Meta đã chính thức ra mắt Meta Quest 3S, phiên bản kính thực tế ảo mới với mức giá “dễ thở” hơn nhiều so với Meta Quest 3. Mục tiêu của Meta khi ra mắt phiên bản này là muốn mang đến trải nghiệm thực tế ảo hỗn hợp đến với nhiều người dùng hơn. Vậy Meta Quest 3S có gì đặc biệt? Hãy cùng BlogAnChoi phân tích những điểm mạnh, điểm yếu và sự khác biệt so với Quest 3 để xem liệu chiếc kính này có đáp ứng nhu cầu của bạn.

Thông số kĩ thuật Meta Quest 3S

  • Màn hình: Độ phân giải 1832 x 1920 pixels mỗi mắt, tần số quét 120Hz.
  • Bộ xử lý: Qualcomm Snapdragon XR2 Gen 2.
  • RAM: 8GB LPDDR5.
  • Thấu kính: Fresnel.
  • Bộ nhớ trong: 128GB hoặc 256GB.
  • Camera: 2 camera RGB 4MP, 4 camera IR 400 x 400 pixels.
  • Pin: 4324 mAh, thời gian sử dụng lên đến 2.5 tiếng
  • Hệ điều hành: Meta Horizon OS dựa trên Android Open Source Project (AOSP).
  • Kích thước: 514g.
  • Khả năng kết nối: Wi-Fi 6E, Bluetooth 5.1.
  • IPD: 3 mức điều chỉnh 58mm, 63mm, 68mm

Thiết kế và màn hình

Meta Quest 3S và Meta Quest 3 thoạt nhìn có vẻ ngoài khá tương đồng, nhưng nếu để ý kỹ, bạn sẽ nhận ra điểm khác biệt thú vị ở cách bố trí camera mặt trước. Meta Quest 3S sở hữu cụm camera với thiết kế độc đáo, gợi liên tưởng đến đôi mắt tinh nhạy của loài nhện. Trong khi đó, Meta Quest 3 lại thiết kế camera dưới dạng hình viên thuốc và đặt song song với nhau. Về thiết kế, thì mình đánh giá cao Meta Quest 3S hơn vì sự sáng tạo và độc lạ trong cách bố trí camera.

Điểm nhận diện dễ nhất của Meta Quest 3S là cách bố trí camera khá khác so với Meta Quest 3 (Ảnh: Internet)
Điểm nhận diện dễ nhất của Meta Quest 3S là cách bố trí camera khá khác so với Meta Quest 3 (Ảnh: Internet)

Về màn hình, Meta Quest 3S sử dụng ống kính Fresnel thay vì ống kính pancake như trên Quest 3. Điều này mang đến một số khác biệt về trải nghiệm hình ảnh. Ống kính Fresnel có ưu điểm là chi phí sản xuất thấp hơn, góp phần giảm giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, nó cũng đi kèm với một số hạn chế nhất định.

Cụ thể, ống kính Fresnel cho góc nhìn hẹp hơn so với ống kính pancake, đồng thời độ phân giải cũng thấp hơn (1832 x 1920 mỗi mắt so với 2064 x 2208 mỗi mắt trên Quest 3). Điều này có thể dẫn đến trải nghiệm hình ảnh kém sắc nét và không gian ảo bị hạn chế hơn. Ngoài ra, việc sử dụng ống kính Fresnel cũng khiến Quest 3S dày hơn một chút so với Quest 3.

Cấu hình

Về mặt cấu hình, Meta Quest 3S vẫn được trang bị vi xử lý Snapdragon XR2 Gen 2 mạnh mẽ tương tự như trên Meta Quest 3. Điều này giúp mang lại trải nghiệm chơi game VR mượt mà và xem phim bom tấn trên Netflix với chất lượng hình ảnh sắc nét, không còn tình trạng giật lag như trên Meta Quest 2. Thêm vào đó, với độ phân giải 1832 x 1920 trên mỗi mắt, Meta Quest 3S giảm bớt đáng kể khối lượng công việc cho chip Snapdragon XR2 Gen 2, vì không cần phải xử lý quá nhiều điểm ảnh như trên Meta Quest 3.

Meta Quest 3S sẽ sử dụng Snapdragon XR2 Gen 2 tương tự Meta Quest 3 (Ảnh: Internet)
Meta Quest 3S sẽ sử dụng Snapdragon XR2 Gen 2 tương tự Meta Quest 3 (Ảnh: Internet)

Bộ phụ kiện

Meta Quest 3S vẫn trung thành với bộ điều khiển Touch Plus quen thuộc từ Meta Quest 3. Thiết kế này loại bỏ vòng theo dõi truyền thống, thay vào đó là hệ thống đèn LED tích hợp gọn nhẹ để theo dõi chuyển động. Hệ thống rung cũng được cải tiến, hứa hẹn mang lại cảm giác chân thực hơn khi tương tác trong thế giới ảo.

Meta Quest 3S có tay cầm tương tự Meta Quest 3 (Ảnh: Internet)
Meta Quest 3S có tay cầm tương tự Meta Quest 3 (Ảnh: Internet)

Một điểm đáng chú ý là Quest 3S tương thích với hầu hết phụ kiện của Meta Quest 3, bao gồm Elite Strap và Compact Charging Dock. Điều này giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn phụ kiện hơn, nhờ vào sự phổ biến của các phụ kiện dành cho Meta Quest 3 trước đó.

Thực tế ảo hỗn hợp và cảm biên đo chiều sâu

Mặc dù Quest 3S vẫn hỗ trợ thực tế ảo hỗn hợp (MR), nhưng sự thiếu vắng cảm biến chiều sâu – một thành phần quan trọng giúp thiết bị nhận diện và tương tác chính xác với môi trường vật lý – có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của nó. Cảm biến chiều sâu hoạt động bằng cách phát ra tín hiệu (thường là laser hoặc tia hồng ngoại) và đo thời gian tín hiệu phản xạ trở lại để xác định khoảng cách đến các vật thể.

Meta Quest 3S vẫn hỗ trợ thực tế ảo hỗn hợp, nhưng sẽ kém hơn Meta Quest 3 vì không có cảm biến đo chiều sâu (Ảnh: Internet)
Meta Quest 3S vẫn hỗ trợ thực tế ảo hỗn hợp, nhưng sẽ kém hơn Meta Quest 3 vì không có cảm biến đo chiều sâu (Ảnh: Internet)

Việc thiếu cơ chế “nhìn” và “hiểu” không gian 3D này khiến khả năng tái tạo không gian thực của Quest 3S bị giới hạn so với Quest 3. Điều này có thể dẫn đến trải nghiệm MR kém chính xác hơn, đặc biệt trong các trò chơi đòi hỏi tương tác với môi trường xung quanh.

Pin và bộ nhớ

Meta Quest 3S có một số cải tiến về thời lượng pin so với Quest 3. Nhờ độ phân giải thấp hơn chỉ 1832 x 1920 trên mỗi mắt, Meta Quest 3S có thể kéo dài thời gian chơi lên đến 2,5 giờ, trong khi Meta Quest 3 chỉ đạt khoảng 2,2 giờ.

Bên cạnh đó, Quest 3S mang đến sự lựa chọn đa dạng hơn về dung lượng lưu trữ với hai phiên bản: 128GB (khoảng 7 triệu đồng) và 256GB (khoảng 9.3 triệu đồng). Điều này giúp người dùng có thêm lựa chọn tiết kiệm hơn so với Meta Quest 3, vốn có giá khởi điểm từ 11.6 triệu đồng cho phiên bản 512GB.

Khả năng điều chỉnh IPD còn hạn chế

Điểm đáng tiếc nhất trên Meta Quest 3S chính là hệ thống điều chỉnh khoảng cách đồng tử (IPD). Thay vì cung cấp cơ chế điều chỉnh linh hoạt như trên Quest 3, Meta Quest 3S chỉ hỗ trợ ba mức cố định (58mm, 63mm và 68mm) giống như Quest 2. Việc thiếu tùy chỉnh này có thể gây bất tiện cho một số người dùng, đặc biệt là những người có khoảng cách đồng tử không phù hợp với các mức mặc định. Điều này có thể dẫn đến cảm giác mỏi mắt hoặc chóng mặt khi sử dụng trong thời gian dài.

Meta Quest 3S có khả năng điều chỉnh IPD khá hạn chế chứ không được linh hoạt như trên Meta Quest 3 (Ảnh: Internet)
Meta Quest 3S có khả năng điều chỉnh IPD khá hạn chế chứ không được linh hoạt như trên Meta Quest 3 (Ảnh: Internet)

Kết luận

Meta Quest 3S vẫn là một lựa chọn hấp dẫn trong phân khúc kính VR tầm trung. Mặc dù có mức giá phải chăng hơn, Meta Quest 3S vẫn duy trì thiết kế đẹp mắt và hiệu suất mạnh mẽ tương tự như Meta Quest 3, mang đến trải nghiệm xử lý mượt mà mọi tác vụ như xem phim hay chơi game VR. Tuy nhiên, để giảm giá thành, Meta đã phải lược bỏ một số tính năng như ống kính pancake xịn sò và cảm biến đo chiều sâu hỗ trợ thực tế ảo hỗn hợp (MR).

Tổng thể, Meta Quest 3S vẫn là một thiết bị đáng xem xét, đặc biệt đối với những ai mới bắt đầu tìm hiểu về thế giới thực tế ảo và mong muốn trải nghiệm công nghệ VR tiên tiến mà không cần phải chi tiêu quá nhiều.

Xem thêm

Top 6 chiếc Gamepad giá rẻ và chất lượng tốt đáng mua dành cho game thủ

Ngày nay, xu hướng chơi game trên Smartphone đang trở nên rất phổ biến. Các thiết bị tay cầm chơi game (Gamepad) đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển đó, nó mang đến cho người chơi những trải nghiệm thích thú và mới lạ. Để giúp người đang có nhu cầu tìm mua cho mình một ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận