Thị trường máy chơi game cầm tay đang bước vào giai đoạn sôi động nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nintendo đã chính thức trở lại với Nintendo Switch 2, phiên bản nâng cấp được chờ đợi suốt một thời gian dài, mang theo nhiều hứa hẹn về trải nghiệm mới mẻ và hiện đại hơn. Ở phía bên kia, Steam Deck vẫn giữ vững vị thế là lựa chọn quen thuộc với những ai yêu thích sức mạnh của PC trong một thiết bị di động. Nếu bạn đang phân vân giữa hai cái tên nổi bật này, bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ những khác biệt quan trọng để quyết định đâu là chiếc máy phù hợp nhất với nhu cầu của mình.

Thiết kế

Nintendo Switch 2 vẫn trung thành với kiểu dáng đặc trưng của dòng máy Switch: một màn hình ở giữa, hai tay cầm Joy-Con gắn hai bên. Tuy nhiên, tổng thể được tinh chỉnh nhẹ với kích thước 114 x 272 x 13.9mm và trọng lượng khoảng 401g, hoặc 534g nếu gắn cả hai Joy-Con. Cảm giác cầm gọn gàng, nhẹ nhàng – đủ để mang theo hằng ngày mà không thấy phiền. Viền màn hình được làm mỏng hơn, phần lưng được thiết kế lại để tản nhiệt tốt hơn, tạo cảm giác hiện đại và chắc chắn hơn so với đời đầu.

Nintendo Switch 2 (Ảnh: Internet)
Nintendo Switch 2 (Ảnh: Internet)

Ở chiều ngược lại, Steam Deck trông đúng chất của một chiếc PC thu nhỏ – to bản, dày và nặng. Kích thước 298 x 117 x 49mm, trọng lượng từ 640g (bản OLED) đến 669g (bản LCD), tức là nặng hơn kha khá so với Switch 2. Với kích thước như vậy, việc cầm chơi lâu bằng hai tay sẽ dễ bị mỏi, nhất là khi chơi ở tư thế đứng hoặc nằm. Bù lại, máy cho cảm giác cầm chắc, và cụm nút bấm đầy đủ khiến nó trở nên phù hợp với những ai thích cảm giác chơi game kiểu truyền thống, nhất là khi chơi các tựa game PC đòi hỏi thao tác nhiều.

Màn hình: Switch 2 sắc nét hơn, Steam Deck OLED sống động hơn

Nintendo Switch 2 được nâng cấp mạnh mẽ về hiển thị. Máy sở hữu màn hình LCD 7.9 inch với độ phân giải 1920 x 1080, hỗ trợ HDR10 và tần số quét biến thiên (VRR) lên tới 120Hz. So với màn hình 720p của thế hệ đầu, đây là một bước tiến lớn – hình ảnh sắc nét hơn, màu sắc sống động hơn và chuyển động mượt mà hơn, nhất là trong những pha hành động nhanh. Khi cắm vào dock, Switch 2 có thể xuất hình ảnh lên tới 4K ở 60 khung hình/giây, tận dụng tối đa chất lượng hiển thị của các TV 4K hiện nay.

Nintendo Switch 2 (Ảnh: Internet)
Nintendo Switch 2 (Ảnh: Internet)

Ở phía Steam Deck, người dùng có hai lựa chọn. Phiên bản tiêu chuẩn dùng màn hình LCD 7 inch độ phân giải 1280 x 800, tần số quét 60Hz. Trong khi đó, bản OLED được nâng lên 7.4 inch – vẫn giữ độ phân giải 1280 x 800 – nhưng có thêm hỗ trợ HDR, tần số quét tối đa 90Hz và độ sáng cao hơn đáng kể. Dù không sắc nét bằng màn hình của Switch 2, tấm nền OLED mang lại trải nghiệm thị giác rất ấn tượng: màu đen sâu, màu sắc rực rỡ và góc nhìn rộng, đặc biệt phù hợp với các game có tông màu tối hoặc đồ họa hoạt hình.

Nếu bạn thích hình ảnh sắc nét và độ phân giải cao, Switch 2 là lựa chọn dễ hiểu. Còn nếu bạn thiên về độ tương phản cao, màu sắc rực rỡ và thích màn hình sáng nổi bật khi chơi trong phòng tối, Steam Deck OLED chắc chắn sẽ ghi điểm nhiều hơn.

Hiệu năng: Cách tiếp cận khác nhau, kết quả sát nút

Nintendo Switch 2 được đồn sẽ dùng vi xử lý tùy chỉnh NVIDIA Tegra T239, với GPU dựa trên kiến trúc Ampere – cùng họ với dòng RTX 30 trên PC. GPU tích hợp có 1536 lõi CUDA, hỗ trợ các công nghệ hiện đại như ray tracing và DLSS, hứa hẹn cải thiện đáng kể chất lượng hình ảnh, nhất là khi chơi ở chế độ docked. Theo phân tích của Digital Foundry, hiệu năng của Switch 2 khi gắn dock có thể tiệm cận PlayStation 4 – một bước tiến lớn so với các thế hệ trước của Nintendo.

CPU được đồn đoán là 8 nhân Cortex-A78C, mang đến khả năng xử lý logic trò chơi và đa nhiệm tốt hơn đáng kể so với con chip Tegra X1 của thế hệ trước. Ngoài ra, tốc độ xung nhịp CPU có thể thay đổi tùy theo chế độ sử dụng: khoảng 1101MHz khi cầm tay và hạ xuống 998MHz khi docked – ngược lại với cách vận hành của Switch đời đầu. Điều này cho thấy Nintendo đang tối ưu điện năng nhiều hơn ở chế độ cắm dock, có thể nhằm kiểm soát nhiệt độ và độ ổn định khi lên độ phân giải 4K.

Bên cạnh đó, nhiều tin đồn cho rằng Switch 2 sẽ có 12GB RAM LPDDR5, gấp ba lần so với đời đầu, cùng bộ nhớ trong 256GB chuẩn UFS – cho tốc độ đọc ghi nhanh hơn eMMC cũ. Máy cũng được cho là hỗ trợ thẻ nhớ microSD Express, mang lại tốc độ truy xuất dữ liệu vượt trội, dù đổi lại sẽ không còn tương thích với các thẻ microSD cũ.

Trong khi đó, Steam Deck sử dụng APU AMD với CPU Zen 2 4c/8t, 2.4-3.5GHz và GPU 8 RDNA 2 CUs, 1.0-1.6GHz (1.6 TFLOPS FP32). Cấu hình này thường được ví với GeForce GTX 1050 – đủ để chạy mượt nhiều tựa game ở thiết lập vừa phải. Nhờ nền tảng phần cứng theo hướng PC, Deck dễ dàng xử lý các tựa game được tối ưu cho SteamOS hoặc Windows, đồng thời hỗ trợ các trình giả lập và mod game một cách linh hoạt.

Nếu xét thuần về cấu hình, Switch 2 nổi bật hơn nhờ các công nghệ mới như DLSS, ray tracing và khả năng upscale hình ảnh lên 4K. Tuy nhiên, Steam Deck lại có lợi thế từ tính mở của hệ sinh thái PC, phù hợp với những ai muốn cài đặt tự do và làm nhiều thứ hơn ngoài việc chơi game.

Thư viện trò chơi: Nintendo vẫn giữ game độc quyền, Steam Deck thì có gần như mọi thứ

Về mặt thư viện game, Switch 2 mang đến một lợi thế không nhỏ nhờ khả năng tương thích ngược toàn diện với cả băng vật lý lẫn game tải về từ thời Switch đời đầu. Ngay từ lúc lên kệ, người dùng đã có trong tay hàng trăm tựa game, từ những bom tấn Nintendo như Zelda, Mario, Splatoon, đến các game bên thứ ba được tối ưu kỹ càng. Một số trò chơi thậm chí còn được nâng cấp lên bản “Switch 2 Edition”, cải thiện đồ họa và hiệu năng để tận dụng phần cứng mới – một số miễn phí, số khác có thể tính phí nhẹ.

Danh sách game độc quyền cho Switch 2 cũng đang dần hé lộ với loạt cái tên nổi bật: Mario Kart World, Donkey Kong Bananza, Kirby Air Riders, Drag x Drive và một phần chơi mới của Hyrule Warriors. Những trò chơi này không chỉ giữ vững “chất Nintendo” mà còn khoe được các tính năng mới như Joy-Con 2 hỗ trợ điều khiển dạng chuột. Đáng chú ý, Mario Kart World được chọn làm game ra mắt và bán riêng với giá 80 USD – dấu hiệu cho thấy sự tự tin của Nintendo vào sức hút của nó.

Nintendo Switch 2 (Ảnh: Internet)
Nintendo Switch 2 (Ảnh: Internet)

Ở phía game bên thứ ba, tình hình cũng khả quan hơn bao giờ hết. Một số nhà phát triển lớn đã xác nhận sẽ đưa các trò chơi yêu cầu phần cứng cao lên Switch 2, trong đó có Final Fantasy VII Remake Intergrade, Borderlands 4, Sid Meier’s Civilization VII và Street Fighter 6. Ngay cả các trò chơi nặng như Cyberpunk 2077 hay Elden Ring cũng đã được nhắc đến với các bản “phiên bản tối ưu” riêng cho hệ máy mới – một điều tưởng như không thể ở thời Switch đời đầu.

Ngoài ra, Nintendo cũng mở rộng gói Switch Online để bổ sung thêm thư viện game GameCube, bên cạnh các hệ NES, SNES, N64 đã có từ trước. Điều này biến Switch 2 thành một trung tâm chơi game hoài cổ thực thụ cho những ai mê game retro, chỉ với một gói đăng ký duy nhất.

Ngược lại, Steam Deck gần như là cánh cổng mở vào cả thế giới game PC. Nếu game bạn muốn chơi có mặt trên Steam – khả năng cao là có thể chơi được. Từ các game indie nhỏ gọn đến siêu phẩm AAA, từ giả lập cho đến các game mod – sự tự do là không giới hạn. Hệ thống “Steam Deck Verified” giúp người dùng biết được game nào hoạt động tốt, game nào cần chỉnh chút thiết lập, và game nào chưa tương thích.

Tuy nhiên, vì chạy trên SteamOS (một hệ điều hành dựa trên Linux), Steam Deck phải dùng lớp tương thích Proton để chơi game Windows. Proton hoạt động khá tốt trong hầu hết trường hợp, nhưng vẫn có vài tựa game cần tinh chỉnh thêm hoặc gặp lỗi vặt.

Không dừng lại ở đó, bạn hoàn toàn có thể cài Epic Games Store, GoG, thậm chí giả lập máy PS2, PSP, GameCube, Wii… nếu muốn. Với Steam Deck, bạn không chỉ có một máy chơi game, mà gần như đang mang theo một chiếc PC chơi game bỏ túi – tự do cao nhưng cũng yêu cầu bạn biết vọc vạch đôi chút.

Tính năng độc đáo: Switch có Joy-Con 2, Steam Deck có… Linux

Switch 2 vẫn giữ nguyên linh hồn hybrid – vừa là máy chơi game cầm tay, vừa có thể gắn vào dock để trở thành console chơi trên TV. Đây là điểm ăn tiền của dòng máy Nintendo, giúp người dùng linh hoạt chuyển đổi cách chơi tuỳ theo hoàn cảnh, từ nằm chơi trên sofa đến tụ tập bạn bè ngoài phòng khách.

Joy-Con 2 cũng được nâng cấp đáng kể: cảm biến nhạy hơn, thiết kế cứng cáp hơn, cho cảm giác bấm và điều khiển chắc tay hơn so với thế hệ đầu. Những cải tiến này giúp tăng độ chính xác khi chơi các tựa game chuyển động như Ring Fit Adventure hay 1-2 Switch, đồng thời tạo nền tảng cho những trải nghiệm tương tác mới trong tương lai.

Nintendo Switch 2 (Ảnh: Internet)
Nintendo Switch 2 (Ảnh: Internet)

Ở phía đối diện, Steam Deck mang đúng tinh thần của một chiếc PC thu nhỏ. Bạn muốn cài Windows để chơi game ngoài Steam? Được. Muốn dùng giả lập chơi lại game cũ? Không vấn đề. Cần chuột, bàn phím, màn hình ngoài để biến thành một chiếc desktop mini? Deck cân được hết.

Valve xây dựng SteamOS dựa trên nhân Linux, và nhờ cộng đồng người dùng đông đảo, chiếc máy này nhanh chóng trở thành sân chơi cho những ai thích vọc vạch: từ tinh chỉnh hiệu suất, cài phần mềm ngoài, đến thử nghiệm các bản mod độc đáo. Deck không giới hạn bạn trong bất kỳ khuôn khổ nào – miễn bạn đủ tò mò và chịu khám phá.

Pin và sạc

Pin luôn là yếu tố quan trọng với các thiết bị chơi game di động, và ở thế hệ mới, cả Nintendo Switch 2 lẫn Steam Deck đều có những điểm mạnh riêng – nhưng cũng không tránh khỏi những hạn chế thực tế.

Nintendo Switch 2 được trang bị viên pin 5220mAh, với thời lượng sử dụng được ước tính vào khoảng 2 đến 6,5 giờ tùy theo tựa game và điều kiện sử dụng. Mặc dù con số này không quá khác biệt so với các mẫu Switch trước, thực tế là Switch 2 có thời lượng pin ngắn hơn so với phiên bản Switch đời cũ – vốn nổi tiếng nhờ mức tiêu thụ điện được tối ưu tốt hơn. Nguyên nhân nằm ở phần cứng mới: chip mạnh hơn, màn hình lớn hơn và độ phân giải cao hơn, tất cả đều “ngốn” điện năng nhiều hơn. Máy mất khoảng 3 tiếng để sạc đầy khi ở chế độ Sleep, thông qua cổng USB-C hỗ trợ sạc nhanh chuẩn PD.

Về phía Steam Deck, phiên bản LCD cơ bản sở hữu pin 40Wh, cho thời lượng từ 2 đến 8 tiếng tùy vào game và thiết lập. Tuy nhiên, phiên bản Steam Deck OLED mới với pin 50Wh lại có bước nhảy vọt đáng kể: thời lượng có thể đạt từ 3 đến 12 tiếng. Nhờ sự kết hợp giữa viên pin lớn hơn, màn hình OLED tiết kiệm điện và APU tối ưu hóa tốt hơn, mẫu OLED thường “trụ” lâu hơn Switch 2 – nhất là khi chơi các game nhẹ hoặc điều chỉnh lại cài đặt như giảm fps, giảm độ sáng hay hạ TDP.

Steam Deck (Ảnh: Internet)
Steam Deck (Ảnh: Internet)

So với Deck OLED, Switch 2 có vẻ kém hơn về thời lượng sử dụng cho một lần sạc, đặc biệt nếu bạn chơi các tựa game 3D phức tạp. Còn nếu so với Steam Deck LCD, thời lượng pin giữa hai máy tương đương hơn – đều dao động mạnh theo mức độ “ngốn” tài nguyên của từng game cụ thể.

Tóm lại, nếu bạn là người thường xuyên chơi game trong thời gian dài mà không muốn bận tâm nhiều đến sạc, Steam Deck OLED sẽ là lựa chọn bền bỉ hơn. Còn nếu chủ yếu chơi theo kiểu ngắt quãng – như một vài ván Mario Kart hoặc Zelda trong ngày – thì Switch 2 vẫn đủ sức đáp ứng.

Giá bán

Nintendo đã chính thức công bố mức giá cho Switch 2: 449,99 USD cho bản tiêu chuẩn 256GB, không kèm game. Ngoài ra còn có phiên bản bundle gồm máy và Mario Kart World với giá 499,99 USD, trong khi game này nếu mua lẻ có giá 79,99 USD. Phụ kiện cũng được định giá cao: cặp Joy-Con 2 giá 89,99 USD, Pro Controller 79,99 USD, và Camera rời cho Switch 2 là 49,99 USD.

Mức giá này rõ ràng cao hơn dòng Switch đời đầu, và cũng vượt mặt Steam Deck LCD 256GB, vốn đang được bán ở mức 399 USD – rẻ hơn tới 50 đô. Nếu tính thêm cả bản Steam Deck LCD 64GB (349 USD), khoảng cách càng rõ. Tuy nhiên, điều này phần nào phản ánh hướng đi khác biệt của Nintendo: tập trung vào trải nghiệm chơi game “cắm là chạy” với phần mềm được tối ưu sẵn, loạt game độc quyền và hệ sinh thái phụ kiện riêng.

Steam Deck (Ảnh: Internet)
Steam Deck (Ảnh: Internet)

Ở chiều ngược lại, Steam Deck mang đến lựa chọn rộng hơn: từ LCD giá “mềm” đến các bản OLED cao cấp, như 512GB (549 USD), 1TB (649 USD) và bản giới hạn 1TB (679 USD). Deck cho phép cài Windows, giả lập, mod game, và sử dụng như một chiếc PC mini – thứ mà Switch không nhắm tới.

Switch 2 đắt hơn thật, nhưng cũng cho trải nghiệm khác: đơn giản hơn, ổn định hơn, ít phải chỉnh tay. Còn Steam Deck rẻ hơn ở bản cơ bản, nhưng đi kèm là sự tự do và cũng cả sự phức tạp.

Kết luận

Nintendo Switch 2 mang đến một trải nghiệm thân thiện, ổn định và đầy niềm vui, rất phù hợp với những ai yêu thích các tựa game độc quyền, thích chơi cùng gia đình hoặc đơn giản là muốn thư giãn trên ghế sofa với chiếc tay cầm trong tay. Mọi thứ được tối ưu sẵn, bạn chỉ cần bật máy lên và chơi, không phải lo nghĩ nhiều.

Trong khi đó, Steam Deck là lựa chọn dành cho những người thích khám phá và tùy biến. Nó giống như một chiếc PC thu nhỏ, mạnh và linh hoạt, nhưng đôi khi cũng đòi hỏi bạn phải hiểu máy, hiểu phần mềm và sẵn sàng chỉnh một chút để có được trải nghiệm như mong muốn.

Không có thiết bị nào là “tốt nhất cho tất cả”. Mỗi chiếc máy đều có cá tính riêng, phản ánh cách tiếp cận rất khác nhau với niềm vui chơi game. Và sau khi cân nhắc mọi thứ, từ thiết kế, hiệu năng đến thư viện trò chơi, có lẽ bạn cũng đã phần nào nhận ra đâu là chiếc máy hợp với mình hơn.

Xem thêm

FPT Play Box: Chiếc đầu thu Internet hàng đầu Việt Nam

Ở bài viết trước, BlogAnChoi đã giới thiệu đến các bạn chiếc đầu thu Internet Clip TV Box của hãng Bạch Minh (Vega Corp). Để tiếp tục hỗ trợ các bạn trong việc tìm mua cho gia đình một chiếc đầu thu tốt thì bài viết này, BlogAnChoi sẽ gửi đến các bạn sản phẩm FPT Play Box, một ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
2 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Đồng Lâm Hải

bài viết thật sự ý nghĩa