“Nhân chi sơ tính bản thiện” – đó là những gì chúng ta thường được dạy hoặc tin như vậy. Thế nhưng đến với Chúa Ruồi, liệu tư tưởng trên có còn đúng? Hãy để BlogAnChoi giúp bạn tìm ra câu trả lời cho chính mình.
Review Chúa Ruồi: Có thật sự nhân chi sơ tính bản thiện?
Sở dĩ có câu hỏi như vậy vì nếu bản chất của con người là tốt đẹp thì thế giới đã không phải chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh đến thế. Đây không phải là một vấn đề mới nổi nhưng là mối ưu tư từ lâu đã được nhiều thế hệ tranh luận. Và lần này, câu hỏi ấy lại được Golding khơi dậy ngay sau cuộc thế chiến thứ hai, qua tác phẩm Chúa Ruồi.
Một số thông tin về tác phẩm Chúa Ruồi
- Tác giả: William Golding
- Ngôn ngữ: Tiếng Việt
- Thể loại: Fiction
- Năm xuất bản: 2020
- Nhà xuất bản: Nhà Xuất Bản Văn Học
- Công ty phát hành: Nhã Nam
- Giá bìa: 88.000đ
- Số trang: 326
- Kích thước: 13 x 20.5 cm
- Loại bìa: Bìa mềm
- Giải thưởng: Nobel Văn chương 1983
- Đánh giá trên Tiki: 4.5/5 (29 lượt đánh giá trên Tiki)
- Đánh giá trên Goodreads: 3.68 (2,249,674 lượt đánh giá)
Về tác giả William Golding
William Gerald Golding (1911 – 1993) là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng có quê hương ở Cornwall, Anh. Golding từng theo học ngành khoa học tự nhiên theo nguyện vọng của cha nhưng không lâu sau ông chuyển sang khoa văn của Đại học Oxford để thực hiện ước mơ trở thành nhà văn từ thuở bé. Quyết định đó đã góp phần không nhỏ đưa ông đến vinh quang sau này.
Khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, ông gia nhập Hải quân Hoàng gia Anh với tư cách thuyền trưởng và đã góp mặt trong nhiều trận đánh quan trọng. Sau chiến tranh ông trở lại với nghề dạy học và tiếp tục viết văn. Năm tháng trên chiến trường đã cho ông những kinh nghiệm quý giá, được thể hiện rõ nhất qua tiểu thuyết đầu tiên của ông, đó chính là Chúa Ruồi (Lord of the Flies).
Sau khi Chúa Ruồi gây được tiếng vang, ông cho ra hàng loạt tiểu thuyết nổi tiếng như The Inheritors (1955), Free Fall (1959), The Spire (1964),… Năm 1983, ông nhận giải Nobel Văn học của Viện Hàn lâm Thụy Điển. Năm 1988, ông được Nữ hoàng Anh phong tước Sir và qua đời tại nhà riêng 5 năm sau đó.
Về Chúa Ruồi, ban đầu nó có một quãng đường khá lận đận khi bị 21 nhà xuất bản từ chối, cho đến năm 1954 mới được giới thiệu tới công chúng. Bất ngờ thay, nó lại trở nên nổi tiếng ngay lập tức, bán được hơn hai mươi triệu bản ở Anh, Mỹ và được coi là kiệt tác của thế kỷ 20. Tác phẩm cũng được dựng thành phim vào năm 1963.
Nhìn chung, sau bao phen giáp mặt tử thần và chinh chiến với đồng loại, Golding đã có khuynh hướng hoài nghi nhân sinh. Tác phẩm của ông từ đó đều mang nặng những băn khoăn, trăn trở về hai chữ Thiện và Ác, về bản chất của con người – đây có lẽ cũng là câu hỏi lớn mà ai ai cũng phải đối mặt và ngẫm suy.
Nội dung chính của truyện Chúa Ruồi
Câu chuyện trên lấy bối cảnh là thế giới đang trong thời chiến tranh loạn lạc. Trên một hòn đảo vô danh, lần lượt xuất hiện hai vị khách không mời. Đó là hai đứa trẻ may mắn sống sót sau vụ rơi máy bay sơ tán. Thằng nhóc tóc vàng, cao to và có vẻ trầm tĩnh tên là Ralph. Đứa còn lại thấp hơn, mập và bị cận; nó thường được đám bạn gọi là Piggy.
Sau khi nhận ra được tình huống đáng ngại của mình, cả hai đứa liền thăm dò hòn đảo với vẻ háo hức. Tình cờ Piggy nhặt được một vỏ ốc và đưa nó cho Ralph thổi. Tiếng tù và – theo cách gọi của chúng – vang lên được một lúc thì trên bãi biển lúc này lại có thêm những gương mặt mới. Tất cả đều là lũ trẻ trong chuyến tai nạn máy bay ấy. Đặc biệt trong đó nổi bật lên một nhóm đồng ca với Jack làm thủ lĩnh.
Jack và Ralph nhanh chóng làm quen với nhau trong không khí không mấy thân thiện. Cả hai đều muốn làm thủ lĩnh của đám nhóc tì sau khi quyết định tập hợp thành một nhóm. Kết quả là Ralph được chọn trong khi rõ ràng Jack có nhiều đồng bạn hơn.
Ban đầu lũ trẻ rất có kỷ luật. Chúng phân công nhiệm vụ, đặt ra quy tắc, tổ chức hội họp. Sau nhiều lần do thám, Ralph và Jack thân nhau hơn. Nhờ sự cố vấn của Piggy, Ralph đã tập trung lũ trẻ làm công việc quan trọng nhất: kiếm củi để đốt lửa làm hiệu. Còn Jack lại nghĩ khác, cậu cho rằng không gì quan trọng hơn việc kiếm thịt để sống sót.
Đó cũng là tiền đề cho mâu thuẫn nảy sinh. Một lần nọ, vì muốn đủ nhân lực đi săn thịt mà Jack đã rủ những đứa trẻ có nhiệm vụ giữ lửa đi cùng. Hậu quả là lửa tắt. Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu như ngọn lửa không tắt đúng vào lúc có một con tàu đi qua. Ralph, Piggy và những đứa nhóc trông thấy khói tàu đều thất vọng cùng cực, mặc cho Jack mang về con heo chiến lợi phẩm.
Từ đó trở đi, mối quan hệ giữa Ralph và Jack không còn được như trước. Cả hai đâm ra cãi cọ, cáu gắt với nhau trong sự a dua của bọn cấp dưới. Bên cạnh đó lũ con nít lại sợ bóng sợ gió khiến cho tình hình trên đảo luôn rối rắm. Chuyện lại càng trở nên tệ hơn vì một tình huống trớ trêu.
Trong một đêm tối trời khi lũ trẻ đã ngủ, một cái dù lớn rơi ra từ chiếc máy bay trúng đạn đã được gió cuốn đến hòn đảo và mắc kẹt trên đỉnh núi. Cứ mỗi lần gió thổi thì chiếc dù phồng lên, gió lặng thì nó xẹp xuống; điều này tạo cho người ta cảm giác như có con gì cứ đứng lên ngồi xuống liên tục. Xui xẻo thay, hình dáng ấy bị Sam và Eric – cặp sinh đôi được phân công giữ lửa – nhìn thấy.
Cả hai hoảng hốt chạy về báo cho Ralph. Chuyện này gây lên một cơn hỗn loạn giữa lũ trẻ. Sự xuất hiện của con quái thú càng đẩy mâu thuẫn giữa Ralph và Jack lên đỉnh điểm khi Jack tuyên bố tách nhóm cùng với những đứa ủng hộ ý tưởng của nó. Sau khi tách ra, bọn Jack dời chỗ ở đến bãi đá cuối đảo.
Từ đây, những băn khoăn, trăn trở mà Golding được thể hiện rõ rệt. Jack và đồng bạn của nó tổ chức sinh hoạt, săn bắt theo theo cái cách mà bản năng chúng hướng dẫn. Chúng vẽ vằn vện lên mặt, lên thân thể; chúng mài cành cây thành ngọn giáo rồi tàn nhẫn giết heo mẹ trong bài ca và niềm say mê từ nguyên thủy. Rùng rợn hơn, chúng còn chặt đầu heo để cúng tế con quái thú.
Dường như chưa hài lòng về tốc độ trưởng thành của bản năng man rợ nơi bọn nhỏ, tác giả tiếp tục hướng câu chuyện lên một cấp độ cao hơn, tàn bạo hơn khi cho nhóm Jack và Ralph đụng độ nhau ở những chương cuối. Lúc này, độc giả sẽ không thể tưởng tượng được những hành vi ấy lại có thể xuất hiện ở những đứa trẻ.
Cảm nhận của độc giả về truyện Chúa Ruồi
Dù nhận nhiều ý kiến trái chiều từ độc giả, Chúa Ruồi vẫn khẳng định được vị trí của mình sao nhiều năm xuất bản.
Những điều tâm đắc sau khi đọc truyện Chúa Ruồi
Golding đã định cho Chúa Ruồi một cốt truyện không giật gân như thể loại phiêu lưu, trinh thám hay cài vào đó những cú plot twist vào phút chót; ngược lại, ông kể câu chuyện trong mạch văn thong thả mà rất thấm. Tôi có cảm giác như tiến trình của sự việc là hiển nhiên, không thể tránh khỏi, cụ thể là tiến trình của mầm sự dữ.
Những mảng sáng tối của câu chuyện đan xen vào nhau, đấu đá nhau để rồi hòa tan vào nhau. Golding đã rất thành công khi phác họa một bức tranh xã hội thu nhỏ trong hình hài hòn đảo với những đứa trẻ. Cùng với đó là những chi tiết, hình ảnh ẩn dụ được ông gieo rắc trong toàn bộ tác phẩm khiến cuốn sách khoác lên một tầng ý nghĩa thâm sâu như chính bản chất con người.
Khép lại cuốn sách, tôi chợt nghĩ đến học thuyết nổi tiếng của Tuân Tử: “Nhân chi sơ, tính bản ác”. Phải, sinh ra con người đã mang những thói hư tật xấu, những tham vọng thấp hèn. Vì thế mới kéo theo chiến tranh, giết chóc, hận thù,… Tác phẩm mở ra một cái kết không có hậu mà bắt độc giả phải nghiêm túc suy nghĩ về bản tính của loài người, từ đó tìm ra đâu là chân lý phải tuân theo.
Mua truyện Chúa Ruồi ở đâu? Giá bao nhiêu?
Bạn có thể mua Chúa Ruồi với giá chỉ khoảng 57.217 VND trên trang Tiki hoặc mua trên Fahasa với giá khoảng 73.040 VND.
Bạn có thể mua Chúa Ruồi trên trang Tiki tại đây
Bạn có thể mua Chúa Ruồi trên trang Fahasa tại đây.
Hãy đặt mua cuốn sách Chúa Ruồi ngay hôm nay, để đọc và nói cho BlogAnChoi biết cảm nhận của bạn về cuốn sách này nhé? Ngoài cuốn sách trên, bạn cũng có thể tìm đọc thêm review về một số sách khác để chọn lựa cho mình cuốn sách phù hợp nhé:
Review Đợt Tuyệt Chủng Thứ Sáu: Rồi Discovery chỉ chiếu về chúng ta?
Review sách Não bộ kể gì về bạn?: Đi tìm bản thân qua bộ não
Mk thấy vừa hay vừa thót tim! haha