Không quá khi nói rằng Samsung là một trong những “đế chế” sản xuất điện tử và di động thống trị thế giới ngày nay. Nhưng ít ai biết rằng câu chuyện của họ đã bắt đầu một cách rất khiêm tốn và từ rất lâu trước đây – năm 1938. Vậy Samsung đã trải qua những “biến cố” gì để trở thành gã khổng lồ công nghệ hàng đầu thế giới? Hãy cùng khám phá nhé!
- 1. Khởi đầu khiêm tốn của Samsung
- 2. Samsung có bao nhiêu người làm việc?
- 3. Samsung chiếm bao nhiêu GDP của Hàn Quốc?
- 4. Những sản phẩm thời kỳ đầu của Samsung là gì?
- 5. Logo của Samsung có gì đặc biệt?
- 6. Samsung chuyển hướng tập trung vào đồ điện tử
- 7. Chiếc điện thoại CDMA đầu tiên
- 8. Đồng hồ điện thoại đầu tiên
- 9. Smartphone đầu tiên của Samsung
- 10. Mẫu điện thoại bán chạy nhất của Samsung
- 11. Samsung từng có cơ hội sở hữu Android
1. Khởi đầu khiêm tốn của Samsung
Ngay từ những ngày đầu, nhà sáng lập Lee Byung-chul đã ấp ủ tham vọng phát triển công ty của mình trở nên vĩ đại, và điều đó được thể hiện ngay trong tên của công ty. Cái tên “Samsung” được ghép từ sam (trong tiếng Hàn nghĩa là “ba”) và sung (nghĩa là “sao”), hình ảnh 3 ngôi sao được quan niệm là tượng trưng cho sự to lớn, dồi dào và mạnh mẽ.
Đây là một tham vọng rất lớn đối với một công ty mà lúc bấy giờ chỉ gồm khoảng 40 nhân viên với mặt hàng kinh doanh là các sản phẩm địa phương và mì. Nhưng theo thời gian, Samsung đã mở rộng hoạt động của mình sang nhiều lĩnh vực khác, và từ đó dẫn đến một câu hỏi thú vị.
2. Samsung có bao nhiêu người làm việc?
Nhiều người nghĩ rằng thương hiệu Samsung chỉ gắn liền với các thiết bị điện tử và di động, nhưng thực ra họ còn lớn hơn thế. Tập đoàn Samsung có tổng cộng 19 công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán và 59 công ty chưa niêm yết. Các công ty này hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực đa dạng, từ xây dựng, đóng tàu đến dịch vụ tài chính, thậm chí cả y tế.
Chỉ riêng công ty Samsung Electronics chuyên sản xuất hàng điện tử tính đến năm 2020 đã có hơn 267.000 nhân viên làm việc tại 80 quốc gia trên toàn thế giới.
Một sự thật thú vị mà cũng ít người biết là tập đoàn Samsung chịu trách nhiệm xây dựng tòa nhà Burj Khalifa ở Dubai có chiều cao 828 m, là tòa nhà cao nhất thế giới ở thời điểm hiện tại.
3. Samsung chiếm bao nhiêu GDP của Hàn Quốc?
Với số lượng công ty và nhân viên khổng lồ như trên, chắc chắn Samsung luôn đóng góp một phần rất lớn trong tổng GDP của cả nước Hàn Quốc. Theo CNN, toàn bộ tập đoàn này chiếm khoảng 15% tổng GDP của cả nước trong năm 2017. Hơn 20% giá trị thị trường của Samsung đến từ các công ty được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, và hầu hết trong số đó đều thuộc về một công ty duy nhất là Samsung Electronics.
4. Những sản phẩm thời kỳ đầu của Samsung là gì?
Ngày nay chúng ta đều biết đến điện thoại Samsung và TV Samsung hiện đại, nhưng thực ra sản phẩm điện tử đầu tiên mà họ sản xuất năm 1970 là một chiếc TV đen trắng. Suốt nhiều năm sau đó Samsung đã không ngừng mở rộng và phát triển, đến năm 1986 họ mới tham gia vào thi trường thiết bị di động với sản phẩm đầu tiên là điện thoại ô tô.
Trong khi những sản phẩm TV thời kỳ đầu của Samsung được tiêu thụ khá tốt thì điện thoại ô tô ban đầu lại không được chú ý và rất ế ẩm.
5. Logo của Samsung có gì đặc biệt?
Logo Samsung đã trải qua vài lần thay đổi trong những năm đầu, nhưng kể từ sau những năm 1970 thì hầu như giữ nguyên. Chỉ có 3 lần logo được thay đổi đáng kể và mẫu logo mà chúng ta thấy hiện nay đã được tạo ra từ năm 2005.
6. Samsung chuyển hướng tập trung vào đồ điện tử
Mặc dù Samsung đã sản xuất đồ điện tử và thiết bị di động từ nhiều năm trước đó, nhưng vào năm 1993 chủ tịch của tập đoàn là Lee Kun Hee đã mở ra một hướng đi mới tập trung vào chất lượng sản phẩm, xem đó như là một trong những phương châm cốt lõi của Samsung. Ông khuyến khích các nhân viên phải “thay đổi mọi thứ trừ gia đình của mình“. Để thực hiện phương châm này, Samsung đã tổ chức các khóa đào tạo giúp nhân viên phát triển phong cách làm việc chuyên nghiệp mới.
Tuy nhiên đến năm 1995 vẫn không có thay đổi nào đáng kể. Người ta nói rằng chủ tịch Lee Kun-hee đã thất vọng về chất lượng sản phẩm và sự thiếu sáng tạo của công ty tới mức cả ban giám đốc đã tự tay dùng búa đập hết những sản phẩm của chính mình như điện thoại, tivi, máy fax, màn hình, v.v. Hơn nữa ông còn để cho khoảng 2000 nhân viên nhìn thấy cảnh tượng đó.
Ước tính số tài sản bị phá hủy trị giá hơn 50 triệu USD, nhưng đổi lại là một Samsung mới đã ra đời. Kể từ đó Samsung đã “lột xác” với cách thức hoạt động mới tạo ra sự phát triển mạnh mẽ và thành công trên toàn cầu, ngày càng tiến xa cho tới ngày nay.
Như vậy là một cuộc “thử nghiệm” cực kỳ táo bạo của ban giám đốc Samsung đã mở đường cho sự phát triển mới để chúng ta có được những sản phẩm công nghệ chất lượng hàng đầu như hiện nay.
7. Chiếc điện thoại CDMA đầu tiên
Dòng điện thoại SCH-100 được Samsung phát hành năm 1996 là điện thoại đầu tiên sử dụng công nghệ truyền dữ liệu CDMA. Ở thời điểm đó, CDMA là một công nghệ mới được cho là kém hơn so với công nghệ truyền thống được sử dụng trên toàn thế giới là GSM. Nhưng CDMA thực ra lại có một số ưu điểm hơn GSM.
Ngày nay CDMA cũng đã trở nên lỗi thời so với công nghệ mới là 4G/LTE, nhưng Samsung vẫn xứng đáng được xem là người tiên phong khi sẵn sàng thử nghiệm đổi mới.
8. Đồng hồ điện thoại đầu tiên
Đồng hồ điện thoại là những thiết bị có hình dạng như đồng hồ nhưng cũng có chức năng nhắn tin và gọi điện thoại. Lĩnh vực này đã bắt đầu xuất hiện từ năm 1999 và Samsung không chỉ là hãng đầu tiên mà còn là một trong rất ít công ty tham gia cho tới nay. Sản phẩm đầu tiên của họ là một chiếc đồng hồ kiêm điện thoại có tên là Samsung SPH-WP10.
Chiếc đồng hồ điện thoại độc đáo này không chỉ hiển thị thời gian mà còn có thể thực hiện cuộc gọi điện thoại kéo dài đến 90 phút mới phải sạc pin. Màn hình là loại LCD đơn sắc có đèn nền và có các nút bấm vật lý để điều hướng.
Thiết bị kỳ lạ này không thành công về mặt thương mại, nhưng dù sao cũng là một sản phẩm thú vị của gã khổng lồ công nghệ Samsung.
9. Smartphone đầu tiên của Samsung
Samsung chắc chắn không phải là hãng đầu tiên làm ra điện thoại thông minh, nhưng họ là một trong những công ty đầu tư mạnh nhất cho dòng sản phẩm này. Chiếc “smartphone” đầu tiên có màn hình màu của Samsung được giới thiệu ở Mỹ vào năm 2001 có tên là SPH-i300. Nó được thiết kế cho hệ điều hành Palm OS và tương thích với nhà mạng Sprint, có đầy đủ các chức năng của một chiếc điện thoại cá nhân bình thường.
Như vậy có thể coi SPH-i300 là sản phẩm smartphone đầu tiên của Samsung được tung ra ở thị trường Mỹ, mặc dù trông nó khác hoàn toàn những chiếc điện thoại Galaxy hiện đại ngày nay.
10. Mẫu điện thoại bán chạy nhất của Samsung
Bạn nghĩ rằng dòng điện thoại bán chạy nhất của Samsung từ trước tới nay là những chiếc Galaxy xịn sò? Không hề, mà thực ra đó là Samsung E1110, dòng điện thoại phổ thông được ra mắt năm 2009 và đã bán được tới 150 triệu chiếc cho tới khi ngừng sản xuất vào năm 2012. Xét trên phạm vi thế giới, đây cũng là mẫu điện thoại di động bán chạy thứ 6 của mọi thời đại.
Dòng điện thoại bán chạy thứ hai của Samsung là Galaxy S4 (gắn liền với Galaxy S3), đạt tổng doanh số là 70 triệu chiếc. Đây là dòng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android bán chạy nhất mọi thời đại.
11. Samsung từng có cơ hội sở hữu Android
Hệ điều hành Android đã thống trị lĩnh vực thiết bị di động suốt nhiều năm nay, trong đó điện thoại Samsung chiếm phần lớn. Nhưng ít ai biết rằng Samsung đã từng có cơ hội mua đứt công ty tạo ra hệ điều hành này.
Trong cuốn sách mang tên Dogfight: How Apple and Google Went to War and Started a Revolution, tác giả Fred Vogelstein đã tiết lộ một câu chuyện thú vị. Khoảng cuối năm 2004, Android gặp khó khăn về tài chính khiến các nhà sáng lập phải đến Hàn Quốc tìm cách hợp tác với Samsung. Họ đã trình bày ý tưởng tạo ra một hệ điều hành dành riêng cho điện thoại di động, nhưng ban lãnh đạo Samsung lúc đó đã không hào hứng gì với kế hoạch này, không tin rằng công ty khởi nghiệp nhỏ này có thể làm ra được hệ điều hành như vậy, thậm chí cười nhạo ngay trong phòng họp.
Nhưng chỉ 2 tuần sau đó, vào đầu năm 2005, Android đã giới thiệu sản phẩm mới của mình với gã khổng lồ công nghệ Google. Họ đã thành công và Google quyết định mua lại công ty này với giá 50 triệu USD. Sau đó Google cùng với Android tiếp tục hoàn thiện hệ điều hành chính thức để ra mắt vào tháng 10/2008 và cái tên Android cũng luôn gắn liền với Google cho tới nay.
Nếu ngày đó ban lãnh đạo của Samsung xem xét nghiêm túc ý tưởng của Android thì có lẽ bây giờ Samsung mới là kẻ thống trị hệ điều hành di động trên thế giới chứ không phải Google.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Lịch sử thương hiệu Samsung: Vì đâu mà trở nên vĩ đại?
- Lịch sử của dòng điện thoại Samsung Galaxy S từ năm 2010 tới nay – Dòng điện thoại cao cấp của Samsung
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!