Sự sáng tạo trong ẩm thực Việt gần như không có giới hạn. Từ những cái nền nhất định – những món ăn quen thuộc và cơ bản, người Việt có thể tiếp cận từ những góc độ rất khác nhau và phát triển, biến tấu món ăn đó thành một thứ gì đó khác biệt, đặc sắc hơn rất nhiều. Món cơm trắng của người Việt là một ví dụ điển hình.
Ở các tỉnh thành, vùng miền khác nhau lại sáng tạo ra những cách chế biến gạo độc đáo, đem lại mùi vị thơm ngon khác thường cho hạt gạo; hoặc đơn giản là sử dụng cơm trắng như một thành phần của sự pha trộn mới mẻ mà lại rất thành công.
Cơm lam
Đây là loại cơm có nguồn gốc từ các dân tộc ít người vùng cao miền Tây Bắc và Tây Nguyên của Việt Nam, cũng như một số dân tộc tại Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc. Cách làm cơm lam thể hiện một lối sống hòa hợp với thiên nhiên của các dân tộc này: gạo cùng các nguyên liệu khác vào ống nứa tre rồi dùng lá chuối bịt kín một đầu và cho lên lửa để nướng.
Đôi khi để thay đổi hương vị họ có thể thêm vào dừa nạo, nước cốt dừa và vừng trộn với gạo trước khi nướng, cũng có khi ở một vài vùng miền sắn, khoai hoặc ngô được sử dụng thay thế cho gạo. Ống cơm lam khi nướng chín mở ra sẽ tỏa hương thơm ngào ngạt vô cùng, thoang thoảng cái phong vị của tre rừng. Cơm lam ăn dẻo, thơm và ngon khác hẳn cơm thường, thường chấm với muối vừng hoặc muối lạc.
Cơm đập (cơm niêu)
Người Việt xưa thường sử dụng nồi niêu bằng đất để nấu cơm vì rẻ và dễ kiếm, nhưng ngay cả ngày nay, người ta vẫn cho rằng niêu đất nấu cơm vẫn thơm và ngon hơn các loại nồi khác. Đối với cơm đập nấu bằng niêu đất hiện nay, điều thú vị là ở các nhà hàng, thực khách còn được chứng kiến kĩ năng đập niêu điệu nghệ của người phục vụ.
Người ta sẽ dùng một cái búa gõ nhẹ, niêu đất vỡ ra, và nắm cơm tròn vành nằm gọn trong tay người phục vụ, có nơi còn biểu diễn ném nắm cơm cho người khác đứng ở xa và hứng bằng dĩa. Cơm niêu có lớp vỏ ngoài giòn giòn, hơi rám vàng, bên trong là lại lớp cơm dẻo mịn. Cơm niêu có thể dùng với các món ăn kèm phổ biến như cá kho, thịt kho, các loại canh,….
Cơm dừa Bến Tre
Có lẽ không món ăn nào thốt lên đặc điểm đặc trưng của tỉnh Bến Tre như món cơm này. Vẫn là gạo dùng làm nguyên liệu nấu cơm, nhưng được vo bằng…. nước dừa, và “cái nồi” sau đó được dùng để nấu cũng là một trái dừa nguyên. Trái dừa người đầu bếp thường chọn là dừa xiêm, và phải lựa kĩ. Sau khi cắt ngang một khoanh trên đỉnh quả dừa, người ta không đả động gì đến nữa. Sau khi vo gạo, để ráo, người đầu bếp mới cho gạo vào trái dừa, đổ nước dừa vào theo một tỷ lệ thích hợp rồi đậy nắp bằng khoanh dừa khi nãy.
Cơm dừa khi nấu chín thấm vị ngọt của dừa và ăn rất bùi; nếu biết nấu hạt gạo cũng sẽ dẻo thơm không kém các kiểu nấu khác. Cơm dừa thích hợp nhất khi ăn nóng, nếu để lâu sẽ bị ngả vàng do thấm hơi dầu của dừa. Người bản địa mách bảo cơm dừa phải ăn cùng với tôm rang dừa nữa thì mới “chuẩn bài”.
Cơm gà Hội An
Cũng như cao lầu, cơm gà Hội An là một trong những món ăn tinh túy của ẩm thực phố cổ, mang đậm bản sắc của Hội An. Tuy chỉ đơn giản là cơm nấu ăn với gà luộc, nhưng bí quyết là ở cách người ta làm cho những miếng thịt gà trở nên đặc biệt, mang phong cách của người miền Trung: thịt gà sẽ được xé nhỏ, trộn thấm với gia vị, hành tây và rau răm. Cái hay là những miếng thịt gà không bị bở, ngấy mà thấm vị cay, thơm của gia vị.
Điều thú vị khác là gạo sẽ được nấu bằng nước dùng gà chứ không phải nước thường, vì vậy hạt cơm nấu chín có màu vàng óng nhẹ, hạt bóng bẩy và căng tròn. Phong cách phục vụ cơm gà cũng thể hiện cung cách nhỏ nhẹ của người miền Trung, với những dĩa cơm nhỏ chỉ vừa làm lưng bụng khách.
Cơm hến Huế
Món ăn đặc sản nổi tiếng của Huế đứng riêng nổi bật khỏi những cách ăn cơm truyền thống của người Việt. Người Việt thường không thích ăn cơm nguội vì ít nhiều đã bớt đi cái dẻo của hạt gạo chín. Cơm hến dù là cơm nguội nhưng được làm từ loại gạo ngon, phẩm chất tốt nên điều đó hoàn toàn không phải là vấn đề.
Cơm hến chỉ đơn giản là một món trộn với cơm nguội là chính và các nguyên liệu phụ gồm có hến luộc, nước hến, hoa chuối thái rối, rau răm, khế chua, đậu phộng,…. Một muỗng cơm hến hòa trộn biết bao hương vị mà đầu lưỡi có thể cảm nhận; và vì là một món ăn Huế, bạn có thể biết là món ăn này khá cay, đặc trưng của khẩu vị miền Trung.
Mỗi vùng miền lại có đặc sắc văn hóa ẩm thực của riêng mình, đem đến cho món cơm trắng thân thuộc hằng ngày một sắc thái mới, một hương vị mới mà thường là những trải nghiệm ẩm thực thú vị và tuyệt vời.