Thành phố biển Phan Thiết không chỉ có những bãi biển cát trắng đẹp nên thơ, nơi đây còn là địa phương của các món đặc sản biển độc đáo. Phan Thiết ngoài nổi tiếng với các món gỏi từ các loại hải sản đặc trưng của vùng, còn có một loại lẩu mà đã được biến tấu khác đi so với kiểu lẩu truyền thống và đem đến một ấn tượng riêng biệt – lẩu thả.
Đây là một món ăn tinh tế từ khâu chuẩn bị đến cách phục vụ. Ấn tượng đầu tiên của món ăn khi được bày ra là bạn sẽ thấy một bông hoa không kiểu cách nhưng rất ấn tượng. Đó là cách mà món lẩu thả được trình bày cho thực khách: mỗi nguyên liệu đặt được trên một phần của bông hoa, bạn có nguyên liệu chính nằm ở trung tâm – nhụy hoa – và các thành phần khác trên những cánh hoa. Món lẩu này có chút khác biệt so với các món lẩu truyền thống, đó là nhúng nguyên liệu vào nồi lẩu đang nấu trên bếp và sử dụng một tô nước lèo nấu sẵn, hơn nữa chú trọng vào một loại nước chấm riêng dùng cho kiểu ăn gỏi.
Hướng dẫn cách nấu lẩu thả:
Lẩu thả có thể được làm từ nhiều loại cá biển như cá đục, cá suốt nhưng ngon nhất thì vẫn là cá mai. Cá tươi là yếu tố quan trọng để có một phần lẩu ngon. Khi chuẩn bị cá sẽ được cắt hai bê thân và rửa bằng nước chanh tươi để khử mùi tanh cho cá. Thịt cá sau đó được bắt sạch, trộn với hỗn hợp ớt, tỏi giã nhuyễn và nước gừng già. Các thành phần không thể thiếu của lẩu còn có thịt heo ba chỉ luộc chín tới, trứng vịt chiên, khế, dưa leo và rau muống. Tất cả đều phải được thái lát hoặc xắt mỏng thành miếng. Lẩu thả được ăn kèm với bánh đa và nước lèo, nhưng tinh túy của lẩu là chén nước chấm được pha từ nước mắm cá cơm Phan Thiết.
Cách món ăn được phục vụ chắn chắc sẽ khiến bất cứ thực khách nào cũng cảm thấy như được đón tiếp trọng hậu. Các nguyên liệu phụ được sắp xếp cẩn thận lên vỏ các bắp hoa chuối còn các khứa cá chính được cho vào một cái tô. Tất cả được xếp thành hình một bông hoa và đặt lên trên một cái nia lót lá chuối xanh biếc. Nhìn tổng thể trông món ăn rất hài hòa và nghệ thuật.
Lẩu thả mang tinh thần của rất nhiều món ăn truyền thống Việt Nam, đó là ẩn chứa bên trong triết lý ngũ hành hòa hợp sâu sắc của người Việt cổ đại. Theo đó, nguyên tắc là các bữa ăn chứa sự hòa hợp đầy đủ của 5 yếu tố tự nhiên: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, là những bữa ăn lành mạnh đem lại năng lượng và sức khỏe cân bằng cho con người. Năm yếu tố này trong món lẩu thả được thể hiện ở sự có mặt đầy đủ ngũ vị: chua, cay, mặn, ngọt, đắng hòa quyện; kích thích đủ năm giác quan của người ăn. Ngoài ra còn thể hiện ở sự kết hợp của năm màu sắc: trắng, xanh lá, vàng, đỏ, đen.
Món lẩu thả thường được thưởng thức theo hai kiểu: hoặc bạn ăn sống phần thịt cá, trộn với các nguyên liệu khác và bánh đa, chỉ chan nước mắm đậu phộng lên trên và trộn đều. Cách này tương tự như cách ăn gỏi cá sống của người Nhật vậy. Cách thứ hai phù hợp với những người muốn ăn cá chín. Vẫn trộn đều các nguyên liệu với nhau, bạn cho vào nước lèo từ tô nước lèo nóng nấu sẵn, thêm vào bánh đa và thưởng thức.
Nhưng dù với cách thưởng thức nào thì vẫn không thể thiếu thành phần tinh túy nhất của lẩu thả – nước mắm đậu phộng chế biến từ nước mắm cá cơm Phan Thiết. Đầu bếp sẽ chế biến nước mắm từ chuối sứ, tỏi, ớt, me khô và đậu phộng rang, trộn tất cả và xay nhuyễn. Chén nước mắm sẽ có hương vị ngon đậm đà nếu được trộn đúng theo một tỷ lệ, và thường mỗi đầu bếp có một bí quyết riêng để cho ra chén nước mắm có vị ngon riêng biệt.
Với những sản vật được ưu đãi từ biển, Phan Thiết đã sáng tạo và cho ra đời những món đặc sản rất đặc trưng và có hương vị khó quên đối với bất cứ du khách nào đã từng thưởng thức. Nếu muốn thử làm món ăn đặc biệt này tại nhà, bạn có thể tham khảo cách làm dưới đây.