Bệnh Gout có liên quan mật thiết tới chế độ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày của con người. Câu hỏi được đặt ra là: Bệnh gout nên ăn gì và kiêng gì để ngăn ngừa những cơn Gout cấp tính cũng như các biến chứng nguy hiểm của bệnh?
Theo nghiên cứu khoa học, gout thường tập trung ở các nước có nền kinh tế phát triển, đang phát triển, thường gặp chủ yếu ở nam giới trung niên khoảng 30 – 50 tuổi, tỷ lệ bệnh nhân nam chiếm 90% các trường hợp mắc bệnh. Nếu không được kiểm soát bệnh chặt chẽ, người bị Gout sẽ có biểu hiện sớm là các cơn Gout cấp, lâu dài có thể chịu hậu quả nặng nề về xương khớp và các cơ quan khác trên cơ thể.
Gout là gì?
Gout là một bệnh do rối loạn chuyển hóa, với tình trạng viêm khớp, đặc điểm chính là sự dư thừa acid uric trong máu gây lắng đọng tinh thể muối monosodium urat ở các mô.
Những triệu chứng của bệnh Gout cấp tính như đau khớp đột ngột, sưng tấy, hạn chế vận động trong vài ngày, tái đi tái lại nhiều lần, nặng hơn có thể để lại những biến chứng nặng nề, đó là: hỏng khớp, ảnh hưởng tới xương, bại liệt chi, những hạt tophi dưới da tích tụ xung quanh khớp và bao khớp, các bệnh lý về thận (sỏi thận, suy thận, viêm thận kẽ,…), bệnh lý tim mạch (tăng huyết áp, tai biến, đột quỵ,…).
Nguyên nhân bệnh Gout?
1. Gout nguyên phát thường do di truyền hoặc yếu tố dinh dưỡng
- Di truyền: Từ nhiều nghiên cứu đã chỉ ra gout có tính chất di truyền gia đình. Gia đình có người bị gout làm gia tăng nguy cơ tăng acid uric máu và gia tăng bệnh Gout.
- Dinh dưỡng: Ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều purin làm tăng sản xuất acid uric máu do purin chính là thành phần chuyển hóa acid uric trong cơ thể, acid uric là nguyên nhân của lắng đọng tinh thể muối monosodium urat ở các mô, khớp gây đau, viêm khớp và gây ra bệnh Gout.
2. Gout thứ phát chiếm tỷ lệ thấp thường do hậu quả của các bệnh khác
Một số bệnh là nguyên nhân của Gout thứ phát như suy thận mạn tính, sử dụng thuốc lợi tiểu (giảm đào thải acid uric: giảm mức độ lọc và bài tiết acid uric ở thận),…
Như vậy, ngoài việc điều trị tích cực bằng thuốc và các phương pháp can thiệp thì chế độ ăn uống, sinh hoạt, thói quen hàng ngày hợp lý để kiểm soát bệnh Gout có vai trò khá lớn tới tiến triển và mức độ bệnh.
Người bị bệnh Gout nên ăn gì và kiêng gì để tránh các biến chứng nguy hiểm
1. Bệnh Gout nên ăn gì?
Thực phẩm giàu chất xơ, vitamin như:
- Các loại rau xanh, củ, nấm đều tốt cho người bị Gout
- Ngũ cốc: yến mạch, gạo lứt,…
- Các loại hạt: hạt óc chó, hạt macca, hạt hạnh nhân,…. Tìm mua hạt macca thơm ngon, ngọt, bùi tại đây nhé.
- Hoa quả chứa lượng purin thấp như: táo, nho, kiwi, chuối, mận, cam,….
- Các thực phẩm giàu vitamin: đặc biệt là vitamin C có thể làm giảm lượng acid uric trong cơ thể. Tìm mua vitamin bổ sung cho cơ thể tại đây.
Thức ăn chứa hàm lượng purin thấp
Thức ăn chứa hàm lượng purin thấp, giảm lượng đạm trong khẩu phần ăn: Sữa ít béo, các loại đậu: đậu nành, đậu phụ, trứng, dầu thực vật, các loại thịt màu trắng (như: thịt ức gà, cá sông,….).
Uống nhiều nước
Uống nhiều nước, các loại nước khoáng kiềm (nước có chứa bicarbonat) giúp tăng đào thải acid uric.
Một vài lưu ý khác
- Ưu tiên các món ăn được chế biến hạn chế dầu mỡ như: hấp, luộc thay thế cho các món chiên, rán, xào nhiều dầu mỡ.
- Nên lựa chọn các thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, các loại thảo dược thay vì các thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn.
2. Bệnh Gout nên kiêng gì?
Cơn Gout cấp thường khởi phát đột ngột sau một bữa ăn thịnh soạn, vì vậy, nó có mối liên hệ với các thực phẩm mà người bị Gout nên kiêng. Đó là:
Hạn chế tối đa các loại thức ăn nhiều đạm, với hàm lượng purin cao như
- Hải sản: tôm, cua, ghẹ, sò,… không có lợi cho người bị bệnh Gout làm lượng acid Uric được chuyển hóa tăng nhanh.
- Thịt đỏ (thịt chó, thịt bò, thịt bê,…), nội tạng động vật (gan, tim, thận, lá lách, tiết canh, óc, dạ dày) giàu đạm có thể gây biến chứng nguy hiểm.
- Cá chứa lượng purin cao như: cá thu, cá mòi, cá trích,…
- Bia, rượu, nước ngọt, đồ uống có gas: không nên uống do có hàm lượng purin cao gây tăng acid uric trong gan cũng như làm thận giảm chức năng lọc và đào thải nên nguy cơ gây bệnh và tái phát nhanh chóng.
- Nấm men: nấm men bia, nấm men bánh mì nằm trong những thực phẩm có lượng purin cao.
- Giảm lượng chất béo trong khẩu phần ăn:
- Đồ đóng gói, chế biến sẵn như: khoai tây chiên, gà rán, pizza, thịt hộp,… chứa nhiều chất béo, hàm lượng Calo cao.
- Đồ ăn nhiều giàu mỡ: thức ăn chiên, rán, mỡ, da động vật, thịt nhiều mỡ,… tăng khả năng gây béo phì dẫn đến nguy cơ tái phát Gout cao.
- Loại bỏ các yếu tố nguy cơ như: thuốc lá, nên tránh các thực phẩm chứa nhiều đường, tinh bột (bánh mì tráng, bánh ngọt, siro,…) tuy không chứa nhiều purin nhưng có thể gây tăng đường máu, cũng như dễ tăng acid uric trong máu.
Nên hạn chế các loại thực phẩm trên, kiểm soát cân nặng, giảm cân để không bị thừa cân, béo phì. Tuy nhiên khuyến cáo rằng không nên kiêng khem quá mức có thể dẫn đến tình trạng thiếu chất, thiếu dinh dưỡng.
Ngoài có những kiến thức về Bệnh Gout nên ăn gì và kiêng gì để xây dựng thực đơn cho người bị Gout thì việc tập thể dục, rèn luyện sức khỏe thường xuyên và phương pháp điều trị nội khoa, can thiệp là vô cùng quan trọng giúp cải thiện bệnh, giảm nguy cơ tái phát, tiến triển và biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Một số bài viết liên quan cùng chuyên mục bạn có thể tham khảo:
- 5 triệu chứng bệnh gút gây đau đớn cho người bệnh
- Thoái hóa khớp gối có triệu chứng gì?
- Thoái hóa cột sống: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều tri
Đừng quên tiếp tục ghé thăm chuyên mục Sức khỏe của BlogAnChoi để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích bạn nhé!