Nếu Hà Nội nổi tiếng với phở, ẩm thực Huế gắn liền với bún bò thì người dân Quảng Nam tự hào với mì Quảng, món ăn chính thức được Tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận là một trong 12 món ăn Việt Nam đạt giá trị ẩm thực Châu Á. Người Quảng Nam còn hay nhắc nhau: “Ai đi cách mấy sơn khê/ Nhớ tô mì Quảng tình quê mặn mà”.

Mì Quảng thường được làm từ gạo loại không dẻo, hàm lượng bột cao nhưng phải đảm bảo độ kết dính, được ngâm ít nhất trong vòng 1 tiếng,  cho vào cối xay mịn và tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái theo chiều ngang để có những sợi mì mỏng khoảng 2 mm. Để những sợi mì không dính, phải dùng dầu phụng (hay còn gọi là dầu lạc) phi với củ nén đập dập, thoa lên bề mặt của bánh. Sợi mì làm bằng bột mì được trộn thêm một số phụ gia cho đạt độ giòn, dai.

Sợi mỳ Quảng
Sợi mì vàng ươm đẹp mắt (Ảnh: Internet)

Nếu như món phở chỉ ngon với bò hoặc gà, bún thì có phần đa dạng hơn nhưng lại không có sự nhất quán, thì mì Quảng lại khác hoàn toàn. Nước dùng mì Quảng được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau tùy theo loại mì mà thực khách muốn dùng. Mì Quảng truyền thống thì nguyên liệu chính là tôm tự nhiên và thịt heo tươi. Nếu là mì gà hoặc mì cá lóc, thì nguyên liệu phải được thái vừa phải, tách xương riêng để nấu nước dùng, ướp thịt và nấu như mì truyền thống. Gà phải là loại gà ta, nuôi thả, cá lóc phải là loại cá sống trong môi trường tự nhiên, tất cả làm xong là chế biến ngay để đảm bảo độ tươi, ngọt của nguyên liệu. Mì Quảng truyền thống hầu như rất ít khi dùng đường khi chế biến. Nguyên liệu sau khi ướp thì được tao bằng dầu phụng cho đủ độ thấm và nấu với nước dùng.

Bữa ăn ngon với mỳ Quảng
Một bữa ăn hấp dẫn với mì Quảng cho những ngày “chán cơm” (Ảnh: Internet)

Rau dùng cho mì Quảng là những loại rau có mùi vị đặc biệt. Người Quảng khi làm mì thì dùng rau Trà Quế gồm cải con (tức là cải vừa nhú mầm), rau húng lủi, rau quế xanh (chứ không phải loại quế cọng đỏ dùng cho phở), xà lách, và đặc biệt là phải có hoa chuối thái mỏng. Ngoài ra còn có các loại phụ liệu không thể thiếu là hành lá, ớt xanh, bánh tráng gạo mè, chanh, nước mắm ớt được làm từ cá cơm (dùng để nêm thêm cho vừa khẩu vị của từng người) và đậu phụng rang giã nhỏ. Cũng có lẽ vì thế mà mì Quảng ăn không bị ngán hay cảm giác khô dù ít nước dùng. Một dĩa rau sống đủ loại, tươi non góp phần không nhỏ làm nên vị ngon cho bát mỳ. Mì Quảng trước hết là món ăn no, sau mới đến món ăn chơi. Nhìn bát mì Quảng với những sợi mỳ vàng ươm xen lẫn tôm, trứng, thịt gà và lạc rang đang bốc khói nghi ngút khiến thực khách không khỏi thòm thèm. Thêm mấy chiếc bánh tráng nướng giòn nữa thì tuyệt phải biết. Ăn rồi vẫn muốn ăn thêm bát nữa.

Một tô mì ngon không thể thiếu rau sống ăn kèm
Một tô mì ngon không thể thiếu rau sống ăn kèm (Ảnh: Internet)

Trình bày của mì Quảng cũng có nét riêng biệt. Đầu tiên cho vào tô là rau sống với đủ loại rau như trên, tiếp đến là mì sợi và chan nước nhưng, sau đó cho hành và ngò tàu, đậu phụng rải đều, bánh tráng và 1 quả ớt xanh kèm với 1 lát chanh mỏng. Không như phở, nước mì có độ đậm đặc của tôm giã nhuyễn và những nguyên liệu đặc trưng vừa đủ độ béo, đậm và ngọt, vì vậy lượng nước chan cho mì rất ít, không bao giờ ngập lên sợi mì, bố cục trông rất đẹp mắt.

Trình bày một tô mì đẹp mắt
Trình bày một tô mì đẹp mắt, ăn sẽ ngon miệng hơn hẳn (Ảnh: Internet)

Mì Quảng bây giờ đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc, mỗi nơi lại có một biến tấu khác nhau về cách nấu mì. Song, khi rời khỏi vùng đất sinh ra nó, mì Quảng không còn thuần túy là món ăn nữa, nó trở thành một trong những biểu tượng văn hóa, là cái “hồn” nghệ thuật ẩm thực của vùng đất Quảng Nam.

Xem thêm

Người Nhật nấu cơm như thế nào?

Vượt qua Pháp, Nhật Bản với số sao Michelin nhiều nhất thế giới đã vinh danh là "Cái nôi của nghệ thuật ẩm thực". Quả thật, điều này cũng không quá ngạc nhiên khi người Nhật đã vô cùng nổi tiếng bởi tính tỉ mỉ và sự kỉ luật của mình. Chỉ đơn thuần là nấu cơm, bạn cũng ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận