Nền văn minh Hy Lạp cổ đại là một trong những nền văn minh lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng ta luôn có được những thông tin chính xác về chúng. Cùng BlogAnChoi tìm hiểu 10 quan niệm sai lầm về Hy Lạp cổ đại và sự thật đằng sau những quan niệm ấy nào.
- 1. Chưa bao giờ có con ngựa thành Troy
- 2. Sparta không phải tất cả đều là chiến binh
- 3. Không phải tất cả đàn ông Hy Lạp cổ đại đều có quan hệ đồng giới
- 4. Họ không hẳn là dân chủ
- 5. Hades không ác
- 6. Pandora chưa bao giờ mở “hộp”
- 7. Thư viện Alexandria không bị quân đội Hồi giáo phá hủy
- 8. Gót chân của Achilles
- 9. Không phải lúc nào Aphrodite cũng đáng yêu
- 10. Eros không phải là một đứa bé mũm mĩm
1. Chưa bao giờ có con ngựa thành Troy
Cuộc chiến thành Troy được cho là đã diễn ra trong thời đại đồ đồng, khi hàng chục nghìn chiến binh Hy Lạp hành quân đến thành Troy để giải cứu Helen của Sparta. Cuộc vây hãm thành Troy được cho là đã kéo dài mười năm và cuối cùng kết thúc khi một con ngựa gỗ khổng lồ chứa binh lính Sparta bị bỏ lại ở cổng thành và được đưa vào bên trong như một chiến lợi phẩm.
Nhưng kể từ khi phát hiện di chỉ thành Troy ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay vào thế kỷ 19, các nhà khảo cổ học ngày càng phát hiện ra nhiều bằng chứng cho thấy thành Troy đã bị phá hủy vào thời điểm trước khi cuộc chiến thần thoại đó xảy ra. Có bằng chứng cho thấy chiến tranh đã xảy ra ở thành Troy khi các nhà khảo cổ tìm thấy các công sự được thiết kế để đẩy lùi các cuộc tấn công bằng xe ngựa. Tuy nhiên, bất cứ điều gì đã xảy ra ở đó chắc chắn không liên quan đến bất kỳ con ngựa gỗ nào cả.
2. Sparta không phải tất cả đều là chiến binh
Mặc dù Sparta là một quốc gia có nhiều chiến binh hùng mạnh nhưng quan niệm mọi người Sparta đều là những chiến binh bất khuất là không chính xác. Dân số Sparta bao gồm ba nhóm chính: người Sparta – công dân, Helots – nô lệ và Perioeci – những người không phải là nô lệ hay công dân mà là người nước ngoài, du khách và thương nhân.
Người Sparta không mấy quan tâm đến việc theo đuổi thơ ca và triết học truyền thống của Hy Lạp cổ đại. Họ thích thiết lập hệ thống quân sự để huấn luyện, tách các bé trai khỏi gia đình và huấn luyện chúng về chiến tranh từ năm 7 tuổi. Các cậu bé có điều kiện sống khắc khổ, khẩu phần ăn chỉ đủ để không chết đói và phải học cách ăn trộm thức ăn. Họ tập luyện liên tục cho đến khi trở thành quân nhân toàn thời gian ở tuổi 20, nghỉ hưu ở tuổi 60 – nếu có thể sống lâu đến vậy.
Người Sparta có kỹ năng chiến đấu rất tốt nhưng nền văn minh Sparta vẫn là một nền văn minh ngắn ngủi khi họ phải chịu thất bại nhục nhã trong trận Leuctra năm 371 trước công nguyên. Một năm sau đó, vùng đất của họ bị xâm chiếm, nô lệ Helot được giải phóng, đánh dấu sự khởi đầu cho sự lụi tàn của dân tộc Spartan.
3. Không phải tất cả đàn ông Hy Lạp cổ đại đều có quan hệ đồng giới
Ở Hy Lạp cổ đại, theo phong tục, một người đàn ông trưởng thành sẽ nhận một cậu bé làm người bảo trợ, hay còn gọi là eromenos. Giáo dục chính quy không tồn tại trong thời đại này nên một công dân muốn tiến bộ trong xã hội thì họ cần phải có một người cố vấn.
Người đàn ông trưởng thành luôn nắm vai trò thống trị trong mối quan hệ và quan hệ này sẽ chấm dứt khi eromenos mọc râu – biểu thị sự trưởng thành của cậu bé. Đàn ông trưởng thành ở Hy Lạp coi trọng quyền công dân và sẽ khai sáng cho những người được họ bảo trợ về mọi mặt trên thế giới, đôi khi bao gồm cả tình dục. Nếu người đàn ông lớn tuổi hạn chế quan hệ tình dục với eromenos thì được coi là dấu hiệu tôn trọng địa vị của cậu bé, đồng thời là dấu hiệu của khả năng tự chủ mạnh mẽ ở người lớn, điều này tốt cho cả hai. Tuy nhiên, nếu người lớn thiếu tự chủ, eromenos phải tuân theo mọi yêu cầu của người bảo trợ mình vì lòng biết ơn và sự tôn trọng, cũng như triển vọng về sự nghiệp trong tương lai.
4. Họ không hẳn là dân chủ
Vào năm 507 trước Công nguyên, nhà cai trị Athen Cleisthenes đã đưa ra một hệ thống mới: cai trị của nhân dân – báo trước những gì thường được coi là sự ra đời của nền dân chủ.
Herodotus ca ngợi sự bình đẳng trước pháp luật của công dân Hy Lạp. Tuy nhiên, thuật ngữ công dân Hy Lạp được hiểu theo nghĩa hẹp. Quyền công dân chỉ được cấp cho những người có cha mẹ cũng là công dân, vì vậy điều này đã loại trừ khoảng 10.000 người nước ngoài cư trú tại Athens, cũng như 150.000 nô lệ. Trong số 100.000 công dân được xác nhận, chỉ nam giới trên 18 tuổi mới đủ điều kiện tham gia nền dân chủ mới, nghĩa là chỉ có khoảng 40.000 người đủ điều kiện.
5. Hades không ác
Trong thời hiện đại, Hades thường được miêu tả là một vị thần không thể lật đổ Zeus nên bị đày xuống địa ngục, một loại thiên thần sa ngã. Trên thực tế, địa ngục là nơi mà linh hồn con người sẽ đến sau khi chết và Hades là người cai trị thế giới vô hình, anh trai của thần tối cao Zeus và thần biển Poiseidon.
Hades có thể coi là một chàng trai khá tốt khi không mang tiếng lăng nhăng như hai người em, cũng không trừng phạt người phàm chỉ vì tâm trạng không tốt hay mấy lí do…trời ơi đất hỡi khác.
6. Pandora chưa bao giờ mở “hộp”
Trong thần thoại Hy Lạp, Pandora là người phụ nữ đầu tiên trên Trái đất. Các vị thần đã ban tặng cho Pandora sắc đẹp từ Aphrodite, âm nhạc từ Apollo, quần áo từ Athena và một chiếc hộp mà Zeus dặn nàng đừng bao giờ mở ra.
Trên thực tế, thứ Zeus đưa cho Pandora không phải hộp mà là bình – còn gọi là pythos – cao gần bằng người và được dùng để đựng rượu hoặc dầu. Những chiếc lọ như vậy đôi khi cũng được sử dụng để đựng đồ chôn cất. Người ta tin rằng sự nhầm lẫn này xuất phát từ lỗi dịch thuật của nhà văn Erasamus sống ở thế kỷ 16 khi ông nhầm lẫn từ pythos với pyxis – có nghĩa là “chiếc hộp” – trong tiếng Hy Lạp.
7. Thư viện Alexandria không bị quân đội Hồi giáo phá hủy
Thư viện Alexandria là một trong những kỳ quan của thế giới cổ đại, được xây dựng để vinh danh Alexandre đại đế. Nó chứa những cuốn sách và cuộn giấy đến từ các nền văn minh cổ đại và là trung tâm dành cho các học giả từ khắp nơi trên thế giới. Những con tàu cập cảng Alexandria đều bị lấy đi sổ sách và được đưa đến thư viện để sao chép, sau đó các bản sao được trả lại tàu còn bản gốc được lưu giữ trong thư viện. Ước tính có khoảng 40.000 đến 400.000 tác phẩm được lưu giữ trong thư viện, một con số khổng lồ vào thời cổ đại, khi tất cả tài liệu đều được viết tay.
Nhiều tin đồn đã lan truyền về nguyên nhân thư viện bị phá hủy, bao gồm cả việc nó bị hủy diệt bởi một đội quân Hồi giáo xâm lược. Tuy nhiên có khả năng thư viện đã rơi vào tình trạng tan hoang sau nhiều thảm họa khác nhau. Vào năm 48 trước công nguyên, Julius Caesar bị mắc kẹt ở Alexandria và đã đốt cháy tàu của mình lẫn kẻ thù cũng như phần lớn thị trấn. Một số học giả cho rằng một phần của thư viện có thể đã bị phá hủy vào thời điểm đó, trong khi những người khác cho rằng nó vẫn còn nguyên vẹn. Nó vẫn còn tồn tại vào năm 391 sau Công Nguyên, khi hoàng đế La Mã Theodosius tuyên bố ngoại giáo là bất hợp pháp và đốt phá bất kỳ ngôi đền nào không thờ Chúa Kitô, kể cả Serapeum, nơi thư viện tọa lạc.
Vào thời điểm quân đội Hồi giáo xâm chiếm năm 641 sau công nguyên, thư viện đã bị phá hủy từ lâu. Nhiều câu chuyện thời Trung cổ kể lại việc những kẻ ngoại đạo đã phá hủy nơi này nhưng phần lớn chúng chỉ là bịa đặt. Những bộ sưu tập sách lớn từ Đại Thư viện đã được buôn bán khắp châu Âu hàng trăm năm trước khi quân đội Hồi giáo đến.
Các học giả hiện nay có xu hướng ủng hộ giả thuyết rằng thư viện bị suy thoái dần dần hơn là bị tàn phá thảm khốc và vận mệnh của nó gắn liền với Ai Cập. Khi Ai Cập không còn là một cường quốc, các học giả cũng ngừng đi đến thư viện vĩ đại nhất thế giới này.
8. Gót chân của Achilles
Achilles, chiến binh vĩ đại, là con trai của một vị vua và một nữ thần biển và được một nhân mã nuôi dưỡng, được tiên tri rằng sẽ mạnh hơn Zeus hoặc Poseidon. Để khiến chàng trở nên bất tử, mẹ Achilles đã nhúng chàng xuống nước sông Styx và khiến toàn bộ cơ thể trở nên bất khả xâm phạm, ngoại trừ phần gót chân mà bà ddang cầm. Sau đó, Achilles bị giết do bị một mũi tên tẩm độc bắn vào gót chân. Tuy nhiên, gót chân của Achilles không phải là gót chân thực sự mà là niềm tự hào của chàng – nó thực ra chỉ là một phép ẩn dụ.
9. Không phải lúc nào Aphrodite cũng đáng yêu
Mọi người đều biết rằng Aphrodite là nữ thần tình yêu và tình dục, sinh ra từ bọt trắng tạo ra từ bộ phận sinh dục bị cắt đứt và ném xuống biển của thần bầu trời Uranus.
Aphrodite có nhiều người tình, cả phàm nhân lẫn thần thánh, trong đó có Ares, vị thần chiến tranh trên đỉnh Olympia. Ares đại diện cho sự hủy diệt và tàn bạo, không được ai yêu mến, ngoại trừ Aphrodite. Họ có có rất nhiều con với nhau dù nàng dù đã kết hôn với Hephaestus – anh trai Ares. Ngoài ra, Aphrodite còn phải chịu một phần trách nhiệm cho chiến tranh thành Troy khi giúp Paris quyến rũ Helen – người phụ nữ đẹp nhất thế giới và là hoàng hậu của Sparta.
10. Eros không phải là một đứa bé mũm mĩm
Eros là vị thần của niềm đam mê và khả năng sinh sản, ban đầu là con trai của Chaos, sau này lại được coi là con trai của Aphrodite và Zeus, Ares, hoặc có thể là Hermes.
Lúc đầu, Eros được miêu tả là một người đàn ông trưởng thành, sau đó là một chàng trai trẻ, khỏe mạnh và đẹp trai, tiếp nữa là một đứa trẻ và cuối cùng là một đứa bé mũm mĩm, có cánh.
Bạn có thể đọc thêm:
- 10 vị vua chúa say mê ma thuật trong lịch sử thế giới
- 10 ông hoàng bà chúa nổi tiếng trong lịch sử vì…mắc bệnh tâm thần!
- 10 vị vua có thời gian trị vì ngắn nhất lịch sử: từ vài giờ tới một ngày!
Mình rất mong muốn được nghe suy nghĩ của các bạn về bài viết này, hãy để lại comment để mình có thể cải thiện bài viết tốt hơn.