Android là hệ điều hành phổ biến cho điện thoại và máy tính bảng, được rất nhiều người sử dụng trên khắp thế giới. Mặc dù quen thuộc là vậy nhưng có rất nhiều quan niệm sai lầm liên quan đến điện thoại Android đã tồn tại từ lâu cho đến tận ngày nay. Hãy cùng xem bạn có đang lầm tưởng như vậy không nhé!
- 1. Android là “mồi ngon” cho virus và các phần mềm độc hại (malware)?
- 2. Các thông số kỹ thuật nói lên chất lượng của chiếc điện thoại?
- 3. Thiết bị Android nào cũng đều giống nhau?
- 4. Nên cài đặt các ứng dụng task killer cho Android?
- 5. Android rất phức tạp đối với đa số người dùng thông thường?
- Tổng kết
1. Android là “mồi ngon” cho virus và các phần mềm độc hại (malware)?
Một trong những lý do mà nhiều người nêu ra để phản đối Android là luôn có vô số mã độc dễ dàng xâm nhập vào hệ điều hành này. Theo họ, chỉ có iPhone với hệ điều hành iOS là an toàn nhất khi đối mặt với virus, còn Android rất dễ bị malware tấn công.
Mặc dù đúng là Android dễ bị nhiễm virus hơn, nhưng thực ra vẫn có các phần mềm độc hại tấn công iPhone và người dùng của cả hai nền tảng này thường sẽ không thể tự phát hiện được các mã độc đó.
Cách quản lý của Google đối với Play Store được cho là “lỏng lẻo” hơn so với Apple và App Store, vì vậy các nhà phát triển có thể đưa ứng dụng của mình lên đó dễ dàng hơn và hacker cũng dễ cài mã độc vào. Tuy nhiên Android vẫn có các biện pháp để bảo vệ người dùng khỏi các ứng dụng nguy hiểm, trong đó quan trọng nhất là tính năng Google Play Protect quét các ứng dụng trên cả Play Store và thiết bị của người dùng.
Nếu phát hiện mã độc, Play Protect sẽ cảnh báo bạn để xử lý, do đó Play Store mặc dù không thực sự hoàn hảo nhưng độ an toàn vẫn cao hơn so với suy nghĩ của nhiều người. Hơn nữa các ứng dụng trên cửa hàng này được đánh giá an toàn đến 99%, mặc dù thỉnh thoảng vẫn phát hiện các app chứa mã độc hoặc lừa đảo người dùng nhưng rất hiếm.
Chỉ cần suy xét cẩn thận trước khi tải ứng dụng – chẳng hạn như không chọn các app có thiết kế sơ sài và xem qua review của mọi người đã dùng app – bạn sẽ đảm bảo điện thoại của mình tránh được mã độc từ Play Store. Ngoài ra có nhiều cách để kiểm tra xem một ứng dụng nào đó có nguy hiểm hay không, và nên cẩn thận trước khi cấp quyền cho app truy cập dữ liệu trên điện thoại.
Hầu hết các phần mềm độc hại xâm nhập vào Android khi tải ứng dụng từ các bên thứ ba hoặc root lại điện thoại. Mã độc thường ẩn chứa trong các app trên trang web hơn là Play Store, và root lại thiết bị sẽ tạo lỗ hổng cho virus tấn công, đặc biệt đối với những người không rành.
Tóm lại: Android tiềm ẩn nhiều rủi ro bảo mật hơn iOS, đặc biệt là khi cài đặt ứng dụng từ các nguồn khác ngoài Play Store. Nhưng các biện pháp kiểm soát của Google có thể bảo vệ người dùng và hầu như sẽ không bị phần mềm độc hại tấn công nếu sử dụng đúng cách.
2. Các thông số kỹ thuật nói lên chất lượng của chiếc điện thoại?
Thực ra thông số kỹ thuật của điện thoại ngày nay đã ít quan trọng hơn so với trước đây. Ở thời kỳ đầu mới phát triển, khi Android chưa được tối ưu hóa tốt, mỗi dòng điện thoại mới ra mắt đều được nâng cấp thêm một chút đặc điểm tốt hơn. Ngày nay thì khác, các thông số kỹ thuật như tốc độ xử lý, RAM và số megapixel của camera có thể gợi ý khái quát về khả năng của chiếc điện thoại, nhưng đó không phải là những khía cạnh quan trọng nhất.
Yếu tố quan trọng nhất của điện thoại ngày nay là trải nghiệm khi sử dụng và có đáp ứng được nhu cầu cụ thể của người dùng hay không. Như đối với iPhone, hầu như chẳng ai quan tâm đến dung lượng RAM của nó mà quan trọng hơn là khả năng chạy mượt mà và cách thiết kế của Apple. Điều này cũng đúng với Android: nhiều RAM và nhiều camera có thể nghe rất “sướng tai”, nhưng nếu camera bị chậm và các phần mềm bị lỗi thì tất cả đều vô nghĩa.
Với Android, người dùng cũng có nhiều sự lựa chọn hơn khi mua điện thoại. Bạn có thể mua một chiếc giá rẻ nếu chỉ cần những tính năng cơ bản, hoặc mua một chiếc cao cấp đắt tiền hơn nếu có điều kiện. Có thể chọn mẫu điện thoại bền chắc, có lỗ cắm tai nghe, hoặc các mẫu khác có tính năng quét vân tay ở mặt trước. Các chi tiết này tạo nên sự độc đáo cho mỗi chiếc điện thoại và không phụ thuộc vào thông số kỹ thuật.
Tóm lại: Mặc dù thông số kỹ thuật cho biết khái quát về khả năng của chiếc điện thoại, nhưng không nói lên tất cả. Các tính năng bổ sung và cảm giác khi sử dụng mới quan trọng hơn nhiều.
3. Thiết bị Android nào cũng đều giống nhau?
Một số người không may mua phải thiết bị Android không tốt, thế là quy chụp cho tất cả những sản phẩm khác có dùng hệ điều hành này. Điều đó không đúng, vì Android có thể bị thay đổi trong quá trình làm ra chiếc điện thoại.
Google cung cấp hệ điều hành Android cho nhiều nhà sản xuất phần cứng, sau đó mỗi hãng sẽ điều chỉnh nó cho phù hợp với sản phẩm của mình. Đó là lý do tại sao điện thoại Samsung Galaxy hoạt động không giống như Motorola, và cũng khác với điện thoại OnePlus, dù tất cả đều chạy Android. Có nhiều yếu tố, từ các icon và ứng dụng được cài đặt sẵn cho đến tên của các mục trong menu cài đặt và các phím tắt đều khác nhau giữa các hãng.
Trái lại, hệ điều hành iOS nhìn chung đều giống nhau với mọi chiếc iPhone, chỉ trừ những khác biệt nhỏ về phần cứng như Face ID và Touch ID hoặc các tính năng được bổ sung trên iPhone đời mới. Nếu bạn không thích iOS trên chiếc iPhone từ vài năm trước thì rất có thể đến bây giờ vẫn vậy, nhưng nếu bạn không thích Android trên điện thoại Samsung thì vẫn có thể thích Android gốc của Google.
Một yếu tốc nữa làm cho Android bị khác nhau là trì hoãn cập nhật phần mềm đối với tất cả các thiết bị không sử dụng Android phiên bản gốc, đây là một trong những nhược điểm lớn nhất của nền tảng này. Các nhà sản xuất chậm đưa ra bản cập nhật Android tới nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, do đó phần lớn người dùng Android không được tiếp cận phiên bản mới nhất.
Những điểm khác biệt đó khiến chúng ta không thể quy chụp tất cả các thiết bị chạy Android. Một chiếc điện thoại Samsung chạy Android 10 sẽ rất khác so với điện thoại Pixel chạy Android 12, không thể dựa vào trải nghiệm của một người để đánh giá cả hai được.
Tóm lại: Do sự điều chỉnh của các hãng sản xuất phần cứng và trì hoãn cập nhật phần mềm nên các thiết bị chạy Android sẽ khác nhau rất nhiều.
4. Nên cài đặt các ứng dụng task killer cho Android?
Task killer là các ứng dụng có chức năng dọn dẹp hệ thống, đóng những ứng dụng khác không thực sự cần thiết có thể làm tốn dung lượng của điện thoại. Một trong những quan niệm sai lầm lớn nhất là bạn nên sử dụng task killer cho Android.
Những ứng dụng kiểu này cực kỳ phổ biến trong giai đoạn đầu khi Android mới xuất hiện, nhưng giờ đây chúng ta đã biết chúng thực sự không giúp ích gì mà còn ảnh hưởng tới hoạt động của thiết bị.
Bản thân Android có khả năng tự quản lý hoạt động của mình rất tốt, việc sử dụng task killer để liên tục đóng các task làm cho các ứng dụng phải tắt đi và khởi động lại, do đó làm tốn tài nguyên của máy. Nếu đã xác định được một ứng dụng không cần thiết hoặc tốn nhiều pin, tốt nhất bạn nên gỡ cài đặt hoặc tắt hẳn nó luôn.
Tương tự như vậy, nhiều người dùng Android (và cả iPhone) có thói quen thường xuyên mở menu “ứng dụng gần đây” và đóng hết các ứng dụng trong đó. Cách này cũng giống như dùng task killer, chỉ gây phản tác dụng. Không nên đóng các ứng dụng liên tục theo cách thủ công như vậy, hệ điều hành của điện thoại có thể tự xử lý vấn đề này.
Menu ứng dụng gần đây là lối tắt để dễ truy cập khi cần dùng. Xóa các ứng dụng khỏi menu này một cách thường xuyên sẽ gây phiền toái, giống như đóng trình duyệt web trên máy tính rồi sau đó phải mở lại khi muốn truy cập trang web.
Tóm lại: Android có thể tự quản lý bộ nhớ của nó mà không cần dùng thêm task killer. Bạn cũng không nên đóng các ứng dụng gần đây quá thường xuyên vì đó là lốt tắt để truy cập nhanh. Các ứng dụng chạy nền không cần thiết sẽ bị Android đóng tự động.
5. Android rất phức tạp đối với đa số người dùng thông thường?
Giống như điều lầm tưởng về mã độc, những người không thích Android thường cho rằng hệ điều hành này cực kỳ khó sử dụng và chỉ có các chuyên gia về lập trình mới dùng được. Thực tế điều này không đúng.
Các phiên bản Android hiện đại đều được thiết kế quy trình cài đặt có hướng dẫn để người dùng hiểu được cách thiết lập ban đầu và tạo các tài khoản, sau đó có thể dễ dàng thực hiện các chức năng thông thường như gọi điện, nhắn tin, lướt mạng, chụp ảnh, v.v. Cài đặt ứng dụng mới cực kỳ đơn giản, chỉ cần tìm trên Play Store rồi nhấn nút. Camera chỉ cần giơ lên là chụp, và các chức năng khác như Tin nhắn, Danh bạ đều không khác biệt so với iPhone.
Menu Cài đặt thoạt nhìn có vẻ phức tạp, nhưng cũng tương tự như iPhone. Đối với những người quen sử dụng hệ điều hành di động khác hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm về công nghệ nói chung, thì Android có thể hơi rối, nhưng không phải là cá biệt. Nếu chưa từng sử dụng smartphone thì bạn cũng sẽ thấy iOS phức tạp giống như vậy thôi.
Nếu vẫn thấy khó sử dụng và muốn tạo giao diện đơn giản cho điện thoại, bạn có thể cài đặt các ứng dụng khởi chạy Android đơn giản hóa và dùng giọng nói để điều khiển Trợ lý Google thực hiện các tác vụ như đặt báo thức, gửi tin nhắn, tính toán, v.v.
Chỉ có một vài thao tác đòi hỏi kỹ thuật cao và nhiều kinh nghiệm mới làm được trên Android như root điện thoại và cài đặt bộ nhớ ROM tùy chỉnh, nhưng đa số người dùng bình thường sẽ không bao giờ phải làm những việc này. Hơn nữa Android luôn tự động cài đặt các bản cập nhật hoặc nhắc bạn cho phép cài đặt, bao gồm cả các bản cập nhật bảo mật dù bạn không dùng phiên bản Android mới nhất.
Tóm lại: Đối với người dùng thông thường, Android không phức tạp hơn so với iOS. Cách cài đặt và khởi chạy các ứng dụng rất đơn giản, giao diện của hầu hết các ứng dụng hiện nay đều khá giống nhau. Android chỉ khó hiểu đối với những người hoàn toàn không biết dùng công nghệ hoặc đã quá quen với hệ điều hành khác.
Tổng kết
Hãy điểm lại những sự thật về Android mà chúng ta đã khám phá:
- Phần mềm độc hại chỉ có thể xâm nhập Android nếu bạn không thực hiện các biện pháp bảo vệ của Google hoặc bỏ qua các thao tác bảo mật cơ bản.
- Thông số kỹ thuật không nói lên hoàn toàn hiệu suất và trải nghiệm khi sử dụng điện thoại Android.
- Các thiết bị Android khác nhau sẽ cho trải nghiệm không giống nhau, nhất là nếu không cùng hãng.
- Các ứng dụng task killer và thói quen đóng ứng dụng gần đây thực ra không tốt cho Android.
- Android không phức tạp hơn so với các hệ điều hành khác.
Bạn có thấy những điều này đúng với chiếc điện thoại Android của mình không? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan:
- Tại sao Google Pixel 6 Pro được coi là điện thoại Android tốt nhất trong tầm giá?
- Điện thoại màn hình gập Samsung Galaxy Z Fold 3 và Z Flip 3 mới ra mắt có gì hấp dẫn?
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị bạn nhé!