Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, có khoảng 11.500 ca ung thư cổ tử cung mới được phát hiện hàng năm tại Hoa Kỳ. Trên phạm vi toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới xếp loại ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ với 604.000 ca mới và 342.000 ca tử vong được báo cáo vào năm 2020. Đây là căn bệnh bắt đầu từ các tế bào cổ tử cung – phần dưới của tử cung nối với âm đạo. Nguyên nhân chính gây ra hầu hết các bệnh ung thư cổ tử cung là do virus papilloma ở người (HPV), một bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến. Tuy nhiên, tin tốt là tiên lượng của ung thư cổ tử cung đã được cải thiện đáng kể nhờ sàng lọc thường xuyên và tiêm vắc-xin HPV. Nhận biết được các dấu hiệu sớm của ung thư cổ tử cung cũng có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn trong việc điều trị.

Tiến sĩ, Bác sĩ Scott Purinton, Trưởng khoa Ung thư phụ khoa và Giám đốc phẫu thuật bằng robot tại Trung tâm Y tế Geisinger ở Danville, Pennsylvania, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện các triệu chứng ung thư cổ tử cung trong một bài viết năm 2023: “Điều quan trọng là phải có mối quan hệ cởi mở và trung thực với bác sĩ phụ khoa của bạn trong suốt cả năm, không chỉ trong cuộc hẹn khám hàng năm. Họ có thể giúp bạn xác định nguyên nhân gây ra bất kỳ triệu chứng mới nào mà bạn nhận thấy”.

Chủ động và cập nhật thông tin về sức khỏe của bạn là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi nhận biết các dấu hiệu ban đầu của ung thư cổ tử cung. Các tổ chức ung thư hàng đầu và các chuyên gia sản phụ khoa đã xác định bảy chỉ số không bao giờ được bỏ qua.

7 dấu hiệu sớm của ung thư cổ tử cung

1. Chảy máu âm đạo bất thường

Được Viện Ung thư Quốc gia công nhận là dấu hiệu ban đầu của ung thư cổ tử cung, chảy máu âm đạo bất thường là một triệu chứng quan trọng cần lưu ý. Điều này có thể biểu hiện dưới dạng chảy máu giữa các kỳ kinh nguyệt, sau khi quan hệ tình dục hoặc trong thời kỳ hậu mãn kinh. Mặc dù thỉnh thoảng ra máu có thể là bình thường nhưng bất kỳ thay đổi đáng kể nào về kiểu chảy máu, chẳng hạn như kinh nguyệt ra nhiều hơn bình thường hoặc ra máu ngẫu nhiên, đều cần được bác sĩ chăm sóc sức khỏe tư vấn ngay lập tức.

Chảy máu âm đạo bất thường
Chảy máu âm đạo bất thường có thể là là dấu hiệu ban đầu của ung thư cổ tử cung (Ảnh: Internet)

2. Khí hư bất thường

Sự thay đổi này có thể bao gồm lượng khí hư tăng bất thường, độ đặc khác nhau (có thể trở nên loãng hoặc đặc hơn bình thường) hoặc thay đổi màu sắc đáng chú ý, có thể có máu hoặc có mùi hôi. Mặc dù khí hư thay đổi tự nhiên ở phụ nữ và trong suốt chu kỳ kinh nguyệt nhưng vẫn cần phải chú ý đến bất kỳ thay đổi bất thường hoặc dai dẳng nào. Báo cáo những thay đổi như vậy với bác sĩ chăm sóc sức khỏe của bạn là điều cần thiết, vì họ có thể cung cấp đánh giá sâu hơn và có khả năng phát hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu, tăng cơ hội điều trị thành công.

Khí hư bất thường
Cần lưu ý khi khí hư bất thường vì đây có thể là dấu hiệu sức khỏe bạn đang không ổn (Ảnh: Internet)

3. Đau khi giao hợp

Theo thuật ngữ y khoa, đau khi giao hợp có thể là dấu hiệu sớm của ung thư cổ tử cung, thường chỉ ra những thay đổi hoặc bất thường ở cổ tử cung. Tiến sĩ Purinton nhấn mạnh mối liên hệ giữa hoạt động tình dục và nguy cơ phơi nhiễm HPV. Ông cảnh báo, “Tôi thường nói với bệnh nhân rằng nếu bạn hoạt động tình dục, vấn đề không phải là bạn có tiếp xúc với HPV hay không mà là khi nào bạn sẽ tiếp xúc với HPV. Đối với hầu hết mọi người, hệ thống miễn dịch của bạn thường sẽ xử lý loại virus này mà bạn không hề biết mình bị nhiễm”. Nếu bạn bị đau khi giao hợp, điều quan trọng là phải thảo luận vấn đề này với bác sĩ chăm sóc sức khỏe của bạn.

Đau khi giao hợp
Đau khi giao hợp có thể là dấu hiệu sớm của ung thư cổ tử cung (Ảnh: Internet)

4. Đau vùng chậu

Không giống như các cơn đau quặn bụng thông thường liên quan đến kinh nguyệt, cơn đau này có thể âm ỉ và liên tục hoặc dữ dội và ngắt quãng, xảy ra ở vùng bụng dưới hoặc vùng chậu. Nó thường báo hiệu rằng ung thư đã phát triển đến kích thước ảnh hưởng đến các mô hoặc cơ quan xung quanh, gây khó chịu hoặc đau đớn. Loại đau vùng chậu này, khi không liên quan đến các nguyên nhân đã biết khác như đau quặn bụng kinh hoặc rụng trứng, cần được chú ý ngay lập tức.

Đau vùng chậu
Đau vùng chậu cần được chú ý ngay lập tức (Ảnh: Internet)

5. Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt

Những thay đổi này có thể bao gồm chu kỳ kinh nguyệt không đều, chảy máu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường, chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn hoặc dài hơn so với chu kỳ kinh nguyệt thông thường của bạn. Trong khi những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt có thể là bình thường đối với nhiều phụ nữ do nhiều yếu tố như căng thẳng hoặc thay đổi nội tiết tố, những thay đổi dai dẳng và không giải thích được trong chu kỳ của bạn lại là dấu hiệu cảnh báo – đặc biệt nếu những thay đổi này đi kèm với các triệu chứng khác như chảy máu bất thường hoặc đau vùng chậu.

Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt
Những thay đổi dai dẳng và không giải thích được trong chu kỳ của bạn có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung (Ảnh: Internet)

6. Đau hoặc sưng chân

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ xác định đau hoặc sưng chân là triệu chứng của ung thư cổ tử cung đang phát triển. Điều này xảy ra khi ung thư cản trở lưu thông máu hoặc dẫn lưu bạch huyết ở vùng chậu, gây khó chịu ở chân. Mặc dù phổ biến hơn ở giai đoạn sau nhưng tình trạng đau hoặc sưng chân dai dẳng, đặc biệt là nếu không rõ nguyên nhân, cần được chuyên gia chăm sóc sức khỏe đánh giá kịp thời.

Đau hoặc sưng chân
Đau hoặc sưng chân có thể là triệu chứng của ung thư cổ tử cung đang phát triển, xảy ra phổ biến hơn ở các giai đoạn sau (Ảnh: Internet)

7. Thay đổi về đường tiết niệu hoặc đường ruột

Những thay đổi về thói quen đi tiểu hoặc đi tiêu có thể là dấu hiệu cho thấy ung thư cổ tử cung đang ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận. Điều này có thể biểu hiện dưới dạng khó tiểu, có máu trong nước tiểu hoặc thay đổi về kiểu đi tiêu.

Thay đổi về đường tiết niệu hoặc đường ruột
Thay đổi về đường tiết niệu hoặc đường ruột có thể là dấu hiệu cho thấy ung thư cổ tử cung đang ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận (Ảnh: Internet)

Các biện pháp phòng ngừa sức khỏe cổ tử cung

“Hiểu biết về ung thư cổ tử cung là một phần quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh” – Tiến sĩ Purinton cho biết, dĩ nhiên, phòng ngừa cũng quan trọng như phát hiện sớm. Thực hiện xét nghiệm Pap thường xuyên và sàng lọc HPV là bước cơ bản để phòng ngừa căn bệnh này. Vaccine HPV, mặc dù được khuyến nghị đặc biệt cho những người trẻ tuổi, vẫn là một biện pháp phòng ngừa quan trọng cho đến 26 tuổi, bảo vệ chống lại các chủng HPV thường liên quan đến ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, các biện pháp tình dục an toàn như sử dụng bao cao su, bỏ hút thuốc và duy trì lối sống lành mạnh cũng rất quan trọng để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Nội dung bài viết được dịch từ nguồn: 7 Early Signs of Cervical Cancer, According to an OBGYN của Tiến sĩ Patricia Varacallo, DO trên The Healthy

Bạn có thể quan tâm:

Xem thêm

5 loại thực phẩm phổ biến mà người bị bệnh gút không nên ăn

Bệnh gút là một dạng viêm khớp gây sưng và đau đột ngột ở các khớp như khớp ngón chân, bàn chân, mắt cá, đầu gối, cổ tay, khuỷu tay,... Nguyên nhân của bệnh là do rối loạn chuyển hóa purin làm tăng Acid uric máu dẫn đến ứ đọng tinh thể muối Urat tại khớp gây viêm khớp. ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận