Những tác phẩm tản văn khác bạn đọc có thể tham khảo: Giới thiệu 10 tựa sách tản văn, tự truyện hay nên đọc
Minh Phúc là nữ tác giả khá kín tiếng thế nên trong các tác phẩm của mình, chị để lại những lời giới thiệu đơn giản cùng bức họa chị tự vẽ về mình. Hiện chị đang sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, là mẹ của cậu bé tên Bùm và đồng thời là người yêu hoa cỏ, thích trồng hoa, cây trái trên ban công nhà mình. Với tính cách sống thiên về hoài niệm, những trang văn của chị đều chan chứa yêu thương về những kí ức thuở nhỏ, những cột mốc đáng nhớ về cuộc đời chị. Một số tác phẩm khác của tác giả Minh Phúc có thể kể đến là: Cảm ơn vì đã được thương, Cảm ơn vì đã vượt qua và các tác phẩm dịch thuật khác.
Cảm ơn vì đã cạnh bên là tản văn ghi lại những trải nghiệm, chiêm nghiệm và cả những suy tư của tác giả Minh Phúc từ thuở chị còn là một cô bé ngây thơ đến khi chị trưởng thành và có con là chú bé Bùm. Hầu hết bối cảnh trong những câu chuyện của chị đến từ quê nhà với mảnh vườn nhỏ – nơi ươm mầm đầu tiên cho tình yêu thiên nhiên tha thiết, sự thấu hiểu thiên nhiên như hiểu chính mình rồi đến quê chồng chị, ngôi nhà thứ hai dạy chị những điều bình dị, nhỏ bé khác và cuối cùng càng về những chương sau hình ảnh ngôi nhà nhỏ của chị dần hiện lên, nơi ấy chị kể cho ta nghe những câu chuyện về người lớn – trẻ em trong thế giới hiện đại ngày nay. Chia thành ba chương chính lần lượt là nhà, nhớ, thương và dù ở bất kì chương truyện nào lòng ta cũng thấm thía những bài học sâu sắc, chân thành và đầy cảm động chị gửi gắm đến cho bạn đọc.
Viết về nhà với một giọng văn bình dị, hoài niệm, tác giả Minh Phúc đã đưa bạn đọc ngược thời gian về quá khứ vô lo vô nghĩ của chính mình. Chị đã vẽ nên một thế giới thật êm đềm, thật chan hòa khi có mẹ – một người phụ nữ tần tảo, giỏi vun vén, người đã dạy chị bài học đầu tiên là về cỏ cây và tiếp đến là bố – một người ít nói, cọc cằn thiên về hành động hơn những lời nói yêu thương. Nơi gia đình ấy còn có những người anh trai yêu chị theo những cách khác nhau, những người mà chị biết chắc là sẽ luôn lo lắng, đớn đau khi chị gặp hoạn nạn. Nhà với chị đâu chỉ có ngần ấy những con người mà với chị, khu vườn nhỏ cũng là nhà. Tuổi thơ của chị và cả hiện tại chị đều sống gắn bó với vườn, chị chăm chút, tỉ mỉ với từng nhành cây, ngọn cỏ và coi chúng như những người bạn, những thành viên thật sự trong gia đình.
Khi chị lớn chị lại tiếp tục gọi một nơi khác là nhà đó là nhà mẹ chồng chị ở ven biển. Chị thương ngôi nhà ấy từ trong thương ra bởi những lời dạy bảo của má, bởi căn bếp nghi ngút khói với những món ăn đầy tâm huyết, một điều mà không phải ai cũng có thể làm được.
Mỗi con người, mỗi hình ảnh hiện ra dưới trang văn của chị dù chẳng có chút sắc màu nào điểm tô những vẫn đủ khiến cho ta thương nhớ bởi ở đó có tình yêu, có sự gần gũi đến lạ lùng.
Nhớ một con người lâu ngày không gặp, nhớ một cái Tết thật sự là Tết, nhớ những kỉ niệm thời học trò và nhớ thật nhiều điều khác là những gì tác giả Minh Phúc tâm sự cùng bạn đọc. Cái nhớ của chị vừa lạ lùng mà cũng vừa thật đáng yêu, chị nhớ một bóng cây đã không còn, nhớ đến chi tiết gốc phượng nơi trường xưa, những thứ mà chẳng bao giờ người ta nghĩ khi nói đến việc nhớ nhung điều gì đó. Xuôi dòng miền kí ức tràn ngập nỗi nhớ tha thiết của chị ta biết chị nhớ nhiều nhất về những hương vị Tết xưa.
Bao nhiêu cái dân dã, bao nhiêu món ngon nào là thứ mứt ngọt ngắt, những đòn bánh tét to bằng cái gối ôm con nít, hay món bánh xà lam của mẹ chồng chị, tất cả đều thấm đượm tình yêu thương chị dành cho chúng để rồi tất cả đều hiện lên thật sinh động, hấp dẫn qua ngòi bút miêu tả của chị. Thế nên không sai khi nói chị là con người của làng quê. Lúc nào cũng thế, ở mỗi phần truyện nhỏ, chị đều nhắc cho ta nhớ mùi Tết là mùi nhà để ta – những đứa con cứ lấy đủ mọi lí do để không về nhà dịp Tết trân trọng khoảnh khắc thiêng liêng ấy, để ta biết ta thật hạnh phúc, đủ đầy khi còn có quê để về.
Trải qua nhiều chặng hành trình trong cuốn tản văn Cảm ơn vì đã cạnh bên, ta chợt thấm thía cái cách thương của chị với cả những cái cây – vật mà ta thường ngỡ vô tri vô giác và cách thương một đứa trẻ cho đúng hay cả việc yêu thương chính mình. Trong đại dịch chị kể là chị đã chọn mang về một cái cây thay vì đồ ăn tích trữ bởi chị thương nó rồi càng ngắm nghía nó chị lại thấy lòng mình dễ chịu, thanh thản đến vô ngần và chị biết rằng thì ra thương một cái cây cũng chính là thương cho tâm hồn mình. Càng thương nó chị càng chăm chút nó cẩn thận hơn và tình yêu cỏ cây của chị đã tạo nên một khu vườn ban công tràn đầy sức sống – một nơi mà con chị có thể hòa mình với thiên nhiên giữa chốn đô thị ngột ngạt, một nơi chị có thể thả mình thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi.
Với một đứa trẻ là bé Bùm, con chị, chị cũng đã nhận ra rằng không phải vì thương con nên cha mẹ có quyền áp đặt chúng vào những điều mà ta cho rằng là tốt nhất mà với con điều thật sự tốt với chúng là khi chúng muốn. Qua hành trình trưởng thành của con chị, chị đã nhắn nhủ tới bạn đọc-những người đã đang và sẽ trở thành bố mẹ rằng hãy là người đồng hành cùng con, hãy là người lắng nghe con và nói yêu con mỗi ngày, đó là cách giữ cho một đứa trẻ biết yêu thương, biết lắng nghe, học hỏi từ những điều xung quanh.
Nhìn chung tản văn Cảm ơn vì đã cạnh bên mang đến cho bạn đọc cảm giác gần gũi như tìm thấy chính mình đâu đó trên trang văn của tác giả Minh Phúc, như được trò chuyện cùng với tác giả. Không những vậy, cuốn sách còn giữ ta sống chậm lại để nghiền ngẫm, suy tư về những con người xung quanh và yêu thêm thế giới thiên nhiên, nơi chúng ta vốn không mấy để tâm.
Mình rất mong nhận được những bình luận của các bạn về bài viết này. Hãy cho mình biết những điểm tốt và điểm cần cải thiện của bài viết nhé!