Thiết bị VR/AR của Apple mới ra mắt là kính Vision Pro được trang bị con chip hoàn toàn mới mang tên R1. Vậy con chip này có gì đặc biệt và có mạnh hơn chip M1, M2 của Apple hay không? Hãy cùng tìm hiểu nhé.

Kính Vision Pro ra mắt cùng với chip silicon mới của Apple là chip R1 được thiết kế để xử lý dữ liệu từ rất nhiều cảm biến theo thời gian thực. Nó có khả năng theo dõi cử động của mắt, tay và đầu của người dùng, tái hiện môi trường xung quanh mượt mà ở chế độ video, đồng thời xử lý các tính năng khác của hệ điều hành visionOS.

Kính Vision Pro của Apple được trang bị 2 chip là M2 và R1 (Ảnh: Internet)
Kính Vision Pro của Apple được trang bị 2 chip là M2 và R1 (Ảnh: Internet)

R1 có vai trò giảm bớt gánh nặng xử lý cho con chip chính của kính Vision Pro và tối ưu hóa hiệu suất, nhờ đó giảm hiện tượng say sóng cho người dùng đến mức tối thiểu ở cả chế độ thực tế tăng cường và thực tế ảo. Hãy cùng khám phá cách thức hoạt động của chip R1 và so sánh với chip chính M2.

Chip R1 của Apple là gì?

Chip R1 có nhiệm vụ hỗ trợ cho chip chính M2 của kính Vision Pro, giúp xử lý dữ liệu liên tục theo thời gian thực của 12 camera, 5 cảm biến và 6 micrô.

Các cảm biến, camera và micrô được trang bị trên kính Vision Pro của Apple (Ảnh: Internet)
Các cảm biến, camera và micrô được trang bị trên kính Vision Pro của Apple (Ảnh: Internet)

Kính Vision Pro có 2 camera chính bên ngoài ghi lại hình ảnh môi trường xung quanh và hiển thị hơn 1 tỷ pixel mỗi giây lên màn hình 4K của thiết bị. Ngoài ra còn có một cặp camera 2 bên cùng với 2 camera phía dưới và 2 đèn hồng ngoại có nhiệm vụ theo dõi chuyển động của tay người dùng từ nhiều góc độ khác nhau, kể cả trong điều kiện ánh sáng yếu.

Các cảm biến bên ngoài khác bao gồm máy quét LiDAR và camera TrueDepth của Apple có chức năng lập bản đồ 3D của môi trường xung quanh, giúp Vision Pro hiển thị các đối tượng ảo trong môi trường một cách chính xác. Ở mặt trong của kính có một vòng đèn LED xung quanh mỗi màn hình và 2 camera hồng ngoại theo dõi chuyển động của mắt, tạo cơ sở giúp hệ điều hành visionOS điều hướng chính xác.

Chip R1 có nhiệm vụ xử lý dữ liệu từ tất cả những cảm biến nêu trên, kể cả các bộ phận đo quán tính, với độ trễ cực thấp đến mức không thể nhận thấy. Điều này cực kỳ quan trọng để mang đến trải nghiệm chân thực và mượt mà cho người dùng.

Chip R1 có gì khác so với chip M1 và M2 của Apple?

Kính Vision Pro giúp người dùng nói chuyện FaceTime và xem trình chiếu ở chế độ thực tế tăng cường (Ảnh: Internet)
Kính Vision Pro giúp người dùng nói chuyện FaceTime và xem trình chiếu ở chế độ thực tế tăng cường (Ảnh: Internet)

M1 và M2 là các bộ xử lý đa chức năng được thiết kế dành cho máy tính MacBook của Apple. Trong khi đó R1 là bộ đồng xử lý đặc biệt chỉ có chức năng hỗ trợ trải nghiệm AR, thực hiện chức năng này nhanh hơn M1 và M2, giúp người dùng có thể trải nghiệm AR không bị lag.

Các nhiệm vụ chính của R1 là theo dõi chuyển động của mắt, đầu và tay của người dùng, lập bản đồ 3D thời gian thực thông qua cảm biến LiDAR. Nhờ có chip R1 thực hiện các công việc phức tạp này nên chip M2 có thể xử lý các hệ thống con, các thuật toán và ứng dụng của hệ điều hành visionOS một cách hiệu quả.

Apple không cho biết R1 có bao nhiêu lõi CPU và GPU cũng như không nêu rõ tần số CPU và thông số RAM của R1, vì vậy không thể so sánh trực tiếp chip R1 với M1 và M2.

Các đặc điểm chính của chip R1

Chip R1 có các ưu điểm nổi bật:

  • Xử lý nhanh: Các thuật toán chuyên dụng và khả năng xử lý tín hiệu hình ảnh của R1 được tối ưu hóa để phân tích dữ liệu đầu vào từ các cảm biến, camera và micrô của Vision Pro.
  • Độ trễ thấp: Cấu trúc phần cứng được tối ưu hóa làm cho độ trễ rất nhỏ.
  • Hiệu quả năng lượng: R1 xử lý một nhóm tác vụ cụ thể với mức sử dụng năng lượng tối thiểu, nhờ cấu trúc bộ nhớ hiệu quả và được sản xuất theo quy trình 5nm của công ty TSMC.

Tuy nhiên việc sử dụng 2 chip đồng thời và thiết kế tinh vi của chip R1 là một nguyên nhân làm cho kính Vision Pro có giá đắt và thời lượng pin chỉ kéo dài khoảng 2 giờ.

Chip R1 mang lại ưu điểm gì cho Vision Pro?

Dùng kính Vision Pro để lướt web (Ảnh: Internet)
Dùng kính Vision Pro để lướt web (Ảnh: Internet)

Chip R1 giúp theo dõi chính xác chuyển động mắt và tay của người dùng. Ví dụ nếu bạn muốn điều hướng khi đang dùng kính Vision Pro, chỉ cần hướng ánh mắt vào các nút hiển thị trong hệ điều hành visionOS.

Vision Pro sử dụng cử chỉ tay của người dùng để thực hiện các thao tác như chọn mục hay cuộn màn hình. Cơ chế theo dõi chuyển động này hoạt động chính xác đến mức không cần bộ điều khiển vật lý đi kèm với kính.

Khả năng theo dõi chuyển động chính xác và độ trễ tối thiểu của chip R1 cho phép bổ sung các tính năng thú vị như gõ bàn phím ảo. Chức năng theo dõi chuyển động đầu cũng rất hiệu quả, giúp tái hiện môi trường không gian xung quanh người dùng. Ở đây sự chính xác là yếu tố then chốt làm cho các đối tượng AR giữ nguyên vị trí trong không gian bất kể bạn nghiêng đầu và quay đầu thế nào.

Cảm nhận về không gian là một yếu tố quan trọng góp phần vào trải nghiệm của người dùng. Chip R1 lấy dữ liệu độ sâu từ cảm biến LiDAR và camera TrueDepth, từ đó lập bản đồ 3D theo thời gian thực. Dữ liệu về độ sâu cho phép kính Vision Pro hiểu được các vật thể trong môi trường xung quanh, ví dụ như tường và đồ nội thất. Điều này rất quan trọng để duy trì các đối tượng ảo đúng vị trí trong môi trường AR, hơn nữa còn giúp Vision Pro có thể thông báo cho người dùng khi sắp va phải vật thể, giảm nguy cơ tai nạn khi dùng AR.

Chip R1 giúp giảm say sóng cho người dùng thiết bị VR

Say sóng là hiện tượng thường gặp khi dùng kính VR (Ảnh: Internet)
Say sóng là hiện tượng thường gặp khi dùng kính VR (Ảnh: Internet)

Hệ thống 2 chip của Vision Pro giúp chip M2 giảm bớt gánh nặng xử lý dữ liệu từ các cảm biến. Theo Apple cho biết, chip R1 có khả năng truyền dữ liệu hình ảnh từ camera bên ngoài đến màn hình bên trong chỉ trong vòng 12 mili giây, tức là nhanh hơn 8 lần so với chớp mắt, giúp giảm độ trễ.

Hiện tượng say sóng xảy ra khi có độ trễ lớn giữa thông tin mà não nhận được từ mắt và cảm nhận của tai trong, có thể xảy ra trong nhiều tình huống như các trò chơi cảm giác mạnh, đi tàu xe, và sử dụng thiết bị VR.

VR có thể khiến người dùng bị say dẫn đến các triệu chứng như mất thăng bằng, buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu, mỏi mắt, nôn mửa, v.v. Ngoài ra VR cũng có thể gây hại cho mắt khi dùng lâu với các triệu chứng như đau và ngứa mắt, nhìn đôi, đau đầu và đau cổ. Một số người có thể bị các triệu chứng kéo dài tới vài giờ sau khi ngừng sử dụng VR.

Theo nguyên tắc chung, thiết bị VR phải có tốc độ làm mới màn hình ít nhất 90 lần mỗi giây (FPS) và độ trễ hình ảnh phải dưới 20 mili giây để tránh gây hiện tượng say sóng. Trong khi đó độ trễ của chip R1 chỉ 12 mili giây, tức là không thể nhận thấy khi sử dụng thực tế và được cho là giúp giảm nguy cơ say sóng. Tuy nhiên một số người dùng thử Vision Pro đã cho biết có triệu chứng say khi đeo thiết bị kéo dài hơn 30 phút.

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Hướng dẫn cách vệ sinh máy chơi game PS5 đánh bay bụi bẩn và sạch như mới

Các thiết bị công nghệ phải được làm sạch thường xuyên để hoạt động tốt nhất, và máy chơi game PlayStation 5 – PS5 cũng không phải ngoại lệ. Nhưng bạn không biết cách làm như thế nào, sợ tháo ra làm hư máy? Hãy cùng xem hướng dẫn vệ sinh máy PS5 và bộ điều khiển DualSense mà ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận