“Khí cười” hay “bóng cười” đang trở thành trào lưu của nhiều người dùng để giải trí, đúng như tên gọi của nó. Nhưng rốt cuộc khí cười là gì? Có phải là chất cấm hay không? Và quan trọng nhất là chất này có ảnh hưởng gì tới cơ thể? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Khí cười là gì? Tại sao hít vào lại gây cười?
Bản chất của khí cười là chất dinitơ oxit (N2O), ở điều kiện thường tồn tại ở dạng khí không màu, không mùi. Khi vào trong cơ thể người, khí này có khả năng làm giảm phản ứng của hệ thần kinh và tạo cảm giác hưng phấn, vui vẻ. Tác dụng của nó xảy ra rất nhanh sau khi hít vào, nhưng cũng nhanh chóng biến mất khi ngừng sử dụng.
Nhờ tác dụng làm dịu thần kinh, khí này thường được dùng làm chất giảm đau và an thần trong y tế, nhất là nha khoa, có thể dùng cho cả trẻ nhỏ lẫn người lớn trong điều kiện đảm bảo an toàn. Hiện tại theo pháp luật Việt Nam thì khí cười không phải là ma túy, không bị cấm. Nhưng cũng giống như bất kỳ chất hóa học nào khác, nó có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe trong ngắn hạn và dài hạn nếu sử dụng không đúng cách hoặc quá liều.
Ảnh hưởng của khí cười trong ngắn hạn
Khí cười ít khi gây tác dụng phụ cấp tính, thường chỉ xảy ra nếu hít quá nhanh hoặc quá nhiều. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Chóng mặt, buồn nôn, nôn
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Vã mồ hôi nhiều
- Run người
Ngoài ra người hít khí cười quá nhiều cũng có thể cảm thấy “lâng lâng” và nghe thấy âm thanh bị biến dạng.
Nếu sử dụng khí cười trong y tế, người bệnh sẽ được thở oxy cùng lúc hoặc sau đó, thường là để loại bỏ hết khí cười còn sót lại trong cơ thể, giúp cho tinh thần tỉnh táo lại bình thường và tránh bị đau đầu. Sau khi dùng khí cười có thể cảm thấy uể oải hoặc đầu óc không tỉnh táo, nhưng thường không kéo dài lâu. Nếu có đủ thời gian nghỉ ngơi để hồi phục hoàn toàn, mọi người vẫn có thể tự lái xe được.
Để tránh các tác dụng phụ liên quan đến dạ dày, chỉ nên ăn nhẹ trong vài giờ sau khi dùng khí cười. Ngoài ra một số người có thể gặp phản ứng dị ứng với chất này, nhất là khi tiếp xúc lần đầu tiên, chẳng hạn như trẻ em. Các triệu chứng dị ứng bao gồm:
- Ớn lạnh
- Nổi mề đay
- Thở khò khè, khó thở
- Sốt
Nếu phát hiện bất kỳ triệu chứng nào nêu trên trong lúc dùng khí cười hoặc sau khi dùng xong, hãy gọi trợ giúp y tế ngay lập tức.
Ảnh hưởng của khí cười về lâu dài
Có rất ít bằng chứng cho thấy khí cười gây tác hại nghiêm trọng về lâu dài. Trên thực tế, hầu hết các triệu chứng sẽ biến mất nhanh chóng sau khi ngưng dùng. Nhưng nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào hoặc tác dụng phụ kéo dài nhiều giờ, nhiều ngày sau khi dùng khí cười thì hãy báo ngay cho cơ sở y tế.
Mặc dù người bình thường không gặp tác dụng phụ lâu dài, nhưng nếu hít quá nhiều hoặc cố ý lạm dụng khí cười thì có thể làm hại sức khỏe. Hít khí này quá nhiều có thể gây thiếu máu hoặc thiếu vitamin B12, từ đó làm tổn thương dây thần kinh, thậm chí chân tay có cảm giác tê.
Lưu ý rằng không phải ai cũng có thể sử dụng khí cười. Một số bệnh nền có sẵn của cơ thể dễ làm tăng độc tính của nó, khi đó người bệnh sẽ không được dùng:
- Thiếu vitamin B-12
- Có tiền sử rối loạn tâm thần, bệnh đường hô hấp
- Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu
- Tiền sử lạm dụng chất kích thích
- Cơ thể thiếu enzym khử methylenetetrahydrofolate
Dùng khí cười quá liều có tác hại gì?
Mặc dù khí cười được coi là an toàn nhưng vẫn có thể xảy ra tác dụng phụ nếu dùng quá liều, chẳng hạn như hít quá nhiều khí cùng một lúc hoặc dùng lâu dài. Những người làm việc ở cơ sở có sử dụng hoặc lưu trữ khí cười có nhiều nguy cơ phơi nhiễm mà không hề hay biết.
Đối với bệnh nhân được dùng khí cười tại cơ sở y tế, tình trạng quá liều sẽ không xảy ra do chất này được kiểm soát nghiêm ngặt và chi phí sử dụng thường không hề rẻ.
Dùng quá liều khí cười có thể gây triệu chứng:
- Tức ngực
- Khó thở, cảm giác nghẹt thở
- Kích ứng mắt, mũi, họng
- Ảo giác, rối loạn tâm thần
- Xanh tái ở môi và đầu ngón tay chân
- Tăng huyết áp, tăng nhịp tim, có nguy cơ đau tim và đột quỵ
- Co giật
- Nếu dùng quá nhiều khí cười cùng một lúc mà không cung cấp đủ oxy có thể gây tổn thương não
Nếu không được điều trị, quá liều có thể dẫn đến hôn mê hoặc tử vong, do đó nếu nghi ngờ xảy ra tình trạng này thì hãy gọi trợ giúp y tế ngay lập tức.
Có nên dùng khí cười để giải trí hay không?
Đối với những người hít khí cười để “giải trí”, vì cảm giác hưng phấn do nó tạo ra chỉ kéo dài trong vài giây nên thường phải hít liên tục kéo dài trong nhiều phút hoặc nhiều giờ, có thể dẫn đến quá liều. Các chuyên gia y tế cảnh báo: những người trẻ lạm dụng khí cười để giải trí sẽ có nguy cơ gây hại rất lớn cho sức khỏe, bao gồm ảo giác, các vấn đề về hô hấp, thậm chí tử vong.
Ở một số nước phát triển, khí cười được thanh thiếu niên sử dụng rất phổ biến. Chất này thường đựng trong lọ bạc, khi cần dùng thì bơm vào bóng để hít.
Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, từ năm 2010 đến năm 2016 tại nước này đã có 25 trường hợp tử vong sau khi hít khí cười. Bác sĩ Chris Moulton, phó chủ tịch của Đại học Y khoa Cấp cứu Hoàng gia Anh cho biết: hít khí cười có thể gây đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, bất tỉnh và chấn thương. “Khi được kiểm soát bởi các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, nó là một loại thuốc cực kỳ an toàn, nhưng khi sử dụng để giải trí có thể gây nguy hiểm.”
Phương pháp hít khí cười tạo ra áp suất cao, nếu hít trực tiếp có thể gây tổn thương họng và phổi. Theo các chuyên gia, dùng khí cười để giải trí có thể gây hưng phấn và giúp người ta cảm thấy thư giãn hơn, đôi khi có thể cười khúc khích hoặc sinh ra ảo giác. Nhưng nếu hít quá nhiều trong khoảng thời gian ngắn hoặc trong không gian kín thì có thể gây ra các vấn đề về hô hấp. Một số nước hiện nay đã cấm dùng khí cười với mục đích giải trí.
Tổng kết
Khí cười được sử dụng trong y tế như một loại thuốc an thần, tác dụng của nó thường nhanh đến và cũng nhanh đi sau khi ngưng dùng. Các tác dụng phụ cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và tự biến mất sau khi ngừng hít. Nếu triệu chứng kéo dài hoặc có dấu hiệu dị ứng thì phải được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan:
- Nước ozone là gì và có tác dụng đối với sức khỏe như thế nào?
- Bột ngọt có hại cho sức khỏe như lời đồn hay không? Có nên bỏ hẳn hay không?
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị bạn nhé!