Theo một nghiên cứu mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC), trẻ em và thanh thiếu niên ở Mỹ đã tăng cân nhiều hơn kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, trong đó đáng chú ý nhất là trẻ em trong độ tuổi đi học và những trẻ đã béo phì từ trước.

Trẻ em và thanh thiếu niên tăng cân nhiều hơn trong đại dịch COVID-19

Nghiên cứu được công bố hôm 16/9 vừa rồi, trong đó đối tượng được khảo sát là 432.302 người ở độ tuổi từ 2 đến 19 tuổi. Kết quả cho thấy tỷ lệ trẻ em và thanh thiếu niên béo phì đã tăng lên: 22% so với 19% trước đại dịch. Tiến sĩ Alyson Goodman thuộc Trung tâm Quốc gia về Phòng ngừa Bệnh mãn tính và Nâng cao Sức khỏe của CDC và là một trong những tác giả của nghiên cứu, đã gọi kết quả này là “đáng kể và đáng báo động.”

Đại dịch làm cho trẻ em dễ bị tăng cân (Ảnh: Internet).
Đại dịch làm cho trẻ em dễ bị tăng cân (Ảnh: Internet).

Phương pháp đánh giá béo phì được sử dụng ở đây là so sánh chỉ số khối cơ thể (BMI) của các đối tượng ở hai khoảng thời gian khác nhau: từ 01/01/2018 đến 29/02/2020 (trước đại dịch) và từ 01/3/2020 đến 30/11/2020 (trong đại dịch).

Kết quả cho thấy: đối với trẻ béo phì nghiêm trọng, mức tăng cân dự kiến hằng năm đã ​​tăng từ 4 kg lúc trước đại dịch lên 6,6 kg vào tháng 8 năm 2020. Đối với trẻ béo phì vừa phải, mức tăng cân dự kiến ​​trước đại dịch là 3 kg thì nay là 5,4 kg. Ngay cả những trẻ có cân nặng bình thường trước đại dịch cũng có tỷ lệ tăng cân hằng năm tăng 0,9 kg: từ 1,5 kg lên 2,4 kg.

Tại sao trẻ em bị tăng cân nhiều hơn trong thời gian này? (Ảnh: Internet).
Tại sao trẻ em bị tăng cân nhiều hơn trong thời gian này? (Ảnh: Internet).

Theo các tác giả, “việc đóng cửa trường học, phá vỡ các thói quen, gia tăng căng thẳng và ít cơ hội để hoạt động thể chất và dinh dưỡng hợp lý” có thể là những yếu tố chính dẫn đến tăng cân ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Nghiên cứu cho biết: “Những phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực ngăn ngừa tăng cân quá mức trong và sau đại dịch COVID-19, cũng như trong các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trong tương lai”.

Hồi tháng 8 vừa qua, Tiến sĩ Sandra Hassink, giám đốc y tế của Viện Nhi khoa Mỹ về Cân nặng Khỏe mạnh của Trẻ em, nói rằng việc đóng cửa trường học, thay đổi thói quen đi ngủ và hoạt động thể chất hằng ngày, cùng với căng thẳng và giãn cách xã hội trong đại dịch đã tạo điều kiện “hoàn hảo” dẫn đến tăng cân. Bà cho rằng tất cả mọi người đều đang gặp phải vấn đề này: cả trẻ em có cân nặng bình thường và trẻ béo phì ở mọi mức độ.

Trường học đóng cửa là nguyên nhân khách quan làm trẻ dễ bị tăng cân (Ảnh: Internet).
Trường học đóng cửa là nguyên nhân khách quan làm trẻ dễ bị tăng cân (Ảnh: Internet).

Cả người lớn cũng có thể bị ảnh hưởng. Công ty Harris Poll hồi tháng 2 năm nay thay mặt cho Hiệp hội Tâm lý Mỹ đã khảo sát 3.013 người lớn từ 18 tuổi trở lên về một số trải nghiệm của họ trong đại dịch. Kết quả: 61% cho biết đã bị tăng cân không mong muốn kể từ đầu tháng 3 năm 2020, mức tăng trung bình là khoảng 6,8 kg.

Rất nhiều yếu tố góp phần làm trẻ em tăng cân trong thời gian đại dịch

Một nghiên cứu khác được công bố hồi tháng 8 trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) bởi một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Michigan và Kaiser Permanente Nam California cũng đưa ra kết luận tương tự. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử của gần 200.000 trẻ em từ 5 đến 17 tuổi để theo dõi mức tăng cân trong thời gian đại dịch. Đây được coi là một trong những nghiên cứu lớn nhất về vấn đề này.

Kết quả cho thấy mức tăng cân nhiều nhất là ở trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, tăng trung bình hơn 5 kg. Con số này tương đương với 12,5% cân nặng của trẻ 5 tuổi bình thường (khoảng 18 kg), và 6% đối với trẻ 11 tuổi bình thường (khoảng 37 kg).

Trẻ nhỏ bị tăng cân nhiều hơn trẻ lớn (Ảnh: Internet).
Trẻ nhỏ bị tăng cân nhiều hơn trẻ lớn (Ảnh: Internet).

Cũng theo nghiên cứu, trước đại dịch có khoảng 36% trẻ em 5-11 tuổi bị coi là thừa cân hoặc béo phì, hiện nay đã tăng lên 45,7%. Các tác giả kết luận: “Tăng cân đáng kể xảy ra trong đại dịch COVID-19 ở lứa tuổi trẻ tại Kaiser Permanente Nam California, đặc biệt là ở những trẻ nhỏ nhất.”

Theo Barry Popkin, nhà nghiên cứu béo phì tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Bắc Carolina, nghiên cứu này cho thấy thực tế đáng báo động là “sự thay đổi lớn như thế nào trong một khoảng thời gian rất ngắn”. Ông cho biết thêm rằng khoảng 15 nghiên cứu khác ở cả các quốc gia có thu nhập cao và thấp cũng phản ánh xu hướng tương tự về vấn đề béo phì ở trẻ em do đại dịch gây ra.

Vấn nạn trẻ em béo phì đang xảy ra trên khắp thế giới (Ảnh: Internet).
Vấn nạn trẻ em béo phì đang xảy ra trên khắp thế giới (Ảnh: Internet).

Kết quả nói trên cũng cho thấy ở nhóm tuổi nhỏ nhất sự gia tăng béo phì trong 1 năm đại dịch đã cao hơn mức tăng trong 20 năm qua. Ở những trẻ 12-15 tuổi, mức tăng béo phì trong đại dịch tương đương với mức tăng trong 20 năm qua. Còn ở nhóm tuổi 16-17, mức tăng cân trong 1 năm đại dịch bằng khoảng một nửa mức tăng trong 20 năm qua.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu là do thói quen ăn uống và vận động. Trẻ em ở trường phải ngồi trước máy tính, và khi giãn cách xã hội thì lại ngồi lỳ ở nhà. Quan trọng hơn là các loại đồ ăn vặt chế biến sẵn, thực phẩm giàu calo, chất béo bão hòa và cho thêm đường. Những mặt hàng này đã tăng doanh số nhiều hơn bất kỳ thứ gì khác.

Thực phẩm là nguyên nhân quan trọng gây ra "đại dịch" béo phì ở trẻ em (Ảnh: Internet).
Thực phẩm là nguyên nhân quan trọng gây ra “đại dịch” béo phì ở trẻ em (Ảnh: Internet).

Đây là tin xấu nhưng có lẽ không bất ngờ lắm. Lorrene Ritchie, chuyên gia về chính sách dinh dưỡng ở California (Mỹ), cho biết: trước khi có COVID-19, các nghiên cứu đã cho thấy học sinh có xu hướng tăng cân trong mùa hè khi không đến trường. “Chúng có xu hướng tăng cân với tốc độ nhanh, sau đó trong năm học chỉ số khối cơ thể của chúng giảm xuống, nhưng không nhiều, vì vậy theo thời gian trẻ ngày càng thừa cân và béo phì hơn.”

Theo chuyên gia Ritchie, học sinh tăng cân trong mùa hè là do không còn giờ giải lao, không còn thể thao trong trường học cũng như không vận động khi đi đến trường và nói chuyện. Các nghiên cứu cũng thấy rằng bữa ăn ở trường thường lành mạnh hơn so với đồ ăn mà trẻ mang từ nhà tới. Ngoài ra trẻ em ở trường chỉ ăn bữa sáng và bữa trưa, còn khi ở nhà nghỉ hè trẻ thường ăn không kiểm soát suốt cả ngày.

Ăn uống không kiểm soát và "dán mắt" vào các màn hình làm trẻ dễ bị béo phì (Ảnh: Internet).
Ăn uống không kiểm soát và “dán mắt” vào các màn hình làm trẻ dễ bị béo phì (Ảnh: Internet).

Các hãng đồ ăn vặt cũng có nhiều cơ hội quảng cáo cho trẻ em trong thời kỳ đại dịch bởi trẻ dành nhiều thời gian hơn cho các màn hình. Theo chuyên gia Ritchie, thị trường thực phẩm hiện nay không hẳn là những thứ mà chúng ta thực sự cần. Các hãng thực phẩm luôn tìm cách để người dùng nạp thêm nhiều calo và tạo thói quen ăn uống bất cứ khi nào có sẵn đồ ăn.

Gia đình và xã hội cần quan tâm phòng ngừa béo phì cho trẻ em

Marion Nestle, giáo sư dinh dưỡng tại Đại học New York, nói rằng sự tăng cân của trẻ em trong đại dịch cũng có thể bắt nguồn từ việc cha mẹ đã quá mệt mỏi đến nỗi không thể quan tâm đến những thứ mà con mình đang ăn và cũng không theo dõi cân nặng thường xuyên.

Gia đình đóng vai trò quan trọng giúp trẻ tránh béo phì (Ảnh: Internet).
Gia đình đóng vai trò quan trọng giúp trẻ tránh béo phì (Ảnh: Internet).

Theo các chuyên gia đứng sau các nghiên cứu nói trên, thông điệp dành cho các bậc phụ huynh, nhà trường và nhà chức trách là cần có các chính sách và biện pháp can thiệp để khuyến khích trẻ em hoạt động tích cực, mở cửa các công viên và khuyến khích sử dụng thực phẩm tốt cho sức khỏe.

Để ngăn ngừa vấn nạn béo phì của trẻ em cần sự tham gia của nhiều lĩnh vực, bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ y tế thường xuyên theo dõi cân nặng của trẻ, các cơ quan đảm bảo an ninh lương thực và tổ chức các chương trình chăm sóc sức khỏe trẻ em ở cộng đồng và trường học để khuyến khích trẻ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất và phòng chống các bệnh mãn tính.

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

Biến thể R.1 có nguy cơ kháng vaccine COVID-19, khiến các chuyên gia phải theo dõi sát sao

Trong lúc đại dịch COVID-19 vẫn đang khiến cả thế giới điêu đứng vì biến thể Delta thì mới đây đã xuất hiện tin tức về một biến thể virus khác đang lan rộng và có nhiều điểm đáng chú ý, đặc biệt là nguy cơ kháng vaccine COVID-19.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận