Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt và một “tay chơi” mới đã sẵn sàng tham gia vào cuộc chạy đua này. TruthGPT – chatbot AI do tỷ phú công nghệ Elon Musk đề xuất đang thu hút sự chú ý của cả thế giới. Vậy TruthGPT là gì? Tại sao Elon Musk muốn tạo ra nó? Và nó sẽ khác với các công cụ AI hiện nay như thế nào?
TruthGPT là gì?
TruthGPT là một mô hình AI được đề xuất nhằm giải quyết các vấn đề của các mô hình hiện tại của ChatGPT và Bard, đặc biệt nhấn mạnh vào tính trung thực và an toàn. Theo Elon Musk, TruthGPT sẽ là một AI “tìm kiếm sự thật tối đa”, hiểu được bản chất của vũ trụ và sẽ không có nguy cơ làm hại con người vì nó coi con người là một thành phần quan trọng của vũ trụ.
Nhưng chính xác thì “AI tìm kiếm sự thật tối đa” và “hiểu bản chất của vũ trụ” là gì? Lời mô tả của Elon Musk không cho biết rõ ràng về thứ mà ông ấy đang cố gắng xây dựng, nhưng chúng ta có thể hiểu rõ hơn về TruthGPT bằng cách xem xét lý do tại sao Elon Musk muốn tạo ra nó.
Tại sao Elon Musk muốn tạo ra TruthGPT?
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Fox News, Elon Musk đã bày tỏ sự lo ngại của mình về việc các công ty AI lớn có thể tiếp tay cho định kiến xã hội và thông tin sai lệch thông qua chatbot AI – loại công cụ mới nổi mà mọi người ngày càng phụ thuộc vào để tìm kiếm thông tin. Elon Musk cũng bình luận về mối đe dọa mà AI gây ra cho nhân loại, nhấn mạnh nguy cơ xảy ra ngày tận thế khi các hệ thống AI có thể kiểm soát cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Elon Musk cho rằng những công ty như OpenAI và Google chưa làm hết trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn liên quan đến AI và chống thông tin sai lệch, đồng thời đề xuất một giải pháp: TruthGPT. Tỷ phú kiêm giám đốc điều hành của SpaceX và Tesla muốn tạo ra TruthGPT như một đối trọng với Bard của Google và ChatGPT của OpenAI, với tham vọng xây dựng một mô hình AI cung cấp thông tin trung thực nhất có thể.
Elon Musk gần đây đã tham gia một bức thư ngỏ kêu gọi ngừng phát triển các mô hình AI mạnh, đặc biệt là những mô hình mạnh hơn GPT-4. Ông cho rằng AI đang phát triển quá nhanh và chúng ta cần chậm lại để xem xét tính an toàn của AI trước khi chúng trở nên quá thông minh và “nắm quyền kiểm soát”. TruthGPT là một mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) hứa hẹn sẽ giải quyết vấn đề cốt lõi này của các hệ thống AI ngày nay.
TruthGPT sẽ như thế nào?
Gợi ý đầu tiên về hình thức của TruthGPT nằm ở chính tên gọi của nó. Vì bao gồm cả “GPT” nên TruthGPT có thể sẽ được xây dựng theo cấu trúc tương tự ChatGPT. Trên thực tế, Elon Musk là người góp phần làm nên OpenAI và cả đội ngũ xây dựng mô hình GPT của ChatGPT.
Ngoài ra, do cấu trúc của GPT đã được chứng minh là thành công cả về mặt kỹ thuật và thương mại nên không cần tốn thời gian và chi phí để phát triển một hướng đi khác. Thời gian là thứ mà Elon Musk không muốn lãng phí trong cuộc chạy đua tạo ra AI tốt nhất. Vì vậy chúng ta cũng không nên quá kỳ vọng vào sự bất ngờ vì TruthGPT có thể khá giống với các công cụ AI đã có hiện nay.
Độ chính xác – hay theo cách gọi của Elon Musk là “tính trung thực” – của một mô hình AI phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu và thuật toán dùng để huấn luyện nó. Hiện chưa rõ dữ liệu để huấn luyện TruthGPT sẽ được thu thập như thế nào, nhưng nếu muốn xây dựng một AI “trung thực” nhất có thể, Elon Musk sẽ phải ưu tiên lấy dữ liệu từ “các nguồn trung thực”. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ: sự thật là một khái niệm rất chủ quan, điều đúng với người này có thể không đúng với người khác. Nếu vậy thì tham vọng tạo ra AI trung thực có khả thi hay không?
Xây dựng TruthGPT là một thách thức rất lớn
Dựa trên cách thức hoạt động của các mô hình ngôn ngữ lớn như GPT, có thể thấy rằng sự chính xác tuyệt đối là không thực tế. Các mô hình ngôn ngữ lớn thường được huấn luyện bằng khối dữ liệu lớn từ Internet, trong đó có rất nhiều thông tin sai lệch và AI không có cách nào để phân biệt thật giả.
Cách khắc phục tốt nhất thường là can thiệp của con người – những nhân viên có nhiệm vụ dạy cho mô hình AI biết đâu là điều tốt và đâu là điều xấu. Nhưng con người có tính thiên vị, và sự thiên vị được truyền cho các mô hình AI, kết quả là phá hỏng toàn bộ ý tưởng về một “AI tìm kiếm sự thật tối đa”. Ở đây không nói về sự thiên vị hay thành kiến rõ ràng đối với một người hay đối tượng nào đó, mà đây là sự thiên vị tinh tế trong cách diễn giải ngôn ngữ, tình huống, vấn đề, v.v., ảnh hưởng đến quá trình huấn luyện AI. Thiên vị là bản tính tự nhiên của con người.
Tất nhiên, sự chính xác cũng có thể tăng lên bằng cách cải thiện thuật toán. Nhưng bất kể thuật toán tốt đến đâu thì sự mơ hồ về ngôn ngữ vẫn là một vấn đề lớn ảnh hưởng đến độ chính xác của các mô hình AI. Ngay cả con người cũng thường gặp khó khăn khi giải thích chính xác ý nghĩa của một câu hoặc cụm từ, thậm chí dẫn đến cách hiểu sai lệch. Đối với các mô hình AI, sự mơ hồ có thể dẫn đến hiểu sai và không chính xác.
Đối với Elon Musk, TruthGPT là ý tưởng nhằm tạo ra một mô hình AI mà ông cho là phù hợp để cung cấp sự thật. Nhưng làm sao Musk có thể xây dựng nó mà không dựa trên những thành kiến của chính ông ấy? Câu hỏi này đưa chúng ta trở lại điểm xuất phát: quan điểm của Elon Musk về sự trung thực của AI có thực sự khác biệt so với những người đã tạo ra ChatGPT?
Tóm lại
Kế hoạch của Elon Musk về việc xây dựng TruthGPT có vẻ rất thú vị và đáng chờ đợi, nhưng tạo ra một mô hình AI với độ trung thực cao là cực kỳ khó khăn. Elon Musk là một thiên tài đã tạo ra nhiều cuộc cách mạng trong lĩnh vực công nghệ, nhưng TruthGPT sẽ là một thách thức không nhỏ dành cho ông.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Cách cài đặt ChatGPT như một ứng dụng trên máy tính Windows để sử dụng tiện lợi
- 10 dự đoán về công nghệ “viễn tưởng” có thể thành hiện thực trong 30 năm tới
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!