Trong nhiều năm qua, có nhiều báo cáo cho biết điện thoại giá rẻ có chứa phần mềm gián điệp và thậm chí cả phần mềm độc hại. Đến nay tình trạng đó vẫn chưa được cải thiện, nhưng không phải lúc nào điện thoại giá rẻ cũng mang đến rủi ro. Dưới đây là những điều bạn cần biết về điện thoại giá rẻ và làm cách nào để kiểm tra an toàn bảo mật khi mua điện thoại.
Tại sao điện thoại giá rẻ không an toàn về bảo mật và quyền riêng tư?
Nói một cách đơn giản thì chi phí cho việc sản xuất điện thoại không thể quá thấp, và khi điện thoại có giá rẻ hơn một mức nhất định tức là nó không đảm bảo quyền riêng tư. Việc tiết kiệm tiền khi mua điện thoại có thể gây hại nhiều hơn lợi vì dữ liệu của bạn có giá trị lớn hơn nhiều so với bản thân chiếc điện thoại.
Nghiên cứu của Đại học Edinburgh cho thấy một số thương hiệu điện thoại của Trung Quốc như Xiaomi, Oppo, Realme, OnePlus đã thu thập rất nhiều dữ liệu của người dùng trong nước mà họ không hề hay biết. Mặc dù các mẫu điện thoại giá rẻ được bán trên thị trường quốc tế không chứa tính năng thu thập dữ liệu tương tự nhưng thường được cài sẵn các ứng dụng của bên thứ ba cũng có thể thu thập dữ liệu.
Các nhà sản xuất của Mỹ cũng không hẳn là an toàn hơn, ví dụ như thương hiệu điện thoại Blu đã bị chỉ trích 2 lần về vấn đề đảm bảo quyền riêng tư của người dùng. Mặc dù các vụ bê bối này có khả năng là vô ý vì có liên quan đến việc các nhà cung cấp bên thứ ba thu thập dữ liệu và gửi đến máy chủ ở Trung Quốc, nhưng sự sơ suất của hãng khiến hàng trăm nghìn người dùng gặp rủi ro bảo mật.
Những thương hiệu điện thoại đảm bảo quyền riêng tư tốt hơn thường có giá đắt hơn, nhưng sẽ giúp bạn tránh bị rò rỉ dữ liệu so với điện thoại giá rẻ. Ví dụ như iPhone của Apple được coi là tốt nhất về quyền riêng tư và bảo vệ người dùng khỏi các cuộc tấn công dữ liệu của hacker, ngoài ra nếu bạn sử dụng điện thoại Android thì có thể cài đặt các phần mềm ROM như CalyxOS hay GrapheneOS để giữ an toàn về quyền riêng tư.
Điện thoại thường thu thập dữ liệu gì của người dùng?
Điện thoại giá rẻ có thể thu thập nhiều loại dữ liệu, hầu hết không gây hại trực tiếp cho người dùng như số IMEI và địa chỉ MAC. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu phát hiện rằng OnePlus cũng như các thương hiệu khác ở Trung Quốc có thể thu thập thông tin về số điện thoại của người dùng, thói quen sử dụng ứng dụng, dữ liệu hiệu suất, lịch sử cuộc gọi và SMS, tọa độ GPS và số của những người liên hệ.
Phần lớn dữ liệu này được coi là thông tin nhận dạng cá nhân (PII). Không rõ các hãng điện thoại muốn sử dụng dữ liệu vào mục đích gì, nhưng tốt nhất là người dùng nên tự bảo vệ mình để tránh bị thu thập dữ liệu, bởi vì bạn không bao giờ biết được những ai có thể xem dữ liệu của bạn hoặc sử dụng dữ liệu đó để làm gì. Vì vậy điều quan trọng là phải cân nhắc xem bạn mua điện thoại từ đâu và sử dụng phần mềm nào trên điện thoại.
Cách kiểm tra phát hiện phần mềm gián điệp trên điện thoại
Nếu bạn lo rằng điện thoại của mình không bảo mật tốt thì điều quan trọng là phải kiểm tra và xóa các phần mềm gián điệp nếu có. Tuy nhiên một số điện thoại giá rẻ được cài sẵn các ứng dụng đáng ngờ mà bạn không thể xóa, thậm chí trong một số trường hợp có thể phải gỡ bỏ hoàn toàn hệ điều hành.
Các bước để loại bỏ phần mềm gián điệp trên điện thoại như sau:
- Xóa bất kỳ ứng dụng nào mà bạn nghi ngờ
- Vào Cài đặt > Bảo mật và quyền riêng tư > Cài đặt bảo mật khác > Ứng dụng quản trị viên thiết bị để kiểm tra các ứng dụng có quyền quản trị viên trên điện thoại của bạn
- Sử dụng các ứng dụng chống phần mềm độc hại để quét và tiêu diệt phần mềm gián điệp
- Chú ý các dấu hiệu cảnh báo điện thoại có thể bị nhiễm phần mềm gián điệp như pin nhanh hết và chậm máy, hoặc những biểu hiện lạ của điện thoại như tự tắt máy và khởi động lại
Nếu quá trình quét và tìm kiếm bằng cách thủ công không phát hiện bất kỳ phần mềm gián điệp rõ ràng nào, nhưng bạn thấy có các dấu hiệu nghi ngờ phần mềm gián điệp thì kích hoạt chế độ an toàn là cách tốt nhất để kiểm tra nguyên nhân thực sự. Chế độ an toàn sẽ ngăn các ứng dụng của bên thứ ba hoạt động, vì vậy nếu điện thoại của bạn đột nhiên bật chế độ an toàn thì có thể là phần mềm gián điệp đã xâm nhập vào máy.
Có thể kích hoạt chế độ an toàn bằng cách nhấn giữ nút nguồn cho đến khi xuất hiện menu khởi động lại trên màn hình. Các tùy chọn trong menu này sẽ khác nhau tùy theo hãng điện thoại nhưng nhìn chung bạn có thể khởi động với chế độ an toàn bằng cách nhấn giữ Tắt nguồn và đợi xuất hiện tùy chọn Khởi động lại về Chế độ an toàn, hãy nhấn vào nó.
Sau khi điện thoại khởi động lại, bạn hãy sử dụng như bình thường và chú ý xem các dấu hiệu của phần mềm gián điệp như trên có còn hay không. Nếu vẫn còn thì có thể là điện thoại bị lỗi hoặc phần cứng không đủ mạnh. Nhưng nếu điện thoại hoạt động tốt như bình thường thì bạn nên vào Cài đặt và gỡ hết các ứng dụng đáng nghi ngờ.
Ngoài ra cũng nên thực hiện các biện pháp an toàn như:
- Kiểm tra thư mục Tải xuống và Danh sách ứng dụng của điện thoại để tìm các file và ứng dụng mà bạn không tin tưởng
- Chạy ứng dụng chống phần mềm độc hại một lần nữa, vì một số phần mềm độc hại có thể không bị phát hiện bên ngoài chế độ an toàn
Nếu điện thoại vẫn còn sự khác biệt về hiệu suất giữa chế độ thông thường và chế độ an toàn nhưng không thể khắc phục bằng những biện pháp trên thì chỉ còn một cách là khôi phục cài đặt gốc. Thông thường chức năng khôi phục cài đặt gốc của điện thoại nằm trong Cài đặt > Hệ thống > Đặt lại > Khôi phục cài đặt gốc.
Làm cách nào để mua điện thoại không có phần mềm gián điệp?
Nếu bạn muốn mua và sử dụng điện thoại giá rẻ thì rất khó để đảm bảo quyền riêng tư tuyệt đối, nhưng cũng có rất nhiều dòng điện thoại đáng tin cậy trên thị trường hiện nay. Apple không cung cấp quyền riêng tư hoàn toàn nhưng bạn có thể tự bảo vệ mình khỏi hầu hết các phần mềm gián điệp bên ngoài khi sử dụng iPhone. Các thương hiệu điện thoại Android nổi tiếng cũng ít có khả năng mang phần mềm gián điệp.
Nhưng điều đó không có nghĩa là các công ty lớn như Apple và Samsung không thu thập dữ liệu của người dùng. Nếu muốn đảm bảo riêng tư tối đa, bạn phải sử dụng hệ điều hành khác như CalyxOS và GrapheneOS. Ngoài ra có thể chọn điện thoại có tính năng nạp khởi động cho phép khóa lại, ví dụ như điện thoại Pixel của Google, cũng đảm bảo rằng tính bảo mật của điện thoại không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư của bạn.
Lưu ý rằng mọi ứng dụng được cài đặt trong điện thoại đều có ít nhiều rủi ro đối với quyền riêng tư của bạn, bất kể nhà sản xuất có uy tín hay sử dụng hệ điều hành nào. Nếu bạn không tin tưởng các ứng dụng phổ biến của các hãng lớn như Google và Meta thì có thể chọn các ứng dụng thay thế của hãng khác để tránh bị thu thập dữ liệu ngoài ý muốn.
Tóm lại
Sẽ luôn có rủi ro đối với quyền riêng tư mỗi khi bạn truy cập Internet và tải ứng dụng về điện thoại, nhưng việc lựa chọn điện thoại và hệ điều hành phù hợp có thể giúp bảo vệ dữ liệu của bạn khỏi bị thu thập.
Mời bạn xem thêm các bài liên quan:
- Mã độc Cuckoo tấn công máy Mac của Apple: Làm cách nào để phòng tránh?
- Telegram có an toàn không? Những chiêu trò lừa đảo thường gặp trên Telegram và cách phòng tránh
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
Bạn có câu hỏi hoặc ý kiến gì về bài viết này không? Hãy để lại bình luận để mình trả lời và cùng nhau chia sẻ thông tin nhé!