Không thể phủ nhận, sự bùng nổ lên đến đỉnh cao của ngành công nghiệp giải trí đã góp phần quảng bá Hàn Quốc ra toàn thế giới. Thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc đã tận dụng lợi thế này để lồng ghép yếu tố văn hóa truyền thống Hàn Quốc vào MV, nhằm khẳng định những giá trị cội nguồn với người hâm mộ.
“IDOL” – BTS
Sau khi đạt được thành công vang dội và trở thành nhóm nhạc toàn cầu vào năm 2016, BTS đã nhân cơ hội này giới thiệu và quảng bá những giá trị truyền thống của đất nước Hàn Quốc thông qua nhiều bản hit tiếp theo như “Ddaeng” và “IDOL” vào năm 2018.
Cùng với những nhịp điệu lấy cảm hứng từ Châu Phi, “IDOL” còn có sự hòa âm với giai điệu pansori – một loại hình nghệ thuật truyền thống của Hàn Quốc rất phổ biến vào thế kỉ 19 – và lời khích lệ “eolssu” thường được dùng trong những buổi diễn pansori truyền thống.
Bên cạnh đó, một số nhạc cụ khác như gakgung (kèn cung), kkwaenggwari (chiêng đồng) và janggu (trống truyền thống) cũng được đưa vào sử dụng.
Đặc biệt nhất phải kể đến phần vũ đạo xoay tròn bắt nguồn từ điệu nhảy pungmul dân gian đã được nhóm khéo léo lồng ghép, tạo nên rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống được truyền tải chỉ qua một MV.
“PIRI” – Dreamcatcher
Khi nghe PIRI của Dreamcatcher, người hâm mộ có thể dễ dàng nhận ra tiếng sáo xen lẫn giữa giai điệu rock sôi động.
Một sự thật thú vị khác là cái tên “PIRI” của bài hát chủ đề trong album “The End of Nightmare”, thực chất là tên một loại nhạc cụ truyền thống của Hàn Quốc.
Phần âm thanh du dương từ loại nhạc cụ bằng lau sậy kết hợp với âm hưởng rock ở phần điệp khúc đã tạo ra một bản nhạc bắt tai và vô cùng lôi cuốn.
“Niliria” – BigBang G-Dragon
Nằm trong album “Coup ‘d’Etat” phát hành vào năm 2013 của G-Dragon, “Niliria” là sự kết hợp giữa giai điệu của một bài hát dân gian Hàn Quốc với hơi hướng hip-hop hiện đại.
Phần nhạc dân gian này có thể được nghe rõ nhất ở đoạn giới thiệu và phần bridge (bắt đầu từ 1:57 trong MV)
Để nhấn mạnh thêm sự kết hợp trên, G-Dragon còn đặc biệt mời cả nghệ sĩ huyền thoại người Mỹ Missy Elliot tham gia vào bài hát.
“Follow” – Monsta X
Đóng vai trò là ca khúc chủ đề của “Follow: Find You”, “Follow” của Monsta X đã lồng ghép các yếu tố truyền thống của văn hóa Hàn Quốc vào cả giai điệu và MV.
Đặc biệt, outfit của 7 anh chàng cũng là kiểu dáng cách tân từ trang phục Hanbok truyền thống.
Tuy nhiên, yếu tố chính thu hút người nghe “Follow” là những giai điệu đến từ taepyeongso – một nhạc cụ hơi truyền thống của Hàn Quốc – vang lên ngay từ những phút đầu tiên.
“LALALAY” – SUNMI
Một nghệ sĩ nữ khác cũng thành công đưa văn hóa truyền thống vào âm nhạc của mình là Sunmi, với MV “Lalalay”.
Ca khúc này là sự kết hợp giữa những giai điệu pop, dancehall của Latin và cả taepyeongso của Hàn Quốc.
Chính sự khéo léo và ăn ý trong cách kết hợp này đã giúp “Lalalay” trở thành một trong những bản hit thành công nhất của Sunmi.
“Thunderous” – Stray Kids
Mv cuối cùng trong danh sách này phải kể đến “Thunderous” của Stray Kids.
Đóng vai trò là ca khúc chủ đề cho album “NOEASY”, “Thunderous” là một ca khúc kết hợp giữa hip-hop, trap và các yếu tố âm nhạc truyền thống Hàn Quốc như kèn đồng.
Ngoài ra, nhóm cũng sử dụng cụm từ “chuimsae”, là lời cảm thán quen thuộc trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc, như một điểm nhấn cho ca khúc lần này.
Đọc thêm bài viết khác: