Sự trưởng thành về mặt cảm xúc là khả năng hiểu và quản lý cảm xúc của bản thân. Cùng tìm hiểu 26 dấu hiệu chứng tỏ bạn là một người trưởng thành về cảm xúc, có EQ khá cao và khả năng thấu hiểu bản thân lẫn người khác tốt.
- 1. Thấu hiểu bản chất của con người
- 2. Không đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc người khác
- 3. Chấp nhận sai lầm và xin lỗi
- 4. Học được cách tự tin dù không hoàn hảo
- 5. Chấp nhận bản thân mình
- 6. Tha thứ cho cha mẹ mình
- 7. Hạn chế tranh cãi
- 8. Nhận ra cách quan tâm của mỗi người là khác nhau
- 9. Không hờn dỗi nữa
- 10. Nói những gì mình muốn
- 11. Ngừng tìm kiếm sự hoàn hảo
- 12. Học thói quen hơi bi quan về mọi thứ
- 13. Học cách nhìn nhận mọi thứ đa chiều hơn
- 14. Học được thói quen thoả hiệp
- 15. Khó rung động hơn
- 16. Khó hòa đồng hơn một chút
- 17. Học cách tha thứ cho bản thân mình
- 18. Làm bạn với chính mình
- 19. Ngừng hy vọng quá nhiều
- 20. Không còn quan tâm người khác nghĩ gì về mình
- 21. Giỏi hơn trong việc tiếp nhận góp ý
- 22. Tự chữa lành nhiều hơn
- 23. Không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi người khác nữa
- 24. Tìm hiểu cảm xúc của bản thân nhiều hơn
- 25. Trở thành một người bạn tốt hơn
- 26. Học cách xoa dịu nỗi lo của mình
Sự trưởng thành về cảm xúc là khả năng hiểu và quản lý cảm xúc của bạn. Một người trưởng thành về mặt cảm xúc đã đạt đến (và tiếp tục nỗ lực để đạt được) mức độ hiểu biết về bản thân liên quan đến suy nghĩ và hành vi của họ, sau đó quyết định cách tiếp cận và đối phó tốt nhất với các tình huống có thể là khó khăn hoặc thử thách. Trưởng thành về mặt cảm xúc có thể giúp bạn đạt được các giải pháp thành công cho các vấn đề, cũng như không để các vấn đề lấn át bạn.
Cùng tìm hiểu 26 dấu hiệu của người trưởng thành về mặt cảm xúc, có EQ cao sẽ như thế nào nhé:
1. Thấu hiểu bản chất của con người
Bạn nhận ra rằng phần lớn những hành động tệ hại của những người khác thực chất xuất phát từ nỗi sợ hãi và lo lắng – thay vì, như chúng ta hay dễ dàng ngộ nhận, sự xấu xa hay ngu ngốc. Bạn bỏ cái tư tưởng rằng mình luôn đúng, bỏ cái ý nghĩ rằng thế giới này đầy rẫy những con quái vật đội lốt người và những kẻ ngu xuẩn. Lằn ranh giữa xấu và tốt, trắng và đen sẽ mờ đi lúc đầu, nhưng dần dần mọi thứ sẽ thú vị hơn rất nhiều.
2. Không đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc người khác
Bạn nhận ra rằng những thứ bạn nghĩ trong đầu, người khác không thể nào tự hiểu được. Bạn cũng nhận ra rằng, thật buồn là bạn sẽ phải lựa chọn từ ngữ cực kỳ cẩn thận để diễn đạt được ý nghĩ và cảm xúc của mình – và không thể đổ tội cho kẻ khác vì không hiểu được suy nghĩ của bạn, cho đến khi bạn giải thích từ tốn và rõ ràng.
3. Chấp nhận sai lầm và xin lỗi
Bạn học được rằng, nhiều khi bạn sẽ làm sai, làm hỏng nhiều thứ. Thi thoảng bạn sẽ phải bước những bước đi đầu tiên để đi xin lỗi người khác.
4. Học được cách tự tin dù không hoàn hảo
Bạn dần học được cách tự tin bằng cách nhận ra không phải bạn tuyệt vời, nhưng thật ra mọi người ai cũng ngốc nghếch, sợ hãi và lạc lối như bạn thôi. Chúng ta ai cũng phải tự tìm được chính mình thôi, vậy cũng chả có sao cả.
5. Chấp nhận bản thân mình
Bạn không còn phải chịu đựng hội chứng kẻ mạo danh nữa, vì bạn chấp nhận rằng không có ai thực sự là chính mình cả. Chúng ta, ở một mức độ nào đấy, đều cố gắng hoàn thành cái ‘vai diễn’ của mình, trong khi cố gắng che giấu sự ngốc nghếch và ương ngại của mình.
6. Tha thứ cho cha mẹ mình
Vì bạn nhận ra họ không sinh ra bạn chỉ để sỉ nhục bạn. Họ thực ra cũng có quá nhiều nỗi lo lắng của mình, và cũng vật lộn với những áp lực của riêng mình. Nỗi giận dữ, đến một thời điểm nào đó, trở thành lòng thương hại và trắc ẩn.
7. Hạn chế tranh cãi
Bạn học được rằng có nhiều thứ tưởng như nhỏ nhưng lại ảnh hưởng đến tâm trạng rất nhiều: giờ ngủ, đường huyết, lượng cồn trong máu, stress,… Cho nên bạn học được cách không bao giờ lôi những vấn đề quan trọng hay gây tranh cãi cho những người bạn yêu thương, trừ khi họ đã được nghỉ ngơi đầy đủ, không ai đang say, ai cũng được ăn chút ít gì đó, không có cái gì cấp thiết vào lúc đó, hay bạn không vội đi kẻo lỡ tàu.
8. Nhận ra cách quan tâm của mỗi người là khác nhau
Bạn nhận ra rằng khi những người thân càu nhàu với bạn, không thoải mái, hay đang ‘gây sự’, thường họ không phải đang cố làm bạn bực mình đâu, mà có khi họ chỉ đang cố gắng được bạn chú ý bằng cách duy nhất mà họ biết. Bạn học cách phát hiện ra sự tuyệt vọng trong những khoảnh khắc bình thường hơn của họ, và, một ngày không mưa nào đó, bạn hiểu nó bằng tình yêu thay vì đi đánh giá họ.
9. Không hờn dỗi nữa
Nếu ai đó tổn thương bạn, bạn không còn chất chứa những hận thù và những tổn thương đó trong nhiều ngày nữa. Bạn nhớ ra, ngày bạn qua đời thật ra cũng không có lâu lắm nên không cần phí thời gian vào những cảm xúc tiêu cực đó. Bạn cũng không mong chờ người khác tự hiểu được vấn đề của bạn mà bạn sẽ nói thẳng với họ. Nếu họ hiểu, thì bạn tha thứ. Và kể cả nếu họ không hiểu được, thì bằng cách khác, bạn cũng tha thứ cho họ.
10. Nói những gì mình muốn
Bạn nhận ra rằng, hoá ra cuộc đời thật ngắn, nên điều quan trọng, cực kỳ quan trọng, là bạn phải nỗ lực để nói ra điều bạn thực sự có trong tâm, tập trung vào những gì bạn thực sự muốn, và nói với những người bạn yêu thương họ có ý nghĩa lớn lao như thế nào với bạn. Có lẽ ngày nào cũng vậy.
11. Ngừng tìm kiếm sự hoàn hảo
Bạn ngừng tin tưởng vào sự hoàn hảo ở, có lẽ là gần như mọi thứ. Làm gì có ai hoàn hảo, làm gì có công việc hoàn hảo, hay cuộc sống hoàn hảo nào đâu. Thay vào đó, bạn quay sang việc trân trọng những gì mà (tôi sử dụng một câu nói của nhà phân tích tâm lý Donald Winnicott nhé) ‘đủ dùng rồi’. Bạn nhận ra rằng có nhiều thứ trong đời thật ra khá khó chịu – nhưng mà, theo nhiều cách nào đó, hoá ra cũng chỉ cần ‘đủ dùng rồi’.
12. Học thói quen hơi bi quan về mọi thứ
Kết quả là, bạn sẽ trở thành một người bình tĩnh hơn, kiên nhẫn hơn, và thứ tha hơn. Bạn mất đi dần một số thứ cực đoan, và trở thành một người khó nổi cáu hơn.
13. Học cách nhìn nhận mọi thứ đa chiều hơn
Bạn học cách nhìn nhận những yếu điểm trong tính cách của người khác thật ra lại liên kết với những điểm mạnh của họ, lại cân bằng. Thay vì chỉ tập trung vào những điểm yếu của họ, bạn nhìn vào cái tổng thể: đúng, ai đó khá cứng nhắc, nhưng thật ra họ tập trung vào sự chính xác, và là một hòn đá tảng trong dòng nước lũ. Đúng, ai đó hơi bừa bộn chút, nhưng hoá ra họ lại cực kỳ sáng tạo và có tầm nhìn. Bạn nhận ra (thực sự) rằng con người hoàn hảo không tồn tại – và mỗi một ưu điểm đều sẽ đính kèm một điểm yếu nào đó.
14. Học được thói quen thoả hiệp
Bạn học cách lắng lại ở một chỗ nào đó – và nhận ra rằng hoá ra bạn trưởng thành hơn là yếu đuối khi làm vậy. Bạn có thể ở lại với ai đó vì lũ trẻ, hoặc bạn sợ cô đơn. Bạn có thể chịu đựng sự bất tiện, vì bạn biết sẽ có chút đối kháng lại – một cuộc sống tự do thật ra là một ảo tưởng mà thôi.
15. Khó rung động hơn
Thật sự rất khó theo cách nào đó. Khi bạn trẻ con hơn, bạn dễ ‘crush’ người khác cực kỳ nhanh chóng. Giờ, bạn nhận thức một cách cay đắng rằng, dù vẻ ngoài của họ có đẹp đẽ hay hoàn hảo đến cỡ nào, sẽ luôn có một chút gì đó nhói đau khi lại gần. Dần dần bạn sẽ trung thành với những gì bạn có.
16. Khó hòa đồng hơn một chút
Bạn nhận rằng – khá ngạc nhiên là – bạn là một người cực kỳ khó sống chung với người khác. Bạn tỏa ra một chút đa cảm của con người cũ về bản thân mình. Bạn có những mối quan hệ mới, những tình bạn mới, cảnh báo nhẹ nhàng về cái cách và những lúc mà bạn sẽ là một thử thách với người còn lại.
17. Học cách tha thứ cho bản thân mình
Bạn học được cách tha thứ cho bản thân mìnhvì những lỗi sai và những sự ngu ngốc. Bạn nhận ra rằng mình sẽ luôn tràn đầy những cảm xúc tồi tệ nếu cứ nghĩ về những thứ đã làm sai trong quá khứ. Bạn tự làm bạn với chính mình. Tất nhiên bạn là kẻ ngốc rồi, nhưng là kẻ ngốc đáng yêu. Chúng ta, ai cũng vậy.
18. Làm bạn với chính mình
Bạn học được rằng, phần nào đó của việc trường thành là việc tự hoà giải với cái phần trẻ con, cứng đầu trong mình. Bạn ngừng việc cố gắng trở nên trưởng thành vào tất cả mọi lúc. Bạn chấp nhận rằng, chúng ta đều có những khoảnh khắc như thụt lùi lại – và khi đứa bé hai tuổi trong bạn quay lại để ‘quấy phá’, bạn chào nó, thoải mái, và cho nó sự chú ý mà nó cần.
19. Ngừng hy vọng quá nhiều
Bạn ngừng việc đặt quá nhiều hy vọng vào những kế hoạch lớn lao cho cái kiểu hạnh phúc mà bạn mong sẽ kéo dài mãi. Bạn dần tự vui với những thứ nhỏ nhỏ xinh xinh mà đạt kết quả tốt. Bạn nhận ra rằng, sự thỏa mãn đến trong những khoảng vài phút. Bạn sẽ vui nếu một ngày trôi qua mà không quá bận lòng. Bạn hứng thú hơn với những vẽ đẹp như những bông hoa hay bầu trời đêm. Bạn dần hứng thú với những niềm vui nho nhỏ.
20. Không còn quan tâm người khác nghĩ gì về mình
Bạn dần không quan tâm đến người ta nghĩ gì về bạn nữa. Bạn nhận ra rằng, tâm trí của người khác cũng như một nơi mù mịt, và bạn không cố gắng đánh bóng hình ảnh trong mắt mọi người khác nữa. Quan trọng là, bạn, thêm hai ba người nữa vui vì bạn là chính mình. Bạn từ bỏ sự nổi tiếng, dần hướng đến tình yêu hơn.
21. Giỏi hơn trong việc tiếp nhận góp ý
Thay vì nghĩ rằng những người chỉ trích bạn hoặc đang cố gắng làm bạn bẽ mặt, hoặc đang phạm phải sai lầm, bạn chấp nhận rằng có lẽ nên nhặt một hai ý kiến đó và lại tiếp tục hành trình của mình. Bạn bắt đầu thấy, à, hoá ra bạn có thể nghe chỉ trích mà vẫn sống sót thôi – thay vì phải xù lông xù cánh lên và phủ nhận rằng có gì đó sai sai ở đây.
22. Tự chữa lành nhiều hơn
Bạn nhận ra quãng đời mà bạn sống, những vấn đề mà bạn gặp phải, so với những gì có ở ngoài kia, thật ra chả là gì cả. Bạn nhớ rằng, bạn cần phải xem xét lại những gì làm tổn thương mình. Bạn đi dạo với thiên nhiên nhiều hơn, bạn có thể nuôi một chú cún hoặc chú mèo (chúng không quấy rối nhiều như con người với nhau đâu), và bạn nhìn được vẻ đẹp của những thiên hà trên bầu trời đầy sao kia.
23. Không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi người khác nữa
Bạn không còn bị trigger dễ dàng bởi những cư xử tiêu cực của người khác nữa. Trước khi bạn nổi đoá lên, hay buồn bã, bạn dừng lại để tự hỏi xem liệu họ có thực tâm với những điều họ nói hay không. Bạn nhận ra rằng có lẽ những cái gì họ nghĩ với những gì họ nói không có được liên quan cho lắm.
24. Tìm hiểu cảm xúc của bản thân nhiều hơn
Bạn nhận ra quá khứ đã qua tô màu cho cái cách bạn phản ứng với từng tình huống cụ thể – và học cách bù lại cái cách bạn nhìn nhận mọi thứ. Bạn chấp nhận rằng, vì tuổi thơ của mình, bạn có lẽ có khuynh hướng nghiêm trọng hóa trong một vài thứ. Bạn dần nghi ngờ về phản ứng đầu tiên của mình về một số vấn đề cụ thể. Bạn nhận ra – đôi khi – đừng tin cảm xúc của mình quá.
25. Trở thành một người bạn tốt hơn
Khi kết bạn, bạn hiểu rằng người khác không phải luôn luôn quan tâm đến tin tức tốt lành của bạn, hay những vấn đề khiến bạn lo lắng, bởi vì họ cũng có những vấn đề của mình, những cô đơn, tổn thương, mệt mỏi riêng. Bạn sẽ trở thành một người bạn tốt hơn, vì bạn hiểu rằng, tình bạn thực sự là chia sẻ những sự dễ tổn thương nhất của mình.
26. Học cách xoa dịu nỗi lo của mình
Không phải bằng cách tự nói với mình mọi chuyện sẽ ổn thôi. Nhiều khi, nó sẽ không ổn đâu. Bạn dần tính đến các tình huống khác nhau, rằng ừ, kể cả nếu mọi chuyện có làm sao, thì bạn vẫn sống được. Bạn nhận ra, sẽ luôn có kế hoạch B, mà kế hoạch B không ổn, thì còn 24 chữ cái nữa mà. Thế giới này rộng lớn lắm, kiểu gì cũng sẽ tìm được một vài tâm hồn đáng yêu khác, và điều khủng khiếp nhất, rồi bạn cũng sẽ vượt qua thôi.