hai chiếc chìa khóa để mở cửa thế giới thơ Đinh Hùng. (Ảnh Internet)

Quả thật, tựa đề bài thơ gợi nên hai hình ảnh và ý nghĩa của chúng có thể bao quát được toàn bộ nội dung bài thơ, nơi nỗi niềm cá nhân thắng thế, cảm xúc cá nhân tự khắc hóa thành muôn sắc điệu để bày tỏ cho hết lòng mình vậy. Sau cùng, nhân vật trữ tình Anh được an ủi vì cái chết đã khoác lên mình người Em chiếc áo thành tựu, để Anh tiếc thương, tưởng nhớ. Và vì thế cái chết đã đổi ngôi trở thành sự sống kết giới cho lối vào tâm hồn.

Qua đến Dấu chân bộ lạc nhân vật trữ phân tích xác thân người yêu theo đúng bản chất tự nhiên, trần trụi nhưng chẳng thô tục Hỡi Em da thịt sáng ngời! Anh ca ngợi tình yêu của một cô thiếu nữ qua hình tướng nhuốm vẻ siêu nhiên, Thần thoại của cô và nhấn mạnh chính hình ảnh người gái đẹp, có kiếp sống mỏng manh đó đã kéo anh ngược dòng thời gian (sống trong ký ức) và biến thành ngòi bút của tiếng lòng ủ mầm những dòng thơ mê đắm.

Các hình ảnh chảy trôi như một trường từ vựng của tâm linh từ dấu chân của cái chết khắc nghiệt (Bộ lạc hãi hùng quá hoang sơ nên trở nên tàn khốc, gieo rắc kinh hoàng, tri thức chẳng thể cắt nghĩa chỉ có thể cảm nhận chở hồn rừng về xuôi) đã dẫn dắt để Em có hiện thân như một Nữ thần đẹp như tạc trong lòng kẻ yêu thơ (da thịt sáng, hơi thở nóng ấm, môi hồng, vai thơm, tay mềm mát, trái tim bồi hồi nhịp đập trẻ, tóc xanh, giọng nói âm vang, cho người cảm giác sống trong giấc mộng, chuyển nhịp luân hồi trên con đò thần giao,…) Để hòa điệu âm thanh phát xuất từ hình tượng em cũng phi thực, nhuốm vẻ hư không nhưng đầy an ủi Tiếng ca mở lối em vào hồn anh.

Nhà thơ Đinh Hung (giữa) nhận giải thưởng văn học miền Nam 1962. (Ảnh BlogAnChoi)
Nhà thơ Đinh Hung (giữa) nhận giải thưởng văn học miền Nam 1962. (Ảnh BlogAnChoi)

Vì còn quá nhiều vấn đề để nói nên chúng tôi xin khái lược ở đây bước chuyển hình ảnh và âm thanh cho xác thân của tình yêu ở đây: Hình tượng xuân xưa Em đẹp lạ lùng, ngập tràn sức sống cho Anh mê mải, Hàng chữ chim xanh bức thư tình dáng hình và tâm trí Em theo chân Anh đi khắp muôn nơi, Lăng kính ấy cho Anh tình yêu sâu đậm, thấy được em trong cả hai chiều thế giới, Những vì sao buồn giữa không trung như nối thêm phần Lời thông điệp gửi mai sau Anh vẫn chờ đợi và hồi hộp như lần yêu đầu, Giọt máu sao trời như Hình em giả tưởng hay Hồi chuông Giáng sinh dẫu biết hy vọng tình yêu sống dậy không có trong thực tế nên Anh tìm kiếm trong tâm linh, vẫn tha thiết cầu nguyện cho linh hồn yểu mệnh, Tiết điệu một bàn tayTiếng sao tiền định như thầm cảm ơn sự xếp đặt nơi Thượng Đế cho tình yêu sự sống bất diệt, một định mệnh cho con người trưởng thành, biết nhận lãnh nỗi đau, tội lỗi,…

Nói tóm lại, hình ảnh và âm thanh trong tập Tiếng ca bộ lạc như để xác quyết việc Đinh Hùng đã phân tách bản thể để cho tiếng thơ ông xuôi ngược được giữa hai chiều hiện thực và hư ảo. Xen kẽ giữa điệu hát trong trẻo của tình yêu đẹp là lời cầu nguyện, nỗi đau, cái chết, nỗi sợ hãi. Mỗi bài thơ như một cú đáp tâm tình, dùng hình ảnh và âm thanh tinh tế của ngôn ngữ thơ để diễn tả thật hay, thật lạ cảm giác khi được yêu và được sống. Chốn đô thị như một đích ngắm để thế giới hiện đại đầy vụn vỡ tham dự vào nguyên nhân khiến tình yêu chết, con người lang thang trong vô vọng và dùng ảo tưởng như một loại giả dược để đánh lạc hướng tâm thần.

Mua sách ở đâu và giá như thế nào?

Mỗi tập có giá khoảng 449.000 VNĐ, bạn đọc có thể tìm mua tập thơ ở những hiệu sách lớn, trên các trang điện tử uy tín như Shopee, Tiki, Fahasa,… Bạn có thể mua tập thơ Tiếng ca bộ lạc theo những đường link dưới đây:

Bạn có thể tham khảo thêm một số đầu sách hay trên BlogAnChoi sau đây:

Bạn hãy chia sẻ với BlogAnChoi về cảm nhận của bạn sau khi đọc xong tập thơ Tiếng ca bộ lạc của Đinh Hùng và đừng quên theo dõi BlogAnChoi để đón đọc những bài review mới nhất về các tựa sách hay bạn nhé!

Tổng kết

Tập thơ Tiếng ca bộ lạc cũng bắt nguồn từ hiện thực và cuối cùng cũng phục vụ hiện thực. Chức năng nghệ thuật đó đã biến thơ ông thành một điệu nhạc thiêng liêng, đầy ánh sáng và vẻ đẹp. Thơ ông say đắm lúc yêu, nhớ nhung, tan nát, hư vô lúc chia lìa và ngời ngời khí tiết lúc xông pha, cống hiến. Đô thị như một đích ngắm lãng mạn để có thể phần nào lý giải phần nào tư duy thơ Đinh Hùng. Đêm đô thị nín thở để lặng ngắm thơ Đinh Hùng giữa ngàn sao sáng, bến sông Mê, hương hồn anh linh,…

Xem thêm

30+ truyện tranh bách hợp hay, hot nhất 2023 các bách nữ nên đọc

Tổng hợp các truyện tranh bách hợp hay, hot nhất 2023. Nếu bạn là fans bách hợp, girllove thì chắc chắn lên đọc thử một lần. Từ truyện tranh bách hợp hiện đại, truyện tranh bách hợp cổ trang đều rất xuất sắc, bạn đừng bỏ qua.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận